Chuyện tình đẹp như phim của những giáo viên 'gieo chữ' nơi cổng trời

Giáo dụcChủ Nhật, 18/02/2018 18:45:00 +07:00

Trong quá trình đi gieo con chữ cho các em nhỏ miền núi, những thầy cô giáo trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Măng Ri (tỉnh Kon Tum) dệt lên những chuyện tình đặc biệt khiến nhiều người cảm phục.

Chúng tôi vượt qua con đường ngoằn ngoèo dưới cái se lạnh của mùa đông để đặt chân đến trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Măng Ri (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). 

Đi qua nhiều con dốc, ngôi trường nhỏ nằm lọt thỏm dưới chân núi Ngọc Linh ẩn hiện dưới những cành hoa đang đua nhau nở để đón xuân về.

Tại đây, ngoài câu chuyện về việc dạy và học đầy gian khó của các thầy trò trường Măng Ri, chúng tôi còn được nghe kể về những mối tình của các giáo viên "cắm bản, gieo chữ" khiến nhiều người cảm phục. 

15-15173786846111052457185

Ngôi trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri nằm lọt thỏm dưới chân núi Ngọc Linh.

Chung lời thề “cắm bản, gieo chữ”

Thầy Cao Đăng Thành (30 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ, khi vừa rời ghế giảng đường, thầy được phân về tỉnh Kon Tum giảng dạy. 

"Khi mới về trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri, tôi còn nhiều bỡ ngỡ và gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự động viên của nhiều thầy cô giáo khác và cảm động trước tình cảm của học trò nên tôi cố gắng bám trụ để tiếp tục giảng dạy", thầy Thành tâm sự.

Cũng tại đây, thầy được cô Nguyễn Thị Thùy Tuyên (26 tuổi, người Kon Tum, nhân viên phụ trách nấu ăn của trường) động viên, chia sẻ và nấu cho những bữa ăn đầy ắp tình cảm gia đình.

Những tình cảm đặc biệt này khiến trái tim của thầy Thành rung động và từ đó thầy đã đem lòng yêu mến cô. Trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn trong cuộc sống, năm 2016 hai người đã về sống chung một nhà.

anh 2 3

Thầy Thành và cô Tuyên gặp nhau và nên vợ thành chồng tại ngôi trường miền núi xa xôi. 

Để tạo điều kiện cho đôi vợ chồng trẻ, nhà trường đã cấp cho hai vợ chồng thầy Thành một căn phòng nhỏ khoảng 3m2 làm “ngôi nhà hạnh phúc”.

Mỗi ngày, cô Tuyên đều dậy sớm chuẩn bị cơm cho chồng để kịp giờ lên lớp. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua từng ngày, rồi niềm hạnh phúc được nhân đôi khi hai vợ chồng sinh được một người con kháu khỉnh.

“Con ra đời, đồng nghĩa với việc cuộc sống của hai vợ chồng sẽ khó khăn, tất bật hơn. Tuy nhiên hai vợ chồng tôi hạnh phúc vì có con là niềm động viên, giúp tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc mỗi ngày. Không những thế, chúng tôi biết học trò nơi đây cần chúng tôi…”, thầy Thành chia sẻ.

Cũng giống như mối tình của thầy Thành cô Tuyên, chuyện tình của thầy Nguyễn Xuân Hạnh - Phó Hiệu trưởng cũng xuất phát từ hành trình "gieo chữ" nơi cổng trời Măng Ri. 

Nói về chuyện tình của mình, thầy Hạnh kể, khoảng 7 năm trước còn dạy tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Trong một lần ra Quảng Nam chơi, thầy tình cờ gặp cô Trần Thị Huyền Diệu, khi đó cô đang là sinh viên ngành sư phạm. Sau khi học xong, cô Diệu về trường Tiểu học Măng Ri dạy, thầy Hạnh cũng về đó ít lâu sau.

“Hồi đó nơi đây chủ yếu là người bản nên rất thiếu thốn tình cảm. Chúng tôi may mắn có duyên gặp và yêu nhau nên đã quyết định tiến đến hôn nhân. Ngày cưới của chúng tôi được tổ chức tại sân trường dưới sự chứng kiến và chúc phúc của ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và học sinh”, thầy Hạnh kể.

Sau khi nên duyên vợ chồng, thầy cô đã sinh được 2 người con khỏe mạnh, thông minh. Tuy nhiên vì điều kiện khó khăn, cũng do một phần công việc nên hai vợ chồng đành gửi con về quê nội ở Quảng Trị. Mỗi khi nhớ con, hai vợ chồng sắp xếp công việc rồi thay phiên nhau về thăm con.

“Sống xa các con, hai vợ chồng tôi lúc nào cũng muốn cả nhà được đoàn tụ, cùng nhau ăn bữa cơm gia đình. Nhưng điều này rất khó, chỉ những khi Tết đến gia đình mới có được ít ngày quây quần bên nhau”, thầy Hạnh bộc bạch.

Vượt 200km về thăm chồng, thăm con

Cũng là một trong những giáo viên trẻ tại trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri, cô Phạm Thị Trà My đã có 5 năm "gieo chữ" cho các em học sinh nơi đây.

Những ngày đầu khi từ Đắk Lắk qua mảnh đất Kon Tum dạy học, cô sinh viên mới ra trường chưa bao giờ tưởng tượng bản thân lại đến một nơi xa xôi, khó khăn đến thế. 

Cô Trà My kể, khi mới đến trường, cô đã bật khóc và có suy nghĩ từ bỏ công việc dạy học sau nhiều năm ngồi trên ghế giảng đường. Với tỉ lệ 100% đồng bào người Xê Đăng nên trình độ dân trí của người dân còn thấp, việc dạy học ở đây vì thế cũng khó khăn gấp bội so với vùng xuôi. 

Nhưng sau khi tiếp xúc, thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh học sinh nơi đây, cô đã quyết định gắn bó với trường, coi học sinh như con của mình.

anh 3

Cô Phạm Thị Trà My chấp nhận xa chồng con để "gieo chữ" cho các em nhỏ ở ngôi trường dưới chân núi Ngọc Linh.

Nói về gia đình nhỏ của mình, cô My ngượng ngùng chia sẻ, cô và chồng đã lấy nhau được 3 năm và có với nhau một người con năm nay đã lên 2 tuổi.

Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên cô dạy học tại Kon Tum còn chồng làm việc tại Quảng Nam. Riêng người con mới lên 2 được hai vợ chồng gửi nhờ nhà ngoại ở Đắk Lắk.

Mỗi dịp cuối tuần, nhớ chồng, thương con cô lại sắp xếp thời gian để đi thăm hai bố con.

“Sáng thứ 7, tôi thức dậy từ sớm chuẩn bị đồ đạc rồi chạy xe máy hơn 200km ra Quảng Nam để thăm chồng. Hai vợ chồng bên nhau được một ngày thì sáng chủ nhật tôi lại khăn gói trở về trường để chuẩn bị cho tuần học mới”, cô My nghẹn ngào nói.

Mặc dù chỉ có ít thời gian bên nhau nhưng hai vợ chồng cô My luôn dành tình cảm và sự quan tâm cho nhau.

Cô My không sao quên được ngày sinh nhật mới qua ít lâu của mình. Chồng cô đã mua bánh sinh nhật và đi từ Quảng Nam mang vào trường để chúc mừng sinh nhật vợ.

Đến nơi, chồng cô với bộ quần áo lấm bụi, chiếc bánh kem vỡ nát nhưng cô vẫn rất hạnh phúc và cảm động trước tình cảm của chồng dành cho mình.

Dù công việc "gieo chữ" đến các em học sinh dưới chân núi Ngọc Linh còn nhiều khó khăn và gian khổ nhưng sau những vất vả, cực nhọc, các thầy cô lại có một điểm tựa tinh thần vững chãi.

Thầy Lê Anh Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri cho biết, do khu vực này là một trong những nơi khó khăn, xa trung tâm nên đa phần các thầy cô đều ở lại trường. Nhiều thầy cô ở lại một tuần, một tháng hay cả năm mới về thăm gia đình một lần.

"Hiểu và cảm thông trước hoàn cảnh cùng sự thiếu thốn của cán bộ giáo viên nên nhà trường luôn ghi nhận những cống hiến của thầy cô. Bên cạnh đó, để các thầy cô yên tâm công tác, nhà trường cũng tạo điều kiện trong việc ăn ở ,sắp xếp cho giáo viên về đón Tết cùng gia đình", thầy Sơn chia sẻ.

Video: Cảm động thầy giáo kéo phao, giúp học sinh vùng lũ vượt suối tựu trường

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn