Chuyện tình vọng phu và tượng đá bí ẩn ở Thanh Hóa

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 10/09/2013 11:30:00 +07:00

Đền Ông, động Bà xuất phát từ một mối tình vọng phu hóa đá lưu danh muôn thuở.

Đền Ông, động Bà xuất phát từ một mối tình vọng phu hóa đá lưu danh muôn thuở.


Từ bao đời nay, đền Ông nằm bên bờ tả sông Mã, thuộc thị trấn Quan Hóa và động Bà nằm bên bờ hữu sông Mã thuộc xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, được xem là một danh lam thắng cảnh “lạ” ở Thanh Hóa.

Trong đền Ông và động Bà có hai bức tượng đá hình người được đồng bào dân tộc Thái tôn sùng như hai vị vua. Theo sử tích ghi chép lại, đền Ông, động Bà xuất phát từ một mối tình vọng phu hóa đá lưu danh muôn thuở.

Từ tượng đá lạ ở đền Ông

Đền Ông nằm dưới chân một ngọn núi lớn ở thị trấn Quan Hóa, hướng thẳng ra dòng sông Mã anh hùng. Theo các cụ cao niên trong làng, sử tích đền Ông có từ cách đây vài trăm năm, là một nơi rất linh thiêng mà các bậc vua chúa xưa luôn luôn phải thờ phụng.

Ngay trước cổng đền có một bức tượng đá hình người, theo như các cụ đời trước kể lại thì bức tượng này rất kỳ lạ, trước đây nhiều đoàn quân, tùy tùng hay tướng cướp cũng phải khiếp vía mỗi khi đi qua. Nếu không xuống ngựa, ngả mũ sẽ bị hộc máu mồm ngay tức khắc.

Bức tượng đá hình người được người dân bảo vệ và tôn sùng như một vị vua 

Chính sự linh thiêng, huyền bí này mà không một ai dám phá dỡ và họ coi bức tượng đá hình người kia như một bậc thánh nhân, luôn luôn phải cung kính, phụng thờ.

Theo sử sách của người dân tộc Thái, xung quanh sự ra đời và tồn tại của đền Ông có rất nhiều câu chuyện huyền bí từ xa xưa mà hằng đêm bên bếp lửa nhà sàn, những cụ cố, cụ ông lại kể cho con cháu nghe về một truyền thuyết có sức sống trường tồn, lan truyền đến tận ngày nay.

Ông Cao Bằng Nghĩa - nguyên Chủ tịch Hội khuyến học huyện Quan Hóa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy - cho biết: “Đền Ông, động Bà đã đi vào truyền thuyết của đồng bào dân tộc người Thái.

Đền Ông thờ một vị hoàng tử gốc gác là con trai của vua Việt. Ngay phía đối diện là động Bà với bức tượng hình người phụ nữ đứng chờ chồng.

Năm 2010, UBND huyện Quan Hóa cùng với người dân đã xây dựng tu bổ lại, từ đó đến nay, đền Ông, động Bà trở thành một thắng cảnh đã và đang thu hút nhiều du khách đến nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan”.
Truyền thuyết kể rằng, từ xa xưa có hai ông vua Lào và Việt Nam kết bằng hữu với nhau từ nhỏ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau. Lớn lên, họ thường đi lại thăm viếng nhau như một đôi bạn tri âm, tri kỷ. Để gắn bó tình bạn keo sơn mãi không thay đổi, hai người ước hẹn với nhau, khi nào con cái lớn, hai nhà sẽ thành thông gia. Và lời hứa của họ như được thần linh ban phước. Vua Việt sinh được một hoàng tử khôi ngô, tuấn tú và lanh lợi, còn vua Lào sinh được một công chúa xinh đẹp, thùy mị và nết na.

Mặc dù mỗi người làm vua một nước, nhưng hai người vẫn giữ được mối tâm giao như xưa của tình bạn và tình láng giềng hữu nghị giữa hai đất nước. Mỗi lần sang thăm Lào, vua Việt thường đem hoàng tử đi theo, khi hoàng tử và công chúa gặp nhau đã đem lòng yêu nhau. Thực hiện lời ước nguyện trước đây (nếu hai gia đình sinh con trai, con gái sẽ kết duyên thành vợ thành chồng). Thế là, con trai vua Việt kết duyên cùng con gái vua Lào và trở thành phò mã ở rể luôn bên nước Lào.

Từ khi làm rể nước Lào, phò mã luôn luôn bận bịu với rất nhiều công việc. Tháng năm qua đi, nỗi nhớ đất nước, vua cha, anh em họ hàng ngày một da diết, nhiều lần chàng xin phép vua Lào cho hai vợ chồng được về thăm, nhưng vua Lào một mực không đồng ý vì ông chỉ có đứa con gái duy nhất, sợ con về quê chồng sẽ không quay trở lại.
Bà Lê Thị Anh, và bức tượng đá ở đền Ông 

Và để giữ chân phò mã, vua ra chỉ thị cho đoàn tùy tùng quản thúc, canh giữ nghiêm ngặt, đồng thời ban một chỉ dụ chiếu theo luật lệ của vương quốc Lào nếu tự ý bỏ trốn hoặc không tuân theo mệnh lệnh của nhà vua sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo luật của vương quốc.

Nói về hai vợ chồng trẻ. Họ yêu nhau tha thiết, không lúc nào rời nhau, luôn luôn có nhau như hình với bóng. Công chúa luôn hiểu được ý nghĩ của chồng, mặt khác, nàng cũng muốn được về thăm quê hương nhà chồng. Hai người bàn bạc với nhau, lúc nào có dịp sẽ trốn vua cha về Việt Nam.

Trong một dịp, hai vợ chồng được vua cha cử đi kiểm tra một số vùng (thuộc Xiêng Khoảng – Sầm Tớ - Sầm Nưa bây giờ). Trước lúc đi, vua dặn đoàn tùy tùng là những người tâm phúc phải quản chặt hai người. Nhưng khi đến Sầm Nưa, lợi dụng lúc đoàn tùy tùng mệt nhọc, phò mã mở tiệc chiêu đãi, đợi lúc họ đã say bí tỉ, phò mã và công chúa bỏ lại ngựa và hành lý xuyên rừng, vượt suối, hướng về đất Việt mà đi không ngừng nghỉ và cũng không quay đầu lại.

Nói về đoàn tùy tùng, sau một ngày mới tỉnh rượu, không còn thấy bóng dáng vợ chồng phò mã nữa, lục tung đất Sầm Nưa cũng chẳng thấy, họ đành quay về kinh thành tâu với vua. Sau khi biết được sự việc, vua Lào nổi giận, tức tốc cho người và ngựa hướng thẳng về Việt Nam đuổi theo.

Hai vợ chồng bỏ trốn đi mãi cũng đã đến địa phận Mường Ca Da (chân núi Pha Múng Mường, huyện Quan Hóa ngày nay) bên bờ sông Mã.

Đợi một ngày, một đêm cũng không thấy bóng dáng một chiếc thuyền, hai vợ chồng đói lả, không muốn công chúa phải chết oan vì mình, phò mã ôm vợ và dặn ở lại hang Pha Múng Mường (thuộc xã Hồi Xuân, Quan Hòa ngày nay) chờ, rồi một mình nối dây, vượt sông kéo bè sang bờ bên kia làm cầu nối đưa vợ qua sông. Nhưng khi phò mã vừa sang được sông thì cả một vùng mây đen kéo đến phủ tối cả một vùng, nước sông Mã dâng lên cuồn cuộn, sóng bọt tung trắng xóa, nước réo sôi gầm rú. Phò mã đứng bên bờ sông tả, công chúa bên bờ sông hữu cứ chờ đợi nhau, gọi tên nhau mãi mãi trong vô vọng rồi hóa thành tượng đá.

Đến chuyện tình vọng phu hóa đá ở động Bà

Sau ngày đó, khu vực bên bờ sông hữu, dưới chân núi hang Pha Múng Mường bà con quanh vùng thấy xuất hiện một tượng đá lạ hình người phụ nữ hướng về phía bên kia bờ sông tả mà từ trước đến nay chưa từng thấy.

Kỳ lạ hơn nữa là bên bờ tả sông Mã, có một bức tượng đá hình người đàn ông đứng trơ trơ hướng về phía bên bờ sông hữu. Hiểu được sự việc và cảm động trước mối tình son sắt, thủy chung của vợ chồng hóa đá, người dân cùng góp công góp sức xây dựng một ngôi đền, gọi là đền Ông. Còn bức tượng người phụ nữ gọi là động Bà.

Sau khi xây dựng xong, ngôi đền này nức tiếng linh thiêng, đoàn người ngựa nếu đi qua đây không ngả mũ, xuống ngựa thì ngay lập tức người bị ngã, kẻ bị hộc máu mồm. Vì thế, nhiều đoàn quân đến đây đều phải quần áo chỉnh tề, thắp hương khấn vái và cầu xin phù hộ. Từ đó đến nay, không biết bao nhiêu đời, hai bức tượng đá hình người được nhân dân tôn sùng thờ phụng.
Ông Cao Bằng Nghĩa - nguyên Chủ tịch Hội khuyến học huyện Quan Hóa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy 

Theo các cụ bách niên giai lão trong làng, không ai có thể giải thích được sự xuất hiện của hai bức tượng người kỳ lạ này mà lại là một nam, một nữ. Bức tượng nam mà người dân thường quen gọi là tượng ông đứng bên bờ tả, còn tượng bà với mái tóc dài đứng bên bờ hữu. Chính sự ly kỳ này nên người dân liên tưởng đến một câu chuyện tình đẹp về vọng phu hóa đá đứng chờ chồng.

Trước đây ở bản Lắng Na, xã Hồi Xuân có một người đàn ông tên Lương bị ốm liệt giường, liệt chiếu, uống không biết bao nhiêu thuốc men vẫn không khỏi. Một hôm, anh ta mơ thấy một bức tượng đá. Sau khi liên tưởng đến bức tượng đá ở động Bà, anh kể cho người nhà nghe. Điều đặc biệt, sau khi người nhà sửa lễ mang ra cầu khấn, chưa hết ba tuần hương, bỗng anh tự dưng cử động được chân tay.

Chính niềm tin vào tâm linh từ những câu chuyện thực tế không thể giải thích nổi đó mà du khách tứ phương khi nghe đến câu chuyện tình hóa đá đền Ông và động Bà, họ đến tế lễ ngày một nhiều. Khi cúng bái, họ thường lễ bên người chồng - đền Ông trước sau đó sang phía người vợ - động Bà bên kia sông.

Bà Lê Thị Anh, người trông coi đền Ông cho biết: “Đền Ông, động Bà rất linh thiêng, mọi người đều tôn thờ vào bảo vệ. Thời gian trước đây có đối tượng đến trộm đồ cúng, đồ đá trong đền, nhưng vài hôm sau lại tự ý mang đến trả nguyên chỗ cũ”.


TheoNông thôn ngày nay

Bình luận
vtcnews.vn