'Làm xiếc' số liệu, lãnh đạo Wirecard phải trả giá, bao giờ đến Huy Nhật?

Pháp đìnhThứ Tư, 01/07/2020 18:09:00 +07:00

"Làm xiếc" số liệu, lãnh đạo Wirecard - Cty fintech tỷ đô đang phải trả giá, liệu trường hợp tương tự Wirecard ở Việt Nam đến bao giờ mới bị đi vào vết xe đổ này?

Lãnh đạo Wirecard phải trả giá

Trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020, một trong những thông tin khiến làng tài chính toàn cầu rúng động chính là Wirecard, công ty công nghệ tài chính (fintech) tỷ đô đệ đơn phá sản.

Điều đáng nói, Wirecard phá sản không phải do đại dịch COVID-19 như nhiều ông lớn hàng không. Đây là hậu quả của việc dàn lãnh đạo Wirecard "làm xiếc" số liệu tài chính. Cụ thể, Wirecard, công ty từng có vốn hóa lớn nhất châu Âu, đã đệ đơn xin phá sản ngày 25/6/2020, chỉ vài ngày sau thông tin lượng tiền mặt 1,9 tỷ euro (khoảng 2,1 tỷ USD) của Wirecard đã “biến mất” khỏi bảng cân đối kế toán của công ty được đưa tin rộng rãi. Đến lúc này, truyền thông mới xem lại "lịch sử" của Wirecard. Thì ra, trước đó, Wirecard đã có nhiều bê bối liên quan đến tài chính.

'Làm xiếc' số liệu, lãnh đạo Wirecard phải trả giá, bao giờ đến Huy Nhật? - 1

Wirecard, công ty công nghệ tài chính (fintech) tỷ đô đệ đơn phá sản.

Theo Báo Đầu tư, trong năm 2015, Financial Times đã bày tỏ những nghi ngờ với số liệu kế toán và tăng trưởng doanh thu của Wirecard. Financial Times nghi ngờ có một “lỗ hổng” 250 triệu euro dưới dạng các khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán của Wirecard. Chỉ 1 năm sau đó, đã có một loạt phân tích nặc danh của những người tự xưng là đang bán khống Wirecard cáo buộc công ty này thổi phồng số liệu doanh thu và tiến hành rửa tiền.

Năm 2018, công ty tiếp tục bị nghi ngờ là đã thực hiện một loạt hoạt động chuyển doanh thu qua lại thông qua các chi nhánh ở châu Á để thổi phồng doanh thu. Năm 2019, Financial Times tiếp tục theo đuổi những nghi vấn về hoạt động kinh doanh của Wirecard sau khi nhận được thông tin là có những khuất tất trong số liệu doanh thu ở Singapore. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Financial Times, Wirecard vẫn nhận được niềm tin của cổ đông. Vì vậy, giá cổ phiếu Wirecard tăng trưởng không ngừng. Dù vậy, với những nỗ lực không mệt mỏi của Financial Times, tháng 4/2020, KPMG công bố báo cáo cho biết công ty không thể xác nhận được các giao dịch liên quan đến phần lớn doanh thu và lợi nhuận Wirecard công bố từ năm 2016-2018 là trung thực.

Công ty kiểm toán này cũng không thể xác định được số dư tiền mặt 1 tỷ euro của Wirecard đang tồn tại hay không. Ngày 18/6/2020, Wirecard công bố có khoảng 1,9 tỷ euro tiền mặt “mất tích”. Ngày 23/6, CEO Wirecard Marcus Braun bị bắt và ngày 25/6/2020, Wirecard nộp đơn xin phá sản. Đây là cú sốc lớn đầu tư trong năm 2020 của giới công nghệ cũng như giới tài chính toàn cầu. Không chỉ Marcus Braun, nhiều người có liên quan được tin là sẽ sớm phải trả giá.

Huy Nhật thì sao?

Câu chuyện Wirecard khiến nhà đầu tư trong nước liên tưởng đến một trường hợp "làm xiếc" số liệu tài chính tương tự ở Việt Nam. Đó là Huy Nhật. Năm 2019, cùng với Món Huế, Huy Nhật đã tạo ra một cú sốc không hề nhỏ trong giới đầu tư. Đầu tiên, dư luân xôn xao trước thông tin chuỗi nhà hàng Món Huế phải đóng cửa vì nợ tiền hàng chục tỷ đồng của các nhà cung cấp.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện nợ nần, Món Huế càng ngày càng lộ những vấn đề lớn hơn. Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 17/4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Horizon Property Group (số 16 Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM) do ông Huy Nhật làm giám đốc.

Trong quá trình làm việc, ông Huy Nhật đã cử ông Nguyễn Lương Hoàng, Giám đốc Công ty Horizon Việt Nam, nhiều lần tổ chức các buổi giới thiệu dự án ở nước ngoài, thuyết minh các chỉ số lợi nhuận của một bất động sản nghỉ dưỡng, cung cấp các báo cáo chi tiết về dự án, sản phẩm, doanh số bán ra. Nhóm Huy Nhật giới thiệu dự án có quy mô 162 ha tại Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế). Tổng vốn đầu tư của dự án được giới thiệu lên đến 543,5 triệu đô la, từ đó mang lại EBIT đến 36,3 triệu đô la ngay từ năm thứ 3 hoạt động.

Nguồn số liệu trong báo cáo đều được ghi là: “Phân tích bởi Bộ phận đầu – Tập đoàn bất động sản Huy”. Sau này các nhà đầu tư xác minh lại, thì những thông tin trong báo cáo đều là giả mạo, kể cả việc sở hữu quyền sử dụng khu đất ở Lăng Cô. Nhóm nhà đầu tư tố cáo ông Huy Nhật khẳng định toàn bộ câu chuyện do ông Huy Nhật đã vẽ nên nhằm mục đích dụ dỗ nhà đầu tư bỏ tiền vào các công ty của ông để thực hiện dự án không có thật, sau đó rút hết tiền mà không sử dụng cho dự án.

Nhóm nhà đầu tư khẳng định bên cạnh vụ án lừa đảo về dự án bất động sản ở Lăng Cô, Huy Nhật và cộng sự hiện còn đối mặt với vụ kiện của nhóm cổ đông chuỗi nhà hàng Món Huế, với nhiều yếu tố và hành vi mang tính lừa đảo tương tự. Nhóm nhà đầu Hồng Kông cho biết họ đã rót khoảng 1.390 tỷ đồng để mở rộng và phát triển chuỗi Nhà hàng Món Huế.

'Làm xiếc' số liệu, lãnh đạo Wirecard phải trả giá, bao giờ đến Huy Nhật? - 2

 

Huy Nhật và cộng sự bị tố cáo đã giả mạo thông tin báo cáo để gọi vốn, tình hình tài chính trong nhiều năm qua. Cụ thể, theo báo cáo gần đây thì tình hình kinh doanh từ cuối năm 2018 đến năm tháng 10/2019 vẫn còn rất thuận lợi. Theo đó, giá trị tài khoản tiền mặt của Món Huế tăng từ mức hơn 1.074 tỷ đồng vào ngày 21/11/2018, đã lên mức 1.988 tỷ đồng vào thời điểm 30/7/2019.

Khoản tiền mặt tăng vọt trong thời gian dài đã khiến các nhà đầu tư ngoại mất cảnh giác. Tuy nhiên, sau khi thông tin đóng cửa chuỗi Món Huế rộ khắp mặt báo vào tháng 10 năm ngoái, nhà đầu tư Hồng Kông kiểm tra lại thì thấy tài khoản ngân hàng ghi trong báo cáo trên thậm chí không tồn tại trong hệ thống của nhà băng.

Nhà đầu tư này khẳng định rằng Huy Nhật cùng nhóm quản lý của chuỗi Món Huế đã làm giả các giấy tờ khi cung cấp số liệu cho nhà đầu tư và nhiều dữ liệu quan trọng khác trong các thương vụ chuyển nhượng trăm tỉ dự án bất động sản hay các thương hiệu thực phẩm nhượng quyền.

Đáng chú ý hơn, Huy Nhật và các cộng sự còn bị cáo buộc làm giả giấy tờ (cụ thể là chữ ký ông Salamatian, thành viên HĐQT của Huy Cayman) để tự ý chuyển đổi khoản vay 17,5 triệu đô la thành vốn góp cổ phần của Món Huế.

Có thể thấy, cả Wirecard và Món Huế đều có những điểm tương đồng là "làm xiếc" số liệu tài chính để lừa đảo nhà đầu tư. Trong khi, dàn lãnh đạo Wirecard đang dần phải trả giá thì giới đầu tư cũng đặt vấn đề rằng cá nhân tại Món Huế cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình để môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng trong sạch.

Hoàng Minh
Bình luận
vtcnews.vn