Chuyến thăm VN của Tổng thống Nga có gì đặc biệt?

Thế giớiThứ Sáu, 08/11/2013 07:39:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia kỳ cựu về Liên Xô, LB Nga phân tích những điều đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga V.Putin vào ngày 12/11.

(VTC News) – Chuyên gia kỳ cựu về Liên Xô, LB Nga phân tích những điều đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga V.Putin vào ngày 12/11.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTC News về chuyến thăm Việt Nam ngày 12/11 tới của Tổng thống Putin, Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, người có thâm niên 10 năm tại LB Nga với tư cách là Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam nói:

Đây là một chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, to lớn với quan hệ Việt – Nga. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ 3 của ông Putin với tư cách Tổng thống Nga, điều này chứng tỏ đối thoại ở cấp cao nhất giữa Việt Nam và Nga rất tốt.

- Theo ông chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Putin sẽ có ý nghĩa như thế nào với mối quan hệ song phương?


Về phía Việt Nam, Liên bang Nga là đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta. Ngoài kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa thì kỹ thuật quân sự, quốc phòng cũng là một lĩnh vực hợp tác tốt giữa 2 nước, điều này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhắc lại bên lề cuộc họp Quốc hội vừa qua.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, cựu Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Nga - Ảnh: Tùng Đinh  
Việc Tổng thống Putin sang thăm và hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao vủa Việt Nam, trong khuôn khổ đó sẽ ký một số văn bản hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy mối quan hệ 2 nước lên tầm cao mới.

Với Nga, họ có định hướng chiến lược chú trọng châu Á – Thái Bình Dương và ở khu vực châu Á, trong định hướng chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, Việt Nam ở vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Điều đó cho thấy vị trí của Việt Nam trong quan hệ của Nga với châu Á, từ quan hệ song phương với Việt Nam, Nga có thể mở rộng ra các nước Đông Nam Á.

Điều đặc biệt về chuyến thăm Việt Nam ngày 12/11 tới của Tổng thống Putin là không được lên kế hoạch từ rất lâu mà mới được quyết định gần đây.

- Báo Mỹ Wall Street Journal nói chuyến thăm Việt Nam ngày 12/11 tới của Tổng thống Putin sẽ nhấn mạnh về vấn đề năng lượng, ông có nhận xét thế nào?

Theo tôi, đánh giá này đúng nhưng chưa đủ. Trong hợp tác Việt – Nga mảng năng lượng đúng là nổi bật nhất, trong đó có dầu khí, cả 2 bên đều thấy được triển vọng của lĩnh vực này. Cho đến nay, nước ta và Liên bang Nga đã phát triển rất tốt hợp tác về năng lượng, nhất là dầu khí, điển hình là Liên doanh Vietsopetro.

Ngoài ra, Nga cũng đồng ý cho Việt Nam tham gia đầu tư, khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ của mình, ở vùng Nenetskiy, nơi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm trong chuyến công du Nga năm 2012.

Ngoài ra còn năng lượng điện, trong dịp này Nga đã trúng thầu cùng Việt Nam xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 tại tỉnh Sóc Trăng.

long phú 1
Phối cảnh nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, dự án hợp tác Việt - Nga 

Có thể thấy nhận xét của Wall Street Journal là đúng nhưng chưa đủ. Theo tôi, trong chuyến thăm lần này cũng có một mảng đáng chú ý nữa là hợp tác về giáo dục, nhân văn. 2 nước sẽ ký thỏa thuận thành lập Đại học nhân văn Nga – Việt.

Ngoài ra, Tổng thống Putin đến thăm Việt Nam còn tham gia khai mạc Tuần văn hóa Nga tại Việt Nam.

- Theo ông, chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin sẽ đem lại những cơ hội nào cho hợp tác 2 nước trong vấn đề năng lượng nguyên tử, một lĩnh vực còn rất mới và nhiều tiềm năng ở Việt Nam?

Giữa 2 nước đã có những thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Phía Việt Nam đã chọn Nga là đối tác hàng đầu trong lĩnh vực này.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu (không muốn cung cấp danh tính) nói việc Tổng thống Nga V.Putin sắp xếp lịch trình thăm Việt Nam trước khi sang thăm Hàn Quốc thể hiện tình cảm cũng như sự coi trọng đối với Việt Nam của Tổng thống.
Về điện hạt nhân, trên thế giới đang có 2 luồng ý kiến, một là lo ngại về khả năng an toàn của loại hình này. Thậm chí nhiều nước đã thu hẹp các khu vực điện hạt nhân và tiến đến xóa bỏ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Nga và cả IAEA, năng lượng hạt nhân rẻ, sạch, an toàn khi đảm bảo các yêu cầu bảo vệ và có thị trường tiềm năng rất lớn trên thế giới.

Việt Nam và Nga đã thông qua nghị quyết về phát triển năng lượng hạt nhân từ tháng 9/2009 và cùng nhau xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận với dự tính sẽ phát điện được vào năm 2020.

Song song với xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, Nga cũng đã đầu tư thành lập một Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội để giúp người Việt Nam hiểu rõ hơn về lĩnh vực này.

Ngoài ra, Nga cũng sẽ đầu tư để xây dựng trung tâm Khoa học, Công nghệ, Năng lượng nguyên tử đặt ở Đà Lạt, nơi có lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Việt Nam do Mỹ xây dựng từ trước giải phóng.

- Trong chuyến thăm lần này liệu có cơ hội phát triển nào cho việc hợp tác trong lĩnh vực khoa học quân sự, quốc phòng giữa 2 nước không, thưa ông?

Theo tôi, chắc chắn 2 nước sẽ có thêm những ký kết mới về vũ khí, khoa học quân sự. Về phía Việt Nam, nhu cầu hiện đại hóa quân đội, tăng cường khả năng phòng thủ là rất lớn về cả con người và khí tài.

tàu ngầm hà nội
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm tàu ngầm Hà Nội tại Nga trong chuyến thăm vừa qua - Ảnh: TTXVN 

Để có được điều đó, chúng ta đã đẩy mạnh mua bán với các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển mà chủ yếu trong số đó là Nga. Trong khi đó, với Nga xuất khẩu vũ khí là mục tiêu lớn, không riêng Việt Nam mà trên thế giới hay ở Đông Nam Á, có nhiều nước cũng mua vũ khí Nga.

Khi mà 2 mục tiêu này gặp nhau thì chắc chắn sự hợp tác về khoa học, kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Nga sẽ được tăng cường. Nhất là khi nhu cầu bảo vệ tổ quốc và nền kinh tế ngày càng đi lên, ổn định thì nhu cầu mua vũ khí của Việt Nam cũng sẽ tăng với mục tiêu cũng cố quốc phòng.

- Theo ông, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Putin có tác động gì đến vấn đề Biển Đông và liệu Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

Lập trường công khai của Nga về vấn đề Biển Đông là muốn giải quyết bằng giải pháp hòa bình. Họ muốn một Biển Đông hòa bình, ổn định và thông thoáng ở khu vực này.

Ngoài ra, Nga có hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông, đương nhiên họ muốn một môi trường ổn định để phát triển kinh tế.

Nga cũng có quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và định hướng chính sách đối ngoại công khai của Nga là thực dụng. Họ muốn giải quyết các vấn đề một cách hài hòa. Theo tôi, Nga sẽ không có ý kiến, tuyên bố dễ gây hiểu lầm, họ luôn khẳng định lập trường muốn giải quyết theo hướng hòa bình.

Tùng Đinh(Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn