Chuyện những người đổi đất, trâu bò lấy... cồng chiêng

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 19/10/2010 06:04:00 +07:00

(VTC News) - Ông Yơih dốc toàn bộ tài sản sau mấy chục năm tích cóp, cộng với số tiền vừa trúng vụ mì và bán sạch đàn bò mấy chục con để mua bộ chiêng quý.

(VTC News) - Trong lúc nhiều đồng bào vì chén cơm manh áo, hay vì một số mưu cầu vật chất khác đã mang “văn hóa” đi đổi lấy tiền, thì vẫn có những người sẵn sàng vét sạch của cải trong nhà để giúp núi rừng Tây Nguyên lưu giữ lại những nét đặc sắc nhất mà UNESCO đã công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”.


Bán đất chuộc chiêng quý

Vào ngày 26-4, ông Siu Thík (65 tuổi, làng Mít Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) báo với cơ quan chức năng về việc nhà ông bị kẻ trộm đột nhập, phá cửa buồng lấy trộm 4 chiếc chiêng quý do tổ tiên để lại vào chiều ngày 25-4.

Công an huyện đã lập tức cử cán bộ xuống làng xác minh sự việc. Qua công tác sàng lọc, Công an huyện Ia Grai thấy nổi lên đối tượng Lê Văn Huyên (22 tuổi, cũng ở làng Mít Jep - con rể ông Siu Thík) là người có biểu hiện khả nghi nhất.


Chàng "rể quý" của ông Siu Thík. 

Hai ngày sau khi bị mất chiêng, ông Thík nhận được một cuộc điện thoại từ một người không quen biết với nội dung: Muốn lấy lại chiêng phải giao 100 triệu đồng.

Không muốn bộ chiêng quý lâu nay mình luôn nâng niu bị mất, ông Thík không đắn đo, tìm người bán tháo miếng đất cạnh nhà để lấy 100 triệu đồng mang đi chuộc bộ chiêng. Ông đã cùng với anh con là rể Lê Văn Huyên đi giao tiền chuộc.

Theo hướng dẫn của người lạ mặt qua điện thoại, ông Thík phải mang số tiền 100 triệu đồng đến TP. Pleiku. Khi kẻ này đang hướng dẫn ông Thík đón xe về Thái Bình thì lực lượng công an xuất hiện tóm gọn những kẻ có liên quan.

Tại trụ sở Công an huyện Ia Grai, điều làm ông Thík hết sức bất ngờ, đó là kẻ chủ mưu trong toàn bộ chuyện này lại chính là thằng "rể quý” nhà mình. Huyên đã nhanh chóng khai nhận, do cần tiền để chuộc xe ô tô và trồng cây cao su nên y đã tìm cách chiếm đoạt tài sản của gia đình bố vợ.

Bộ chiêng quý mà ông Siu Thík sẵn sàng bỏ cả trăm triệu để chuộc.

Y khai rằng, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 25-4, lợi dụng cả nhà ông Siu Thík đi rẫy, Huyên đã đem 4 chiếc chiêng mà bố vợ quý hơn vàng giấu tại sàn bếp. Hai ngày sau, Huyên đưa số chiêng này đến nhà Nguyễn Đức Tuyên (34 tuổi, ở làng Mít Jep). Sau đó, Huyên bàn với Tuyên gọi điện thoại cho ông bố vợ mình đề đòi tiền chuộc. Sự việc diễn ra đúng như kịch bản của Huyên nhưng không thể thoát khỏi cặp mắt sắc bén của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ia Grai. Huyên đã bị các cơ quan tố tụng cũng như dư luận xã hội trừng phạt thích đáng cho hành vi trộm cắp của mình.

Qua câu chuyện bán đất chuộc chiêng mới biết ông Siu Thík là người quý "hồn Tây Nguyên" như thế nào.

Còn sống là còn giữ hồn chiêng

Là đứa con của đại ngàn Tây Nguyên, ông Rah Mah Yơih (78 tuổi, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) thấu hiểu rằng, nếu mất đi tiếng cồng chiêng là mất rất nhiều truyền thống, văn hóa đã được cha ông truyền lại từ bao đời nay. Với suy nghĩ đó, ông luôn trăn trở làm cách nào để giữ được chiêng, để lũ làng đều ấm lòng khi tiếng chiêng, tiếng cồng ngân vang mỗi khi có ma chay, lễ hội…

Nghĩ là làm, năm 2004, ông Yơih dốc toàn bộ tài sản sau mấy chục năm tích cóp, cộng với số tiền vừa trúng vụ mì và bán sạch đàn bò mấy chục con để mua bộ chiêng quý gồm 40 cái. Ông Yơih tâm sự: “Tìm mua được chiêng quý rất khó. Cất công tìm mãi mình mới mua được chiếc chiêng Pát có cỡ lớn, đường kính 60cm, giá 40 triệu đồng/chiếc. Nếu thời ông bà mình trước đây, phải mất 40 con trâu bò mới mua được chiếc chiêng này. Vừa kể ông vừa lấy chìa khóa mở kho cho chúng tôi xem “kho báu vật” của mình.


 
Kho báu của ông Yơih.  

Trong số cả trăm loại chiêng kích cỡ khác nhau, ông lấy một chiếc có niên đại hơn 500 năm cho chúng tôi xem với vẻ đầy tự hào. Ông gõ vào vú chiêng, tiếng chiêng ngân rất vang, trầm bổng, hào hùng… Ông cười thật tươi cho biết, cái chiêng này có người từng trả ông hơn 100 triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán.

 Ông Rah Mah Yơih với chiếc chiêng được cho là trên 500 năm tuổi.

Tay ông chỉ vào chiếc xe máy dựng ở trước sân, tay còn lại giơ cao chiếc chiêng quý, ông dõng dạc: “Những chiếc chiêng của tôi toàn trên 100 năm hết. Xe có thể hư, máy móc có thể hỏng, nhưng những chiếc chiêng này có thể mãi mãi trường tồn… Ông Yơih khẳng định: “Tôi còn sống ngày nào là quyết không để mất một cái chiêng nào, không một đứa con nào được bán. Nếu biết ai có ý định bán chiêng, dù đắt đến mấy tôi cũng sẵn lòng mua”.

“Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”, liệu có mai một?

Đối với đồng bào ở Tây Nguyên, chiêng gắn liền với mọi tín ngưỡng văn hóa. Khi gia đình có người thân mất, tiếng chiêng sẽ vang lên đến khi kết thúc mọi hậu sự cho người đã khuất.

Theo truyền thuyết, nếu không có chiêng, con "ma rừng" sẽ theo về nhà và hậu quả là khôn lường. Không chỉ thế, tiếng chiêng cũng báo hiệu những chuyện vui trong làng như đám cưới, lễ hội… “Nếu không có tiếng chiêng thì cuộc sống của lũ làng sẽ không còn ý nghĩa”, ông Rah Mah Yơih tâm sự.
Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.

Tiếng chiêng, tiếng cồng là nét văn hóa đã ăn sâu, bám rễ vào tâm hồn, giữ vị trí quan trọng đối với đồng bào Tây Nguyên. Nhưng do nhận thức còn hạn chế, cũng như khả năng tiếp thu quá nhanh lối sống thiên về vật chất, nhiều người đã sẵn sàng bán đi nét văn hóa gắn liền với cuộc sống của đồng bào mình. Hậu quả là con cháu không còn hiểu được ý nghĩa tiếng cồng chiêng là gì và giá trị văn hóa tinh thần đặc trưng của dân tộc mình như thế nào.

Đã có thời gian cồng chiêng Tây Nguyên rơi vào tình trạng “chảy máu” ra nước ngoài. Không nói đâu xa, chính tại làng Dăng, bây giờ cả làng hầu như không nhà nào còn chiêng ngoài ông Rah Mah Yơih. “Trước đây, hầu như nhà nào cũng có ít nhất 1 cái chiêng, nhưng bây giờ hễ nhà nào có đám ma, lễ hội hay bất cứ việc gì của làng đều đến nhà tôi mượn chiêng” - ông Yơih nói với giọng buồn tủi.

Tuy vậy, một niềm an ủi lớn nhất đối với những người luôn lưu giữ báu vật cho đồng bào mình, đó là tất cả mọi người trong làng khi có việc đại sự vẫn còn dùng đến chiêng. Dù giá trị những chiếc chiêng rất lớn nhưng ông Yơih vẫn sẵn lòng cho bà con mượn về dùng. Mỗi lần nghe tiếng chiêng vang lên, ông Yơih cảm thấy lòng mình thanh thản.

Ông Yơih có niềm tin vững chãi: "Cùng với việc bán đất chuộc chiêng của ông Thík, chúng tôi hiểu rằng cồng chiêng sẽ được bảo quản thật tốt cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để truyền lại cho hậu thế".

Yến Viễn


Bình luận
vtcnews.vn