Chuyện thiêng liêng ở biên giới, nơi địa đầu Tổ quốc

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 23/05/2014 06:31:00 +07:00

(VTC News) - Cả nước đau đáu hướng ra vùng biển thiêng liêng, thì tôi vượt nửa ngàn cây số lên tận địa đầu Tổ quốc, để cảm nhận không khí nơi biên ải.

(VTC News) - Cả nước đau đáu hướng ra vùng biển thiêng liêng, thì tôi vượt nửa ngàn cây số lên tận địa đầu Tổ quốc, để cảm nhận không khí nơi biên ải.


Trong những ngày này, biển Đông đang nổi sóng, bởi tàu bè, giàn khoan của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia. Cả nước đau đáu hướng ra vùng biển thiêng liêng, thì tôi vượt nửa ngàn cây số lên tận địa đầu Tổ quốc, để cảm nhận không khí nơi biên ải.

Những ngày này, miền xuôi nắng nóng hầm hập, nhưng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn mát lạnh. Hơi lạnh từ núi đá xám tuổi trăm triệu năm tạo ra cảm xúc lạ.

Sương sớm còn giăng khắp ngả, đám con gái Mông, Lô Lô đã váy áo rực rỡ xuống chợ.

Đứng dưới chân cột cờ trên đỉnh núi Rồng (Lũng Cú), gió lộng thổi phần phật, nhìn những làng bản lẫn trong mây, nép dưới những đỉnh núi xám ngắt, lô nhô hút tầm mắt gợi cảm giác bình yên đến nao lòng. Một vẻ đẹp hoang sơ từ sự khắc nghiệt của đá, với những con người thuần phác còn chịu nhiều thiệt thòi phía sau núi non, mây mù.

Đường lên Lũng Cú 

Lũng Cú gồm vài nóc nhà lúp xúp dưới thung lũng, trải dọc biên giới. Đá ngàn năm vẫn một màu xám ngắt và những người Lô Lô từ thuở khai sinh lập địa vẫn kiên hùng ngày đêm giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc như người mẹ Lô Lô giữ gìn chiếc trống đồng tổ tiên để lại, coi đó là hồn thiêng dân tộc...

Bên chén rượu ngô nồng nàn, tôi được nghe cụ Vàng Dỉ Sinh kể cho nghe truyền thuyết lập bản Lô Lô.

Cụ Sinh nguyên là cán bộ Đảng ủy của huyện Đồng Văn, đã về hưu hai chục năm rồi. Cụ ông và cụ bà nhất định không về thị trấn sống an nhàn với con cái là lãnh đạo huyện. Cụ bảo: “Ta sinh ra ở Lô Lô Chải thì cũng phải chết trong vòng tay người Lô Lô thôi. Chết ở bản Lô Lô sẽ được trống thiêng đưa hồn về trời, hà hà”.

Cụ Sinh bảo rằng, truyền thuyết về trống đồng Lô Lô có liên quan đến nạn Đại Hồng Thủy. Khi đó, loài người sinh sôi nhiều quá khiến Rồng không còn chỗ ở, Rồng đã dâng nước ngập đến trời để giết hết người.

Chợ Đồng Văn 

Hai anh em nhà nọ được một vị thần cho đôi trống lớn và chui vào bụng trống nên thoát chết. Không còn ai trên trái đất, nên hai anh em đã lấy nhau và tiếp tục sinh con đẻ cái. Trước khi chết, người cha dặn con cháu là phải cất giữ đôi trống như giữ tính mạng mình.

Người mẹ đưa cho đàn con một chiếc lược. Bọn người xấu bên kia biên giới kéo sang đoạt trống, mấy anh em quẳng chiếc lượt về phía chúng, chiếc lược biến thành những dãy núi đá cao sừng sững ngăn bọn người hung dữ kia lại.

Hàng ngàn năm qua bọn người ngoài biên giới luôn tìm cách vượt sang xâm chiếm đất đai, nhưng không tài nào qua được.

Ấy là truyền thuyết, nhưng hiện người Lô Lô bản Lô Lô Chải quả thực đang giữ đôi trống đồng cổ cực kỳ quý hiếm. Cụ Sinh giữ chiếc trống đực, anh Vàng Dỉ Chánh giữ chiếc trống cái.

Tuần tra dưới chân cột cờ Lũng Cú 

Cụ Sinh gầy còm, ốm yếu, nhưng tinh thần cụ hiên ngang như cây nghiến già giữa bản Lô Lô Chải. Trong bản hễ có sự kiện trọng đại, cụ Sinh và anh Chánh lại mang trống ra đánh. Năm 1979, khi Trung Quốc xâm lược biên giới, tiếng trống liên tục vang lên trầm hùng, quy tụ người Lô Lô thành một mối.

Khi đánh, trống đực và trống cái được treo ở cạnh nhau. Anh Chánh đánh được 60 kiểu trống. Có kiểu buồn, kiểu vui, kiểu trầm hùng, bi tráng.

Ngày xuân tiếng trống rộn ràng. Trống cất lên, đám thanh niên nhảy múa hát hò rồi kéo nhau ra biên giới vác đá xếp vào sườn núi để giữ gìn biên cương. Hành động xếp đá khẳng định chủ quyền biên cương là phong tục ngàn đời để lại.

Chủ tịch xã Vàng Mý Cấu bảo: “Xưa kia, người Lô Lô ở Lũng Cú nghèo lắm, mình biết từng nhà mỗi năm gieo bao nhiêu cân giống, xã mình cấy bao nhiêu cây giống. Tất cả chỉ làm một vụ thôi, vì không có nước.

Mùa đông ở đây rét lắm, không trồng nổi cây gì nên cứ đến Tết là hết cái ăn rồi, mèn mén cũng chẳng còn mà ăn nữa.

Nhưng mấy năm nay được Nhà nước quan tâm nên đời sống đồng bào Mông, Lô Lô ở Lũng Cú đã khác rồi à. Bây giờ, nhà nào lúa ngô cũng đầy bồ, bữa ăn có thịt, cá. Cuộc sống ở đây đổi thay nhiều lắm”.

Cột cờ Lũng Cú 

Tôi tìm đến nhà mẹ Vàng Thị Vềnh, người giữ một trong hai chiếc trống đồng cổ vô giá ở Lũng Cú. Chục năm trước, tôi đã đến gặp mẹ, phải nói mãi mẹ mới cho xem cái trống cổ.

Mẹ Vềnh già nua, héo hon như cây bạc hà lay lắt trên núi đá, vậy mà hàng ngày mẹ vẫn phải cõng nước từ suối, cõng đất từ thung lũng lên núi đổ vào các hốc đá trồng ngô.

Cả đời mẹ khổ cực, đến lúc răng rụng hết vẫn phải ăn mèn mén. Thế nhưng, có biết bao nhiêu kẻ trả tiền triệu mà mẹ quyết không bán chiếc trống đồng quý đó, mẹ cứ giữ khư khư như máu thịt, như hồn thiêng của tổ tiên người Lô Lô.

Đứng trước ngôi nhà tồi tàn gọi mãi không thấy mẹ đâu. Chờ đến chiều mới thấy Vàng Dỉ Chánh đi làm về. Tôi hỏi mẹ Vềnh, Chánh chỉ tay về phía chân núi. Tôi chẳng thấy bóng dáng mẹ đâu ngoài nương đá điệp trùng xám ngắt.

Chánh dắt tôi đến chân núi, chỉ tay vào đống đá xếp lùm lùm. Thì ra mẹ đã mất được mấy năm rồi. Mộ mẹ chỉ toàn là đá, chẳng có nắm đất nào. Đến vốc đất để cắm hương cũng bị mưa cuốn trôi đi hết.

Vàng Dỉ Chánh và chiếc trống đồng của người Lô Lô 

Chục năm trước, thấy mẹ nghèo nên tôi thử ướm hỏi: “Sao nhà nghèo vậy mà mẹ không bán cái trống đi để lấy tiền mua gạo?”. Mẹ nhìn tôi sững lại, nghi ngờ, rồi tỏ ra giận dữ: “Không bán đâu. Đói cũng không bán”. Mẹ gọi người hàng xóm bê chiếc trống lên gác rồi cứ lấm la lấm lét nhìn tôi với vẻ không hài lòng.

Tôi lại hỏi: “Thế mẹ giữ trống để làm gì?”. Mẹ thủng thẳng đáp: “Cái trống này là của tổ tiên người Lô Lô để lại nên phải giữ cho người Lô Lô chứ!”.

Đứng bên mộ mẹ, nhìn mảnh đất địa đầu vẫn bình yên mà lòng ấm áp. Càng xúc động hơn khi tấm lòng của mẹ Vềnh, trước mùa đói ngằn ngặt vẫn quyết giữ gìn vật thiêng của tổ tiên người Lô Lô để lại. Trống đồng ở trong tay mẹ không còn là chiếc trống với ý nghĩa đơn giản nữa mà nó là Tổ quốc, là hồn thiêng dân tộc.

Từ sau chiến tranh biên giới, bọn người xấu bên kia biên ải thi thoảng vẫn tràn sang bắn giết, cướp đất. Thậm chí, năm 1991 bọn người xấu ở phía bên kia đã hai lần sang đốt phá nhà cửa, dồn dân Lô Lô Chải, Cẳng Tằng và Séo Lủng vào sâu đất Việt.

Thế nhưng, hai lần xóm bị đốt, hai lần tiếng trống vang lên hùng dũng, hai lần người Lô Lô vác vũ khí đòi lại đất đai tổ tiên, đẩy đuổi chúng về bên kia biên giới, rồi cả bản trở về dựng lại nhà cửa, quyết không rời bỏ đất cha ông.

Theo tiếng gọi của Đảng, tất cả các hộ dân của bản Lô Lô Chải di cư lánh nạn xung đột biên giới đã tự nguyện dỡ nhà chuyển ra biên cương sinh sống để khẳng định chủ quyền đến từng tấc đất.

Ngày xưa, khi cản đường bọn ác ôn, tổ tiên Lô Lô đã ném chiếc lược thần để dựng thành núi non hiểm trở. Ngày nay, con cháu Lô Lô cặm cụi xếp những bờ đá để giữ từng miếng đất biên cương. Họ vững vàng như 3 cây nghiến cổ thụ mọc hiên ngang giữa bản Lô Lô Chải, nơi địa đầu Tổ quốc ngàn năm bão giông không quật ngã nổi.


Ký củaDương Phạm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn