Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay

Tổng hợpThứ Tư, 29/08/2012 08:50:00 +07:00

Tôi sinh ngày 19 tháng 8. Mẹ kể, vào một buổi sáng đúng ngày sinh tôi khi tròn 3 tuổi, cha dậy rất sớm ăn mặc tươm tất nai nịt gọn gàng tay cầm cây mã tấu...

Tôi sinh ngày 19 tháng 8. Mẹ kể, vào một buổi sáng đúng ngày sinh tôi khi tròn 3 tuổi, cha dậy rất sớm ăn mặc tươm tất nai nịt gọn gàng tay cầm một cây mã tấu, đến bên giường tôi đang ngủ ngon, hôn lên trán: “Ngủ ngon con. Cha đi đây!” “Ông đi đâu?” Mẹ hỏi. “Tổng khởi nghĩa đi đánh chiếm phủ!”

Mẹ kể, chưa kịp hỏi tiếp thì cha đã đi. Mãi một tuần sau cha mới về. Mặt mày rạng rỡ khoe cứ như mẹ là người đồng chí của cha: “Sắp có Tuyên ngôn Độc lập. Cụ Hồ đọc!”

Mẹ bảo, ngày ấy mẹ bế tôi lên chợ huyện toàn nghe người người nô nức bàn tán xôn xao về ngày Độc lập. Có nhiều đoàn người nối nhau diễu hành không mang súng, toàn gươm dao mã tấu gậy gộc vừa đi vừa hô “Cách mạng Tháng Tám thành công muôn năm!” giương cao biểu ngữ cờ đỏ sao vàng phấp phới bay.

Những điều mẹ kể là khi tôi 10 tuổi, hết năm học từ thành phố về quê nghỉ hè với mẹ. Thời kỳ ấy là thời kỳ toàn quốc kháng chiến. Tôi và mẹ ở lại vùng địch tạm chiếm. Cha lên chiến khu năm nào tôi không hay. Chỉ mẹ biết. Có lẽ vào tuổi lên 10 mẹ cảm nhận tôi đã có trí khôn nên mới kể.

 
“Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay”. Mẹ nói như một thành ngữ. Thành ngữ ấy ám ảnh tôi mà chưa tường ảnh hình nó ra sao. Học hết tiểu học lên bậc thành trung, học hết đệ thất thì vừa lúc chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đem lại hòa bình cho miền Bắc. Vui ơi là vui, cả thành phố xuống đường.

“Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay” mẹ kể năm tôi lên 10 giờ mới thấy. Ngọn cờ to như cánh buồm đỏ rực sắc hoa mào gà, ở giữa có ngôi sao năm cánh màu vàng như sắc hoa hiên, kéo tít cao trên tháp cờ thành phố. Tung bay tung bay. Còn nhà nhà lòng đường ngập tràn trong sắc cờ đỏ. Mà sao cờ được may nhanh thế. Cứ như được chuẩn bị sẵn. Học sinh chúng tôi các trường xuống đường đón bộ đội về giải phóng trên tay mỗi đứa cả trai lẫn gái đều cầm một lá cờ huơ phất tới tấp trên đầu. Tôi hình dung dáng hình cha qua anh bộ đội Cụ Hồ đồng phục màu xanh lá cây đang đều bước dưới lòng đường.

Một ngày mẹ xuống thành phố thămtôi ở trọ nhà ông Phú. Mẹ mang theo tập ảnh cha gửi qua một người đồng chí rẽ qua nhà thăm mẹ. Không có ảnh cha. Cả 10 bức ảnh đều là ảnh chụp ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19 tháng 8 và Lễ Tuyên ngôn Độc lập mồng 2 tháng 9 tại  Quảng trường Ba Đình Hà Nội.

Mồng 2 tháng 9 năm 1955. Hà Nội trọng thể kỷ niệm 10 năm Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Mới mồng 10 tháng 10 năm ngoái cả Hà Nội xuống đường đón quân về giải phóng. Hà Nội mở toang năm cửa ô trùng trùng quân đi như sóng. Lá “cờ đỏ sao vàng phấp phới bay” trở lại trên tháp cột cờ nơi vườn hoa Canh Nông.

Quảng trường Ba Đình lịch sử 10 năm trước Bác Hồ đứng trên Lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”, thì mồng 2 tháng 9 năm 1955 Bác Hồ cũng đứng trên lễ đài dựng chính nơi đây hiệu triệu toàn quân toàn dân đoàn kết một lòng xây dựng miền Bắc giàu mạnh, chi viện cho miền Nam cùng đồng bào cả nước đấu tranh thống nhất đất nước.

 
Lễ duyệt binh, tuần hành lực lượng nối nhau đi ngang Quảng trường Ba Đình, chia về các phố chính thuộc quận Hoàn Kiếm cho nhân dân cùng xem,  vui chưa từng có ở Thủ đô.

Người người từ các tỉnh đáp xe lửa hoặc đường thủy hoặc phương tiện gì không biết nữa, chỉ thấy những người là người đổ về Hà Nội “xem Quốc khánh” và “xem bắn pháo hoa” quanh Hồ Gươm. Các vườn hoa chật cứng người tá túc, và các “tổ phục vụ” đun nước sôi thổi cơm nắm bánh mì cung ứng mỏi tay chào đón “khách của Thủ đô” sau chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ hôm nay mới có một ngày hội ngộ.

Tôi rời thành phố Nam Định lên Hà Nội sống với ông bà Phú chuyển cư ngay cuối năm 1954. Lễ Quốc khánh này mẹ từ Nam Định lên chơi mang theo gạo quê và mấy con gà cùng cá tát ao. Thật bất ngờ cha cũng tới. Cha to cao, không giống các anh bộ đội về giải phóng thành phố Nam Định.

Cha ở Đoàn Quân nhạc Tổng cục Chính trị tham gia thổi khúc quân hành trong lễ duyệt binh. Thì ra mẹ và ông Phú là “người của mình” hoạt động trong “vùng tề” và họ có đường dây liên lạc. Tin tức về cha họ đều biết cả. Cha hỏi tôi về những bức ảnh cha gửi và cho hay những bức ảnh ấy là của phóng viên nhiếp ảnh báo Cứu Quốc, Nguyễn Bá Khoản mà cha đã gặp một lần ở chiến khu. Cha đùa: “ Biết đâu con lại chẳng là một nhà báo sau này?” Cả nhà cười khơ khơ.

Cha như nhà tiên tri. Trưởng thành rồi tôi làm nghề báo thật.

Trong những năm làm báo có nhiều chuyện bất ngờ mà như được lập trình từ một quyền năng ở một nơi nào đó. Một lần thăm Phó Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Đào Phiếu, bạn tôi, lại đúng khi anh đang chuyện thân mật với một nhà báo nữ. Nhác thấy nhau, Đào Phiếu gọi giật cứ như một cơ may.

Anh giới thiệu nhà báo Diệu Ân, rằng đây là con gái rượu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản mà anh đang bàn với chị sẽ trưng bày 30 bức ảnh của ông dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám này và muốn tôi cùng tuyên truyền giúp. Mừng như bắt được vàng. Trên gương mặt Diệu Ân cũng biểu lộ mừng rỡ. Chị khoe cha chị đã hiến cho Bảo tàng Cách mạng 200 phim gốc cùng 700 bức ảnh. Chị trực tiếp dẫn tôi xem phòng trưng bày, và tự giới thiệu những bức ảnh của cha mình. Những bức ảnh nếu không phải là một phóng viên can đảm lăn lộn như bống như bi trong một sự kiện nước sôi lửa bỏng như ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thì không thể có những cú bấm máy đúng cái khoảnh khắc gợi cảm xúc thời sự đến thế.

 
Như cảnh chiếm lĩnh trụ sở Bảo an binh ở 14 phố Hàng Bài; Chiếm Bắc Bộ phủ; Quân dân mít tinh lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Quảng trường Ba Đình; Những người lính vệ quốc duyệt binh; Các đoàn thể quần chúng mừng vui vẫy nón vẫy hoa khi đi qua lễ đài. Xúc động đến vô cùng là bức ảnh chụp rất gần Bác Hồ cùng các đại diện Chính phủ đứng trên lễ đài vẫy tay chào các đoàn diễu hành qua.

Ở phòng ảnh tư liệu này còn dành riêng những bức ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp những cảnh lập công sự chiến đấu trên đường phố của Trung đoàn Thủ đô theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Các chiến sĩ Hà Nội ghìm chân giặc mỗi ngõphố chiến đấu, tải thương, tải đạn, tiếp tế lương thực.

Ông bấm được cả cái ảnh lễ truy điệu chiến sĩ hy sinh tại mặt trận. Có lẽ những ngày này Nguyễn Bá Khoản đã phải di chuyển cật lực hơn cả chiến binh, mới chớp được những bức ảnh khắp thành phố: Bộ đội dùng chai xăng kờ-rếp đánh xe tăng địch ở Cửa Đông, Tổ chiến đấu ở chợ Đồng Xuân, Chiến sĩ dựng chướng ngại vật ở Hàng Đường, Lập ụ chiến đấu ở phố Mai Hắc Đế, Nhân dân xếp giường tủ bàn ghế đồ dùng gỗ chắn đường ở Hàng Bài… “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Hình ảnh cuối cùng mà Nguyễn Bá Khoản chụp được về Trung đoàn Thủ đô  không chỉ là thời sự mà thật trữ tình đầy cảm xúc ghi vào lúc rạng sáng ngày 18 tháng 2 năm 1947. Sau khi rút khỏi Hà Nội Trung đoàn Thủ đô từ triền đê bên kia sông Hồng đỏ nặng phù sa họ bước đi in hình bóng lên nền trời hửng sáng bình minh nhìn về Thủ đô yêu dấu vẫy chào tạm biệt hẹn ngày chiến thắng trở về.

 
Hướng đi của họ là “Thủ đô Kháng chiến Tân Trào” ở Tuyên Quang. Quê hương cách mạng này trước ngày Tổng khởi nghĩa được gọi là “Thủ đô Giải phóng”. Tháng 5 năm 1945 Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.

Những sự kiện lịch sử quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra ở nơi đây. Đó là Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước;  Thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng, tức Chính phủ Lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca.

Và bên gốc đa Tân Trào Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc chỉ huy đơn vị giải phóng tiến về Hà Nội, cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Một lần tôi đến thăm Di tích Cách mạng này, cô hướng dẫn viên người Tày kể lại rằng hôm tổng duyệt kế hoạch, Bác Hồ có nghe bài ca “Khởi nghĩa” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Bác đã chỉnh sửa một câu trong ca từ, rằng ngày mai khởi nghĩa rồi sao còn “Gươm đâu gươm đâu?” Phải là  “Gươm đây gươm đây!” chứ. Chúng tôi nhìn nhau khâm phục Cụ.

Diệu Ân chỉ kể sơ qua đôi điều về bố mình. Gương mặt phảng phất buồn. Chị bố trí cho tôi gặp Nguyễn Bá Khoản. Ông ở trên một gác xép nhỏ trong căn hộ ở phố Hai Bà Trưng. Leo lên cái tổ ấm của ông bề bộn sách báo và các đồ nghề làm ảnh cũ càng không phải để dùng mà là để trưng diện một thời đã qua. Cái đáng giá nhất - phải nói là vô giá – là chừng 5 vạn phim lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước được chụp từ một chiếc máy ảnh cũ kỹ “Pronter 2” của những năm đầu thế kỷ 19. Mà cách bảo quản phim của ông là bằng lá chuối khô chứa trong hũ sành dưới lót vôi bột.

Giống cái cách mấy bà bán hàng nướcchè bảo quản kẹo lạc kẹo vừng giòn khô ở các chợ quê thời tôi còn bé cũng lót vôi bột như thế. Tôi qua thăm ông liên tục gần chục buổi để ông chia sẻ. Đúng như Diệu Ân nói ông đang vừa bệnh vừa buồn. Và nỗi buồn ấy buồn lây sang tôi. Ông bệnh vì hen suyễn. Hồi chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ ông chụp ảnh ở cầu Long Biên bị lực lượng tự vệ bắt quả tang đang điện đàm với phi công Mỹ.

Khám xét mới vỡ lẽ ông đang bơm thuốc hen Efhedrin vào họng vì lên cơn. Ông buồn không phải vì nghèo mặc dù nằm ngủ bên đống tài sản quý, mà buồn vì… oan khiên. Một phóng viên nhiếp ảnh cách mạng tiền khởi nghĩa từ thời Mặt trận Dân chủ, đi suốt cuộc chiến tranh trường kỳ kháng chiến từ Bắc vào Nam lại ra Bắc, để có hàng vạn chiếc phim ảnh độc nhất vô nhị, lại đã từng lãnh đạo Ủy ban kháng chiến cấp huyện, mà bị nghi là “Việt cách” trong một tài liệu sử địa phương.

Một thời những vấn đề liên quan tới đảng phái chẳng ai dại gì dây mặc dù biết không phải thế. Nhưng một thời nó thế nên phải chịu thế không thể thanh minh. Khi mà đất nước còn đấu tranh giai cấp có ta và còn có cả địch thì thời gian giành cho việc thẩm tra tạm khép lại.

Ông ngồi chơi xơi nước vậy. Tôi cũng từng bị bà Phó chủ tịch tiểu khu nghi tôi là người Hoa vì cái họ lạ, nhưng nhờ có nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho tôi một tài liệu ông tổ họ Khiếu của tôi là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam thời nhà Nguyễn, và ông có hai lần làm Đốc học Hà Nội mới thoát nghi oan. Xem những bức chân dung ông do các họa sĩ nổi danh cùng thời vẽ tặng, có bức họa do họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ, xung quanh  Lưu Công Nhân viết những hàng chữ bao như khung tranh: “Hết cha nó gạo. Hết mẹ nó tiền. Hết cụ nó tình…” mà lòng tôi đau.

 
Thời gian tôi đến với Nguyễn Bá Khoản là thời gian ông đang tổ chức lại phim, in mẫu và viết chú thích. Được 2000 phim gốc. Tôi tham khảo ý kiến Trần Ấm phóng viên nhiếp ảnh TTXVN, nhà báo ảnh này cũng lăn lộn chiến trường Bắc – Nam thời chống Mỹ giống hệt thời trai trẻ của Nguyễn Bá Khoản, anh hiểu sâu sắc nỗi oan của ông. Tôi tham khảo ý kiến của nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng.

Hoàng Kim Đáng chém tay vào gió nói rằng “Nếu không có bức ảnh Anh bộ đội Hà Nội ôm bomba càng, thì không có bức tượng Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đặt ở vườn hoa đền Bà Kiệu!”

Tôi quyết định làm một phim chân dung Nguyễn Bá Khoản với tiêu đề “Người chép sử bằng ảnh” dài 7 phút có cả phỏng vấn trong chương trình thời sự. Khi tổng duyệt anh Chu Chử cười ha ha: “Một nhân vật đáng nể đấy? Chọn cái tứ này thì được. Nhưng cắt phỏng vấn.” Tôi hiểu là anh Chu Chử rất “thuộc” vấn đề của Nguyễn Bá Khoản. Nhưng thế cũng là tốt rồi.

Tôi chỉ báo cho Nguyễn Bá Khoản biết 3 giờ đồng hồ trước giờ phát sóng, và dặn đi dặn lại ông không được báo tin cho ai. Dặn nẻ lưỡi mà không yên tâm. Tôi bắt ông thề. Ông thề mà gương mặt đần cười hớn hở. Vậy mà sau đó một lão thành cách mạng bạn của Nguyễn Bá Khoản phôn cho tôi khen dũng cảm và chúc mừng chuyện này. Tôi trách Nguyễn Bá Khoản. Tên ông mở đầu bằng vần “khờ”. Khi nào thì ông hết “khờ” đây?

Đầu xuôi đuôi lọt. Các đồng nghiệp của tôi ở các báo lần lượt giới thiệu về ông cùng những bức ảnh quý hiếm, tập trung xoay quanh cái tứ “Người chép sử bằng ảnh”. Nhà văn Tô Hoài hiếm khi viết về nhiếp ảnh cũng hạ bút bình: “Nguyễn Bá Khoản là phóng viên ảnh chiến tranh đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa!” Ông như được sống lại trên truyền thông.

Lần lượt các năm sau phúc trùng lai. Năm 1987 ông được Ban Tổ chức Trung ương ra quyết định công nhận Lão thành Cách mạng, được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất, hưởng lương Chuyên viên cao cấp và được phân nhà. Người ta mở triển lãm ảnh lịch sử cho riêng ông. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản sách ảnh to và đẹp trang trọng mang tên “Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính Nguyễn Bá Khoản” với 114 bức ảnh được tuyển chọn.

Sau khi mất năm 1993, sau 60 năm cầm máy và hưởng thọ 76 tuổi, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt 1 năm 1996. Tôi nói với Diệu Ân: “Nếu chiết tự cái từ “khoản”, thì số mệnh cha chị khởi đầu là “khờ”, bị “oan”, cuối đời thì được ăn “oản”.

Tôi sinh ngày 19 tháng 8. Không cùng năm với Cách mạng Tháng Tám nhưng lại mang mệnh “Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay”. Cách đây 6 năm Đại tá PGS. TS Nguyễn Thuận tìm đến tôi nhờ viết kể lại một tư liệu lịch sử về “Lá cờ đêm ấy ai treo?” trên tháp Cột Cờ Hà Nội đón quân về ngày Giải phóng Thủ đô 10 – 10 – 1954, là do chiến sĩ Trần Văn Giai một mình vật vã giữa trời lộng gió trên độ cao 45 mét từ đêm mồng 9 đến rạng sáng ngày 10-10 mới cố định được chiếc pu-li kéo cờ vì sự cố chệch cáp nên cờ phải treo sẵn, không theo kịch bản cũ là Anh hùng Nguyễn Quốc Trị Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô kéo cờ vào chiều này 10 -10 đón quân về.

Ấy vậy mà hơn 50 năm nay sử liệu vẫn ghi chép như kịch bản cũ. Tiểu đội dựng cột cờ và treo cờ đêm ấy nay chỉ còn lại Đại tá Nguyễn Thuận và Trần Điển. Đại tá Nguyễn Thuận nói như khóc tại bệnh viện Quân y 108 với tôi và họa sĩ Công Quốc Hà, rằng nếu tư liệu này không được công bố cải chính thì ông chết không nhắm được mắt vì bội nghĩa với đồng đội. Khi ấy ông đang điều trị ung thư.

Thời gian sống cho ông không còn nhiều. Bài tôi viết được công bố trên báo Văn Nghệ và Hà Nội Mới. Bảo tàng lịch sử Quân đội và các cơ quan tư liệu quân đội liên quan đã mời ông nhân chứng còn sót lại để hiệu đính tư liệu lịch sử. Nhiều bài báo, trang mạng viết hoan nghênh tư liệu mới này. Kênh truyền hình VTV3 mời ông chuyện lại với khán giả…

Đại tá PGS.TS Nguyễn Thuận sung sướng từ đấy không còn mặc cảm bội nghĩa với đồng đội. Ông đã qua đời thanh thản cách nay gần 2 năm và nhắm được mắt. Lòng tôi vui, giống như khi thấy Nguyễn Bá Khoản cuối đời được ăn oản.

Hồi ký của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn