Chuyện thật như đùa, một người có 2 nhóm máu

Thời sựThứ Tư, 03/02/2010 06:57:00 +07:00

(VTC News) - Chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật này vừa xảy ra ở TP.HCM. Đó là trường hợp của anh Trần Minh Duy (SN 1974, thường trú P.13, Q.Phú Nhuận).

(VTC News) - Chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật này vừa xảy ra ở TP.HCM. Đó là trường hợp của anh Trần Minh Duy (SN 1974, thường trú 115/91/39 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.Phú Nhuận). Cơ quan đưa ra hai kết quả xét nghiệm về nhóm máu của anh Duy là Trung tâm hiến máu nhân đạo (Hội Chữ Thập đỏ TP.HCM).

 “Vỡ lở” từ một lần cho máu

Cuối tháng 11/2009, anh Trần Minh Duy, giáo viên đang công tác tại Trường quốc tế Việt Úc (110 Cao Thắng, Q.3) đến Viện tim TP.HCM (520 Nguyễn Tri Phương, P.12, Q.10) để cho máu một bệnh nhân bị tim bẩm sinh sắp mổ - bé gái 5 tuổi con của người bạn đồng nghiệp.

Cùng xét nghiệm ở một trung tâm nhưng cho ra hai kết quả khác nhau

Anh Duy trình Thẻ Hiến Máu cho các bác sĩ tại đây. Theo thông tin ghi trên thẻ thì anh có nhóm máu AB. Thế nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình cho và nhận máu, Viện tim yêu cầu anh xét nghiệm lại một lần nữa. Do thấy có điều gì chưa ổn từ việc xét nghiệm mới so với kết quả ghi trên tấm thẻ, Viện tim đã đưa cho anh Duy một phiếu xét nghiệm có nội dung ngắn gọn “Yêu cầu kiểm tra lại nhóm máu” do Bác sĩ điều trị tên Thúy kí tên.

Việc đang rất gấp nên anh vội chạy đến Trung tâm y tế Phước An (quận Phú Nhuận) để làm xét nghiệm lại. Đúng như sự nghi ngờ của Viện tim, kết quả lần này cho thấy anh Duy thuộc nhóm máu B (khác với lần trước là nhóm máu AB do Trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM xét nghiệm).

Nhóm máu AB biến thành nhóm máu... B

Nhận thấy kết quả xét nghiệm sai sót có thể nguy hại đến tính mạng con người, anh Duy lại vội vã chạy đến nơi “chủ quản” cấp thẻ cho mình lần đầu, đó là Trung tâm hiến máu nhân đạo - Hội Chữ Thập đỏ TP.HCM (số 201 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) để hỏi rõ “Đâu là kết quả chính xác?”.

Đến nơi anh trình bày và đưa toàn bộ hồ sơ giấy tờ xét nghiệm với kết quả mới nhất cho những người có trách nhiệm bên Trung tâm xem. Trên tay cầm hai kết quả xét nghiệm khác nhau, một nhân viên nữ của trung tâm ngại ngùng đáp: “Em khẳng định anh thuộc nhóm máu B. Xin lỗi anh, có thể bên em đánh máy nhầm thành AB” (?!).

Giấy chứng nhận 3 lần hiến máu của anh Duy

Theo chỉ đạo, nhân viên Trung tâm vội đánh máy in ra một Thẻ Hiến Máu mới với nội dung vẫn như trên thẻ cũ nhưng chỉ sửa khác ở mục nhóm máu và ngày tháng năm. Họ yêu cầu thu hồi thẻ cũ rồi trao lại thẻ mới (tuy trả lại thẻ cũ nhưng anh Duy vẫn còn giữ lại một thẻ nữa, giống như thẻ đã thu hồi, chứng cứ để làm rõ vấn đề mà anh Duy bức xúc trình bày với PV).

Thông tin trên thẻ cũ của anh Duy ghi rõ, anh đã 3 lần hiến máu tại Trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM. Mã số thẻ 000719006 cấp ngày 13/8/2007: Lần 1 vào ngày 13/8/2003 với số lượng 1 đơn vị  máu (250ml), số túi máu là 28705. Lần 2 vào ngày 22/04/2006, 1 đơn vị máu, số túi máu 19162. Lần 3, ngày 11/08/2007, số lượng 1,5 đơn vị máu, số túi máu 43686. Những lần trên anh xét nghiệm đều thuộc nhóm máu AB, người ký tên và đóng dấu xác nhận là Bác sĩ Bùi Văn Thêm.

Tấm thẻ mới được đổi lại, ghi ngày 24/11/2009 vẫn với nội dung giống nhau về số lần, ngày hiến, số đơn vị, số túi máu, bác sĩ ký tên… Nhưng cái khác cơ bản và quan trọng nhất là phần nhóm máu, trên thẻ “biến mất” chữ A, chỉ còn lại chữ B. Như vậy, anh Duy trước đây có nhóm máu AB và sau này lại có thêm nhóm máu B trong cùng thời gian. Như vậy hiện tại anh là một người có… hai nhóm máu.

Một giả định mà anh Duy đưa ra: “Nếu tôi bất ngờ bị tai nạn nguy kịch đang cần truyền máu. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm trong thẻ hiến máu mà tôi luôn mang theo bên người là nhóm máu AB, rồi truyền đúng nhóm máu sai thì trường hợp đó tính mạng tôi như thế nào? Ngược lại, nếu có bệnh nhân nào đó đã nhận máu của tôi đã hiến thì trường hợp này sẽ ra sao? Thật sự tôi rất hoang mang, lo lắng không những cho bản thân tôi mà cho cả những ai đã được dùng máu của tôi!”.

Con người có 4 nhóm máu : O, A, B, AB . 

Nhóm máu O có thể truyền cho cả 4 nhóm nhưng lại chỉ nhận được nhóm của mình là O. Ngược lại AB có thể nhận được cả 4 nhóm nhưng chỉ truyền được cho nhóm của mình là AB. Nhóm A nhận được A và O, cho được A và AB. Nhóm B nhận được B và O, cho được B và AB.

Vì những lý do chưa được khám phá, máu của mỗi nhóm có thể có kháng thể chống lại những nhóm kia. Do đó, khi truyền máu khác nhóm vào, kháng thể của người nhận có thể phá hủy tế bào máu gây tác hại cho cơ thể.


Phan Cường

Bạn có suy nghĩ gì về sự việc nêu trên? Bạn đã từng gặp tình huống nào tương tự. Hãy gửi cho chúng tôi phản hồi của bạn. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

Mình cũng có 2 nhóm máu

[email protected]

Không phải chuyện quá hy hữu. Kết quả kiểm tra nhóm máu của mình khi sinh con (check tại bệnh viện của Nhật) là nhóm máu A. Bây giờ khi check tại BV ĐH Y Dược trong kỳ khám sức khỏe của công ty lại ra nhóm máu B. Chắc mình phải đi kiểm tra lại một lần nữa ở một bệnh viện có uy tín để chắc chắn về nhóm máu của mình.

Đùa mà thật!

[email protected]

Nếu một bệnh nhân nào đó được nhận máu của anh Duy mà không hợp có thể dẫn đến tử vong thì trung tâm hay nói khác đi ông Bùi Văn Thêm đã phạm vào tội ngộ sát. Ngành y tế cần làm rõ đường đi của 3,5 đơn vị máu của anh Duy đã hiến trước đó.

Mạnh tay!

[email protected]

Những trường hợp tương tự xảy ra rất nhiều trên thực tế nhưng không có cơ hội đưa ra công luận đấy thôi. Các cơ quan chức năng nên mạnh tay hơn để xử lý.

Không sao đâu!

[email protected]

Hữu nghĩ như hôm ngồi nói chuyện với anh Duy tại cơ sở đó, họ truyền cho người nhóm máu A thì xóa chữ B, truyền cho người nhóm máu B thì xóa chữ A, còn nhóm AB thì để nguyên. Nếu anh Duy không đi xét nghiệm lại thì bé Xu giờ không biết thế nào. May thay giờ bé khỏe rồi, (đây cũng là chuyện vui nhỉ).

Bình luận
vtcnews.vn