Đường dây lừa trăm tỷ qua mạng do nam cử nhân cầm đầu hoạt động tinh vi cỡ nào?

Pháp đìnhThứ Tư, 24/06/2020 11:05:00 +07:00
(VTC News) -

Những kẻ trong đường dây lừa đảo qua mạng do cử nhân công nghệ thông tin cầm đầu sử dụng nhiều chiêu trò khi thực hiện hành vi phạm tội.

Đại tá Phạm Văn Toàn – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, lực lượng thuộc đơn vị vừa phối hợp với Phòng 6 – Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vừa phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet của gần 450 người thu lợi bất chính khoảng hơn 110 tỷ đồng.

Cử nhân cầm đầu đường dây lừa đảo

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020 Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận được trình báo của nhiều công dân về việc bị mất trộm tiền trong tài khoản ngân hàng. Hầu hết các bị hại đều là những người bán hàng online.

Một trong số các bị hại cho biết: “Một người vào trang Facebook cá nhân, hỏi mua của tôi 4 cái áo. Rồi, người này bảo là đang sống tại Mỹ và họ gửi cho tôi một đường link và đề nghị tôi truy cập vào đường link, điền đầy đủ thông tin thì họ mới chuyển được tiền cho tôi.

Tôi tin tưởng nên làm theo yêu cầu của họ, sau đó có người bên ngân hàng gọi điện yêu cầu tôi cung cấp mã OTP để xác nhận thông tin, tôi tin tưởng nên đọc mã OTP cho họ, sau đó không hiểu vì sao toàn bộ tiền trong tài khoản của tôi bị lấy mất, liên lạc với người mua thì tài khoản Facebook đã bị chặn”.

Đường dây lừa trăm tỷ qua mạng do nam cử nhân cầm đầu hoạt động tinh vi cỡ nào? - 1

Lê Anh Tuấn từng tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin ở một trường đại học ở Đà Nẵng nhưng lại mang những kiến thức ấy để thực hiện điều hành đường dây lừa đảo qua mạng Internet. (Ảnh: CACC).

Đại tá Phạm Văn Toàn – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, từ những thông tin ban đầu mà các nạn nhân cung cấp, cơ quan công an xác định đây là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi.

Các dấu vết mà những kẻ lừa đảo để lại rất hạn chế do facebook sử dụng mua hàng là facebook ảo, việc liên lạc đều tiến hành qua tin nhắn facebook, không để bất kỳ thông tin liên lạc nào. Nngay sau khi đánh cắp tiền trót lọt, những kẻ lừa đảo nhanh chóng chặn facebook, xóa dấu vết để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Xác định tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng 6 - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) điều tra, xác minh làm rõ đường dây phạm tội.

Sau nhiều tháng vất vả điều tra, lực lượng công an xác định những kẻ lừa đảo nằm trong một đường dây do Lê Anh Tuấn (SN 1989, trú tỉnh Quảng Trị) cầm đầu. Qua điều tra, Tuấn từng tốt nghiệp một trường đại học ở TP Đà Nẵng có đào tạo về công nghệ thông tin.

Tậu máy giả giọng nói để lừa đảo

Đại uý Lưu Thanh Tùng – Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho hay, trong quá trình phạm tội Lê Anh Tuấn cùng động bọn tỏ ra là những kẻ lọc lõi, sử dụng nhiều chiều trò tinh vi trong quá trình phạm tội hòng qua mắt cơ quan công an.

Theo đó, vốn có sẵn trình độ về công nghệ thông tin, Tuấn lập ra một đường dây lừa đảo và kêu gọi nhiều đồng bọn tham gia gồm Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1994, trú huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Ngọc Thành (1989, tỉnh Quảng Trị) thuê trọ tại số nhà 29/48 đường Ngự Bình (phường An Cựu, TP Huế) để hoạt động phạm tội.

Qua đó, Tuấn phân công nhiệm vụ cho Dũng, Thành chịu trách nhiệm lập nhiều Facebook ảo có độ tin cậy cao, lên mạng và vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online, nhắn tin trò chuyện mua hàng và rút tiền.

Riêng Lê Anh Tuấn thì trực tiếp thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam như http://www.westers-unions.com/un...

Để vận hành đường dây này, những kẻ lừa đảo sau khi tìm kiếm được “con mồi”, sẽ chủ động đề nghị thanh toán trước qua ngân hàng để chiếm lòng tin, lấy lý do đang ở nước ngoài nên phải chuyển tiền qua các dịch vụ trung gian như: MoneyGram hay Western Union…

Sau khi tạo niềm tin cho các bị hại, các đối tượng yêu cầu bị hại truy cập vào website do đối tượng cung cấp, nhập thông user, mật khẩu, mã OTP để làm thủ tục nhận tiền. Ngay khi bị hại tiến hành nhập mã OTP trên giao diện thì các mã này sẽ được gửi qua địa chỉ [email protected] do Tuấn quản lý.

Đại uý Lưu Thanh Tùng cho hay, trong quá trình hoạt động phạm tội, những kẻ trong đường dây lừa đảo do Lê Anh Tuấn cầm đầu còn trang bị cả máy điều chỉnh giọng nói để gỉa danh nhân viên của dịch vụ chuyển tiền trung gian hoặc ngân hàng. Sau đó chúng dùng sim rác gọi điện cho các nạn nhân và yêu cầu cung cấp thông tin user, mật khẩu, mã OTP… để xác nhận nhận tiền.

Lê Anh Tuấn cùng đồng bọn sau đó sử dụng thông tin nói trên của các nạn nhân đăng nhập vào website ngân hàng thật để thực hiện lệnh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân đến tài khoản của đối tượng. Sau khi lừa đảo trót lọt một con mồi, đối tượng cầm đầu Lê Anh Tuấn sẽ trả công cho Dũng và Thành từ 10-50% số tiền lấy được. Số tiền này các đối tượng dùng để ăn chơi, tiêu xài, và đánh bạc.

Trong quá trình phạm tội, những kẻ trong đường dây lừa đảo nêu trên không sử dụng một tài khoản ngân hàng mà cùng lúc đăng ký tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Sau khi chiếm đoạt được tiền từ nạn nhân, các đối tượng sẽ chuyển số tiền này qua nhiều tài khoản sau đó mới rút ra.

Đường dây lừa trăm tỷ qua mạng do nam cử nhân cầm đầu hoạt động tinh vi cỡ nào? - 2

Công an đọc lệnh bắt những kẻ trong đường dây lừa đảo do Lê Anh Tuấn cầm đầu. (Ảnh: CACC).

Cùng với đó, những kẻ lừa đảo thường xuyên di chuyển trong phạm vi Đà Nẵng – Huế - Quảng Trị và liên tục thay đổi chỗ lưu trú để tránh bị phát hiện.

Đại uý Lưu Thanh Tùng chia sẻ, trong quá trình điều tra, thống kế  đến nay có khoảng 430 nạn nhân sập bẫy đường dây này ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Có người bị lừa từ vài triệu lên đến vài tỷ đồng.  Tính từ tháng 10/2019 cho đến nay, nhóm của Tuấn lừa đảo chiếm đoạt khoảng 110 tỷ đồng.

Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, để triệt phá đường dây nói trên, các cán bộ công an phải mất nhiều tháng để truy tìm và xác định được danh tính, nhân thân của những kẻ lừa đảo. Sau đó, phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ thu thập bằng chứng phục vụ công tác phá án và bắt giữ những kẻ lừa đảo.

Để tránh “sập bẫy” của những kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ cao, Đại uý Lưu Thanh Tùng khuyên người dân: “Cẩn trọng hơn trong việc mua bán hàng online; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP cho người lạ và tuyệt đối không truy cập vào những đường link do do người mua hàng chuyển đến”.

NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn