Cô gái khiếm thị từ chối tuyển thẳng thử sức thi ĐH

Giáo dụcThứ Ba, 09/07/2013 11:16:00 +07:00

Ước mơ trở thành nhà báo thôi thúc cô gái khiếm thị Lê Thị Trang vượt lên chính mình để thực hiện hoài bão cuộc đời.

Ước mơ trở thành nhà báo thôi thúc cô gái khiếm thị Lê Thị Trang vượt lên chính mình để thực hiện hoài bão cuộc đời.

Mặc dù đã được trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển thẳng vào khoa Tâm lý sư phạm nhưng mơ ước trở thành một nhà báo luôn thôi thúc em trong cuộc hành trình vượt lên chính mình để thực hiện hoài bão của cuộc đời.

khiếm thị, thi đại học, lê thị trang, vượt lên chính mình
 Lê Thị Trang ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi đại học - Ảnh VGP/Thanh Thủy
Căn bệnh võng mạc sắc tố tức là thiếu Vitamin A bẩm sinh đã làm cho thị lực của Lê Thị Trang ở Tổ 4, Ấp 6, Hương Hòa, Bến Cát, Bình Dương theo thời gian.

Tới năm lớp 4, mắt em trở nên yếu hẳn. Bác sỹ nói mắt em cận tới 20 độ. Em viết chỉ theo quán tính. Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp y học nào chữa căn bệnh này.


Trang là chị cả của 2 em trong một gia đình nghèo, mẹ là công nhân chăm sóc cao su còn bố thì làm công, không có công việc ổn định.

Ngay từ cấp 2, Trang luôn ý thức  rằng chỉ có học giỏi thì mới có tương lai và giúp đỡ cha mẹ.


Biết con gái rất ham học và có ý chí, bố mẹ của Trang quyết tâm cho con theo đuổi học hành đến cùng cho dù vất vả tới đâu. Vì vậy Trang đã được bố mẹ đưa lên học tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM.

Cho dù nhà trường đã hỗ trợ 100% tiền học phí và lo chỗ ở nhưng tiền ăn, sách vở là gánh nặng rất lớn đối với bố mẹ Trang. Chính điều đó càng thôi thúc em học. Kết quả từ năm lớp 9 đến lớp 12, Trang luôn là học sinh giỏi với điểm tổng kết các môn từ 8 đến 9 điểm.

Ngay từ những ngày đầu cấp 3, Trang luôn ước mơ trở thành nhà báo, là một biên tập viên để có thể làm được các chương trình từ thiện, để thắp sáng ước mơ cho những người có hoàn cảnh khó khăn vượt lên số phận.

 

Hiện nay nhà trường có 7 em được tuyển thẳng vào các trường như Đại học Sư phạm TP.HCM và ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Có 1 em đã dự thi vào đợt 1 và 4 em sẽ dự thi đợt 2 của kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2013. Trong đó có Trang và một em nữa được nhận vào cả 2 trường Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Cô Nguyễn Thị Quế Hương, Hiệu phó trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM
 
Trang cho biết, khi đến trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM nộp hồ sơ xin xét tuyển, các thầy cô trong khoa Báo chí đã phân tích và chỉ cho Trang thấy những khó khăn của nghề báo.

Đối với những người bình thường đã là một nghề vất vả, còn với những người khiếm thị như Trang thì khó khăn này còn nhân lên nhiều lần.


Tuy nhiên, lòng say mê, ý chí quyết tâm của Trang đã thuyết phục được thầy trưởng khoa. Sau khi xem hồ sơ của Trang với kết quả 3 môn Văn, Sử, Địa trên 8 điểm cùng với những bài báo tường mà Trang đã thực hiện ở trường, thầy đã đồng ý nhận, xem xét hồ sơ của Trang.

Để thử sức chính mình, Trang đã làm hồ sơ thi vào khoa Xã hội học của trường Đại học Mở TP.HCM. Sáng 8/7, phòng thi đặc biệt của trường đã làm thủ tục cho 4 thí sinh đặc biệt là những thí sinh khiếm thị.

Theo Trang, phòng thi này sẽ có 8 giám thị. Môn Toán, môn Văn làm bài bằng chữ nổi. Môn tiếng Anh, mỗi thí sinh sẽ được từng giám thị đọc cho nghe đề. Sau khi các em đưa ra đáp án, giám thị sẽ là người đánh dấu vào bài trắc nghiệm cho các em.


Đến chiều 8/7, Trang được cô Nguyễn Thị Quế Hương, Hiệu phó trường trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, thông báo đã được tuyển thẳng vào khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Đã có tên trong danh sách vào 2 trường đại học, nhưng ngày mai 9/7, cô bé khiếm thị với ước mơ cháy bỏng sẽ trở thành nhà báo sẽ có mặt trong kỳ thi tuyển đại học đợt 2 khối D1 để thử sức mình.

Thầy Tạ Quang Lâm, Trưởng Phòng đào tạo, trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, sau khi nhận được đơn của các trường xin xét tuyển cùng kết quả học tập của các thí sinh xin dự xét, có nhận xét của trưởng khoa chuyên môn mà thí sinh dự xét, Phòng đào tạo sẽ xét và trình hiệu trưởng ra quyết định.

Được biết, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM quy định các học sinh được xét tuyển phải có học lực từ khá trở lên. Riêng trường Đại học KHXH&NV TP.HCM thì ngoài học lực khá 3 môn học của 3 môn thi đại học phải có điểm tổng kết từ 7,0 trở lên.

Trong quá trình học tại đại học, sinh viên khiếm thị sẽ học chữ nổi và ghi âm bài giảng để về nghe lại. Tuy nhiên, để theo học được ở môi trường của các bạn bình thường, ngoài nỗ lực và nghị lực của chính các em khiếm thị cũng rất cần sự hỗ trợ hết mình của nhà trường, các thầy cô và bạn bè trong lớp.



Theo Chinhphu.vn
Bình luận
vtcnews.vn