Cô gái 8X mang phấn nụ hoàng cung xuất ngoại

Kinh tếChủ Nhật, 11/09/2016 10:51:00 +07:00

Là người thừa kế đời thứ tư được truyền thụ bí quyết làm phấn nụ dùng để trang điểm cho các bà hoàng, cung phi,…cô gái Nguyễn Phương Khanh đã mạnh dạn phát triển nghề theo hướng hiện đại, làm nổi danh sản phẩm gia truyền.

Theo tìm hiểu, năm 1945, khi triều Nguyễn cáo chung, người thị nữ được giữ nhiệm vụ chế biến phấn nụ để phục vụ cho các bậc mẫu nghi chốn cung đình đã mang bí quyết này ra bên ngoài làm kế mưu sinh.

Sau đó, bà đã truyền nghề cho con gái là Trần Thị Thiểu (tên gọi theo chồng là bà Hường). Tiếp xong bí quyết từ người mẹ, bà Hường bắt đầu sản xuất phấn nụ, buôn bán rộng rãi ra dân chúng. Vừa làm để mưu sinh, vừa giữ nghề cho con cháu sau này.

Kế thừa phải có tâm sáng

Chị Khanh kể, nghề này là của bà nội truyền lại (bà Thiểu). Sau này bà nội chỉ chọn bà Tùng (đã sang Mỹ định cư) và bà Phương (mẹ Khanh) là hai cô gái hội tụ đủ các tố chất để nối nghiệp gia truyền.

Hinh 1

 Khanh hướng dẫn khách hàng dùng thử phấn nụ

Vì mưu sinh ở đất Sài Gòn, mẹ không nghĩ tới việc làm phấn nụ. Nhưng một dịp tình cờ, những người bạn Huế vào Sài Gòn và ngỏ ý nhờ mẹ làm loại mỹ phẩm bán cho họ để làm đẹp. Lúc này, mẹ của Khanh mới quyết định quay lại nghề gia truyền.

“Nguyên tắc của người nắm giữ bí quyết pha chế phấn nụ là chỉ truyền nghề cho con gái của mình và người đó cần phải có tâm trong sáng, đằm thắm, chịu khó”, chị Khanh nói.

Cũng theo Khanh, khi còn bé, Khanh đã chứng kiến mẹ nấu và đem phơi nắng những viên phấn trắng có hình nụ hoa.

“Làm phấn trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đầu tiên để hạt phấn mịn tơi, nhẹ tênh phải trải qua nhiều công đoạn gạn đục khơi trong hết sức nghiêm ngặt. Sau khi chuẩn bị xong, tất cả được đưa vào buồng kín. Khoảng 24 tiếng, sản phẩm được đưa ra nhào trộn. Tiếp đó là phơi nắng, phơi sương, ướp hương hoa sẽ tạo ra hình hài một viên phấn hoàn hảo”, chị Khanh chia sẻ.

Những lần giúp mẹ, Khanh phần nào hiểu được nghề nên gieo vào lòng cô niềm yêu thích, ngấm trong máu và quyết tâm theo nghề.

Cũng theo Khanh, những ngày đầu kế thừa nghề gia truyền, Khanh đang là sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, trường Đại học Ngoại Ngữ - Tin học TP.HCM. Lúc nay, Khanh vẫn chưa biết về kinh doanh, chỉ làm như kiểu truyền thống rồi bán cho những người thân quen.

Nhưng sau đó, nhờ nghiên cứu từ sách kinh doanh, Khanh nghĩ tới việc đưa hàng lên mạng để bán. Vừa có thể thể tiếp cận được nhiều khách hàng, vừa chẳng tốn tiền mở cửa hàng trưng bày mà lại có tác dụng quảng bá thương hiệu tốt.

Thành công ngoài mong đợi bằng mô hình trực tuyến khi cô gái trẻ mới chập chững nhận kế thừa nghề truyền thống của gia đình. Khanh đã có bước tiến thuận lợi khi lượng hàng đặt qua mạng ngày càng tăng.

Thừa thắng xông lên, Khanh đã thiết lập cho mình một kế hoạch lớn. Đầu năm 2012, Khanh qua Mỹ để dự các hội thảo về sản phẩm dược, mỹ phẩm.

Hinh 6

 Khanh và mẹ trực tiếp làm phấn nụ

“Sau khi về nước, bằng những kinh nghiệm học được, tôi quyết đinh mở công ty. Đến thời điểm hiện tại tôi đã quản lý 10 chuỗi cửa hàng và hàng trăm đại lý trên cả nước. Dù phát triển sản phẩm theo hướng hiện đại nhưng tôi vẫn theo quy tắc của mẹ, không lấy lợi nhuận kinh doanh mà bán bí quyết nghề làm phấn nụ hoàng cung gia truyền.”, Khanh nói.

Mang thương hiệu truyền thống đi xa

Để phát triển thương hiệu phấn nụ, Khanh đã đặt ra những mục tiêu, dự định cần hướng đến để giúp sản phẩm được nhiều người biết đến.

“Tôi đã lên kế hoạch kêu gọi vốn để có thể xây dựng nhà máy sản xuất đạt chuẩn CGMP vào năm 2017. Cũng trong năm này khi lượng sản xuất tăng cao, tôi cũng sẽ xuất hàng đi một số thị trường tiềm năng như Thái Lan, Lào, Campuchia”, chị Khanh bày tỏ.

Bên cạnh đó, Khanh cũng dự định thiết kế lại showroom theo phong cách mỹ nghệ tinh tế và phát triển theo hướng nhượng quyền. “Đây không chỉ là mua bán sản phẩm mà là còn địa điểm quảng bá, tái hiện lại nét cung đình Huế xưa”, chị Khanh nói.

Chị Khanh cho biết, nước để sử dụng làm phấn nụ buộc phải làm từ nước mưa, nên mỗi lần mưa xuống sẽ trữ dùng cho cả năm. Tuy nhiên, với mực độ ô nhiễm hiện tại, việc sử dụng nước mưa đã không còn phù hợp. Khanh phải nhập máy lọc nước để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Còn khó khăn lớn nhất chưa giải quyết được, đó là việc dùng máy móc để thay thế quy trình phơi nắng, phơi sương. Để đảm bảo hạt phấn mịn tơi không bị vỡ cần phơi nắng ở độ nhất định nếu dùng máy dễ làm phấn bị vỡ.

“Việc nâng cao lực sản xuất do vẫn phụ thuộc vào thời tiết nên có những thời điểm nhu cầu khách hàng cao, hàng làm không đủ bán do trúng mùa mưa”, chị Khanh băn khoăn.

Giữ nghề truyền thống đã khó nhưng để đưa nghề lên một tầm cao mới có công không nhỏ của hậu duệ đời thứ 4 là Khanh.

Video: Hiểm họa không lường từ son handmade giá rẻ, mỹ phẩm tự chế

Cao Khẩm
Bình luận
vtcnews.vn