CLB TP.HCM: Ước vọng bóng đá đẹp thành hiện thực?

Bóng đá Việt NamThứ Sáu, 12/02/2021 11:00:00 +07:00
(VTC News) -

Trong năm 2021, CLB TP.HCM sẽ tiếp tục hành trình xây dựng thứ bóng đá đẹp, cống hiến và có bản sắc để kéo khán giả đến sân nhiều hơn.

Trận đấu cuối cùng trên sân nhà ở V-League 2019, CLB TP.HCM tiếp đón HAGL. Đội bóng của HLV Chung Hae Seong đã giành ngôi á quân, còn HAGL đang loay hoay trụ hạng. Đẳng cấp và vị thế, chủ đều lấn át khách.

Tuy nhiên, hơn một vạn khán giả có mặt trên sân Thống Nhất hôm ấy, phần lớn đều cổ vũ... HAGL. Chỉ có một nhóm nhỏ cổ động viên ở góc khán đài D cổ vũ CLB TP.HCM suốt cả trận. Đội bóng áo đỏ thắng thành tích, nhưng thua ở tình yêu.

Đó là khung cảnh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng của CLB TP.HCM không bao giờ quên. Làm sao để khán giả yêu mến, cổ vũ đội bóng nhiều hơn? CLB TP.HCM vẫn đang mải miết kiếm tìm câu trả lời.

CLB TP.HCM: Ước vọng bóng đá đẹp thành hiện thực?  - 1

CLB TP.HCM giàu tham vọng, nhưng vẫn đang vật lộn tìm hướng đi. 

Chiến lược mua "sao"

Sau mùa giải 2019, CLB TP.HCM bắt đầu đổi chiến lược tuyển mộ nhân sự khi mang về những cầu thủ bên cạnh tài năng, phải có sẵn tên tuổi và một lượng cổ động viên trung thành đi kèm. "Cầu thủ được hâm mộ từ trước sẽ giúp khán giả biết tới đội bóng nhiều hơn", Chủ tịch Hữu Thắng chia sẻ.

Nguyễn Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Võ Huy Toàn... lần lượt cập bến CLB TP.HCM theo tiêu chí này. Giới chuyên môn chỉ ra: trong bóng đá hiện đại, cổ động viên đôi khi chỉ hâm mộ những cầu thủ đơn lẻ, và cổ vũ bất cứ đội bóng nào mà cầu thủ ấy thi đấu cho.

Hiện tượng hàng loạt khán giả Hàn Quốc cổ vũ Tottenham vì Son Heung-min, hay người Ai Cập yêu thích Liverpool vì Mohamed Salah là minh chứng.

CLB TP.HCM: Ước vọng bóng đá đẹp thành hiện thực?  - 2

Công Phượng là hợp đồng thành công của CLB TP.HCM. 

Ở mức độ tương đồng, nhưng thấp hơn về quy mô, hy vọng lôi kéo một lượng khán giả yêu mến U23 Việt Nam thông qua những hợp đồng với Công Phượng, Tiến Dũng cho thấy chiến lược làm hình ảnh thương mại bài bản của CLB TP.HCM.

Ở trận CLB TP.HCM gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, sân Thống Nhất đón sáu vạn khán giả, cao thứ ba vòng đấu.

Guồng quay bóng đá hiện đại cho phép các CLB "lắm tiền nhiều của" có thể rút ngắn thời gian thành công. Không muốn bỏ ra 10-15 năm làm bóng đá rồi mới hái quả ngọt, CLB TP.HCM đi tắt, đón đầu, đóng vai "Chelsea Việt Nam" như Becamex Bình Dương một thập kỷ trước với những thương vụ bom tấn. 

Hiệu ứng về mặt hình ảnh đến tức thì, khi khán giả đến sân nhiều hơn. "Sân Thống Nhất có lượng khán giả trung bình thuộc nhóm cao ở V.League. Đó là điều tôi tâm đắc nhất sau 2 năm làm ở CLB. Khán giả quay lại, dành tình cảm tốt đẹp cho đội bóng", Chủ tịch Hữu Thắng chia sẻ.

Một trong những ngôi sao được kỳ vọng nhất là Công Phượng chơi hay. 11 trận đấu ở giai đoạn một, Công Phượng ghi 6 bàn, đạt hiệu suất tốt nhất trong các cầu thủ nội và cao ngang ngửa những ngoại binh giỏi nhất V-League.

Màn thể hiện của Công Phượng giúp CLB TP.HCM xoa tay hài lòng, khi bản hợp đồng là mũi tên trúng hai đích: thương mại và chuyên môn.

Tuy nhiên, không phải hợp đồng nào của đội bóng này cũng được như Công Phượng. Tiến Dũng gây thất vọng khi mắc sai lầm và sa sút không phanh. Huy Toàn chấn thương liên miên, còn những ngoại binh, dù được chi trả số tiền hàng chục tỷ đồng, cũng chỉ để lại những cái lắc đầu ngán ngẩm. 

CLB TP.HCM: Ước vọng bóng đá đẹp thành hiện thực?  - 3

CLB TP.HCM lãng phí tiền cho những ngoại binh kém. 

Khát vọng đá đẹp 

Khuếch đại tên tuổi trên những ngôi chân bạc tỷ, đó là giải pháp mang lại hiệu quả tức thì, nhưng không căn cơ và lâu dài. Bởi trong bóng đá, nhất là ở Việt Nam, chưa nhiều cầu thủ có thương hiệu "bền vững" nhiều năm. Ngoài ra, lực lượng cổ động viên đến với đội bóng vì một cầu thủ nào đó chưa hẳn được đánh giá cao về mức độ trung thành.

Điều căn cốt nhất để tạo dựng tình yêu và sự tin tưởng với khán giả, là đội bóng phải có chiến lược nghiêm túc, chuyên nghiệp và trình diễn thứ bóng đá bắt mắt. Bóng đá đẹp, cổ động viên đến sân nhiều, tình yêu mới có cơ hội chớm nở. Tình yêu là cảm tính, nhưng để có tình yêu, các đội phải làm việc bằng tư duy lý trí. 

"Ban lãnh đạo thống nhất rằng CLB phải đi theo triết lý kiểm soát bóng ngắn, trung bình. Khi đội bóng tìm HLV, chúng tôi luôn đàm phán rõ rằng lối chơi của CLB là như thế, nếu ông thấy phù hợp thì chúng ta mới đi đến thương lượng, ký kết những điều khoản sau", Chủ tịch Hữu Thắng nhấn mạnh. 

CLB TP.HCM: Ước vọng bóng đá đẹp thành hiện thực?  - 4

Lee Nguyễn sẽ giúp CLB TP.HCM đá đẹp?

CLB TP.HCM đã "đóng đinh" một hệ triết lý về "bóng đá đẹp". Các HLV ngoại như Chung Hae Seong, Alexandre Polking có thể được hưởng đãi ngộ ngất ngưởng, nhưng đổi lại, họ phải làm điều mà rất ít HLV hiện tại ở V-League làm được: vận hành một đội bóng chiến thắng với thứ bóng đá ngắn, nhuyễn, lớp lang, bài bản và hấp dẫn.

Hà Nội FC là một trong những đội hiếm hoi vừa đá duy mỹ, vừa hiệu quả, song thành công này được xây dựng suốt 10 năm, với triết lý và chiến thuật khởi phát từ thời HLV Phan Thanh Hùng, được HLV Chu Đình Nghiêm kế thừa, cải tiến. Các cầu thủ trẻ Hà Nội cũng được đào tạo với tư duy đồng nhất, nên dễ dàng phát huy khả năng ở đội một.

CLB TP.HCM thiếu cả hai. Đội bóng của Chủ tịch Hữu Thắng chưa có một "tổng công trình sư" về chuyên môn, thiếu thời gian xây dựng lối chơi.

Bốn năm qua, CLB TP.HCM dùng bốn HLV ngoại ở bốn trường phái khác nhau. HLV Alain Fiard xây dựng đội đá kiểu trực diện. Toshiya Miura ưa lối đá bóng dài nặng về thể lực. Chung Hae Seong dẫn dắt CLB TP.HCM đá phòng ngự phản công, còn Polking lại đá xây đội chơi bóng ngắn.

Việc liên tục thay HLV khiến CLB TP.HCM giống "nồi lẩu thập cẩm" về tư duy chơi bóng, chưa thể tiếp nhận một cách đá ổn định để xây dựng chiến lược dài hạn. Để xây dựng một Bangkok United thiện chiến, HLV Polking mất tới sáu năm. CLB TP.HCM có đủ kiên nhẫn để cho ông khoảng thời gian tương tự?

CLB TP.HCM: Ước vọng bóng đá đẹp thành hiện thực?  - 5

HLV Polking mất tới 6 năm để xây dựng một Bangkok United thiện chiến. 

Lực lượng trẻ của đội cũng là dấu hỏi. Dù được ưu tiên lấy cầu thủ tốt ở Sở TDTT TP.HCM hay có nguồn từ Học viện Juventus Việt Nam, song đội trẻ TP.HCM đông mà không tinh, thường bị loại sớm ở các giải U15, U17, U19. Các cầu thủ trẻ như Tiêu Exal, Nguyễn Trung Thành,... hoặc ra đi theo dạng cho mượn, hoặc không có chỗ đứng. 

Đến lúc này, CLB TP.HCM vẫn chưa có lực lượng kế cận cho lớp đàn anh ở đội một. Do đó, mục tiêu đá đẹp và chiến thắng còn gặp quá nhiều thách thức.

Trớ trêu cho CLB TP.HCM, khi mùa giải có thứ hạng cao nhất lại là mùa CLB TP.HCM có ít ngôi sao và đá... ít đẹp nhất. Năm 2019, đội bóng của Chung Hae Seong đá thực dụng, ưu tiên phòng ngự phản công, gần giống CLB Viettel ở mùa 2020 vừa qua.

Một lối chơi phù hợp với chất lượng cầu thủ và "biết mình biết ta" mới là kim chỉ nam để các CLB có thành tích tốt.

Hiểu được điều này, nhưng CLB TP.HCM vẫn bị giằng co giữa mặt trận tìm kiếm thành tích và chinh phục trái tim khán giả. Nếu chỉ vô địch đơn thuần, CLB TP.HCM có thể rơi vào trường hợp giống Becamex Bình Dương, nhiều danh hiệu nhưng không thực sự là thương hiệu được nhiều người yêu mến. Còn nếu chỉ theo đuổi lối đá đẹp, sáu năm thất bại của HAGL là lời cảnh báo giàu sức nặng.

CLB TP.HCM cần thời gian đắp móng. Chiến lược mua sao hay chiêu mộ HLV tài giỏi chỉ như đắp bê tông dựng lên công trình lớn trên nền đất còn hoang sơ. Phải làm chuyên nghiệp, bài bản từ lớp trẻ đến đội một, đội chủ sân Thống Nhất mới mơ về ngày hái quả ngọt.

Trong bóng đá, có những khoảng cách mà tiền bạc và khát vọng đôi khi là chưa đủ để lấp đầy.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn