Cổ động viên khuyết tật vượt ngàn cây số cổ vũ SLNA

Thể thaoThứ Bảy, 11/03/2017 17:31:00 +07:00

Nằm xe khách gần 1.500km từ Nghệ An vào TP.HCM vào sáng 9-3, CĐV Nguyễn Bá Kỳ đã có chuyến đi xa đầu tiên trong đời để cổ vũ cho CLB SLNA trong trận gặp chủ nhà Sài Gòn ở vòng 9 V-League 2017 trên sân Thống Nhất vào ngày 12-3.

Trương Thanh Tùng - thành viên ban điều hành Hội CĐV SLNA phía Nam - thừa nhận: “15 năm đi cổ vũ cho SLNA, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một CĐV nhiệt tình đến mức như vậy”. Không nhiệt tình sao được khi nằm xe đường dài với người bình thường đã rất mệt mỏi, vậy mà Nguyễn Bá Kỳ với tình trạng không thể gập người lại được vẫn có thể xoay xở trên chiếc giường nhỏ xíu trên xe khách giường nằm để có mặt tại TP.HCM.

Bá Kỳ cùng vợ trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Nguyên Khôi 

Từng là một thủ môn

Như bao đứa trẻ ở Nghệ An, bóng đá là niềm đam mê của Nguyễn Bá Kỳ. Sau những giờ học, Bá Kỳ thường cùng bạn bè rủ nhau ra sân đá banh và xung phong làm thủ môn.

Năm lớp 5, Kỳ bỗng bị đau chân khi đi lại, càng đau hơn khi ra sân đá banh. Vừa bước vào năm học lớp 6 được một tháng (năm 2001), Bá Kỳ không thể đi được nữa. Bác sĩ ở Nghệ An chẩn đoán anh bị viêm đa khớp, giãn dây chằng vùng chậu phải nhập viện. Chữa trị không khỏi, gia đình vay mượn tiền để đưa anh ra Hà Nội tiếp tục chữa trị.

Gần ba tháng trời chữa trị nhưng vẫn không khỏi, từ một đứa trẻ bình thường, Bá Kỳ đã trở thành một người khuyết tật chỉ nằm một chỗ và người cứng lại như một khúc gỗ. Từ Hà Nội về đến nhà, anh mới biết cha mình đã mất vì tai biến.

Lúc đó, Bá Kỳ gần như suy sụp. Gánh nặng gia đình khi đó lại càng đổ lên vai người mẹ vốn quanh năm chỉ biết bám ruộng nuôi con. Nằm liệt một chỗ nhìn mẹ chăm sóc cho mình, Bá Kỳ mong có thể làm được điều gì đó cho mẹ bớt khổ.

Giac-mo-cua-Ba-Ky

Nguyễn Bá Kỳ là CĐV cuồng nhiệt của SLNA

Thời điểm năm 2005, máy tính và Internet bắt đầu phát triển, Bá Kỳ mơ mình có thể có được một chiếc máy tính để tiếp cận với thế giới bên ngoài và học được nghề gì đó để giúp mẹ.

Mơ ước ấy đến năm 2009 đã trở thành hiện thực khi một cán bộ ở Nghệ An biết hoàn cảnh của Bá Kỳ đã nhờ vợ đem một bộ máy tính đến nhà tặng cho anh.

Có máy, tay trái dù chỉ còn cử động được ba ngón (tay phải liệt hẳn) nhưng cũng không ngăn được Bá Kỳ mày mò tìm hiểu, xới tung mọi thứ khiến máy hư phải nhiều lần kêu người đến sửa. Dù vậy, thành quả ngày một tốt lên, Bá Kỳ có thể nhận máy về cài và sửa chữa phần mềm, có tiền phụ mẹ và lắp Internet để tiếp tục học hỏi thêm.

Hiểu được sự vất vả của người khuyết tật, Bá Kỳ lập ra trang web dành cho người khuyết tật để mọi người có thể chia sẻ. Và ở đó, Bá Kỳ đã gặp được tình yêu của mình (lúc đó, cô ấy học cao đẳng tại Hà Nội). Vượt qua nhiều rào cản từ gia đình, họ trở thành người một nhà vào năm 2012.

Video: SLNA 1-1 B.Bình Dương

Bóng đá là lẽ sống

Tuy nhà cách sân Vinh 15km nhưng Bá Kỳ hầu như chưa bỏ một trận đấu nào của SLNA trong những năm qua. Ngày diễn ra trận đấu, từ 13h30 anh đã nhờ vợ hoặc bạn bè đến nhà chạy xe máy kéo xe lăn (được thiết kế thêm thành một chiếc giường đặt trên xe lăn, có khóa móc cố định chứ không hàn dính lại nhằm có thể tháo ra khi đi xe taxi) chở mình đến sân và sau đó nằm trên xe ở đường piste để xem trận đấu.

ba ky trang nhi

 "Đại sứ fan SLNA" Huỳnh Trang Nhi đón CĐV Bá Kỳ tại TP. HCM. Ảnh: Hội CĐV

Empty

Empty

Nếu ai cũng ở nhà thì cầu thủ còn ai đá cho mình xem nữa. 

Nguyễn Bá Kỳ

Dù bạn kéo chạy chậm nhưng thỉnh thoảng đường lồi lõm làm xe xóc bung chốt khiến khung giường rơi xuống đường. Dù đau nhưng Bá Kỳ vẫn không từ bỏ thói quen đến sân bóng đá. Chưa kể, có ngày đi về trời mưa người ướt hết vì không kịp mặc hay đem áo mưa theo.

Thấy anh khổ cực như thế, nhiều người ái ngại bảo sao không ở nhà xem tivi cho khỏe, Bá Kỳ nói ngay: “Nếu ai cũng ở nhà thì cầu thủ còn ai đá cho mình xem nữa. Bóng đá không có CĐV cuồng nhiệt đến sân thì quá vô nghĩa”.

Chứng kiến “chảo lửa” Vinh ngày càng ít khán giả, rồi xem báo thấy khán đài những sân khác cũng khá đìu hiu, Bá Kỳ tự nhủ sao mình không thử đi sân khách cổ vũ cho đội nhà.

Anh hi vọng hình ảnh một CĐV khuyết tật như mình vẫn máu lửa đến sân sẽ truyền cảm hứng cho những CĐV khác cũng như từ chính các cầu thủ để họ đá cống hiến hơn nhằm lấy lại tình cảm của người hâm mộ.

Mong một lần đặt chân đến TP.HCM, Bá Kỳ lên kế hoạch đi cổ vũ cho đội nhà trên sân Thống Nhất trong trận đấu với CLB Sài Gòn.

Chọn xe khách 
để tiết kiệm

Biết được ý tưởng đó, HLV trưởng Nguyễn Đức Thắng (SLNA) quyết định tài trợ cho Nguyễn Bá Kỳ 10 triệu đồng. Gọi điện thoại hỏi vé máy bay, hãng thì không nhận chở người không thể ngồi xe lăn như Bá Kỳ, hãng thì đòi anh phải mua ba vé (tốn tổng cộng gần 10 triệu đồng cho cả đi lẫn về). Vì vậy, Kỳ quyết định đi xe khách giường nằm (chỉ tốn 1,3 triệu đồng cho hai vợ chồng).

trong-tai-trung-kien-xin-loi-nguoi-ham-mo-va-doi-slna

Hi vọng Nguyên Mạnh và đồng đội sẽ có 1 trận đấu hay gặp Sài Gòn FC vào ngày mai

Kỳ nói: “Thu nhập của tôi từ làm việc trên mạng khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đi vào TP.HCM, tôi phải nghỉ làm việc cả tuần nên cần phải tiết kiệm để lo cho hai con nhỏ ăn học. HLV Đức Thắng khi nghe tôi mua vé xe khách đã bảo tôi bỏ vé, mua vé tàu lửa đi cho đỡ cực.

Nhưng tôi không chịu vì người khuyết tật kiếm tiền khó lắm nên phải tiết kiệm. Do đó, dù là tiền của anh Thắng tặng, tôi cũng không thể lãng phí bỏ vé xe khách được”.

Vất vả nhưng Bá Kỳ cũng vào đến TP.HCM vào sáng 9-3 với tâm trạng háo hức. Nghĩ đơn giản là ở TP.HCM có thể đẩy xe lăn đi thoải mái, hai vợ chồng Bá Kỳ sau khi đi taxi thăm người bạn ở đây đã tự mình đi kiếm khách sạn. Nhưng xe cộ đông, vỉa hè chỗ có chỗ không đi lại nguy hiểm nên Bá Kỳ đã gọi điện thoại “cầu cứu” CĐV SLNA tại TP.HCM. Biết tin, một mạnh thường quân đã giúp vợ chồng Bá Kỳ có chỗ nghỉ trong những ngày ở TP.HCM.

Hi vọng sự có mặt của Bá Kỳ ở đường piste sân Thống Nhất vào ngày 12-3 tới ít nhiều cũng gợi sự chú ý của những người làm bóng đá, “rằng hãy làm sao để V-League ngày một thu hút hơn và đừng để một người khuyết tật như Bá Kỳ phải thất vọng”.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn