Chuyện về “Những lá thứ một thời”…

Tổng hợpThứ Hai, 27/05/2013 01:53:00 +07:00

BTV Nhật Minh vẫn còn nhớ mãi cái ngày cách đây một năm, khi anh được ngồi cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm...

   Mùa hè 2012, tại một quán bia nhỏ nép mình giữa phố xá tấp nập, có một người trẻ và một người già vừa uống bia, vừa ôm guitar, hát và đọc thơ. Rồi những câu chuyện thời chiến, những ký ức về một thời hoa lửa cứ dần hiện ra sống động, chân thực… Ý tưởng chợt lóe lên trong đầu người trẻ. Và tròn một năm sau, bộ phim tài liệu “Những lá thư một thời” ra đời…

   Những cuộc gặp định mệnh

Bộ phim “Những lá thư một thời” đã bắt đầu một cách tình cờ như thế. BTV Nhật Minh vẫn còn nhớ mãi cái ngày cách đây một năm, khi anh được ngồi cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, được nghe ông kể những câu chuyện về đời lính, đời thơ của mình. Ở đó, có những người bạn tri kỷ mà dù đã hy sinh nhưng ký ức về họ vẫn như còn sống mãi trong lòng người hôm nay. Nhật Minh cũng nhớ mãi cái khoảnh khắc khi nhà thơ bắt đầu cất lên những vần thơ “Khóc Văn” để tưởng nhớ người bạn cũ, liệt sĩ Vũ Ðình Văn. Không biết có phải vì trời cũng động lòng người mà đang nắng trong xanh bỗng xám xịt và đổ mưa rào. Ðất trời khiến cho những câu thơ cũng trở nên linh thiêng hơn. Qua những câu chuyện về thế hệ của Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Ðình Văn rồi anh Thạc, chị Trâm… hình ảnh những bài thơ, những lá thư một thời càng trở nên ý nghĩa và đẹp đẽ.

 

Thời đó, phương tiện giao tiếp duy nhất đến được với nhau chỉ giản dị là những lá thư thơm mùi mực, vội ghi trên những trang giấy mỏng manh, xé vội… Thời đó, vượt qua tất cả đạn lửa, gian lao, những cánh thư vẫn bay đi, xé tan sự ngăn cách của không gian thời gian, nối những nhịp yêu thương giữa những chiến sỹ nơi tiền phương và những người thân nơi quê nhà…. Những lá thư ấy đã là những chiến sỹ âm thầm, làm nên một thời kỳ hào hùng và oanh liệt của cả một thế hệ.

Ý tưởng ấy cứ nung nấu mãi trong đầu Nhật Minh, cho đến một ngày, anh quyết định thể hiện nó thành những thước phim với mong muốn góp một chút sức mình nhân dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam.

Ðể giúp đỡ Nhật Minh thực hiện bộ phim, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm dẫn anh đến thăm lại ngôi nhà của liệt sĩ Vũ Ðình Văn. Hiện giờ, ngôi nhà chỉ có chị Dung - em gái của anh Văn đang sống ở đó. Chị cũng là người giữ gìn những bức thư và kỷ vật mà anh để lại.

Cuộc gặp gỡ như một cơ duyên được sắp đặt trước, mặc dù đoàn làm phim đến rất tình cờ, không hề hẹn trước. Theo lời kể của chị Dung, trước đây, cũng có khá nhiều đoàn làm phim về anh Văn đã đến gặp chị và muốn ghi lại hình ảnh những bức thư của anh từng gửi về cho gia đình, nhưng do cất giữ quá kỹ nên dù đã cố gắng tìm kiếm nhưng chị vẫn không thể nhớ nỗi đã cất chiếc hộp đựng thư ở đâu. Thế mà, đúng hôm đoàn làm phim của VTC14 đến thì may mắn đã mỉm cười. Sau khi cả nhóm cùng với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thắp lên nén hương trước bàn thờ liệt sĩ Vũ Ðình Văn thì chị Dung đã tìm thấy tất cả những lá thư và kỷ vật của anh trai mình.

 

Cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp như thế. Ðến ngay cả thời tiết cũng chiều lòng người. Trời nắng dịu, trong xanh khiến cho buổi tương ngộ thêm chiều đầm ấm. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và chị Dung cùng đọc lại những bài thơ và những lá thư của anh Vũ Ðình Văn. Tưởng như tất cả mới chỉ ngày hôm qua. Có lẽ, ký ức về người đã khuất quá sâu sắc trong họ. Ðó cũng là khoảnh khắc mà BTV Nhật Minh rất tâm đắc khi đưa vào bộ phim.

Ðã từng là những người lính xông pha một thời nên mỗi chia sẻ, mỗi câu chuyện và ký ức đầy cảm xúc của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ Hồng Thanh Quang hay nhà báo Ðặng Vương Hưng trong bộ phim cũng đã giúp khán giả hiểu hơn những tình cảm sâu nặng và giá trị vô giá mà từng trang thư, từng dòng chữ mang lại cho mỗi chiến sỹ, mỗi gia đình và cho cả một thời đại.

Có một cuộc gặp nữa cũng mang lại nhiều cảm xúc cho đoàn làm phim cũng như cho chính bộ phim. Ðó là giây phút những người lính quân bưu được gặp lại đồng đội của mình.

BTV Nhật Minh cho biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện bộ phim có lẽ là hành trình đi tìm lại nhân chứng và những lá thư một thời. Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm trời, thất lạc tin tức của nhau, thậm chí cũng không biết người còn hay đã hy sinh, rất ít những người lính còn giữ được liên lạc với đồng đội của mình. Vì thế, phải mất thời gian khá lâu, đoàn làm phim mới tìm đến được 3 người lính quân bưu một thời: anh Hạnh, anh Tuấn và anh Sướng.

Sau khi chiến tranh kết thúc, họ trở về những miền quê sinh sống. Người lên Hòa Bình, người về Bắc Giang, người sống tại Sơn Tây - Hà Nội, tuyệt nhiên hơn 30 năm qua, họ không hề có một chút thông tin về nhau. Bởi thế, cuộc gặp gỡ lần này như một món quà giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa dành cho một đời lính vào sinh ra tử cùng nhau.

 

Không hề dàn dựng, không hề sắp đặt, trường đoạn gặp gỡ đầy xúc động này diễn ra tự nhiên như câu chuyện thực vốn có. Khung cảnh hội ngộ giản dị ở khoảng sân nhỏ dưới giàn bầu râm mát. Những người lính già ôm chầm lấy nhau, quàng vai bá cổ, cùng nhau chuyện trò. Những ký ức cứ dần hiện về sống động như thể họ đang được sống lại những giây phút thiêng liêng của một thời hoa lửa. Cảm xúc ngày gặp lại không chỉ khiến người trong cuộc mà ngay cả đoàn làm phim cũng thấy bồi hồi.

Rất nhiều câu chuyện được những người lính quân bưu kể lại. Ðó là chuyện về những lần chuyển thư ra chiến trường, chưa đến được tay bộ đội thì đã nhận tin người chiến sỹ ấy hy sinh. Những người lính quân bưu đành mang trả lại những lá thư cho gia đình với niềm chia sẻ khôn nguôi. Hay câu chuyện về những người lính quân bưu trên đường ra tiền tuyến đã hy sinh nhưng trong tay vẫn ôm chặt ba lô đựng thư. Rồi câu chuyện về nỗi niềm của người nhận được thư, người không. Có thể mất vài tháng trời, người lính quân bưu mới đến được các đơn vị nên những chiến sĩ nhận được thư của người thân thì mừng vui khôn xiết, người không có thư thì hụt hẫng, thậm chí thấy cô đơn, tủi thân. Những lúc đó, lính quân bưu lại đành phải trở thành “nhà tư vấn bất đắc dĩ” để động viên, dỗ dành các chiến sĩ chờ đợt lần sau. Có lẽ vì thế mà trên con đường gian khổ của mỗi người lính, không ai là không quen thuộc và yêu mến những chiến sĩ quân bưu như anh Tuấn, anh Hạnh, anh Sướng. Các anh chính là những anh hùng thầm lặng, từng giờ chắp nối những yêu thương giữa hai miền tiền tuyến và hậu phương.

 

 

   Những lá thư không chỉ một thời

Bộ phim tài liệu “Những lá thư một thời” đã hoàn thành sau hơn một năm trời ấp ủ ý tưởng và sau hơn 3 tuần thực hiện. BTV Nhật Minh cho biết, ê-kip đã hoàn thành kết cấu và mạch chính của câu chuyện chỉ sau một tuần bàn bạc, nhưng khi bắt đầu triển khai thì mọi người đều thấy lung túng bởi đây là một đề tài khá trừu tượng. Những ngày đầu, Nhật Minh khá hoang mang khi có quá nhiều ý tưởng và kỳ vọng nhưng lại chưa biết thể hiện theo cách nào. Sau khi tham khảo ý kiến lãnh đạo và đồng nghiệp, cuối cùng, anh quyết định để câu chuyện diễn ra thật tự nhiên, như một cuộc gặp gỡ giữa hiện tại và quá khứ.

Rồi việc chọn chi tiết để mở đầu câu chuyện cũng khiến Nhật Minh đau đầu. Rất nhiều phương án được đưa ra. Nhưng cuối cùng, cả nhóm quyết định lấy hình ảnh bưu điện Hà Nội với những hòm thư đứng khép mình lặng im giữa phố xá tấp nập, như một sự hoài vọng tiếc nuối… Cứ thế, cả ê-kip vừa làm vừa sáng tỏ dần.

 

 “Vẫn biết là mỗi thời có một phương tiện trao đổi thông tin khác nhau nhưng bản thân mình vẫn muốn níu giữ hình thức viết thư. Bởi mỗi lần đặt bút viết lên những lá thư là một lần trăn trở. Ðứng trước mỗi bức thư, chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn, trăn trở nhiều hơn, có trách nhiệm hơn trước những lời mình viết. Nó hoàn toàn khác với cảm xúc khi nhấn nút “Enter” để gửi đi một tin nhắn” - BTV Nhật Minh chia sẻ.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi người ta đã có quá nhiều phương thức trao đổi thông tin như email, điện thoại, mạng xã hội, hình ảnh những lá thư đang ngày càng trở thành “của hiếm”. Chính vì sự day dứt, tiếc nuối đó đã càng thúc giục Nhật Minh thực hiện bộ phim “Những lá thư một thời”.

Khi quyết định thực hiện bộ phim, Nhật Minh cũng đã tham khảo một số tác phẩm khác để tìm cho mình một hướng đi riêng. Cũng khai thác ý tưởng về những lá thư thời chiến nhưng anh và đoàn làm phim cố gắng đi theo một góc nhìn khác, đào sâu vào những giá trị, ý nghĩa sâu sắc mà những lá thư đem lại cho thế hệ một thời trong mưa bom đạn lửa. Chính những con chữ, những dòng cảm xúc ấy đã nuôi dưỡng tinh thần của những người lính ở tiền tuyến và hậu phương vững vàng để đi qua một giai đoạn khó khăn của dân tộc. Bên cạnh đó, bộ phim cũng muốn khẳng định mỗi lá thư ấy chính là một người lính kiên cường, bất khuất.

Giữa cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp thời nay, được cầm trên tay những lá thư một thời xông pha lửa đạn, khiến cho mỗi người trong đoàn làm phim không khỏi xúc động. Có những lá thư bị rách phải gắn lại. Có những lá thư đã hoen mờ nét mực theo thời gian. Có những lá thư còn đọng lại dấu tích của nước mắt, mồ hôi. Và cũng có những lá thư loang lổ vệt máu. Máu của những người chiến sĩ chưa kịp chuyển thư đi thì đã hy sinh trên chiến trường. Máu của cả những người lính quân bưu trên đường làm nhiệm vụ không tránh khỏi làn đạn của địch. Bởi thế, mỗi lá thư như một minh chứng sống hùng hồn của một thời kỳ lịch sử đầy mất mát, hy sinh…

Nếu bộ phim “Những lá thư một thời” được chia sẻ và đón nhận thì đoàn làm phim VTC14 đã sẵn sàng để thực hiện tiếp tập 2 của bộ phim, đi sâu hơn nữa vào hình ảnh những người lính quân bưu. “Tôi vẫn cảm thấy với chỉ một lát cắt nhỏ về họ trong Những lá thư một thời có lẽ chưa đủ, chưa thể trả nợ được cho họ những tình cảm và công sức một thời hy sinh âm thầm cho thắng lợi của dân tộc. Vẫn còn rất nhiều điều tôi muốn nói về họ…”- BTV Nhật Minh mỉm cười chia sẻ.

Y Bình


Bình luận
vtcnews.vn