Chuyện sốc ở Sơn La: Cụ ông 3 vợ, 33 con, vô số cháu chắt

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 27/12/2013 07:03:00 +07:00

(VTC News) - Có lẽ, cụ Mùa A Lử ở bản Bún là một trong những người còn sống hiện tại đang nắm giữ kỷ lục về... sinh đẻ vỡ kế hoạch.

(VTC News) - Có lẽ, cụ Mùa A Lử ở bản Bún là một trong những người còn sống hiện tại đang nắm giữ kỷ lục về... sinh đẻ vỡ kế hoạch.


Kỳ 2:
Kỷ lục nhiều con


Bản Bún (Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La) dường như đã bị thế giới lãng quên. Nơi đây vẫn còn nguyên vẹn những nét hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.

Bên bếp lửa hồng chiều đông lạnh giá, trong lúc trưởng bản Mùa A Nủ đang thao thao kể về những ngày đầu lập bản của họ Mùa, thì có 2 người phụ nữ tầm hơn 30 tuổi đi làm nương về. Có lẽ, rất ít khi nhìn thấy khách lạ nên họ tỏ ra hết sức ngỡ ngàng, lặng lẽ chào chúng tôi và ngồi xuống sưởi ấm.


Uống cạn chén rượu, tinh thần cụ Mùa A Lử phấn chấn hơn. Cụ chỉ vào 2 người mới về cho biết: “Tao cũng không biết chúng nó là cháu hay là chắt của tao nữa, đông quá không nhớ nổi ”.

Có lẽ, cụ Mùa A Lử ở bản Bún mới là một trong những người còn sống đang nắm giữ kỷ lục về... sinh đẻ vỡ kế hoạch.


sơn la
Cụ Mùa A Lử đã gần trăm tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn 

Năm 17 tuổi, cụ cảm mến một người con gái ở bản bên thuộc xã Hồng Ngài và “kéo” về làm vợ. Bố mẹ của cụ lúc ấy cũng đồng ý để gia đình có thêm một người phụ giúp làm nương rẫy.

Sau 1 năm, người vợ đầu đã sinh cho cụ Lử 1 con gái, rồi năm sau thêm cô con gái nữa. Ngặt một điều là theo phong tục của người Mông, không có con trai để nối dõi, thờ cúng tổ tiên là điều hết sức cấm kị, bởi vậy nên lúc đó mới 19 tuổi, cụ Lử đã lo ngay ngáy.

Biết được cái bụng của chồng, bà vợ cả đi hỏi vợ hai cho cụ. Lúc ấy, cụ Lử đang để ý một cô gái cùng bản, nhưng sợ vợ cả buồn nên không dám nói. Ai ngờ, vợ cả đã kéo cô giá ấy về cho cụ.

Rồi niềm mong mỏi cũng đã đến, vợ hai đã sinh ngay một cậu bé kháu khỉnh. Cụ và cả gia đình mừng lắm, làm thịt mấy con lợn để cảm ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ sinh được con trai nối dõi.

Tuy nhiên, sau khi cụ Lử “kéo” vợ hai về, bà cả gần như sòn sòn mỗi năm một đứa, sinh một lèo tới 9 người con trai.

Những năm sau đó, bà vợ hai cũng liên tiếp sinh thêm cho cụ 7 trai và 2 gái.

sơn la
Mấy thế hệ cùng nhau sinh sống dưới một mái nhà 

Tranh thủ lúc hai bà vợ đang trong thời kỳ “bảo dưỡng”, cụ tiếp tục bén duyên với một người đàn bà có nhan sắc ở cùng bản tên Dơ. Cụ Lử lúc đó đã gần 50 tuổi, nhưng vẫn còn rất phong độ.

Trước đây, bà Dơ xinh đẹp, có nhiều chàng trai theo đuổi nhưng không chọn được ai, rồi quá lứa, lỡ thì.

Một hôm, đi làm nương, cụ Lử gặp bà Dơ và nói đùa: "Có về làm vợ ba của tôi không?". Ai ngờ bà gật đầu. Thế là cụ về nói với vợ cả, vợ hai để cưới vợ 3.

Bà Dơ cũng mắn đẻ khủng khiếp, khi liên tiếp hạ sinh cho cụ Lử 12 người con (4 trai, 8 gái).

Sống chung mái nhà, nhưng cả 3 bà vợ luôn hòa thuận. Buổi sáng cùng nhau lên nương rồi lại về nhà cùng nhau nấu nướng, giặt giũ, cuộc sống hết sức hạnh phúc.

Tổng cộng chừng ấy năm ăn ở với nhau, cụ Lử có tất cả 33 người con. Người con trai đầu cũng đã xấp xỉ 80 tuổi.

sơn la
Cụ Mùa A Lử không nhớ hết tên con, cháu của mình 

Tôi hỏi cụ Lử: "Có khi nào nhà thiếu thốn, vợ và con cháu phải nhịn đói không?". Cụ cười lớn bảo: “Mấy bà vợ tôi siêng lắm, lại mát tay nữa, trồng gì được nấy. Mấy đứa con lớn cũng chăm chỉ nên không đến nỗi thiếu cái ăn, cái mặc”.

Con đông, đất đai bạc màu, trồng ngô, trồng sắn không có thu nên cả đại gia đình chuyển đến Tân Xuân. 10 người con đã tách hộ cũng theo làn sóng di cư vào những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước.

Cụ chọn một ngọn núi cao trong rừng rậm hoang vu của khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha làm nơi sinh sống. Những người con của cụ cũng dựng nhà quây quần bên cạnh.

Họ cũng sinh nhiều con, thậm chí có người cũng có tới 3 vợ như cụ Lử.

Rồi đến đời cháu, đời chắt, những người đã đến tuổi lập gia đình lại tách hộ, dần dần hình thành nên bản Bún ngày hôm nay. Người ta vẫn thường gọi đó là bản một họ, hay là bản họ Mùa.

Vì đông con nhiều cháu quá nên đến chính bản thân Mùa A Lử cũng chẳng nhớ nổi tên của từng người. Khi tôi hỏi đến, cụ ngần ngừ một lúc rồi lắc đầu bảo: "Cán bộ muốn biết thì chờ tôi gọi mấy đứa cháu về liệt kê, chứ con của tôi cũng không nhớ hết".

Tôi quay sang hỏi trưởng bản Mùa A Nủ rằng, hiện tại ở bản Bún mọi người có còn thi nhau lấy vợ sớm và sinh nhiều con như “cụ tổ” nữa không? Một thoáng trầm tư, Nủ trả lời rất thật rằng: “Bố mình nói vậy thôi, con đông cũng khổ lắm cán bộ ạ! Mình hiểu điều đó chứ. Gỗ trên rừng thì đã hết mà làm nhà bê tông cốt thép thì tốn tiền lắm. Rồi đây con mình lớn lên lấy chồng, lấy vợ, không biết ở đâu? Đâm ra mình cũng không dám đẻ nhiều”.

sơn la
Trẻ con bản Bún

Tôi thoáng thấy một vài đứa trẻ ăn mặc mỏng manh giữa giá lạnh đang tụ tập cùng nhau chơi trên phiến đá to nằm chình ình ngay giữa bản. Anh Nủ cũng chỉ biết đó là anh em trong đại gia đình họ Mùa, chứ cũng không rõ đó là cháu, hay là chắt của mình nữa.

Tôi định rời khỏi bản vào lúc xẩm tối, nhưng trưởng bản tha thiết giữ lại để cùng ăn một bữa cơm tối với sự góp mặt đông đủ cả gia đình. Khó thể khước từ, tôi đành thuận theo ý của Nủ để say trong men của rượu ngô bản Bún…


Hải Minh – Đinh Giáp

Bình luận
vtcnews.vn