Chuyện 'vị cứu tinh của Bình Trị Thiên'

Thời sựChủ Nhật, 22/12/2013 11:21:00 +07:00

Giặc Pháp cũng nể sợ anh, gọi anh là "vị cứu tinh của Bình Trị Thiên", nhưng anh vẫn là một người bình dị, quan tâm chăm sóc đến từng người dân, người lính.

Giặc Pháp cũng nể sợ anh, gọi anh là "vị cứu tinh của Bình Trị Thiên", nhưng anh vẫn là một người bình dị, quan tâm chăm sóc đến từng người dân, người lính.

Những đêm mùa đông ở Chiến khu Hòa Mỹ, trời giá lạnh và ẩm ướt. Đi ngang qua nhà anh Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), tôi thường thấy anh ngồi bên đống lửa, hong cuốn sách bị ẩm rồi đọc đến khuya.

Hòa Mỹ đã khởi sắc, thoát nạn đói. Gạo đã có, nhưng rất ít, phải dành cho bộ đội đi chiến đấu, cho trẻ em và thương bệnh binh ở Bệnh viện CK7. Đến chỗ anh Thanh ở, tôi vẫn thấy bác Bộ giã củ mì nấu cháo, luộc rau tàu bay nuôi anh Thanh.

Hồi đó, nhân dân cả tỉnh Thừa Thiên-Huế ai cũng thương quý, kính trọng anh, tôn vinh anh. Nhưng với chúng tôi, anh vẫn là người anh gần gũi, bình dị, rất yêu mến của lớp tuổi thiếu niên kháng chiến ở Mặt trận Bình-Trị-Thiên.

Tác giả Trần Công Tấn (thứ hai, từ trái sang) với các con của anh Thanh, chị Cúc tại gia đình ở Hà Nội. (Ảnh do gia đình cung cấp).
 Tác giả Trần Công Tấn (thứ hai, từ trái sang) với các con của anh Thanh, chị Cúc tại gia đình ở Hà Nội. (Ảnh do gia đình cung cấp).
Tôi nhớ, một dạo anh Thanh vắng mặt ở chiến khu. Nhiều người thì thầm thương tiếc nói với nhau, chắc anh Thanh và anh Lâu đưa quân về quốc lộ 1, đánh đồn An Lỗ đã bị Tây bắn chết. Trước đó, quân Pháp nghe tin “hai con hổ lớn” của rừng Hòa Mỹ xuất hiện, chúng tung quân đi càn. Giặc vây tứ bề. Hai anh hết đường chạy liền đội áo quần lên đầu lội ra ẩn nấp giữa một bàu nước.

Chó săn của địch đánh hơi sủa vang quanh bàu nước. Hai anh lặn sâu xuống đáy bàu. Giặc bắn xối xả xuống nước, tin rằng Việt Minh đã chết, chúng kéo nhau đi lùng nơi khác. Áo quần chìm hết, hai anh lên bờ nấp vào bụi rậm, chờ đêm đến tìm vào nhà dân xin áo quần mặc và cơm ăn.

Sau đó anh Lâu đi thu quân, trở về Hòa Mỹ. Anh Thanh làm việc với huyện ủy Quảng Điền xong mới trở về.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (hàng giữa, thứ hai từ trái sang) cùng Ban lãnh đạo Khu ủy và Bộ chỉ huy Phân khu Bình Trị Thiên năm 1948. Ảnh tư liệu.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (hàng giữa, thứ hai từ trái sang) cùng Ban lãnh đạo Khu ủy và Bộ chỉ huy Phân khu Bình Trị Thiên năm 1948. Ảnh tư liệu. 
Hòa Mỹ thời đó vô cùng gian khổ thiếu đói. Anh Thanh kêu gọi cuốc đất tăng gia, trồng được ít sắn (mì); nấu củ mì ăn với rau rừng thay cơm. Quân và dân từ đồng bằng chuyển lên được một ít gạo, nhưng có gạo phải đổi bằng máu. Giặc đi phục kích chặn đường giết dân công, cướp gạo.

Chảo cơm nấu lên thấy toàn sắn. Một miếng sắn lớn chỉ “cõng” được vài ba hạt cơm. Chị em nấu bếp khi chia cơm, cố lắc cho sắn và cơm rơi xuống đáy chảo, hớt được vài bát sắn vụn có dính nhiều hạt cơm để dành cho anh Thanh và anh Hai. Hai anh thường chỉ ăn sắn, dành bát cơm đó cho người ốm và tôi.


Mùa đông ở chiến khu càng rét thì càng đói. Thấy tôi đến, anh Thanh hỏi: “Chú mi đói bụng không?”, rồi đưa cho tôi một khúc sắn luộc. Chiến khu đói, có bao nhiêu lợn, gà, trâu, bò đem lên từ ngày vỡ mặt trận ăn dần cũng hết. Người ở đồng bằng thoát ly lên rừng theo cách mạng càng đông thì càng thiếu lương thực. Khi chẳng còn gì ăn thì đành phải giết ngựa. Có bao con ngựa của các cấp chỉ huy, ngựa kéo pháo, ngựa thồ hàng, ngựa của liên lạc viên đều lần lượt “vào nồi”.

Anh Thanh dặn anh Hai đừng cho giết ngựa của tôi, vì tôi còn bé mà phải dùng ngựa đi công tác xa, nhưng rồi chú ngựa của tôi cũng không thoát. Một hôm tôi đi vắng, vệ binh đã dẫn con ngựa của tôi đi giết thịt. Nghe tin, tôi ốm vì thương tiếc chú ngựa, anh Thanh đến, thấy tôi khoác cái bao tải đệm lưng ngựa, nằm co ro trong lán, Anh an ủi: “Thôi em đừng buồn nữa. Mai sau độc lập, bộ đội mình sẽ mạnh lên, em sẽ có con ngựa khác”.

Lúc Hòa Mỹ thiếu đói gian khổ nhất thì chị Cúc, vợ anh Thanh lên, ở trong Bệnh viện CK7 để sinh đứa con đầu lòng. Cậu bé Nguyễn Trường Sơn ra đời, mẹ chẳng có gì ăn, mất sữa. Bé Sơn khát sữa, đói, khóc suốt đêm ngày. Các cô, các dì chẳng ai nuôi con mọn để cho Sơn bú nhờ. Càng đói, Sơn càng khóc, dỗ thế nào cũng không nín, chị Mừng đem cái đàn tranh vào lều đánh hết bài nọ đến bài kia, hết Nam ai đến Tương tư, bé Sơn càng khóc dữ, khản cả cổ, tiếng khóc càng về sau càng yếu ớt.

Sợ cháu không qua khỏi, các dì lo lắng giục chị Cúc báo cho anh Thanh về. Nhưng chị Cúc không muốn cho anh Thanh biết chuyện con ốm đói, để yên cho anh lo việc với Tỉnh ủy Quảng Bình. Lúc này anh là Bí thư Khu ủy, coi sóc cả Bình - Trị - Thiên.

Bác Bộ và gia đình dưới quê lên bàn bạc với chị Cúc và quyết định phải đưa Sơn về làng nuôi, có thuốc uống, có sữa, may ra cứu được Sơn. Nhưng do còn bé quá, vừa đói vừa bị sốt rét, ốm nặng, cháu Sơn đã qua đời tại Niêm Phò. Đó là nỗi đau mất mát lớn nhất của vợ chồng anh Thanh, chị Cúc.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên HTX Chiến Thắng (xã Lý Ninh, huyện Đông Hội, Quảng Bình), tháng 1/1962. Ảnh tư liệu.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên HTX Chiến Thắng (xã Lý Ninh, huyện Đông Hội, Quảng Bình), tháng 1/1962. Ảnh tư liệu. 
Năm 1948, tôi được bổ sung ra cho Ban Tình báo Quảng Trị, rồi được điều lên Ba Lòng để đi học lớp Thiếu sinh quân của Trung đoàn 95. Trung đoàn trưởng Lê Nam Thắng đến thăm lớp và hỏi tôi là bà con họ hàng thế nào với anh Thanh. Tôi thưa, tôi không phải bà con ruột thịt gì, chỉ là lính của anh Thanh thôi. Và tôi hiểu, việc mình được gọi cho đi học, là có ý kiến của anh Thanh.

Khi đó, anh lo chỉ đạo cả Bình-Trị-Thiên vượt qua biết bao gian nan, ác liệt đưa cuộc kháng chiến giành nhiều thắng lợi, giải phóng được một số huyện ở đồng bằng, đưa lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, thành lập cả một đại đoàn. Quân dân Bình-Trị-Thiên biết ơn, suy tôn anh là linh hồn của cuộc kháng chiến. Giặc Pháp cũng nể sợ anh, gọi anh là "vị cứu tinh của Bình Trị Thiên" (le sauveur de Binh Tri Thien), nhưng anh vẫn là một người bình dị, quan tâm chăm sóc đến từng người dân, người lính.

Khi anh ra làm Bí thư Liên khu ủy 4, theo đề nghị của anh và tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Liên khu, Bác Hồ và Bộ Quốc phòng cho phép thành lập Trường Thiếu sinh quân. Sau đó, tất cả đội viên nhỏ tuổi của Đại đoàn 325 được đưa ra Thanh Hóa nhập trường học tập.

Sau ba năm học tập, khi ra trường, tôi được trở về đơn vị cũ, đi chiến đấu giúp bạn Lào và Cam-pu-chia cho đến tháng 8.1954 mới rút quân về nước. Tiếp đó, tôi được giao nhiệm vụ làm công tác điện ảnh, thuộc Tổng cục Chính trị và lại được sống gần anh Thanh. Mấy năm được ở gần, anh vẫn nhắc lại những ngày gian khổ ở chiến khu Thừa Thiên. Khi tôi đến thăm gia đình, sắp đến bữa ăn, anh hỏi chị Cúc: “Có gì ngon thì đem đãi chú em ở Hòa Mỹ!”.

Thời gian tôi được chuyển ngành về Quảng Bình làm công tác văn học báo chí, lại được đón anh vào Đồng Hới. Lúc này anh làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, vào Quảng Bình chỉ đạo xây dựng Hợp tác xã Đại Phong ở huyện Lệ Thủy. Xa cách mấy năm gặp lại, anh vẫn vui vẻ, bình dị, sống chan hòa với mọi người như xưa.

Có lần anh đưa chị Cúc và cháu Hà cùng vào, Tỉnh ủy mời anh chị và cháu ở nhà khách giao tế, nhưng anh chị ở nhờ cơ quan Tỉnh hội Phụ nữ. Ở đó có chị Bình, chị Hoa, chị Huê, là bạn cùng hoạt động phụ nữ với chị Cúc ở Khu 4. Các bạn chị Cúc thường khen anh Thanh là “ông mối mát tay”, đã tác thành cho nhiều cặp trở thành vợ chồng sống hạnh phúc bền lâu.

Ở Đồng Hới, anh luôn về với các hợp tác xã nông nghiệp. Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện hay ở Đại Phong. Tôi theo anh về Lệ Thủy để viết về ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chủ nhiệm hợp tác xã Đại Phong mà anh Thanh khen ngợi và quyết tâm bồi dưỡng, xây dựng nhân tố này trở thành Anh hùng Lao động.

Khi anh về Đại Phong, anh đi thẳng vào xóm thăm dân, thăm hỏi những nhà nghèo nhất, rồi mới đến các gia đình có “của ăn, của để”. Anh hỏi rất cặn kẽ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cách làm đồng của xã viên…, rồi vào bếp mở nồi xem cơm canh, mở thùng gạo, bồ thóc xem còn nhiều hay ít để biết dân no hay đói.

Dân có điều gì muốn hỏi, còn thắc mắc với chính sách nông nghiệp, họ tâm sự với anh như những người nông dân trò chuyện với nhau. Anh về sống chan hòa, “ba cùng” và chuyện trò với nông dân như bà con ruột thịt, ít ai biết anh là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị.

Anh ra đồng, áo nâu, đội nón cời, lội ruộng cày cấy, cùng ngồi ở bờ ruộng ăn củ khoai, uống nước chè trong quả bầu khô với xã viên. Nhiều khi anh bước xuống ruộng, nhặt bó mạ lên, thoăn thoắt cấy và hỏi vui:

- Có ai cấy nhanh kịp tui không?

Mấy cô cậu cấy đuổi không kịp, đấm lưng nhau hỏi:

- Trai cày ở mô tới mà cấy giỏi rứa hè?

Khi biết anh Thanh ở ngoài Hà Nội vào giúp Đại Phong, họ thân mật gọi:

- Anh Thanh ơi! Dám hò đối đáp với gái Đại Phong không?

- Sợ chi không dám - Anh Thanh trả lời và cất tiếng hò trong trẻo vang trên cánh đồng.

Rồi anh kể với bà con, hồi ở làng, nhà anh nghèo không có ruộng, phải đi làm mướn cấy cày, gặt thuê cho nhà giàu. Trời lạnh quá phải hút thuốc lá cho ấm, nên thành nghiện. Ít người biết, ông là Đại tướng, mà lại làm đồng giỏi và gần gũi với bà con nông dân như vậy…

Anh Thanh trở về Trung ương ít lâu thì Đại Phong trở thành Hợp tác xã Anh hùng. Cả nước dấy lên phong trào thi đua “Quyết học tập Đại Phong, cố đuổi kịp Đại Phong”. Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người đứng vỗ tay, thứ hai, từ phải sang) tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1960. Ảnh tư liệu
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người đứng vỗ tay, thứ hai, từ phải sang) tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1960. Ảnh tư liệu 
Vắng anh gần bốn năm, tôi về Đại Phong, bà con nông dân hỏi thăm tin tức vì thương nhớ anh. Họ không biết anh đang đi đâu, ở đâu. Tôi thì được đọc một số bài của anh đăng trên Báo Quân đội nhân dân, ký tên là Hạ sĩ Trường Sơn. Nỗi nhớ đứa con trai đầu lòng đã theo anh vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Giữa tháng 7.1967, tôi đang ở vùng địch hậu Gio Linh, thì Thiếu tướng Lê Đình Sô, Trưởng ban Tuyên huấn Mặt trận B5 (mật danh của chiến trường Trị Thiên) gọi tôi về gấp. Tôi hồi hộp tìm đến hang H.1. Trong hang đá rộng như hội trường, mùi nhang trầm theo khói bay tỏa ra cửa hang. Anh Sô cũng là lính của anh Thanh hồi ở Huế nắm tay tôi nghẹn ngào nói: “Anh Nguyễn Chí Thanh mất rồi. Cậu về kịp dự lễ truy điệu anh”. Tôi lạnh người, bước vào cửa hang. Bộ đội tề tựu, nghiêm trang, thấy có cả Nhạc sĩ Huy Thục và Đội 1, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị.

Tại lễ truy điệu, sau khi anh Sô đọc điếu văn, lãnh đạo Bộ chỉ huy Mặt trận B5 lần lượt lên thắp hương vĩnh biệt anh Thanh. Huy Thục đứng lên chỉ huy giàn nhạc giao hưởng tấu lên bản “Vì miền Nam” bi hùng. Tiếng nhạc xen lẫn tiếng khóc vĩnh biệt anh Thanh của những người lính qua các thời kỳ chiến tranh đánh Pháp, Mỹ xâm lược…

Mãi đến cuối năm ấy, tôi mới được trở về Hà Nội và tìm đến nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ anh. Người quản trang kể nhiều về những người lính cũ của Đại tướng đến viếng, có người lính từ Thanh Hóa ra, đi bộ từ ga Hàng Cỏ đến thắp hương và ngồi bên mộ Đại tướng suốt đêm.

Sau này, vào dịp giỗ anh, có dịp được ra Hà Nội, tôi tìm đến thắp hương tưởng nhớ anh Thanh, chị Cúc và cùng các cháu của gia đình ôn lại những kỷ niệm khi anh Thanh, chị Cúc còn sống, luôn gần gũi, thương yêu chúng tôi - những người lính của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.




Theo QĐND
Bình luận
vtcnews.vn