Cô gái đến từ Art Doll

Tổng hợpThứ Hai, 11/07/2011 01:58:00 +07:00

Hằng tự nhận cô không phải một nghệ nhân mà là một nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật theo cách của riêng mình…

   Mỗi tác phẩm đều giống như một đứa con được cô nâng niu chăm chút từ lúc hình thành, thai nghén cho đến khi chào đời. Hằng tự nhận cô không phải một nghệ nhân mà là một nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật theo cách của riêng mình…

 

Đam mê lớn lên từng ngày

Trần Thu Hằng tốt nghiệp trường Đại học Mĩ Thuật Việt Nam năm 2009, chuyên ngành hội họa. Nhưng cô gái xinh đẹp này đã không chọn con đường trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, mà đã chọn cho mình một con đường khác mới mẻ và cũng nhiều khó khăn vô cùng. Đó là art doll – búp bê nghệ thuật.

Ngay từ khi còn nhỏ, Thu Hằng đã đặc biệt yêu thích búp bê. Càng lớn, sự quan tâm của cô dành cho búp bê càng nhiều. Đặc biệt là loại búp bê Hina. Một loại búp bê của Nhật bản, một biểu tượng của vua, hoàng hậu và giới quý tộc Nhật bản trước kia. Búp bê Hina là những đồ vật trang trọng, được truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ. Chúng được trưng bày trong căn phòng đẹp nhất của gia đình một vài ngày trong kỳ lễ hội và sau đó được cất giữ cẩn thận trong hộp cho đến kỳ lễ hội của năm sau. Trong những gia đình khá giả, bố mẹ cũng thường mua tặng cho con gái mới sinh của họ một bộ búp bê Hina. Một bộ búp bê Hina gồm có ít nhất 15 trang phục truyền thống, được làm rất tinh xảo từ nhiều chất liệu.

 
Hằng đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu và vẽ lại hình ảnh những con búp bê Hina này theo trí tưởng tượng của mình. Từ khi ấy cô đã nuôi dưỡng ước mơ được trở thành một nghệ sĩ làm búp bê thực sự.

Hằng bắt đầu làm búp bê nghệ thuật từ năm 2006. Cô tâm sự rằng trong một lần đi xem một lễ hội búp bê Hina Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam, Hằng đã quyết định tự mày mò làm những con búp bê cho riêng mình. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu với vốn kiến thức và kinh nghiệm quá ít ỏi, Hằng không thể tự làm một con búp bê mà chỉ có thể làm một chiếc ghế dựa đơn giản hoàn toàn bằng gỗ. Cô tự đục, tự mài gỗ. Lúc mới bắt đầu mới thấy gỗ sao mà cứng thế. Cô hì hụi suốt gần hai tuần mới làm xong sản phẩm đầu tiên, với một niềm hạnh phúc vô cùng.

Sau sản phẩm đầu tiên đó, Hằng càng cảm thấy yêu và thích thú hơn với búp bê nghệ thuật. Cô tiếp tục tìm kiếm và bắt tay vào sáng tạo thực sự.

Khi lân la lên mạng tìm hiểu, Hằng mới bật cười vì mình quá ngây thơ khi nghĩ rằng mình là người đầu tiên làm loại búp bê bằng gỗ này. Hằng phát hiện ra rằng, ở trên thế giới đã có cả một bộ môn nghệ thuật về loại búp bê mà cô đang muốn theo đuổi. Nó có tên gọi là Art doll – búp bê nghệ thuật. Búp bê nghệ thuật chính là sản phẩm của người sáng tạo mang dấu ấn của những người nghệ sĩ chứ không phải đơn giản như những loại búp bê mà trẻ con vẫn thường chơi. Trên thế giới, loại hình búp bê nghệ thuật đã phát triển một cách chuyên nghiệp. Búp bê không chỉ được làm bằng gỗ mà còn nhiều chất liệu khác như len, lụa, polymer, giấy, vỏ cây, đất sét, sáp… Mỗi loại chất liệu đều có một bản sắc đậm nét khác nhau nhau. Và Hằng quyết định vẫn chọn gỗ làm chất liệu chủ đạo cho những tác phẩm của mình.

Bắt tay vào làm, Hằng mới thấy hết được những khó khăn và kì công khi tạo ra một sản phẩm tưởng chừng như rất dễ dàng. Hơn nữa, búp bê nghệ thuật lại quá mới mẻ ở Việt Nam, nên Hằng không có những người đi trước để có thể trao đổi hay học hỏi. Tất cả mọi điều, cô đều phải tự tìm hiểu, tự hoàn thành. Vừa theo học hội họa ở trường, Hằng vừa tự mày mò những kiến thức về điêu khắc để trợ giúp cho công việc của mình. Cũng bởi vì theo Hằng, búp bê nghệ thuật là sự kết hợp chặt chẽ giữa bố cục của hội họa và đường nét của điêu khắc. Nếu tách rời chúng ra thì búp bê làm ra không thể được xem là một tác phẩm búp bê nghệ thuật thực sự.

Càng theo đuổi búp bê nghệ thuật, Hằng càng say mê, và cố gắng hết khả năng của mình. Ngày ngày cô vẫn nuôi dưỡng niềm say mê đó bằng sự sáng tạo không hề ngừng nghỉ. Hiện nay, bộ sưu tầm búp bê nghệ thuật của Hằng đã lên đến con số hai  mươi. Dù không nhiều, nhưng nó đánh dấu một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài và say mê của Thu Hằng.

 

Tôi không phải là một nghệ nhân

Hằng sống khá tự do và phóng khoáng. Tuy nhiên, trong công việc cô lại vô cùng nghiêm khắc. Đặc biệt, đối với Art doll, không những cần sự sáng tạo đột phá mà còn cần cả sự tỉ mỉ, cẩn trọng từng chút một. Nhìn những con búp bê được xếp trong tủ kính của Hằng chắc không ai nghĩ Hằng đã phải mất hàng năm trời để hoàn thành.

Ngay từ khi có ý tưởng trong đầu, Hằng phác thảo nhanh ra giấy rồi bắt đầu làm từ những gì đơn giản, nhỏ bé nhất. Hằng tự tay khâu, may, cưa, mài, đẽo, đục, gọt, phun sơn… Cũng có nhiều người hỏi Hằng, tại sao bây giờ phát triển hơn, được nhiều người biết đến hơn mà Hằng không thuê thêm phụ tá giúp làm những phụ kiện đơn giản. Cũng có người góp ý tìm mua phụ kiện từ bên ngoài về lắp ghép lại như cách mà trên thế giới vẫn làm cho đỡ mất thời gian và công sức. Nhưng Hằng gạt đi. Hằng vẫn thích và muốn tự tay hoàn thành tác phẩm của mình. Với cô đó không chỉ là công việc mà còn là một niềm hạnh phúc khi được làm những việc mà mình thực sự say mê.

 
   Hằng tỉ mỉ, cần mẫn như một con ong chăm chỉ. Từng đường nét dần hiện ra với những hình hài mộc mạc và giản dị qua đôi bàn tay cô. Nhưng Hằng luôn khẳng định mình không phải là một nghệ nhân, cũng không muốn chỉ trở thành một người thợ khéo tay. Những sản phẩm của cô không bóng bẩy, hào nhoáng và rập khuôn như những sản phẩm được sản xuất hàng loạt bằng máy móc nhưng nó lại là những tác phẩm nghệ thuật đích thực vì nó mang hơi thở, màu sắc và đường nét đa dạng của cuộc sống. Mỗi tác phẩm giống như  một con người, một hòn sỏi, một sản phẩm của tạo hóa do vậy chúng có linh hồn và sắc thái riêng không thể giống nhau và giống với bất cứ một thứ nào khác.

Hiện tại búp bê chủ yếu mà Hằng làm vẫn là theo chủ đề trẻ em. Đó là những kỉ niệm ấu thơ tự nhiên xuất hiện trong suy nghĩ khiến Hằng có ý thức sáng tạo. Trong bộ sưu tập của Hằng, có một bộ đôi búp bê bà – cháu vô cùng đáng yêu.  Hình ảnh hai bà cháu chùm khăn ngồi bên cạnh nhau chính là ý tưởng để cô thực hiện sản phẩm này. Phải mất cả tháng trời đục đẽo, may vá, Hằng mới hoàn thiện bộ búp bê “hai bà cháu” vô cùng sinh động và chân thật.

 

Luôn nỗ lực bằng trái tim nóng

Hằng luôn xác định rằng nghệ thuật không phải một cuộc dạo chơi mà là một công việc đòi hỏi sự nghiêm túc thực sự. Với niềm đam mê của mình với búp bê nghệ thuật, Hằng đã cố gắng khắc phục những khó khăn từ cuộc sống để có thể “toàn tâm toàn ý” cho sáng tạo nghệ thuật. Nhìn Hằng vất vả mày mò, mọi người trong gia đình đều thương. Chị gái còn nhiều lần khuyên đừng theo đuổi việc làm búp bê nữa vì vừa không có tương lai vừa không có tiền . Bạn bè cũng có người ủng hộ. Nhưng hầu hết mọi người đều nghĩ Hằng viển vông khi theo đuổi art doll. Có người còn lắc đầu gọi búp bê của Hằng là kì dị. Thế nhưng, có vẻ như chính điều đó lại khiến Hằng quyết tâm hơn trong công việc. Không phải chỉ vì niềm say mê của bản thân  mà còn vì cô muốn chứng minh cho mọi người thấy art doll sẽ có chỗ đứng thực sự trong lòng người yêu nghệ thuật Việt Nam.

Phong Linh

Bình luận
vtcnews.vn