Chuyện ông Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội từ chối xe công, đi làm bằng xe ôm

Thời sựThứ Ba, 27/10/2015 07:55:00 +07:00

Nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho rằng xe công ngày càng không giảm mà còn phát triển là do có yếu tố chi phối của lợi ích nhóm.

(VTC News) – Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kể về thời ông từ chối xe công Camry 2.4 để nhận tiền khoán đi làm bằng xe ôm, taxi.

Ông Trần QuốcThuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay nghị quyết khoán xe công được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Ông Trần QuốcThuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
 Ông Trần QuốcThuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

- Bộ Tài chính vừa công bố chi phí ‘nuôi’ xe công tốn gần 13.000 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, khó khăn, khoản kinh phí này khiến ông suy nghĩ gì?


Tôi cho rằng trước hết cần làm rõ xe công phục vụ công tác chung của cơ quan khác với xe công phục vụ đưa đón cá nhân lãnh đạo.

Đối với xe công phục vụ công tác của cơ quan vẫn phải duy trì nhưng cũng cần sắp xếp nhiều người đi để tiết kiệm chi tiêu cho ngân sách.

Trong khi đó, xe công phục vụ đưa đón lãnh đạo hàng ngày thì phải xem xét, chuyển chi phí đó vào lương để người cán bộ tự lo.

Tôi biết có trường hợp, sáng xe chở cán bộ đi làm việc rồi lại phải ngồi ở quán xá để chờ cán bộ đến trưa để chở về nhà, chiều lại chở đi rất bất tiện và tốn kém.

 
Tôi làm việc này là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc. Vì vậy, tôi hoàn toàn thoải mái và cũng không phải làm để “nổi”. Tôi không nghĩ làm để cho “oai”.
Ông Trần Quốc Thuận
 
- Được biết, khi còn làm việc ở Văn phòng Quốc hội, ông đã đề xuất việc khoán xe công vào lương lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội?


Đúng vậy. Khi tôi còn làm ở văn phòng Quốc hội, vấn đề này đã được bàn thảo rất nhiều lần khi thấy xe công phát triển quá nhanh.

Khi Thường vụ Quốc hội có nghị quyết về việc khoán xe công, tôi tình nguyện là người đầu tiên thực hiện việc này. Tôi bắt đầu đi taxi và xe ôm để đi làm.

- Đề xuất của ông đã được nghiên cứu như thế nào?

Với kinh nghiệm 14 năm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và cũng nghiên cứu nhiều kinh nghiệm các nước tôi mới đề xuất khoán xe công vào lương lãnh đạo.

Tôi cũng đã đi hơn 30 nước trên thế giới và không thấy ở đâu có nhiều xe công như ở Việt Nam.

Trong đó, khi nghiên cứu ở Thụy Điển, tôi đặc biệt ấn tượng. Thụy Điển là một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới nhưng lãnh đạo Quốc hội vẫn hàng ngày đi xe buýt, tàu điện để đi làm chứ không có có xe riêng.

- Với vị trí là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thường trực (Hàm thứ trưởng), mức khoán xe công có đủ để ông đi lại phục vụ công việc không?

Vào thời điểm đó, năm 2006 những ai có chế độ nhưng không đi xe đưa đón hàng ngày thì được khoán 4,5 triệu đồng.

Số tiền này giúp tôi thoải mái khi đi làm, đi lại cũng rất thuận tiện. Khi đó, chi phí đi làm chỉ mất khoảng 1 triệu/ tháng.

Lúc đó, số tiền còn thừa ra đối với tôi là rất lớn. Thậm chí, sau nhiều năm, tôi có thể gom lại một khoản để sửa nhà sau khi nghỉ hưu.
Chi phí cho xe công hiện đang quá lớn
Chi phí cho xe công hiện đang quá lớn 

- Khi đề xuất khoán xe công, ông có gặp điều tiếng gì không?

Khi đôi đề xuất vấn đề này cũng có nhiều người xì xầm. Tuy nhiên, họ cũng nói một cách không chính thức. Có người thì đồng tình ủng hộ nhưng có đại biểu thì cho rằng đang gây khó khăn cho họ trong công việc.

Cũng có người lại cho rằng tôi đang “làm nổi” mình. Tuy nhiên, tôi không quan tâm đến những điều đó vì đề xuất này tôi đã nghiên cứu rất kỹ, trăn trở chắp bút và đề xuất trước Thường vụ Quốc hội để ra Nghị quyết.

Tôi là người đề xuất thì cũng phải đi đầu để thực hiện ở Quốc hội.

- Chế độ đối với một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thường trực khi đó được sử dụng xe công như thế nào, thưa ông?

Khi đó, tôi được đi xe Toyota Camry 2.4 còn rất mới và sang trọng để đưa đón từ nhà đến nơi làm việc.

Tuy xe còn mới tinh nhưng tôi vẫn trả. Khi tôi thực hiện khoán xe thì một người nói: “Anh cứ đi, chúng tôi sẽ cấp cho một cái xe tốt hơn, mới hơn” nhưng tôi đã không đồng ý.

- Khi không thực hiện yêu cầu của lãnh đạo cấp trên, ông đã giải thích như thế nào?


Lúc đó, tôi đã trả lời lãnh đạo rằng là người chấp bút để soạn thảo nghị quyết đó của thường vụ Quốc hội nên tôi phải thực hiện.

Nếu không thực hiện theo Nghị quyết thì tôi tự thấy xấu hổ với chính bản thân mình. Tôi không phải loại người nói một đằng, làm một nẻo.

- Mang hàm thứ trưởng nhưng lại đi xe taxi, xe ôm đến cơ quan, bản thân ông suy nghĩ gì?

Tôi làm việc này là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc. Vì vậy, tôi hoàn toàn thoải mái và cũng không phải làm để “nổi”. Tôi không nghĩ làm để cho “oai”. Mà cho oai cũng để làm gì đâu. Tôi nghĩ việc này rất bình thường.

Ngày đó, tôi đi loại taxi rẻ nhất nên cũng không tốn kém nhiều. Khu nhà tôi ở cũng có rất nhiều xe ôm nên cũng không có gì khó khăn.

Khi đi xe ôm, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về ông này ông kia tài sản ra sao.

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn tôi được đi xe Tyota Camry 2.4 rất sang trọng. Tôi suy nghĩ rất nhiều, trăn trở rất nhiều khi ngồi trên chiếc xe sang trọng này trong khi đời sống nhân dân còn rất khó khăn.

Khi không dùng xe công, tôi đã dành một ngày để về thăm quê của anh lái xe. Trước đó, qua nhiều năm công tác, tôi cũng đã từng vài lần về thăm cha của anh lái xe. Đó là một cán bộ cấp tá đã về hưu.

Khi nói về quyết định này, cha của anh lái xe cũng hoàn toàn đồng ý. Còn anh lái xe của tôi sau đó cũng chuyển vào đội xe công cho quốc hội.

- Việc khoán xe công sẽ có những lợi ích như thế nào thưa ông?

Việc khoán xe công đưa đón lãnh đạo sẽ có nhiều cái lợi. Trong đó thì giảm chi phí cho việc phải mua xe, chi phí trả lương cho lái xe, chi phí sửa xe, bảo trì, bảo dưỡng...

Ngoài ra, khoán xe công còn có rất nhiều lợi ích, từ việc đi lại thuận tiện, chủ động về thời gian cho đến việc lái xe không mất công chờ đợi lãnh đạo.

Hiện nay, đời sống cán bộ cũng đã khấm khá hơn nên cán bộ hoàn toàn có thể tự lái xe con đến công sở.

- Như vậy, phải chăng những cái lợi quá lớn khi ngồi trên xe công đã khiến nhiều người không nhận chi phí khoán xe vào lương?

Đúng vậy. Do có nhiều cái lợi nên người ta không từ bỏ việc đi xe công. Cái lợi trước hết là khâu oai.

Cái lợi sau đó là sinh ra từ việc ngồi trên xe công 80B, họ có thể giáo dịch, nói ra một câu mà có lợi ích gấp nhiều lần,  rất nhiều lần số tiền 4,5 triệu được khoán.

 

Tôi suy nghĩ rất nhiều, trăn trở rất nhiều khi ngồi trên chiếc xe sang trọng này trong khi đời sống nhân dân còn rất khó khăn.

Ông Trần Quốc Thuận
 
- Sau khi nghị quyết về việc khoán xe công ra đời, có tỉnh thành nào hưởng ứng không thưa ông?


Trong thời kỳ đó, tôi cũng được biết được một số tỉnh như Khánh Hòa hay đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng… cũng đề nghị thực hiện cơ chế khoán xe công. Tuy nhiên, lãnh đạo Quốc hội khi đó cũng lo lắng nên nghị quyết chưa thực hiện được.

Thậm chí, có vị lãnh đạo còn nói với tôi: “Thôi thôi anh đừng đi xe kiểu đó, khó xử lắm”.

- Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những địa phương khác nhau thì điều kiện cũng khác nhau nên khó có mức quy định cụ thể, thưa ông?

Không có chuyện một đại biểu quốc hội ở miền núi mà phải có xe công để lên chở vị đại biểu đó xuống họp ở Hà Nội. Sau đó lại phải chở vị đại biểu này về.

Tại sao người đại biểu đó không biết mua vé xe để đi. Đi xe bên ngoài cũng là cách để người đại biểu quốc hội đó nghe được tiếng nói, hơi thở của nhân dân.

Trong khi, bây giờ điều kiện giao thông đã rất thuận lợi, có nhiều hãng xe giường nằm phục vụ rất tốt.

- Thực tế, xe công có phải là chỉ để phục vụ lãnh đạo làm những công việc theo đúng chức năng không, thưa ông?

Thực tế, một số cán bộ dùng xe công đó để chở vợ, chở con đi cưới hỏi, đi đền chùa, đi mua sắm, đi xin chức, xin quyền.

Dù rằng, báo chí đã phản ánh rất nhiều về vấn đề này nhưng câu chuyện lại không đi đến đâu do không thành chủ trương mang tính bắt buộc.

- Vì sao thế, thưa ông?

Bản chất là những người lãnh đạo còn muốn những cán bộ đi xe con đó ủng hộ họ. Họ ngồi đó, nhưng lá phiếu những người cấp phó – những người đi xe công có thể nguy hiểm đến vị trí của người lãnh đạo.

Đó là câu chuyện của quyền lợi và địa vị. Tôi nghĩ đó là vấn đề quyết định. Vì vậy, vấn đề xe công không hề được thu hẹp mà còn mở rộng ra.

Mở rộng ra, đây là nhóm lợi ích cấu kết với nhau làm nghèo đất nước này.

- Nói về câu chuyện này, ông nhớ tới điều gì?

Tôi nhớ lại câu chuyện của ông Nguyễn Khoa Điềm khi đã về hưu được hơn 1 năm. Ông Nguyễn Khoa Điềm đạp xe vào trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì bảo vệ dừng lại hỏi. Tuy nhiên, sau khi ông Nguyễn Khoa Điềm trình bày và đưa giấy tờ thì bảo vệ cũng cho vào ngay.

Vì vậy, người cán bộ tiếc gì mà không đưa giấy tờ ra khi vào làm việc ở các cơ quan. Chúng ta làm việc theo luật chứ không phải làm việc vì oai.

- Để giải quyết tình trạng này, theo ông cần phải thực hiện điều gì?

  Tôi cho rằng đã là nghị quyết, là chủ trương thì đó phải là điều bắt buộc. Nếu chỉ là lời khuyên thì không có giá trị.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn