Chuyện vọng phu ở xứ sở vàng

Thời sựChủ Nhật, 02/06/2013 08:11:00 +07:00

Ở nơi từng là thánh địa vàng, những người phụ nữ đơn thân mơ một ngày đoàn viên ấm lòng con trẻ.

Ở nơi từng là thánh địa vàng, xứ sở riêng những cai vàng, chủ bãi khét tiếng, có những đứa trẻ ra đời lớn lên không biết mặt cha và những người phụ nữ đơn thân mơ một ngày đoàn viên ấm lòng con trẻ.

Những đứa bé sinh ra ở bìa rừng

Xã Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam) nằm giữa bát ngát núi rừng, được mệnh danh xứ sở của vàng ròng. Vàng có ở khắp nơi từ ruộng nương, bờ suối, núi rừng.

Con đường mới mở, đã nối Phước Thành với bên ngoài, không còn cách trở như xưa. Trước, để vào Phước Thành phải cần đến những hảo hán chuyên chạy xe đường rừng.

thung lũng, vọng phu, đào vàng, quảng nam
Thung lũng vàng 

Nay, đường vào Phước Thành đỡ hơn, nhưng từ thị trấn Khâm Đức vào tới đây cũng mất ngót nửa ngày trời chạy xe máy. Những công nhân làm đường cho hay, nhiều cung đường bạt núi, dân ra làm vàng ngay giữa đường cũng kiếm được ngày vài phân vàng là chuyện thường.

Qua đèo Eo Chim giữa trưa mây vẫn còn đè đỉnh núi. Bên kia đèo, Phước Thành hiện ra với những ngôi nhà thấp lè tè. Gặp lại Hồ Văn Phen, Chủ tịch xã Phước Thành, Phen tay bắt mặt mừng: “Lâu lắm rồi mới có nhà báo vào xã. Khó khăn lắm nhưng không biết kêu ai”.

Phen năm nay mới 33 tuổi. Nhắc chuyện vàng, Phen hồ hởi: Giờ quy củ rồi, mấy công ty giờ làm riêng biệt, không còn lộn xộn như xưa. Trên địa bàn xã giờ có khoảng 1.000 công nhân của 4 công ty vàng lớn. Công an tăng cường, việc làm vàng được quản lý tốt, nên không còn lộn xộn và phức tạp như xưa.

Phước Thành đã nhiều đổi thay, nhưng cái nghèo cái khó vẫn bủa vây lấy cuộc sống của người Bhnoong vốn sống nhờ nương rẫy ruộng vườn. Đàn ông đi rẫy, đàn bà, trẻ em cõng chuyến vào các bãi vàng mưu sinh. Phu vàng tứ xứ kéo về đây một thời, làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Và kéo theo những hệ lụy buồn.

Kể về những thân phận phụ nữ ở Phước Thành đơn thân, một mình nuôi con - những đứa con của phu vàng, Chủ tịch Phen buồn rầu: “Gần chục trường hợp, hoàn cảnh đều khó khăn.

Không cha, các em vẫn được nuôi lớn lên nhưng nhiều đứa tự ti về hoàn cảnh mình, tội nghiệp lắm”. Những trường hợp, hoàn cảnh Phen nắm rành rõi bởi trong số đó, có nhiều người là bạn cùng trang lứa với Phen.

vọng phu, đào vàng, quảng nam
Mẹ con chị Hồ Thị Sanh. 

Ngôi nhà của 4 mẹ con chị Hồ Thị Sanh nằm bên trục đường cái, cách trụ sở UBND xã không xa. Sanh vừa đi cõng chuyến về, mồ hôi vẫn còn đầm đìa. 32 tuổi, ba mặt con nhưng Sanh vẫn giữ được nét xinh đẹp của thiếu nữ miền sơn cước, duy chỉ có ánh mắt của Sanh buồn u ám, đầy bế tắc như mây mù chốn thâm sơn. Cả 3 đứa con của Sanh là kết quả của những mối tình ngang trái éo le, sớm tan vỡ.

Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, khó khăn nên từ nhỏ Sanh đã phải vào các bãi vàng để mưu sinh. Thiếu nữ Bhnoong lớn lên giữa núi rừng. Những chuyến cõng hàng vào bãi vàng kiếm tiền, Sanh lọt vào ánh mắt của chàng trai phu vàng Quảng Ngãi.

Cuộc tình vụng trộm, năm 16 tuổi Sanh mang thai. Chàng trai kia nghèo khó chưa thể cưới Sanh được, đành hẹn ước vài năm sau có tiền có sẽ xin cưới hỏi đàng hoàng.

Cái thai ngoài ý muốn, Sanh đối diện với sự hà khắc của gia đình và dân làng. Thương con, mẹ Sanh dựng chòi nhỏ ở bìa rừng cho con gái ở chờ ngày vượt cạn.

Cuối năm 1997, Hồ Văn Quăn con trai đầu lòng của Sanh chào đời ở bìa rừng trong thiếu thốn và mưa rét. Cơm với rau rừng, bữa no bữa đói, Sanh âm thầm một mình nuôi con. Phải hơn 1 năm sau, Sanh mới được bồng con về làng. Mọi người nhìn Sanh với ánh mắt đầy kỳ thị.

Số phận tiếp tục trêu đùa với thiếu nữ trẻ. Khi đứa con vừa hơn 2 tuổi, chàng trai phu vàng tử nạn khi chuẩn bị cưới. Tương lai và hy vọng bỗng chốc sụp đổ. Nghèo đói, để có tiền nuôi con, Sanh tiếp tục cõng chuyến vào bãi vàng nằm giữa rừng sâu.

Và rồi như định mệnh trái ngang và oan nghiệt cho phận má hồng, Sanh lại yêu thương và mang thai với chàng phu vàng xứ Bắc kèm theo những lời thề thốt.

Năm 2001 và 2003, Sanh hạ sinh liền một trai, một gái. Những đứa trẻ tiếp tục cất tiếng khóc chào đời bên bìa rừng. Chàng trai kia sau một thời gian chung sống với Sanh rồi lặng lẽ bỏ ra đi, cùng lời hứa quay lại. Sanh một mình nuôi con nhỏ, và không nguôi hy vọng.

Mơ một lần con được gọi tiếng cha


đào vàng, phước thành
Đường vào Phước Thành. 
 

Bình luận
vtcnews.vn