Clip 'máy xúc chèn qua người dân': Nạn nhân khẳng định 'có', chính quyền nói 'không'

Thời sựThứ Ba, 14/07/2015 08:24:00 +07:00

Khi được biết chính quyền tỉnh Hải Dương cho rằng clip quay lại cảnh mình bị xe xúc chèn qua người là dàn dựng, bà Châm thở dài và nói yếu ớt

(VTC News) - Khi được biết cơ quan chức năng cho rằng clip quay lại cảnh mình bị xe xúc chèn qua người là dàn dựng, bà Châm thở dài, yếu ớt: 'Chúng tôi còn biết tin vào đâu'.

Người dân nói "có"

Khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng chăm sóc người em ruột của mình, bà Lê Thị Thụy (chị ruột bà Lê Thị Châm, nạn nhân trong vụ xe xúc chèn qua người ở Hải Dương) thuật lại giây phút kinh hoàng khi chứng kiến cảnh tượng em gái mình bị xe xúc chẹt qua.

Bà Thuỵ kể lúc đó là vào khoảng 8 giờ sáng 10/7, hai chị em bà cùng hàng trăm người dân xã Cẩm Điền có mặt tại cống vào Dự án KCN Cẩm Điền (Cầm Giàng, Hải Dương) để phản đối việc đất của họ bị chiếm dụng.

Bà Thụy Và bà Châm tại bệnh viện Việt Đức 
"Sau đấy một lúc thì có một người thợ lái máy xúc đến cổng KCN Cẩm Điền. Thấy chúng tôi đứng cầm cờ chặn đầu máy và hô "không được lái máy vào" nên người này đã dừng lại và nhảy xuống khỏi máy. Nhưng từ đâu có một người thanh niên dáng người cao gầy, mặc áo xám tiến đến với thái độ vô cùng hung hăng nhảy lên máy xúc, miệng liên tục hét lớn: “Tao cán chết hết chúng mày” và lái máy xúc tiến về phía chúng tôi.

Chúng tôi càng lùi thì máy xúc càng tiến đến, chúng tôi lùi được một đoạn xa thì em tôi lúi húi cúi xuống nhặt cờ bị vướng vào bánh xích và ngã xuống đất. Thấy em tôi bị chiếc máy xúc chèn qua, tôi và bà con mới hô lớn: "Chết người rồi, chết người rồi, máy xúc cán chết em tôi rồi".

Sau vụ va chạm với máy xúc, bà Châm được xác định là gãy xương bả vai và xây xát mặt, nhưng không bị nguy hiểm tới tính mạng. 
"Tôi cùng bà con nháo nhác chạy lại hò nhau nhấc chiếc máy xúc ra để cứu em tôi nhưng khổ nỗi nhấc làm sao nổi. May thay em tôi lúc đó lại nằm giữa 2 mô đất cao – thấp nên không bị máy xúc cán nát.

Thấy em nằm giữa hai mô đất chứ chưa bị xe xúc cán chết, tôi vội kéo chân em ra thì đã thấy khuôn mặt em bầm tím, máu dính bê bết khắp mặt. Tôi và vài người bà con tức tốc đèo em về nhà sau đó lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, rồi giờ chuyển lên Bệnh Viện Việt Đức để điều trị".

Khuôn mặt bầm tím, giọng nói ngọng nghịu do bị ảnh hưởng sau vụ va chạm với chiếc máy xúc, bà Châm chỉ thều thào nói được vài câu rồi lại nhờ chị mình tiếp tục thuật lại câu chuyện.

Khi được biết cơ quan chức năng cho rằng clip quay lại cảnh bà bị xe xúc chèn qua người là dàn dựng, bà thở dài và yếu ớt: "Chúng tôi còn biết tin vào đâu khi chính quyền nói clip đó là dàn dựng".

‘Chúng tôi còn biết tin vào đâu khi nói clip đó là dàn dựng.’ 
Đã ba ngày nay kể từ khi vụ việc xảy ra, bà Châm hiện nay vẫn chưa thể ăn uống bình thường mà chủ yếu chỉ uống sữa và ăn cháo. Bà Thụy cho biết, tiền viện phí cho em ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh Viện Việt Đức đến nay cũng đã ngót nghét 20 triệu đồng. Số tiền này hoàn toàn gia đình bà phải tự chi trả.

Bà Thụy cũng chia sẻ thêm: ‘Đã 8 năm nay kể từ khi gần 5 sào ruộng của chị em tôi bị san phẳng, chúng tôi không thể trồng trọt được gì, không có cách nào để kiếm ăn, chỉ trông chờ vào mấy đồng lương con trai gửi về, em tôi còn chịu cảnh sống neo đơn, không có gia đình, lại mắc bệnh tiểu đường. Cuộc sống vô cùng khó khăn".

Chính quyền nói "không"

Trước đó, ngày 11/7, UBND tỉnh Hải Dương đã có báo cáo số 75, do ông Nguyễn Dương Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký, gửi một số cơ quan Trung ương về tình hình triển khai thực hiện dự án và vụ việc xảy ra ngày 9/7 tại Khu công nghiệp (KCN) Lương Điền - Cẩm Điền (Hải Dương).

Theo đó, trong các ngày từ 30/5 - 9/7/2015, thường xuyên có nhiều người dân xã Cẩm Điền (từ 30-50 người) tự ý vào KCN trồng chuối, ngăn cản tại cổng KCN (xếp đá hộc, đặt chắn đường bằng cây tre, cắm cờ Tổ quốc và biểu ngữ... tại cổng KCN - KM35+700 phía Bắc Quốc lộ 5) không cho phương tiện vào, kể cả xe của các cơ quan, đơn vị nhà nước trong tỉnh.

Khoảng 16h40’ ngày 9/7, khi có 2 xe ô tô tải của nhà thầu vào KCN, một số người dân đã ngăn cản. Lực lượng Công an huyện Cẩm Giàng đã can thiệp, không để xảy ra xô xát và không gây ách tắc trên quốc lộ 5.

Trong buổi tối 9/7, một số người dân đã đào rãnh cắt đường vào KCN tại vị trí cổng giáp quốc lộ 5.

Khoảng 8h ngày 10/7, một xe ủi bánh xích của nhà thầu di chuyển từ quốc lộ 5 vào KCN, khi qua rãnh đào nêu trên gặp số đông người dân ngăn cản, có xảy ra va chạm.

Thông tin ban đầu, bà Lê Thị Châm (cư trú tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền) “bị ngã có chạm vào xe ủi”, sau đó được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Bà Châm bị xây sát và chấn thương mẻ xương vai, không nguy hiểm đến tính mạng.

Người lái xe ủi là ông Nguyễn Văn Sinh (quê ở xã Thúy Lâm, huyện Thanh Hà) bị nhiều người dân tập trung đánh đập... sau đó được đưa đến Bệnh viện Quân y 7 tỉnh Hải Dương điều trị.

Theo thông tin từ bệnh viện, ông Sinh bị chấn thương ở mặt và vùng đầu, xây sát toàn thân, tạm thời xác định không nguy hiểm đến tính mạng.

“Như vậy, không có xảy ra việc xe ủi đất đè lên người như một số báo mạng đã phản ánh” - báo cáo nêu rõ.

Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Bình luận
vtcnews.vn