CLB Hà Nội chuyển hộ khẩu vào TP.HCM: Nghĩ đã thấy hài

Thể thaoThứ Sáu, 04/03/2016 10:58:00 +07:00

Đã 3 năm không có đại diện chơi tại V-League, nay có một đội bóng từ nơi khác đến, nếu bạn là người hâm mộ của bóng đá Sài Gòn thì có thấy vui không?

Đã 3 năm không có đại diện chơi tại V-League, nay có một đội bóng từ nơi khác đến, nếu bạn là người hâm mộ của bóng đá Sài Gòn thì có thấy vui không. Không! Đó là điều chắc chắn. Không có còn không sao cả mà. Có mà theo cách “chuyển hộ khẩu”, có gì hay?
Ở một góc độ khác, 3 năm qua dù không chơi V-League nhưng bóng đá Sài Gòn không hề đứng yên. Họ kiên nhẫn cốt để xây dựng lại mọi thứ từ đầu và mùa này, đã đặt chỉ tiêu cho CLB TPHCM thăng hạng. Nếu tự dưng có một đội bóng từ nơi khác đến, hóa ra câu chuyện “nằm gai, nếm mật”, chịu rất nhiều điều tiếng của LĐBĐ TPHCM 3 năm qua chẳng có giá trị gì sao?
Việc CLB Hà Nội chuyển vào TPHCM đang gặp những phản ứng trái chiều
Việc CLB Hà Nội chuyển vào TPHCM đang gặp những phản ứng trái chiều 
Đương nhiên, nhìn ở một khía cạnh trung dung hơn thì chuyện có thêm 1 thì vẫn tốt hơn là không có gì. Hơn nữa, có sự cạnh tranh từ đội bóng mới, động lực thăng hạng của CLB TPHCM sẽ cao hơn thì sao?
Nhưng thực ra, chuyện của bóng đá Sài Gòn không phải là điều đáng bàn mà đúng hơn là chuyện của bóng đá Việt mới đáng lo.
Thứ nhất, chuyển đội Hà Nội vào TPHCM là mục đích gì? Chúng tôi không tin nó thuộc về phạm trù của bóng đá bởi các chi phí trong đầu tư cũng như cơ hội phát triển, ở Hà Nội thì có khác gì TPHCM. Đó là chưa nói, hiện khu vực đồng bằng Sông Hồng đang là cái “lõi” của bóng đá Việt Nam. Một môi trường tốt như vậy hà cớ gì không phát triển nếu đơn thuần làm bóng đá cho bóng đá.
Thứ hai, nếu đồng ý cho sự chuyển đổi này, chẳng khác nào cười vào nỗ lực chuyên nghiệp hóa của bóng đá Việt Nam. Xét ở góc độ chuyên nghiệp, thay tên CLB, chuyển đổi chủ sở hữu còn đỡ hơn là chuyển địa phương. 
Mọi CLB đều phải có “gốc” của mình và đó là nền tảng cho mọi sự phát triển sau này. Chẳng hiểu sao, sau nhiều năm gầy dựng, người ta sẵn sàng bỏ hết để làm lại từ đầu ở một nơi vốn dĩ còn khó khăn hơn do nền tảng không có. Một đội bóng sẵn sàng bỏ tên của mình thì liệu có tâm huyết làm bóng đá lâu dài hay không?
Thứ ba, sự chuyển đổi ấy đặt ra một vấn đề: rốt cục thì người ta đang làm bóng đá kiểu gì? Chuyện này không lạ cách đây 5-7 năm nhưng hiện nay, không thể tin là vẫn xảy ra. 
Không có đội bóng nào tồn tại mãi mãi, nếu không đủ khả năng làm thì tốt nhất nên “khai tử”. Việc cố thay tên, đổi họ chỉ khiến cho sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp bị bóp méo. Còn nếu người ta làm điều đó vì một mục đích khác, thì chẳng khác gì đang phá bóng đá.
XMXT Sài Gòn từng là “trò đùa” của bầu Thụy và bầu Thủy với bóng đá Việt
XMXT Sài Gòn từng là “trò đùa” của bầu Thụy và bầu Thủy với bóng đá Việt 

Người Sài Gòn vừa mừng vừa lo
Sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận bóng đá TPHCM trong những ngày qua là CLB Hà Nội đang lên kế hoạch di chuyển vào TPHCM, chọn sân Thống Nhất làm sân nhà sau khi kết thúc vòng 4 V- League 2016 và đổi tên thành Sài Gòn FC. Vui mừng và háo hức, hơn nữa là cơn khát bóng đá của người hâm mộ bóng đá TPHCM phần nào đã được giải quyết và SVĐ Thống Nhất sẽ lại sáng đèn vào mỗi dịp cuối tuần.
Dù vậy, phần đông dư luận cũng hoang mang không kém sau những bài học mang tên Sài Gòn United, Navibank Sài Gòn, XMXT Sài Gòn. Những đội chợt đến rồi… chợt đi, để lại một khoảng trống cho làng cầu TPHCM. Chính vì vậy mà mỗi khi nghe thông tin có đội chuyên nghiệp muốn gia nhập làng cầu TPHCM thì ai cũng… giật mình khi vừa mừng vừa lo.
Với một thành phố đông dân như TPHCM thì nhu cầu giải trí vào mỗi dịp cuối tuần là rất cao và lượng người hâm mộ với trái bóng tròn cũng không hề nhỏ. Thế nhưng, gần 3 năm qua số lần mà khán giả nơi đây được sống trong không khí của những ngày hội bóng đá thật sự chỉ được đếm trên đầu ngón tay. 
Sự xuất hiện của U.19 Việt Nam với những giải đấu giao hữu, những giải đấu trẻ như U.15, U.17 hay U.21 thật sự chỉ như cơn mưa rào thoáng qua và phần nào giúp cho người hâm mộ Sài thành giải tỏa được cơn khát với bóng đá. 
Hiểu được tâm lý của người hâm mộ bóng đá TPHCM, lãnh đạo HFF sau khi ổn định các tuyến trẻ, bóng đá học đường cũng từng bước xây dựng chân đế bền vững cho CLB TPHCM. Đơn cử là mùa bóng 2016, đội nhận chỉ tiêu thăng hạng sau nhiều mùa trui rèn ở giải hạng Nhất. Không đi nhanh như những năm trước, phương châm của HFF lúc này là thà chậm (lên hạng) nhưng chắc chắn vẫn tốt hơn.
Nay, mừng vì cuối tuần có thể đến sân xem V-League, nhưng lại lo là CLB mới này sẽ xuất hiện và vận hành theo mô hình nào? Và tính ổn định, lâu dài sẽ ra sao?
Các thành viên CLB TPHCM chưa kịp lâm trận mùa giải 2016 thì đã có thêm áp lực mới.
Các thành viên CLB TPHCM chưa kịp lâm trận mùa giải 2016 thì đã có thêm áp lực mới. 

Không phải là hướng tốt
Qua trao đổi với nhiều nhà quản lý có thâm niên với bóng đá Việt Nam, hầu hết đều nhận định đây là một cách “lách luật”. Theo quy chế của VFF thì cấm đổi chủ sở hữu, nhưng chuyện đổi sân và địa bàn thì không ghi. Thế nên, nếu phương án đổi tên hay đổi sở hữu CLB không được chấp thuận thì vẫn còn phương án 2 là đổi sân nhà, cũng như kể cả địa phương. 
“Tuy nhiên, dù thế nào thì đây cũng là một cách lách luật và tôi cho rằng hoàn toàn không phải là hướng tốt cho bóng đá Việt Nam hiện nay”, một chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, khi Navibank Sài Gòn và XMXT Sài Gòn xuất hiện, họ thường đính kèm lực lượng hùng hậu để tạo niềm tin bước đầu với người hâm mộ TPHCM. Nhưng với CLB Hà Nội thì lại đang là một trong những ứng viên xuống hạng tại V-League 2016. 
Những diễn biến cho thấy CLB Hà Nội đang trên đường vào TPHCM. Nhưng đến hôm qua, VPF cũng như LĐBĐ TPHCM chưa chính thức nắm rõ sự việc trên mà chỉ biết qua phương tiện truyền thông. Theo lệ thường, nếu 1 CLB muốn chọn sân khác để làm sân nhà thì tối thiểu cũng liên hệ với LĐBĐ địa phương ấy trước.

Nguồn: Sài Gòn giải phóng
Bình luận
vtcnews.vn