Người mẹ bóp cổ, đánh đập bé trai ở Bình Dương đối diện mức phạt nào?

Pháp đìnhThứ Sáu, 29/05/2020 14:31:00 +07:00
(VTC News) -

Luật sư cho rằng, người mẹ tâm thần bóp cổ, đánh đập dã man bé trai ở Bình Dương có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngày 29/5, một lãnh đạo xã An Bình (huyện Phú Giáo, Bình Dương) xác nhận, trên địa bàn xảy ra vụ việc bà T.L. (34 tuổi) bạo hành dã man bé trai 5 tuổi - con riêng của chồng, tại một căn nhà ở tổ 4, ấp Nước Vàng.

Công an xã An Bình cho biết, trước đó bà T.L. cũng từng bạo hành con nhiều lần. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì phát hiện bà L. bị bệnh tâm thần. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chính quyền địa phương làm hồ sơ cho bà L. được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định.

Trước đó, trên mạng mã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 1 người phụ nữ bóp cổ, đánh đập, nhấc bổng người bé trai lên rồi đánh tới tấp vào mặt, đầu của bé mặc cho bé khóc thét. Một lúc sau, người này nằm xuống đất rồi dùng chân đạp liên tiếp vào người cháu bé.

Dù người phụ nữ vừa đánh đứa bé vừa chửi thề, nhưng người đàn ông ngồi bên cạnh lại không có biểu hiện can ngăn.

Ngay khi đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người xem bày tỏ phẫn nộ với hành vi của người phụ nữ và thương cảm cho hoàn cảnh của đứa bé.

Đoạn clip được cho là xảy ra tại xã An Bình, huyện Phú Giáo. Người phụ nữ đánh đập bé trai được cho là mẹ kế.

Người mẹ bóp cổ, đánh đập bé trai ở Bình Dương đối diện mức phạt nào?  - 1

Người mẹ kế đánh đập con riêng 5 tuổi của chồng dã man. (Ảnh cắt từ clip.)

 

Liên quan đến vụ việc, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đối với người tâm thần phạm tội, dù miễn trách nhiệm hình sự hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ thì vẫn cần phải ưu tiên chữa bệnh để họ khỏi bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát.

"Đưa họ vào tù mà không chữa bệnh cho họ, sau khi họ ra tù hoặc thậm chí ở ngay trong tù cũng là một điều nguy hiểm. Do đó trường hợp phát hiện các cá nhân này, thì các cơ quan, tổ chức xã hội ở địa phương cần nhanh chóng vào cuộc giám sát và hướng dẫn gia đình để tiến hành điều trị cho người bệnh và giảm thiểu các rủi ro cho các người cùng chung sống”, luật sư Cường khẳng định.

Cũng theo luật sư Cường, Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về mất năng lực hành vi dân sự quy định, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Theo đó, nếu bà L. bị bệnh tâm thần khiến cho người đó không thể nhận thức, làm chủ hành vi thì những người liên quan theo quy định, có thể thực hiện giám định sức khỏe cho bà L., sau đó làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố bà L. bị mất năng lực hành vi dân sự.

Tất cả các giao dịch dân sự do bà L. thực hiện kể từ khi có quyết định của Tòa án đều sẽ do bố mẹ của bà L.- người đại diện theo pháp luật của bà L. chịu trách nhiệm. Vì vậy, nếu bà L. có hành vi đánh người khác thì cũng sẽ không bị bắt giữ hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường nhấn mạnh, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, luật sư Cường cho rằng, theo nội dung tại Khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định "Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại" thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

Do đó, trường hợp này cần xác định bà L. đã được Tòa án xác định là người mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự hay chưa.

"Trường hợp chỉ mới khám bệnh, chưa có hồ sơ bệnh án hay chỉ “nghe đồn” thì Cơ quan chức năng cần vào cuộc, thậm chí khởi tố vụ án hình sự để điều tra, trong quá trình điều tra nếu thấy bà L. có dấu hiệu “tâm thần” thì Quyết định giám định sức khỏe tâm thần làm cơ sở giải quyết vụ việc", luật sư Cường cho biết thêm.

Còn theo luật sư Trương Thị Minh Thông (Đoàn luật sư TP.HCM), việc bà L. thường xuyên đánh đập con riêng của chồng là có dấu hiệu phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 185 Bộ Luật hình sự, mức phạt có thể lên đến 3 năm tù giam.

“Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Thông cho hay.

Nếu đưa cháu bé đi giám định, tỷ lệ thương tích trên 11% hoặc nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự  2015 sửa đổi bổ sung 2017, mức phạt tù có thể từ 3 năm đến 6 năm tùy theo theo hành vi và mức độ thương tật.

"Nếu bà L. bị tâm thần, có giấy giám định tâm thần hoặc sau đó đi giám định tâm thần mà xác định vào thời điểm phạm tội bà L. bị tâm thần thì miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự", luật sư Thông cho biết.

Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên theo luật sư Thông, bà L. phải bị buộc cách ly để áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc để không gây nguy hiểm cho xã hội theo Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự 2015, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Đối với trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại Khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Hình sự 2015 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn