Cô gái gốc Việt làm rạng danh đất nước ở xứ người

Giáo dụcThứ Sáu, 06/09/2013 07:18:00 +07:00

Nguyễn Ngọc Trâm - cô gái lớn lên trong xã hội đen tại Úc nhưng có một học bổng mang tên mình, cô gái khiếm thị trở thành Vua đầu bếp Mỹ...mang dòng máu Việt.

Nguyễn Ngọc Trâm - cô gái lớn lên trong xã hội đen tại Úc nhưng có một học bổng mang tên mình, cô gái khiếm thị trở thành Vua đầu bếp Mỹ hay nữ sinh suýt bị ngồi tù Diane Trần đều mang dòng máu Việt.


Bằng nghị lực, sự quyết tâm và tài năng của mình, trong năm qua, không ít cô gái gốc Việt đã làm rạng danh đất nước bởi những dấu ấn đẹp mà họ đã để lại trên xứ người.

Cô nữ sinh nghị lực và tự trọng


Cô gái gốc Việt Diane Trần đã từng bị bỏ tù vì nghỉ học quá quy định. Nhưng câu chuyện của cô đã gây xúc động và nhận được sự cảm phục của nhiều người.

Định cư tại Mỹ, Diane sinh ra trong gia đình cha mẹ ly dị. Vì vậy, cô gái này vừa học vừa phải làm một lúc hai công việc để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Có những đêm cô phải thức đến 7h sáng để làm bài tập. Công việc quá vất vả khiến Diane thường xuyên đi học muộn, nghỉ học. Do đó, Diane Trần đã bị xử tù 1 ngày, đóng phạt 100 USD vì đã bỏ học 18 ngày.

Cô gái nghị lực và tự trọng Diane Trần.
Cô gái nghị lực và tự trọng Diane Trần. 
Dù thường xuyên phải nghỉ học nhưng cô nữ sinh 17 tuổi vẫn đạt được những thành tích đáng nể trong học tập (đạt điểm A cho 3 lớp AP – lớp trình độ cao) và nhiều khả năng sẽ tốt nghiệp phổ thông gần đứng đầu lớp.

Bản án được đưa ra đã làm dấy lên một làn sóng phản đối từ dư luận bởi hoàn cảnh của cô nữ sinh này rất đáng thông cảm. Nhờ vậy, vào tháng 6/2012, Diane Trần đã được chánh án đồng ý xóa đi hồ sơ tội phạm trong lý lịch cá nhân của mình.

Sau vụ việc, một tổ chức gây quỹ đã quyên góp được 100.000 USD để giúp đỡ Diane Trần, tuy nhiên cô gái từ chối với lý do “còn nhiều trẻ em khó khăn hơn tôi”.

Câu chuyện về cô gái gốc Việt chăm chỉ, nghị lực và đầy tự trọng đã khiến rất nhiều người cảm động và khâm phục. Nhiều người cho rằng một tấm gương như vậy lẽ ra cần ca ngợi và vinh danh thay vì bị phạt và bỏ tù.

Nữ nhà văn trẻ tài năng


Nguyễn Thùy Linh là một cô gái Việt Nam hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Séc và năm 2012 là năm thứ 2 liên tiếp cô gái này giành giải nhất trong cuộc thi văn học Filip Venclík.

Sinh ra và lớn lên ở Séc, cô gái 18 tuổi này hiện đang học trường Gymnázium Ostrov. Với những tác phẩm văn học bằng tiếng Séc, Thùy Linh cho biết cô chỉ viết chúng vào phút chót, chỉ vài tiếng trước khi gửi đi – một thói quen rất thú vị của cô gái tài năng gốc Việt.
Nguyễn Thùy Linh.
Nguyễn Thùy Linh. 

Cô gái có khuôn mặt đậm chất Á Đông này chia sẻ rằng cô thấy xấu hổ khi giỏi tiếng Séc hơn tiếng Việt, vì thế cô quyết định học tiếng mẹ đẻ. “"Tiếng Việt có nhiều dấu ngã, sắc, chấm và sự kết hợp giữa chúng. Chỉ cần thay đổi âm ngữ là có từ khác ngay, kể cả từ bậy bạ. Một lần tôi đã nhầm như vậy" – Thùy Linh vui vẻ chia sẻ.

Chủ nhân giải thưởng 100.000 đô la

Chiến thắng trong một cuộc thi kiến thức nổi tiếng trên truyền hình, cô gái Thiều Kim Ngân đã nhận được số tiền thưởng 100.000 đô la.

Là người gốc châu Á đầu tiên, cũng là thí sinh trẻ tuổi nhất cuộc thi kiến thức nổi tiếng trên truyền hình Mỹ Jeopardy, Thiều Kim Ngân đã giành ngôi vô địch với phần thưởng trị giá lên tới 100.000 USD.

Kim Ngân đã đánh bại 2 đối thủ khác khi trả lời chính xác câu hỏi “Liệt kê theo thứ tự ABC tên 14 nước có đường biên giới chung với Trung Quốc”.
Thiều Kim Ngân.
Thiều Kim Ngân. 
Hiện đang theo học tại Học viện Toán và khoa học Texas, cô gái trẻ tâm sự rất vui khi có một số tiền lớn để chi trả học phí đại học. Kim Ngân cho biết cô tự tin vào khả năng của mình khi đăng kí tham gia chương trình, nhưng không nghĩ rằng mình có thể chiến thắng.

Dù lớn lên ở nước ngoài nhưng những cô nữ sinh này vẫn luôn cố gắng học tập và nung nấu ước muốn xây dựng giúp đỡ quê hương.

Nữ sinh đa tài

Janneinne Lê, hiện đang học lớp 12 tại trường trung học Mater Dei (Mỹ), vừa được bình chọn là học sinh "Scholar-Athlete" trong tuần vừa qua với các thành tích xuất sắc về học vấn và thể thao.

Ngay từ khi mới 14 tuổi, cô đã giúp cho đội Decathlon của trường thắng giải nhất toàn tiểu bang California. Đây là một cuộc thi dành cho các em học sinh xuất sắc từ các trường, bao gồm mười bài thi khác nhau cho các bộ môn học, và toán học thường là bộ môn được ra đề khó nhất.
 Janneinne Lê.
Janneinne Lê. 

Ngoài việc theo học các lớp nâng cao, Jannienne Lê dành nhiều thời gian để luyện tập golf và thi đấu cho trường. Số lượng học sinh đạt thành tích cao trong lớp học không hiếm trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nhưng vừa học giỏi vừa tham gia thi đấu thể thao ở các giải lớn thì không nhiều và trong số đó có Janneinne Lê.

Cô nữ sinh này có thể nói và đọc tiếng Việt. Cô mơ ước trở thành bác sĩ để giúp các em nhỏ mồ côi ở Việt Nam.

Học bổng Úc mang tên cô gái Việt

Nguyễn Ngọc Trâm đến Sydney khi còn là một đứa trẻ. Trâm lớn lên trong xã hội đen tại Cabramatta với ma túy và tội phạm. Cơ duyên đã đến với cô khi cô gặp giáo sư David Dixon, trưởng khoa Luật khi ông tiến hành một nghiên cứu về cảnh sát ở Cabramatta.

Ông nhận ra rằng Trâm là một cô gái đặc biệt. Mặc dù cô không được học hành tử tế nhưng năng lực và trí tuệ của cô ngang bằng với những học sinh ưu tú, tài năng tại trường Luật.

Trâm trở thành trợ lý nghiên cứu của dự án và là đồng tác giả trong đề tài: “Anh Hai: Nhận thức và trải nghiệm của cộng đồng người gốc Á về cảnh sát.”
Nguyễn Ngọc Trâm.
Nguyễn Ngọc Trâm. 

Mơ ước của cô là trở thành luật sư và người lãnh đạo cộng đồng để giúp đỡ cho bạn bè và cộng đồng của mình. Tuy nhiên, Trâm chưa thể hoàn thành tâm nguyện của mình bởi một vụ tai nạn ô tô đã cướp đi sinh mạng của cô gái trẻ tài năng này.

Năm 2011, Giáo sư Dixon thành lập một quỹ học bổng mang tên Nguyễn Ngọc Trâm dành cho những người gặp khó khăn như cô, để giúp đỡ họ trong quá trình học tập tại trường Luật, UNSW.

Trong hơn một năm qua, học bổng đã quyên góp được 125.000 đô la Úc từ hơn 100 cựu sinh viên, các hãng luật và giảng viên tại trường Luật dành cho một sinh viên trong suốt 5 năm học.

Cô gái mù trở thành "Vua đầu bếp" Mỹ

Christine Hà, cô gái người Mỹ, gốc Việt vừa là người khiếm thị đầu tiên trở thành Vua Đầu bếp mùa thứ 3- một cuộc thi nấu ăn uy tín của Mỹ

Cô có một tuổi thơ yên bình tại Lakewood trước khi gia đình chuyển tới Houston, Texas. Nhưng, năm cô 19 tuổi, khi đang học đại học Houston, thế giới dường như đã hoàn toàn sụp đổ trước mắt khi cô bị mất gần như hết thị lực.

Ban đầu, các bác sĩ đã không thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến triệu chứng liệt kì lạ của cô, sau đó họ cho rằng cô mắc một hội chứng viêm não.

Không dễ dàng khi mất đi thị lực và Hà tâm sự rằng, cô đã phải trải qua một khoảng thời gian đau khổ, căng thẳng. Và rồi cô quyết định phải sống để thích ứng, để tiến lên và hướng về phía trước.
Cô gái khiếm thị Christine Hà trở thành Vua đầu bếp Mỹ vào tháng 9 năm 2012.
Cô gái khiếm thị Christine Hà trở thành Vua đầu bếp Mỹ vào tháng 9 năm 2012. 

Nấu ăn đã đến với cô như một điều tự nhiên, bởi vì nếu không nấu ăn thì sẽ thật tốn kém với một nữ sinh viên đại học. Sau một thời gian tập làm theo các công thức nấu ăn trong sách, Hà nhận ra rằng nấu ăn không đơn giản để ăn mà còn để thưởng thức.

Christine Hà phải sử dụng gậy để di chuyển và luôn phải có người trông chừng khi cô đi tới những nơi không quen thuộc. Tuy nhiên, Christine Hà đã không từ bỏ ước mơ trở thành đầu bếp. Trong khoảng thời gian làm quen với bóng tối, cô cũng quen với các cách thức sử dụng mũi, lưỡi, tai để nấu ăn.

Trước khi tham gia cuộc thi này, Christine Hà được biết tới là một người có chuyên môn về ẩm thực và là biên tập viên cho Gulf Coast - một tạp chí văn học và nghệ thuật của Mỹ. Cô còn từng nhận được học bổng BBA (Cử nhân quản trị kinh doanh) tại Đại học Texas nhưng phải dừng việc học vì căn bệnh về mắt vào năm 2001.

Hiện nay, Christine Hà đang theo học trường đại học Houston để lấy bằng cử nhân viết văn. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô muốn phát hành một cuốn hồi ký và mở nhà hàng ăn cao cấp nơi sử dụng những nguyên liệu thức ăn đặc trưng của Việt Nam.


Theo Infonet

Bình luận
vtcnews.vn