Cô gái đêm Đồng Lộc

Tổng hợpThứ Sáu, 17/12/2010 02:13:00 +07:00

Năm 1968, đại đội xe Gát ba cầu của tôi chở vũ khí vào tiền tuyến. Đến Bãi Vọt thì đoàn xe bị đánh bom. Cả đoàn chỉ xe tôi bị “dính”. Phụ lái bị thương...

…Đó là một ngày giữa tháng 4 năm 1968, đại đội xe Gát ba cầu của tôi chở vũ khí vào tiền tuyến. Đến Bãi Vọt thì đoàn xe bị đánh bom. Cả đoàn chỉ xe tôi bị “dính”. Phụ lái bị thương. Tôi và xe đành phải tách đoàn nằm lại. Thật may, chỉ trong ngày xe được sửa xong, tôi lên đường ngay đêm đó. 

Vốn là dân Hà Nội, lần đầu vào Khu Bốn, tôi mù tịt đường sá, chỉ có cái sơ đồ đại đội trưởng vẽ để lại, dặn là cứ theo đó hỏi đường mà đi. Khoảng 8 giờ tối, trời có trăng nhưng những đám mây kéo về đen đặc. Xe chạy đến một ngã ba, cứ theo trong sơ đồ là Ngã ba Lạc Thiện. Thấy có ánh đèn phòng không le lói bên đường, tôi dừng xe toan đến hỏi. Bỗng nghe tiếng con gái trong veo dưới gốc bạch đàn bị bom phạt cụt ngọn trước mặt:

- Bác tài bộ đội ơi, cho em đi nhờ về Đồng Lộc với!
Đang định hỏi đường lại có người xin đi nhờ xe về nơi mình đến, mà người ấy là một cô gái, tôi mừng quýnh, vội vã cất giọng hết sức điệu đà:
- Xin mời! Xe tôi về Ngã ba Đồng Lộc khói lửa đây, thưa cô!
Chẳng khách sáo, cô gái đi đến mở cửa xe leo lên ca-bin. Tôi bật đèn. Trong ánh sáng ngọn đèn 12 vôn được che kín, chỉ hở một lỗ bằng hạt ngô, tôi nhận ra cô gái mặc sắc phục Thanh niên xung phong. May rồi! Có Thanh niên xung phong đi cùng, đường sá mấy cô này thuộc hơn cả thổ địa. Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, cô gái nói rất kẻ cả bằng cái giọng Hà Tĩnh:
- Anh là lính mới phỏng? Rứa thì nghe em đây: cho xe rẽ trái. Chạy khoảng 15 cây số nữa là tới Đồng Lộc. Đến đó em sẽ chỉ đường tiếp cho!
Tôi cười nụ, nổ máy, bật đèn gầm, quẹo xe theo tay cô chỉ. Đi được một quãng, cái giọng từng trải lại vang lên:
- Đoạn ni thì anh bật đèn gầm được. Nhưng gần đến Đồng Lộc, em bảo tắt đèn là tắt liền. Thằng A35 mà phát hiện được là hết đường về quê mẹ đấy!
- A35 là cái gì mà ghê gớm thế?
- Là máy bay trinh sát điện tử của Mỹ. Thằng ni thính hơn cả chó!

Khách thắp hương phần mộ 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc. ảnh Intenet. 

Tôi bật cười về sự non nớt của mình và cách nói đầy tính lính tráng của cô. Mới chạy được vài cây số, chẳng nghe tiếng máy bay đâu mà phía trước, phía sau, chớp bom đỏ khé cùng những tiếng nổ lộng óc. “Kệ cha nó! Trời mưa lên chúng ném bom tọa độ đấy! Chạy đi! Đoạn ni trống trải lắm. Hết mưa chúng thả đèn dù chỉ có mà chui vô rú, núp dưới cây nằm bẹp dí đó!” Nghe tiếng cô bình thản như không, tôi cũng thấy vững dạ. Cái máu tán gái của thằng con trai Hà thành nổi lên, tôi làm ra vẻ hiểu biết:
- Ở Hà Nội tôi nghe nói Đồng Lộc được mệnh danh là túi bom, là cửa tử. Các cô phải đối mặt với chúng nó hàng ngày, hẳn vất vả, nguy hiểm lắm!

- Có chi mô anh! Ở xa nghe thì nghĩ rứa, chứ bọn em sống ở đây thấy thường thôi. Mần răng nguy hiểm bằng các anh chạy xe trên đường, nỏ hầm hố chi cả, lại có thể bị máy bay giặc đuổi bất cứ lúc mô. Còn ở đây đúng là có ngày chúng ném xuống hàng trăm quả bom, bắn xuống hàng vạn viên đạn. Hố bom sau chồng lên hố bom trước, vỏ đạn 20 ly rắc dày như trấu, khói đen che kín mặt trời. Nhiều lúc ban ngày mà tối đen như ban đêm. Rứa mà cứ đêm xuống là bọn em lại ra mặt đường phá bom, san đường cho xe qua, hát hò thả cửa. Vui lắm! Chúng kéo đến đánh phá thì hò nhau chui vô hầm. Chúng cút, lại lên mặt đường làm tiếp. Có chi mô anh!

- Thế… thế các cô không sợ chết à?
- Anh hỏi chi lạ rứa? Chết thì ai nỏ sợ! Ai nỏ muốn sống. Nhưng giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh chứ anh...
Cô im lặng như đang nghĩ điều gì, rồi lại nhí nhảnh:
- Thật lòng, bọn em sợ nhất trời mưa. Cả đêm phá bom, san đường, thông xe, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại. Bom nổ thì cát bụi tung tóe lên vả đầu tóc, áo quần. Mãi gần sáng mới mò về nhà. Lúc đó vừa đói, vừa mệt, tệ nhất là hai con mắt cứ díp lại. Rứa là mặc kệ, nỏ rửa ráy, tắm táp chi hết, lăn ra ngủ khì khì. Mặt trời chọc vô mắt mới mò dậy đánh răng, rửa mặt, gội đầu, giặt giũ. Trời mà mưa áo quần nỏ chịu khô cho, mặc vô người hôi sì sì. May mà chưa đứa mô có người yêu. Mà có con trai mô mà yêu! Bộ đội, lái xe các anh đi qua Đồng Lộc, ai cũng muốn vọt nhanh, hơi sức mô mà ngồi lại tán tỉnh, cưa kéo nơi túi bom, túi đạn. Nói anh đừng cười, những lúc đó nếu có người yêu, chắc bọn em cũng nỏ dám ngồi gần. Con gái, con lứa người ngợm, tóc tai hôi rứa, xấu hổ chết!

Nghe cô nói, tôi thấy cổ nghèn nghẹn. Thế mà cô gái lại bật cười. Tiếng cười hồn nhiên mà trong trẻo lạ. Chợt cô nhổm dậy, nói như ra lệnh:
- Tắt đèn gầm! Đến Đồng Lộc rồi đó!

Cô chưa dứt lời đã có tiếng máy bay xẹt qua rồi chớp bom giần giật, nhoang nhoáng bốn phía, kéo theo tiếng nổ rền rĩ. Loạt bom vừa dứt, tôi nhìn ra ngoài. Trong ánh trăng lu, từng đoàn người đang lố nhố ra khỏi hầm. Tiếng gọi nhau, tiếng cười, tiếng hát đủ các thứ giọng ùa vào ca-bin. Chung quang họ, những đốm lửa bom leo lét. Nhiều hố bom mới, màu đất đỏ bầm như máu. Nhiều hố bom đầy nước mưa, trông như những hốc mắt sâu hoắm, rờn rợn. Thấy xe tôi qua, mấy cô chống xẻng cuốc, vẫy vẫy tay gọi í ới: “Bố thằng cu ơi, mẹ nó đây cơ mà! Đến thơm cái mà đi cho đỡ nhớ nào!” Rồi thì là hò: “Thương nhau đừng sợ ơ… núi đèo/ Nước nhà còn ơ… giặc, thì khoan hãy ơ… trèo lên ơ… nhau... ơ…hò…!” Rồi thì là cười. Chao ôi! Trong khung cảnh hoang tàn, mùi khói bom khét lẹt, tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát hò làm tôi nôn nao. Tôi quay sang cô gái: “Vui quá nhỉ. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao các cô không sợ chết rồi!” Cô gái chỉ mỉm cười: “Có chi mô anh!”

- Anh cho em xuống chỗ ni. Cám ơn anh cho đi nhờ. Khi mô qua Đồng Lộc, mời anh đến đại đội em. Em là Hằng Nga, ở đại đội 2, mọi người vẫn gọi là 552. Chừ thì anh rẽ trái, đi thẳng theo đường 15 ni là đến eo Truông Kén. Qua đó, đi một thôi nữa là gặp đường Trường Sơn…!
 
Vừa mở cửa định xuống, cô bỗng đóng sầm lại, quát: “Cho xe chạy nhanh nhanh! Chúng đang kéo đến thả đèn để đánh phá đấy!”. Tôi vội nhấn ga. Chiếc xe chồm lên. Trên bầu trời đã ầm ĩ tiếng máy bay gầm rú. Đèn dù nổ lụp bụp. Tôi phóng mắt về phía trước thấy một dãy đồi xanh thẫm liền nhấn hết ga lao xe tới. Tiếng bom rít cheo chéo ngậu xị trên đầu rồi chớp lửa, chẳng phải chớp nữa mà là những bức tường lửa dựng lên. Buồng lái lắc mạnh, xô lệch, nẩy lên, dập xuống trong tiếng nổ của bom các cỡ. Đến ven dồi, tôi ngoặt tay lái chạy vòng vèo, luồn lách qua những gốc cây um tùm lá. Lũ giặc lái mất mục tiêu, bắt đầu quần đảo, xả đạn vung vãi xuống đồi. Tôi vội đạp tung cánh cửa buồng lái kéo Hằng Nga nhảy xuống, chạy về phía con suối cạn thấp thoáng trong ánh đèn dù. Đạn rốc-két nhoang nhoáng bên phải, bên trái, chóng mặt. Bỗng một ánh chớp xanh lét nhoang lên hất tôi và Hằng Nga ngã dúi xuống. Tôi thấy lạnh buốt ở bụng gục xuống. Hằng Nga quỳ vội đỡ lấy tôi. Tiếng cô bình tĩnh lạ: “Anh bịt chặt lấy vết thương, đừng cho ruột lòi ra thêm nữa. Trường hợp ni nếu có cái bát ăn cơm úp vô mà băng thì tốt. Nhưng anh đừng lo, em đã có cách!”.

Nói rồi, cô vội cởi chiếc áo cỏ úa đang mặc trên mình. Tôi chưa kịp hiểu cô định làm gì thì Hằng Nga đã giật đứt cúc chiếc nịt ngực (Hồi đó cánh thanh niên Hà Nội chúng tôi vẫn gọi theo tiếng Tây là cái xu-chiêng. Thiếu nữ thời đó may xu-chiêng rất kỹ, thường cứng như mo cau và nhọn hoắt, trông rất gợi!) Dù đang bị thương tôi cũng choáng váng trước hành động đột ngột của cô và càng choáng hơn khi dưới ánh trăng cộng thêm ánh đèn dù và ánh lửa, có lẽ của một chiếc xe trúng bom đang cháy từ Ngã ba hắt đến, một bức tượng bán thân bằng da, bằng thịt lồ lộ trước mắt. Đường eo thon mềm như một nét vẽ. Hai bầu vú tròn trĩnh, nõn nà, trông rõ cả đôi núm vú. Chẳng hiểu vì vết thương quá đau hay vì thân hình người con gái quá gần, tôi bật rên lên một tiếng. Nghe thế, Hằng Nga cúi xuống dỗ dành: “Cố lên anh!” Hằng Nga không kịp mặc áo, vội vã chụp xu-chiêng vào vết thương nơi ruột tôi đang trào ra. Bằng một động tác thuần thục, cô dìu tôi tựa vào gốc cây rồi dùng luôn tấm áo của mình băng chặt bên ngoài. Cứ mỗi lần nhoài người lên để quàng tay quấn qua bụng tôi, bộ ngực tròn căng, nồng ấm của em lại chạm vào mặt, vào ngực tôi. Chưa một lần đụng chạm với da thịt con gái, người tôi run bắn lên. Nhưng cái cảm giác đó của tôi chỉ là thoáng chốc. Bị ra nhiều máu quá, tôi ngất lịm đi…!

Sau cái đêm Đồng Lộc ấy, có điều gì đấy thổn thức trong tim, làm tôi cứ thẫn thờ như kẻ mất hồn. Nhớ em lắm, nhiều lúc nhớ không chịu nổi. Tôi mang tình em - chiến đấu ở Tây Nguyên suốt hơn bốn năm ròng, rồi tiến vào Sài Gòn. Đất nước thống nhất, tôi ra quân. Tôi không thể quên Hằng Nga như một mối tình đầu. Những tưởng hết chiến tranh rồi chẳng phải nghĩ ngợi, lo lắng gì nữa, sẽ có thời giờ mà đi tìm nhau. Ai dè, giữa đời thường cơm áo, lại phải bươn chải, phải toan tính, có khi còn hơn cả thời bom đạn. Khi tôi về đây cắm nén hương lên từng ngôi mộ, nén hương của mấy mươi năm quên lãng và ân hận, lòng tôi bỗng dưng hẫng hụt. Dẫu rằng các liệt sĩ trẻ trung trong ảnh chẳng ai nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc cả. Nụ cười của họ thật trẻ và thanh thản. Tôi mang cái cảm giác ấy về Hà Nội. Và đêm đó, Hằng Nga “về”. Trong bộ quần bộ áo Thanh niên xung phong, em ngồi giữa vầng mây trắng, sau lưng lồng lộng một vầng trăng, mỉm cười nhìn tôi, y hệt cái lúc em ngồi trong ca-bin chỉ đường. Tự dưng tôi linh cảm, có lẽ Hằng Nga là một trong 10 liệt nữ anh hùng đã ngã xuống trong chiều 24 - 7 - 1968 oan nghiệt ấy!
 
Hằng Nga, có thể cái tên ấy em chỉ dành riêng cho tôi. Cái tên thật của em còn khắc trên bia mộ là Nhỏ, Xuân, Hà hay Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh, Tần hay Cúc. Dù tên thật của em là gì đi nữa thì em và đồng đội của em mãi mãi là Hằng Nga, là những nàng tiên trên trần, những nàng tiên đã giáng trần cứu nguy cho hàng vạn lượt xe qua ở Ngã ba Đồng Lộc.

Theo VNQĐ

Bình luận
vtcnews.vn