Chuyện 'tắc đường' ở nhà bếp của trường học vùng cao

Thời sựThứ Sáu, 20/02/2015 12:17:00 +07:00

Khu đặt bếp nấu ăn rộng chừng 2 mét vuông, phục vụ cho 45 em học sinh nên thường xuyên xảy ra cảnh tắc đường.

(VTC News) - Khu đặt bếp nấu ăn rộng chừng 2 mét vuông, phục vụ cho 45 em học sinh nên thường xuyên xảy ra cảnh tắc đường.

Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi có chuyến công tác lên huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Một huyện miền núi cách trung tâm TP Yên Bái 30km. Tại đây, chúng tôi có cơ hội được chứng kiến cảnh "tắc đường" có một không hai ở một trường học vùng cao.

Khác với các thành phố đông đúc xe cộ, cảnh "tắc đường" có một không hai này xảy ra ở một khu bếp thuộc trường THCS Kiên Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái).

Trong buổi gặp mặt với thầy cô trường THCS Kiên Thành, thầy hiệu trưởng Lê Điền Hải chia sẻ: "Trường chúng tôi có cảnh "tắc đường" rất đặc biệt, không phải trên đường làng, ngõ bản mà ngay chính khu nội trú của trường chúng tôi".
 Khu bếp dành cho 45 học sinh nội trú của trường Kiên Thành nấu ăn

Theo lý giải của thầy hiệu trưởng Lê Điền Hải, khu nội trú của trường 45 học sinh thuộc các dân tộc Mông, Tày, Dao ở. Các em do ở xa, địa hình vùng núi lại hiểm trở, nên để theo đuổi con chữ, các em phải trọ học lại trường với muôn vàn khó khăn.

Vượt qua nhiều khó khăn, với sự giúp đỡ của các ban ngành địa phương, trường THCS xây dựng được khu nội trú cho các em học sinh với 4 phòng ngủ và 1 phòng bếp. Chính khu bếp là nơi xảy ra cảnh "tắc đường" có một không hai mà thầy hiệu trưởng Hải đã nhắc đến.

Cứ kết thúc giờ học buổi sáng, 45 học sinh dân tộc thiểu số lại nhanh chóng trở về khu nội trú, chuẩn bị bữa trưa ngay tại khu bếp. Khu bếp của nhà trường chỉ đủ cho 8 em học sinh nấu ăn/lượt.

Cho nên, những em học sinh còn lại phải xếp hàng dài, đợi đến quá trưa mới chen chân vào được khu bếp nấu ăn. Chính vì thế, thầy và trò trường THCS Kiên Thành gọi đây là cảnh "tắc đường" có một không hai.
 Nồi nấu của các em học sinh xếp ngay ngắn trong nhà bếp
Các em học sinh trồng rau cải thiện bữa ăn hằng ngày 

Nằm cách thành phố Yên Bái chừng 20km, trường Tiểu học và THCS Kiên Thành nằm ở trung tâm xã. Tiếp đoàn, thầy Lê Điền Hải – Hiệu trưởng trường THCS Kiên Thành cho biết, trường hiện có gần 200 học sinh, trong đó đến 99% là học sinh người dân tộc Tày, Dao, Mông,…

Cũng theo thầy Hải, trường hiện có 42 em học sinh đang ở nội trú. “Các em phải tự túc gạo, thức ăn để nấu ăn tại khu bếp mà nhà trường đã xây dựng. Hiện, cuộc sống của các em học sinh ở nội trú còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Thầy cô trong trường THCS Kiên Thành chia sẻ, để giảm thiểu tình trạng "tắc đường" tại khu bếp, nhiều học sinh đã "góp gạo thổi cơm chung", tuy nhiên do khu nhà bếp chật, học sinh đông, thời gian nấu nướng bằng bếp củi lại lâu nên các em học sinh phải chờ đợi rất vất vả mới nấu được bữa cơm cho mình.

"Nhiều ngày các em học cả buổi sáng lẫn chiều, nên về vội vàng nấu bữa cơm cho kịp, tuy nhiên do đông quá lại phải chờ đợi" một giáo viên trong trường Kiên Thành chia sẻ.

Em Tháo Thị Súa (học sinh trường THCS Kiên Thành) chia sẻ: "Nhờ có khu nội trú của nhà trường mà chúng em có cơ hội được đi học, không phải đi lại vất vả như trước nữa. Nhưng do điều kiện nên khu bếp của nhà trường chật quá, lại có nhiều học sinh ở nội trú nên giờ nấu ăn chúng em phải chờ đợi mới đến lượt của mình nấu".

Tại khu nhà bếp, hàng chục chiếc kiềng nấu ăn được xếp san sát vào nhau phần nào phản ánh cảnh đông đúc, chờ đợi của các em học sinh tại đây. Khu để đặt kiềng rộng gần 2 mét vuông, đặt được 8 chiếc bếp khi các em ngồi nấu ăn. Thầy Hải chia sẻ, các em học sinh phải tự lo lương thực cho sinh hoạt hàng ngày tại trường.

Khoảng sân phía sau nhà nội trú được các em tận dụng để trồng rau xanh, cải thiện bữa ăn hằng ngày. Dù vậy, sinh hoạt của các em học sinh nơi đây vẫn gặp muôn vàn khó khăn.

Lãnh đạo Ủy ban ATGTQG kiểm tra cơ sở vật chất khu nội trú của các em học sinh tiểu học để có những hỗ trợ thiết thực trong thời gian tới 

Trong chuyến làm việc, chứng kiến những khó khăn của học sinh trường Kiên Thành, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hứa sẽ kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ mức cao nhất cho thầy và trò trường Kiên Thành để có điều kiện dạy và học tốt nhất.

“Ngoài hỗ trợ về vật chất, Ủy ban An toàn giao thông sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường về việc tuyên truyền, giáo dục luật lệ an toàn giao thông. Các tài liệu để giảng dạy, phổ biến chúng tôi sẽ hỗ trợ nhà trường với mức cao nhất” ông Khuất Việt Hùng nói.

Được biết, xã Kiên Thành là xã khó khăn, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Ở Kiên Thành hầu hết học sinh là người Dao, người Tày, nhiều gia đình bây giờ vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con cái; một phần do cuộc sống khó khăn, các em phải nghỉ học sớm để giúp việc gia đình, cho nên các thầy cô tại đây đã làm việc hết mình để vận động các em tiếp tục với ước mơ con chữ.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn