Chuyện thú vị bộ cốt 'Ông Cọp' ở Cần Thơ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 12/03/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Hiện bộ cốt Thần Hổ vẫn còn được lưu giữ trong một góc khuất, khiêm tốn trong đình.

Hầu hết các tài liệu nói về ngôi đình cổ Bình Thủy (tp Cần Thơ) chỉ nhắc đến tích quan Khâm sai đại thần triều Nguyễn đi tuần thú phương Nam gặp thủy nạn nhưng bình an tại đoạn sông này dẫn đến việc vua Tự Đức ban sắc phong thần Bổn Cảnh chung cho cả làng Bình Hưng. Chưa có nghiên cứu nào xét riêng về sự tích ngôi đình cổ lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long này.
Ít ai biết, khởi thủy ngôi đình cổ này liên quan đến chuyện hổ thần cứu người. Hiện bộ cốt Thần Hổ vẫn còn được lưu giữ trong một góc khuất, khiêm tốn trong đình.

Cội nguồn ngôi đình cổ

Theo các tài liệu nghiên cứu chính thống thì cách nay 300 năm vị trí đình Bình Thủy tọa lạc được gọi là làng Bình Hưng, thuộc tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Khi đó, làng có 6 thôn. Vào năm 1844, một trận bão lụt dữ dội, nhà cửa ruộng vườn tiêu tan, nạn đói hoành hành. Sau trận thiên tai đó, người dân tự lập một ngôi miếu bằng tre gỗ, lợp lá tại vàm rạch thờ thành hoàng để cầu bảo hộ, an lành. Miếu được gọi tên là "Long Tuyền cổ miếu". Nếu cái tên này hoàn toàn chính xác thì vào năm 1844, làng cổ Bình Hưng đã từng có một ngôi miếu từ trước rất lâu.

Thuở đó, đoạn sông này có tên là Long Tuyền giang. Bởi khúc sông này có hình dáng như con rồng nằm uốn khúc, vàm sông giống như miệng rồng há toác ra ngoạm trái châu là đất cồn Linh. Bốn rạch tỏa ra như bốn chân rồng. Đoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng.

Cũng theo các tài liệu nghiên cứu của địa phương, thời Vua Tự Đức năm thứ 5 (tức năm 1852) quan Khâm sai đại thần là Huỳnh Mẫn Đạt được vua phái đi tuần thú an dân khu vực này. Quan Khâm sai cùng đoàn tùy tùng đi thuyền dọc theo sông Hậu. Khi thuyền gần đến cồn Linh nơi đầu vàm rạch Long Tuyền thì gặp một trận cuồng phong tạo thành lốc xoáy lớn trên mặt sông. 
Sóng hung dữ cuốn cao như muốn nhấn chìm đoàn thuyền xuống lòng sông. Trước tình thế nguy cấp, quan Khâm sai khấn thần linh độ mạng rồi lệnh cho thủy binh ra sức chèo thẳng vào vàm ẩn nấp. Mặc dù, bên ngoài sông sóng cả phẫn nộ dập dềnh nhưng bên trong vàm mặt nước lặng lờ bình yên. Đoàn thuyền bình an vô sự.

Thoát nạn, quan Khâm sai bèn hạ lệnh cho binh sĩ lên bờ lập đàn cúng tế thần đất rồi mở tiệc khoản đãi dân làng suốt ba ngày và tuyên bố đổi tên cồn này thành làng Bình Thủy. Sau chuyến công cán, quan Khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt dâng sớ lên Vua Tự Đức xin ban sắc phong thần cho làng Bình Thủy (mang nghĩa vùng nước lặng).

Từ sớ cầu xin của Khâm sai Huỳnh Mẫn Đạt, ngày 29/11/1852 (năm Nhâm Tý) Vua Tự Đức hạ chiếu ban sắc phong cho vùng đất Bình Thủy, tức Bình Hưng cũ: "Sắc Bổn cảnh Thành hoàng chi thần. Nguyên tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện chi thần, hộ quốc tri dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng cảnh mạng miến niệm thần hưu khả gia tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện đôn ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Phong Phú huyện Bình Thủy thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật". Tạm dịch nghĩa là: "Sắc phong chức Bổn cảnh Thành hoàng.

Vì sự quảng hậu chánh trực, ngươi đã phù hộ quốc gia, bảo vệ dân chúng từ xưa đến nay. Lệnh ban cho ngươi danh hiệu Thành hoàng Bổn cảnh thuộc huyện Phong Phú, làng Bình Thủy. Ngươi lãnh trách nhiệm như cũ, săn sóc và giúp đỡ dân chúng của ta. Tự Đức năm thứ 5 ngày 29/11". Theo tích đó thì làng Bình Hưng được Tự Đức chuẩn y đổi tên thành làng Bình Thủy và được phong sắc Thành hoàng Bổn cảnh (cho vùng đất linh Bình Hưng) vào năm 1852.

Sau khi có sắc phong của nhà vua, cư dân địa phương đã cùng nhau tôn tạo ngôi miếu Long Tuyền tre lá thành ngôi đình tường vôi, mái ngói. Theo tên đất và theo sắc vua ban, ngôi đình cũng mang tên mới là đình Bình Thủy. Lần nâng cấp này, ngôi đình được xây thêm ngôi võ ca (Nhà hát bộ, trong đó có một sân khấu nhỏ, thấp, bằng gỗ để cho các đoàn hát đến biểu diễn).

Đến đầu thế kỷ XX, do chia tách địa giới hành chính, vùng đất tọa lạc của ngôi đình Bình Thủy lại đổi tên thành làng Long Tuyền nhưng đình vẫn mang tên Bình Thủy. Vào năm 1904, quan Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận thấy đình xuống cấp, rệu rã sắp sập nên đề nghị dân làng cất lại ngôi đình ở ngã tư trên sở đất của làng rộng 2,9 ha.

Lần xây dựng này, ông La Xuân Thanh là một phú hộ địa phương đã hiến tặng tiền của và chỉ huy công trình xây dựng. Không may, giữa lúc công trình xây dựng còn dang dở thì quan Tri phủ bệnh nặng rồi qua đời. Việc xây dựng ngôi đình tạm đình chỉ. Không hiểu vì sao, không ai tiếp tục công việc xây dựng sau khi Tri phủ qua đời.

 

Mãi đến năm 1909, ông Cả Nguyễn Doãn Cung (Chủ làng) bắt tay cùng sui gia là một địa chủ giàu có cùng góp tiền, của và công sức xây dựng ngôi đình trên nền cũ tại vàm sông. Theo các tài liệu nghiên cứu thì chi phí xây dựng lần này lên đến 5.823 đồng Đông Dương. Thời điểm này, 1 giạ lúa có giá khoảng 1 hào. Tức là công trình xây dựng lần này tương đương giá trị 5.800.000 giạ lúa.

Công việc xây dựng được khởi công từ ngày 12/7/1909 đến năm 1910 thì hoàn thành. Công trình do ông Huỳnh Trung Trinh thiết kế. Không có tài liệu nào kể về tiểu sử ông Huỳnh Trung Trinh. Nhưng căn cứ vào kết cấu kiến trúc ngôi đình người ta thấy đình Bình Thủy có nét tương đồng với những ngôi nhà gỗ được xây dựng cùng thời điểm trong khu vực.

Có lẽ, ông Huỳnh Trung Trinh là nhóm thợ Lỗ Ban được mời từ miền Trung về vùng Đại Điền, Bến Tre xây cất một loạt các ngôi phủ gỗ cho Đốc phủ Kiểng, ông Phó Hoài, ông Hương Liêm. Ngày nay, di tích phủ gỗ gồm 6 ngôi nhà của ông Hương Liêm mà người ta gọi là Huỳnh phủ vẫn tồn tại ở Bến Tre.

Căn cứ vào bức hoành phi mừng tân gia Huỳnh phủ do tri huyện Bảo An họ Võ vẫn còn hiện hữu thì ngôi phủ được hoàn thành vào năm 1904. Có lẽ, nhóm thợ Lỗ Ban này đã được mời đi xây cất liên tục các ngôi phủ khác, trong đó có ngôi đình Bình Thủy.

Nhóm thợ Lỗ Ban này rất tỉ mỉ trong việc chạm khắc gỗ. Thợ được tính tiền công mỗi ngày bằng hình thức đong dăm bào bằng chén ăn cơm. Những thân cột trong đình Bình Thủy cũng như của các ngôi phủ được thợ đi vào rừng sâu tìm kiếm, lựa chọn cẩn trọng trước khi đốn hạ đem về xây cất.

Lần xây dựng năm 1909, đình Bình Thủy có thêm 2 ngôi miếu thờ Thần Nông và Thần Hổ. Trong tất cả những lần xây dựng, bộ da Thần Hổ vẫn luôn được lưu giữ thờ phụng trong đình.

Bộ da Thần Hổ và một số vị linh thần chưa được giải mã

Trong khi đó nhiều bô lão địa phương cho rằng, ngôi đình Bình Thủy được nâng cấp từ ngôi miếu cổ Long Tuyền thờ Thần Hổ. Từ năm 1844, ngôi miếu đã có sẵn nên được gọi là "cổ miếu". Có nghĩa là ngôi miếu tồn tại từ rất lâu, trước khi có ghi chép vào năm 1844. Căn cứ vào đó có thể hiểu ngôi miếu được xây cất từ những ngày mới khai hoang lập làng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Vị trí đầu tiên của ngôi miếu là vàm Ngã Tư Bé.

Giai thoại địa phương kể rằng, ngày xưa, ở vùng này có 1 con cọp tu lâu năm, tánh linh như người. Ở vàm ngã tư có một phụ nữ tên Bé sống một mình. Chồng đăng lính triều Nguyễn đi trấn giữ vùng biên cương Cao Miên. Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông ta yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Một con cọp đã tu lâu năm, tính hiền, nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn.

Một đêm nọ, con cọp nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con cọp sợ quá ngất xỉu. Cọp tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé. Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và phát hiện bà Bé cần cứu giúp. Bà mụ đã giúp bà Bé vượt cạn thành công trong cơn thập tử nhất sinh.

Cổng đình Bình Thủy.

 

Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa ra, bà mụ đã trông thấy một con heo rừng nằm chết trong sân. Trên thân heo đầy vết móng cọp. Sực nhớ diễn biến đêm qua, bà mụ biết, con cọp đã bắt heo trả lễ. Cho rằng đó là hổ thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ. Ngoài ra, cư dân địa phương còn truyền tụng rất nhiều giai thoại khác liên quan đến việc Thần Hổ cứu người khi gặp hoạn nạn. Khi hổ chết, dân làng tiếc thương lấy thi thể làm tượng cốt đặt trong miếu thờ.

Nơi vàm sông, người ta đặt tên là vàm Ngã Tư Bé. Khi miếu được xây dựng thành đình sau biến cố quan Khâm sai đại thần gặp nạn, dân địa phương vẫn xem Thần Hổ là "ông Cả", tức Thành hoàng Bổn cảnh của làng.

Đến lần xây dựng năm 1909, chức Cả của ngôi đình vẫn thuộc về Thần Hổ. Bộ da Thần Hổ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn đặt trên bệ thờ cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, sau này nhiều người đến viếng đình cứ lén vặt râu, lông Thần Hổ để làm thuốc. Thấy vậy, một khách hành hương tên Hồng Vân, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Tp HCM xót lòng đã hiến tặng một lồng kính để bảo vệ tượng cốt Thần Hổ. Căn cứ vào giai thoại này, có thể nói rằng, trước khi được Vua Tự Đức sắc phong, đình đã có Thành hoàng Bổn cảnh, tức Cả Hổ.

Chức Phó Cả của đình thuộc về một vị tôn thần xưng danh là Đinh Công Chánh (gọi là Đinh Tôn Thần). Hiện nay, bàn thờ vị Phó Cả Đinh Công Chánh vẫn được đặt nơi chánh điện.

Vào năm 1913, vùng đồng bằng sông Cửu Long trải qua một cơn đại dịch tả. Gần đình Bình Thủy có ngôi chùa Nam Nhã (còn gọi là chùa Minh Sư hoặc Đức Tế Phật Đường) do Thượng sư Nguyễn Giác Duyên tạo lập. Ngày 15/8/1913, một số nhân sĩ trong làng thấy đại dịch hoành hành, dân làng khốn khổ đã lập đàn cầu tiên (gọi là Đàn Tiên) dùng cơ bút để xin thuốc. Một vị tôn thần xưng danh là Đinh Công Chánh (cho đến nay vẫn chưa tìm được lai lịch đời thật) giáng cơ cho thuốc Nam cứu bệnh. Bài thuốc công hiệu đến mức nhanh chóng đẩy lùi cơn đại dịch ra khỏi địa phương. Đây là nơi đầu tiên phát tích Đàn Tiên Cái Khế.

Từ đó dân làng bầu vị tôn thần này vào chức Phó Cả của đình. Điều lạ là, Tôn Thần Đinh Công Chánh giáng ngôn bằng cơ bút nhưng lại có di ảnh thờ. Càng lạ hơn khi người trong di ảnh lại có nét giống anh hùng dân tộc Đinh Công Tráng. Có dư luận cho rằng, Đinh Công Chánh là tên ẩn của anh hùng dân tộc Đinh Công Tráng - Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Ba Đình hy sinh trong trận huyết chiến với quân Pháp vào tháng 10/1887. Vì thương tiếc ông, dân Bình Thủy lập án thờ nhưng e ngại chính quyền Pháp làm khó nên trại tên "Tráng" thành "Chánh".

Ở giữa ngôi chánh điện còn có một bàn hương án thờ "ngũ vị nương nương" gồm: Chiêu Thuần Hiếu Hoàng hậu - Từ Huệ Nương nương (Lê triều); Thuần Mục Trầm Hương Công chúa - Nghĩa Liệt Nương nương (Lê triều); Tiết Liệt Nghĩa Nữ Nguyễn Xuân - Quế Minh Huệ nương (Nguyễn triều); Triệt Minh Liệt nữ - Trần Thu Hà nương nương (Nguyễn triều). Cách nay hơn nửa thế kỷ, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh đã nêu điều này trong quyển "Cần Thơ xưa và nay". Cho đến nay, Ngũ vị nương nương vẫn chưa được truy nguyên gốc tích.

Một số bô lão địa phương cho rằng: Bài vị có ghi rõ niên triều của từng vị thì chắc chắn những vị đó phải có thật trong lịch sử. Điều lạ là, vì sao các vị thuộc triều Lê lại có mặt ở tận phía Nam này? Vì sao cổ dân nơi đây lại thờ họ? Điều này có thể là một "lối rẽ" trong dòng cổ sử của dân tộc. Hy vọng một ngày không xa, điều bí ẩn này được giải mã.

Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu sâu hơn về những di vật có liên quan để đình Bình Thủy xứng tầm là một di tích lịch sử, văn hóa của quốc gia

Bình luận
vtcnews.vn