Chuyện những giáo viên đặc biệt chuyên dạy trẻ tự kỷ

Giáo dụcThứ Ba, 20/11/2018 18:56:00 +07:00

Giáo viên dạy trẻ tự kỷ có những niềm vui rất đơn giản khi học sinh bỗng ngồi yên vào ghế 5 - 10 phút, nói ra được từ đầu tiên trong đời hay tự cầm muỗm xúc cơm tự ăn.

Nếu bạn đến thăm lớp học dành cho trẻ tự kỷ thì sẽ thấy rõ được sự nhọc nhằn, vất vả của những giáo viên ở đây. Tại những lớp học đặc biệt cho những học sinh đặc biệt này giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà phải dạy trẻ từng những hành động đơn giản nhất như lau tay, rửa chân, bóc trứng hay nhận biết từng loại quả...

Đó là những việc làm đơn giản với những đứa trẻ bình thường, nhưng với trẻ tự kỷ, để dạy các em biết tự lau tay và rửa chân khi bẩn các cô phải kiên trì nhiều tuần và cả tháng trời.

Tốt nghiệp ngành Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), anh Trần Cao Quanh (SN 1989), hiện là giáo viên Trung tâm hỗ trợ can thiệp sớm Huế, bắt đầu dạy cho các cháu chậm phát triển và tự kỷ từ tháng 7/2011.

Anh Trần Cao Quanh chia sẻ, suốt 7 năm gắn bó với nghề, nhiều lúc anh cảm thấy mệt mỏi và stress vì công việc đầy áp lực. Tuy nhiên, mỗi ngày qua đi và nhìn những "đứa con" của mình ngày càng tiến bộ anh lại có thêm động lực với nghề.  

tre-tu-ky-hue3

 Dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi sự yêu nghề, kiên nhẫn. 

Dạy trẻ tự kỷ là một công việc khá phức tạp và đặc biệt. Muốn gắn bó với nghề cần người giáo viên thực sự có tâm huyết, có tình yêu thương trẻ và có sự kiên trì...

"Những em mắc hội chứng tự kỷ thường không giống nhau và mỗi em có một nét riêng. Trong lớp học, việc muốn trẻ lắng nghe và im lặng là một thử thách. Dù trẻ được hướng dẫn ngồi thành hàng ngay ngắn, mắt hướng lên phía trước, nhưng chỉ khoảng 5 phút là 10 em trong lớp học mỗi em quay một chỗ. Em thì khóc, em thì quay lưng ra sau, em thì cắn bạn. Thậm chí có em đánh cả thầy, cô giáo.

Mỗi lần như vậy, giáo viên phải bình tĩnh xử lý và uốn nắn hành vi cho trẻ. Chỉ cần một phút nóng giận, mất bình tĩnh thôi là phương pháp dạy, trị liệu sẽ không mang lại kết quả", anh Quanh nói.

tre-tu-ky-hue1 3

 Anh Trần Cao Quanh đang dạy một học sinh đặc biệt tại Trung tâm hỗ trợ can thiệp sớm Huế.

Anh Trần Cao Quanh tâm sự: "Bạn có tin nổi không, những giáo viên dạy trẻ tự kỷ như chúng tôi có những niềm vui rất đơn giản. Một buổi sáng nào đó, học sinh của tôi bỗng ngồi yên vào ghế 5 - 10 phút, nói ra được những từ đầu tiên trong đời hay tự cầm muỗm xúc cơm tự ăn... thì chúng tôi sẽ hạnh phúc lắm. Mỗi việc nhỏ các em làm được đó, là cả một hành trình dài nỗ lực của các thầy các cô và của chính các em".

tre-tu-ky-hue2 4

Bà Lê Thị Kim Anh cho rằng, việc kỳ thị với trẻ tự kỷ là đồng nghĩa với giết chết tương lai của các cháu.

Chia sẻ thêm về nghề dạy trẻ tự kỷ, bà Lê Thị Kim Anh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ can thiệp sớm Huế cho biết, mong mỏi nhất là nhận được sự phối hợp, đồng hành từ phía gia đình, có như vậy, trẻ sẽ nhanh tiến bộ hơn. 

"Hiện nay số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng. Là giáo viên dạy trẻ tự kỷ, chúng tôi hy vọng mọi người không còn cái nhìn kỳ thị hay tẩy chay trẻ tự kỷ, bởi điều đó sẽ giết chết tương lai của các cháu.", bà Lê Thị Kim Anh nói.

THÁI BÌNH
Bình luận
vtcnews.vn