Chuyện tình đẹp của nàng mù và chàng ngớ ngẩn

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 24/04/2012 11:08:00 +07:00

(VTC News) - Chanh căng mắt ghé sát nhìn chồng tương lai, thấy anh mặc áo dài lùng thùng rách tướp với cái quần đùi vá chằng vá đụp.

(VTC News) - Chanh căng mắt ghé sát nhìn chồng tương lai, thấy anh mặc áo dài lùng thùng rách tướp với cái quần đùi vá chằng vá đụp.

Ngôi nhà ấy, có một người đàn bà trí tuệ bình thường, nhưng mù tịt. Những người mắt sáng thì lại toàn ngớ ngẩn. Tôi đã ở với họ một ngày và tuyệt nhiên không thấy có nước mắt. Người đàn bà mù vẫn cười tươi rói, nói chuyện vui vẻ hồn nhiên như pháo rang. Đó là một ngôi nhà thật kỳ lạ! Hạnh phúc của họ cũng đơn giản đến kỳ lạ!

Câu chuyện về bà Bùi Thị Chanh, người đàn bà mù, gách vác cả gia đình ngớ ngẩn ở xã miền biển Đoàn Xá (Kiến Thụy, Hải Phòng), được anh Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Người mù TP. Hải Phòng kể rành rẽ. Thế nhưng, chúng tôi tìm mãi không thấy nhà bà đâu.

Bà Bùi Thị Chanh.  

Hỏi mấy cán bộ xã, họ đều lắc đầu không biết, vì xã rộng quá. Lại phải cạy cục nhờ Hội Người mù huyện Kiến Thụy, chúng tôi mới tìm thấy ngôi nhà nằm tít hút cuối xóm Đoan Xá 3, thòi lòi ra cánh đồng. Cái ngôi nhà khuất nẻo ấy bị lãng quên cũng phải.

Tôi đứng giữa sân gọi to, thì một người đàn bà lẫm chẫm, lò dò bước ra. Bà mời tôi vào nhà. Bà luống cuống không biết mời khách ngồi đâu.

Ngôi nhà tông hốc bên cánh đồng ấy, không có bàn ghế, cốc chén. Chỉ có 3 chiếc giường mục, cái tủ nát là đáng giá. Tôi ngồi tạm xuống giường. Chiếc giường này có vẻ chắc chắn nhất này. Theo lời bà, nó là của một cụ bà trong xóm mới chết, con cháu khênh đến tặng bà.

Bà Chanh và cô cháu nội trước ngôi nhà tông hốc gió. 

Ngôi nhà nhỏ mà có tới 5 cửa sổ, nhưng 3 cửa không có cánh, một cửa chỉ còn một cánh, vì một cánh vừa bị gió thổi rơi. Bà mặc kệ vì không có tiền mua bản lề lắp lại. Cửa chính cũng không có cánh cửa. Hỏi chuyện mấy cái cửa sổ, bà Chanh cười bảo: “Nhà toàn người dở chứ có gì quý đâu mà làm cửa sổ hả bác”.

Tôi thắc mắc không phải chuyện trộm cắp, mà là chuyện mưa gió, nhưng tính bà tếu nên nói vậy. Ngôi nhà tông hốc bên cánh đồng thế này, mưa sa, gió hắt chắc giường chiếu ướt hết. Mùa hè thôi thì mở ra cho thoáng, còn mùa đông chắc phải đem nia, đem mẹt che lại, chứ gió lùa vào thì lạnh lắm. Mà trong nhà chắc gì đã có hai thứ đó.

Gia đình bà Chanh cũng có một cái ao bằng cái lò vôi trước nhà. Tuy nhiên, không có tiền mua cá giống thả, nên bà chỉ đạo đàn con đào ao thông với ruộng cho cá đồng vào. Cứ vài tháng, mấy bố con lại tát ao thu hoạch cá, thể nào cũng được mớ cá vụn.

Dù mù lòa, nhưng bà Chanh làm được mọi việc.  

Bà Chanh ngồi kể chuyện cuộc đời mình trong ngôi nhà loang lổ. Cái cách kể chuyện cuộc đời của bà vui vui, tếu tếu, tưng tửng thế nào ấy. Nhưng đằng sau những lời tếu táo ấy là một thân phận đầy nước mắt.

Bà Chanh năm nay bao nhiêu tuổi, bà cũng không biết. Bà là thứ 4 trong gia đình có 9 người con. Nhưng 4 anh chị em của bà chết trẻ vì bệnh. Nhà quá nghèo, nên anh em bà lớn lên như cây, như cỏ.

Hồi 10 tuổi, Chanh bị đậu mùa. Không được chữa trị, nên đôi mắt của Chanh cứ mờ dần, rồi một mắt mù tịt, một mắt có lớp màng, nhìn sát mới thấy lờ mờ. Cái mắt lờ mờ đó cũng mù hẳn khi bà ở tuổi 40. Không được học hành, tuổi thơ của Chanh luẩn quẩn trong xó nhà.

Tôi hỏi bà Chanh lấy chồng năm bao nhiêu tuổi, bà nghĩ mãi mà không ra, chỉ ước chừng khoảng 30 tuổi.

Ngày ấy, bố mẹ dẫn về một người đàn ông rồi bảo: “Mày mù lòa thế này, bố mẹ không nỡ gả chồng xa, nhỡ nó đánh không biết đường mà về. Làm lẽ thì cũng khổ hơn trâu, ngựa. Thôi thì mày lấy thằng Óng. Nó ngớ ngẩn nhưng lành tính, chịu khó. Nồi nào úp vung ấy thì mới hòa thuận”.

Chanh căng mắt ghé sát nhìn chồng tương lai, thấy anh mặc áo dài lùng thùng rách tướp với cái quần đùi vá chằng vá đụp. Óng đứng như phỗng ngoài sân, nhìn vợ sắp cưới tròng trọc. Bố mẹ Chanh bảo vào nhà xơi nước mới biết đường vào.

Ngày đó, Óng cũng chừng 30 tuổi, dáng nhỏ thó như cậu thiếu niên, nhưng sức vóc hơn người, lại chịu khó làm lụng. Bố mẹ Chanh gặp Óng ở bãi biển Đoàn Xá, khi anh đang cào vạng, cào ngao thuê cho một ông chủ.

Ông bà hỏi tuổi tác, quê quán, Óng chỉ lắc đầu kêu không biết. Anh chỉ biết mỗi tên họ của mình là Nguyễn Văn Óng. Rồi anh chỉ hướng Nam, nơi anh từ đó mà phiêu bạt ra tận Đồ Sơn, Hải Phòng.

Ông Óng đang mò cua, cá ngoài đồng. 

Đám cưới của cô mù và anh dở chẳng có đón dâu, cũng chẳng có phông bạt gì cả. Bố Chanh cho con rể mượn bộ quần áo lành nhất của mình, chỉ có vài vết vá. Mấy mâm cơm đạm bạc báo cáo họ hàng, với têm trầu mời hàng xóm là hai người thành vợ, thành chồng.

Bà Chanh kể: “Ông ấy tuy ngớ ngẩn, nhưng hiền lành, tốt bụng. Sống với nhau hơn 35 năm rồi, nhưng chưa bao giờ có một lời cãi cọ. Tôi nói gì ông ấy cũng gật, sai gì ông ấy cũng làm. Nếu ông ấy không ngớ ngẩn, thì chắc gì chúng tôi sống được với nhau yên bình ngần ấy năm”.

Suốt 35 năm nay, thi thoảng bà Chanh vẫn gợi những chuyện quá khứ, để mong ông Óng nhớ lại quê hương bản quán của mình, nhưng đều thất bại. Lúc “thông minh” nhất, thì ông chợt nhớ ra rằng quê ông ở “Thái Bình văn võ”.

Cũng có lúc, ông chợt nói với bà rằng, bố mẹ, anh chị em của ông đều chết sạch vì bệnh tật, đói khát, chiến tranh, còn mỗi mình ông, không ai nuôi dưỡng nên lang bạt xin ăn, rồi lạc ra Hải Phòng.

Bà Chanh đã hỏi một số người ở Thái Bình, nhưng không ai luận ra được câu “Thái Bình văn võ”. Quê ông ở Thái Bình thì có thể lắm, nhưng không hiểu “văn võ” có nghĩa là gì. Ở Thái Bình không có địa danh nào có tên Văn Võ.

Thương đôi vợ chồng mù lòa, ngớ ngẩn, nên bố mẹ bà Chanh, rồi anh chị em góp công sức lấp chuôm (ao nhỏ để hoang) ven cánh đồng rồi dựng cho họ một ngôi nhà nhỏ.

Rồi họ cũng sinh con đẻ cái như những cặp vợ chồng khác. Bà Chanh tuy mù, nhưng làm được mọi việc trong nhà. Bà còn đội đá thuê ngoài bến, làm công điểm cho hợp tác xã. Ông Óng tuy ngớ ngẩn, nhưng chịu khó làm lụng suốt ngày đêm. Ngày ông đội than, đội đá cùng vợ, tranh thủ lúc trưa, chiều mò cua bắt ốc ngoài đồng kiếm miếng ăn.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương

 


Bình luận
vtcnews.vn