Chuyện nhỏ từ những bữa ăn

Tổng hợpThứ Hai, 15/07/2013 03:33:00 +07:00

Với nhiều người, ăn uống chỉ là chuyện vặt. Ừ, có gì là đáng nói. Đã không còn cái thời bữa ăn chỉ trông vào vườn nhà...

     Với nhiều người, ăn uống chỉ là chuyện vặt. Ừ, có gì là đáng nói. Đã không còn cái thời bữa ăn chỉ trông vào vườn nhà, một luống cà hay cái ao rau muống. Bây giờ chợ búa sẵn, đã có thể dễ thở hơn cho người phụ nữ lo chuyện… cơm bữa. Hơn nữa các loại thức ăn sẵn thiếu gì. Chuyện chẳng có gì đáng nói. Vậy mà  rắc rối của Thảo lại bắt đầu từ những bữa ăn. Chiều nay nộp xong lá đơn đã có chữ ký của chồng cho tòa án thành phố, Thảo lên xe lòng vẫn bồn chồn. Về nhà chăng? Ừ thì còn bé Ti vẫn đợi mẹ ở nhà. Nhưng Thảo chưa muốn về. Có gì đó như một sự mất mát hụt hẫng. Cũng không hiểu là mình sắp được giải phóng, được nhẹ đi hay nặng lòng thêm nữa .
      Dòng người vẫn tấp nập, ồn ã. Ai cũng đang mau chóng về với tổ ấm của mình. Ở đó có nụ cười của con, có ánh mắt thân thương mong chờ của chồng, của vợ. Rồi hối hả, háo hức với bữa cơm đang chờ đợi. Có thể chỉ là những món ăn bình thường nhưng người ta không chỉ ăn như một sự nạp năng lượng cần thiết. Người ta ăn còn vì bữa ăn có sự đoàn tụ, sự sum họp. Có những âu yếm dành cho con, cho nhau. Có cả những câu trêu chọc, cười đùa vui vẻ. Bữa ăn trở thành nỗi nhớ cho những người đi xa, thành mong ước cho kẻ độc thân không gia đình.

 

      Mải nghĩ, xe Thảo đã ra đến biển. Một bờ đá dài lặng lẽ. Biển hôm nay hơi động nên không có nhiều người ngồi đây hóng gió như mọi ngày. Ngoài xa có những đám mây sà xuống thấp. Một cánh chim mỏi mệt cô lẻ phía chân trời.  Mặt trời sắp lặn, đỏ ối hắt lên những tia nắng cuối cùng . Sóng đập ầm ào. Những bọt nước bắn tung tóe. Thảo dựng xe rồi leo lên ngồi trên bờ đá, mặc cho xung quanh vắng vẻ, mặc cho gió thổi hất rối tung  mái tóc cột cẩu thả của mình. Chị cứ ngồi im lặng ngắm cảnh hoàng hôn, suy nghĩ miên man …
                          
                         *  *  *
      Thảo là giáo viên dạy địa lý ở một trường trung học thành phố. Không biết tại sao Thảo lại chọn cho mình cái môn phụ này, bởi nếu muốn chị có thể vào học khoa văn, vì những năm học phổ thông, Thảo từng đi thi học sinh giỏi văn của tỉnh. Các bài tập làm văn của Thảo thường được đọc mẫu trước lớp bởi hồi đó không có những quyển sách văn mẫu như bây giờ. Tuy nhiên trong trường cấp 3 nhỏ bé vùng trung du ấy Thảo lại chỉ mê có mỗi cô giáo dạy địa lý tên là Hải. Cô giáo là người Hà nội nên có giọng giảng bài rất hay. Những bài giảng của cô bao giờ cũng hấp dẫn bởi kiến thức sâu rộng về những miền đất và các tộc người. Bây giờ Thảo lại đang ở vị trí cô Hải của bao nhiêu năm về trước. Những giờ học hấp dẫn, mê say học sinh. Ánh mắt ngưỡng mộ của lứa tuổi đang cần thần tượng. Tuy nhiên chị không có lớp dạy thêm ở nhà như những giáo viên dạy môn chính. Và cũng bởi vậy, thu nhập của chị không đủ chi tiêu trong gia đình. Thảo phải làm thêm ngoài nghề của mình. Đêm đêm chị may thêm đồ gia công tại nhà. 
     Nhiều lúc để kịp giao đồ chị phải ngồi lỳ trước bàn máy may đến khuya. Bởi vậy trong khi bè bạn  trong trường đi những chiếc xe máy đời mới bóng lộn thì chị vẫn chạy tà tà cái 81 cũ. Cũng bởi vậy chi phí cho mỗi bữa chợ của chị là số tiền khiêm tốn, phải tính toán, phải dè dặt. Đứa con lớn của chị vừa mới vào đại học, trọ học xa nhà. Riêng nó đã chiếm gần hết số lương của Thảo. Lại bà mẹ chồng đã 90 tuổi ở với chú em, vợ chồng chị vẫn phải lo gửi tiền về đều đặn. Tuy thế, Thảo vẫn nghĩ sẽ không đến nỗi nào, nếu Thái – chồng chị, biết thông cảm với vợ và không quá khó tính trong ăn uống. Chị vẫn cố gắng, trong phạm vi có thể để lo cho chồng con những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, nóng sốt và theo chị là khá ngon lành. Tuy nhiên Thái không nghĩ thế .

 

     Trưa ấy, tiết dạy của chị cho lớp 11 là tiết sau cùng. Học trò hào hứng nghe cô giáo giảng về cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp ở đất nước Ấn Độ xa xôi. Mặc dù đã mệt mỏi vì là tiết cuối nhưng ánh mắt chăm chú của học trò, những tiếng cười trong trẻo của chúng sau những chi tiết thú vị đã tiếp thêm sức lực cho Thảo khiến tiết học trễ giờ mất dăm phút. Chị bước về nhà để xe của giáo viên, lấy chiếc 81 cà tàng của mình và vội vã phóng về nhà nấu bữa trưa để kịp cơm cho thằng bé đi học. Thức ăn chị đã đi chợ từ sáng. Hôm nay Thảo cho cả nhà ăn món cá dứa kho tộ như mong đợi của thằng bé từ lâu. Chả là có lần bố nó dắt đi liên hoan và trong bữa tiệc có món đó. Chị tưởng anh cũng sẽ vui thích vì món cá kho kỳ công và tô canh chua bốc hơi nức mũi. Nhưng không, vừa cầm lấy đũa, trước vẻ mặt háo hức của con, anh buông một câu :
-   Cá này ở quê mình gọi là cá ngạnh. Đó là loại cá rẻ nhất thời bấy giờ, chỉ có 3 hào 1 ký. Ông bà nội chẳng bao giờ bắt bố ăn loại cá này .
-   Nhưng mà cá này ngon, đắt tiền. Mẹ đã nói đến bữa nhận lương mẹ mới mua cho con ăn được. Thằng bé hồn nhiên cãi .
Anh không nói gì nữa, chỉ lầm lũi ăn, như là đến bữa thì phải ăn vậy. Chị bưng bát cơm uể oải, thấy món cá trong miệng trở nên nhạt thếch, mặc dù sáng nay chị đã rất vui thích khi chặt ướp chế biến nó với những thứ gia vị cầu kỳ mà chị học được trong sách dạy nấu ăn .
Lần khác chị mua mấy con cá lăng nhỏ để nấu canh chua. Mấy bà già mách chị cá này nấu canh chua ngon lắm. Bình thường nó rất hiếm, chỉ mùa lụt ở miền Tây người ta thả lưới được nhiều mới chuyển về. Khi dọn cơm cô con gái chị bước vào nhà vồn vã: “Mẹ nấu món cá gì lạ và thơm thế “. Lúc đó anh mới bước lại bàn ăn và trả lời con thay chị : 
-  À, đây là cá miền Tây con à. Ở dưới đó mùa này người ta vớt lên từng đống để làm phân. 
Con gái chị ngạc nhiên:
-  Bố nói gì vậy, làm phân à?
Bố nó thủng thẳng:
-  Ờ, chả làm phân thì ăn gì cá này. Xương không hà.
Tội nghiệp con gái chị. Đang háo hức, nó rơi vào trạng thái ngạc nhiên, nghi hoặc rồi xị xuống thất vọng. Không biết nó thất vọng vì món canh cá sắp ăn hay đã linh cảm thấy một điều gì đó bất thường trong thái độ của bố. Tuy chưa ý thức được hết mọi điều nhưng nó cũng cứng cỏi hỗ trợ cho mẹ :
-   Nếu bố không muốn ăn thì hãy để cho tụi con và mẹ ăn cho ngon.
Chị rân rấn nước mắt không nói lên lời nào, không khí bữa ăn đã trở nên nặng nề và chị không thể nào xới đến chén cơm thứ 2 như bình thường được nữa .
    Anh không thích ăn cá biển. Chị biết điều đó nên thỉnh thoảng mới mua. Bởi đến bữa ăn có cá biển anh thường bắt đầu ngồi vào bàn bằng câu: “Cá này nhà khách 78 kho thì tuyệt vời”.  Nhà khách 78 là nhà khách trung ương, anh có đi họp đến đó ăn nghỉ vài lần. Chị có cố gắng sao cũng không thay đổi câu đó đi được. Tuy nhiên nếu như chỉ mấy loại cá đồng mà chu kỳ lặp lại dày quá anh cũng cáu: “làm như chợ chỉ có bấy nhiêu thứ à” Và lại hết “tanh như ngóe” đến “nhão như bùn”  rồi  “xương như cất mả”  hoặc  “2 năm sau còn ngán”.
    Chị lựa lời nói với anh là ăn cá tốt cho anh hơn vì anh có vẻ ngày càng mập phì ra. Anh cao chỉ 1.60m mà đã nặng đến 70 ký. Nhưng anh cãi: “Vậy thì dân Mông cổ chắc người ta chết sớm cả bởi họ ăn toàn thịt chứ xứ đó rau đâu mà ăn, cá đâu mà ăn”. Nhưng không phải là ăn thịt thì không rắc rối. Thịt nạc thì anh bảo “khô như ngói” , ba chỉ thì kêu “đáng lẽ phải kho chung với măng le”. Sau đó chị mua sườn. Đây là thứ anh thích. Đầu tiên anh bảo anh có thể ăn sườn cả năm được. Chị dè dặt: “Nhưng mà sườn đắt lắm, em mua hoài sao đủ tiền”. Tuy thế nhưng rồi cũng chẳng thể kết luận đó là món ăn ruột của anh được bởi những bữa ăn vẫn chẳng suôn sẻ. Rằng “hôm nay heo hơi bị cứng tuổi”, rằng “sườn này là sườn non hay sườn già”, hoặc “hôm nay sườn có mùi ôi, có lẽ là thịt ế hôm qua để lại”. Khổ, chị thường đi chợ sáng sớm, anh khó tính thế nên mua gì chị cũng cất lên đặt xuống cẩn thận. Nhà lại có tủ lạnh, làm gì mà ôi với thiu.

 

Chị rất chịu khó đọc các sách khoa học phổ thông. Chị nói với anh: “Anh mập quá, phải chịu khó ăn nhiều rau, nhiều hoa quả vào”. Nhưng anh bảo: “Sống được bao nhiêu thì sống cho nó sướng, việc gì cứ phải ăn những thứ mình không thích”. Bởi vậy kế hoạch cải tạo sức khỏe bằng ăn uống cho chồng của chị xem ra không hiệu quả. Chị thích ăn rau muống và thường mua nhiều rau, nhưng anh nhìn bó rau muống tươi ngon chị vừa mua mà cười nhạt, rồi châm chọc đầy ác ý: ”Nếu em định biến thành loài khác thì em cứ việc, nhưng em đừng định biến cải anh. Đó là điều chủ yếu phân biệt người ở thời kỳ văn hóa cao với người tiền sử hái lượm mông muội”. Người “văn hóa cao” à?  Chà, thật tiếc là không có một cái thang bậc quy định ăn gì thì là người “cao” hay “thấp” trong văn hóa ăn uống, và chị nhớ lại cảm giác khó chịu của mình khi thấy bàn tay anh lục lọi trong tủ lạnh, giữa mớ trái cây các loại, cố gắng đi tìm một miếng bánh ngọt .
Cũng có những lúc Thảo không tức giận mà buồn cười vì khi vui vẻ anh vẫn trêu chọc chị: 
 Trong nhà rau cũ đón rau mới
       Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa
 Mây tạnh mây mưa bay đi hết
Còn lại trong nhà rau với rau.
Và lúc bạn bè đến chơi, anh vẫn quảng cáo“ Nếu có bão lụt động đất gì thiếu rau thì cứ đến đây nhé – nhà này gì chứ rau thì không bao giờ hết đâu.”
   Thảo cũng biết nghề nghiệp của anh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chuyện ăn uống đầy khó chịu kia. Anh vốn là cán bộ văn hóa. Tuy chức danh chỉ là “cờ đèn kèn trống”. Thu nhập chỉ có lương là chính nhưng thỉnh thoảng anh vẫn hay được dự các cuộc liên hoan, rồi nhiều cuộc họp tổng kết có nhậu nhẹt. Và khi đã ăn nhiều ở nhà hàng thì bữa ăn bình thường với vợ con đâu còn hấp dẫn với anh nữa. Chị làm sao đủ tiền bạc, đủ thời gian để biến các bữa cơm gia đình thành những bữa tiệc như ở nhà hàng. Tại sao anh không chia sẻ cùng chị nỗi lo hôm nay phải đóng tiền điện, ngày mai phải gửi tiền cho con, tuần tới đến hạn gửi tiền cho mẹ mà cứ ngồi đó hạch sách đòi hỏi đủ điều ở những bữa cơm thường nhật kia? Trong khi đêm đêm anh nằm khểnh đọc báo, xem tivi thì chị miệt mài bên chiếc máy khâu cho đến lúc xung quanh yên ắng hẳn chị mới đứng lên thu dọn đống đồ để kết thúc một ngày làm việc .
   Trong tâm trạng buồn bã, chị tìm đến bà thầy bói mà mấy đứa bạn cùng trường đã khen nức nở là “nói đâu trúng đó”. Bà thầy xóc xóc cỗ bài rồi xòe ra điệu nghệ trước mặt, bảo chị: “cô rút 3 quân đi”. Chị hờ hững làm theo. Bà hấp háy đôi mắy mờ đục sau tròng kính rồi quả quyết phán: “Chị với chồng không có duyên nhưng mà có nợ – Nợ là từ kiếp trước. Ăn ở với nhau không thuận hòa nhưng bỏ không được đâu. Thôi,  cứ coi như kiếp này của chị là sống mà trả nợ vậy”
    Mẹ chị thì độ lượng: “Tuy vậy nhưng anh ấy không nhăng nhít. Đàn ông bây giờ dại gái thiếu gì. Thôi con ạ, ráng đi”. Chị tìm đến con bạn thân học cùng lớp cũ. Nó cười lóe sáng cả hàm răng khểnh: “Mày cứ học tao đây, phải hồn nhiên trong khôn khéo và khôn khéo trong hồn nhiên Thảo ạ. Thằng chồng mày dù sao cũng còn đỡ chứ đần đù như lão nhà tao còn chán hơn”.
    Tuy nhiên cứ nghĩ đến những bữa ăn, Thảo lại chán thật sự. Sáng nào dậy chị cũng lật đật xách giỏ đi chợ, để khi đến chợ thì dạo chán dạo chê đến mấy vòng mà vẫn không quyết định được là nên mua thứ gì. Và sau những buổi đi dạy đầy hứng thú về là lại đến những bữa cơm tẻ nhạt với bao trách cứ, chê bai nặng nề của chồng. Trong buổi sinh hoạt ngày 8/3, chị không ngần ngại than thở với các bạn gái trong trường: “Mình là người đàn bà bất hạnh nhất trên thế giới vì  chưa được chồng khen một bữa cơm nào”. Cô bạn dạy hóa biết chuyện của chị nói đùa: “Này, nếu như bây giờ, thế giới người ta chuyển sang dùng thức ăn viên. Những viên thức ăn chứa đầy đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của con người như là lương khô ngày xưa ấy, nhưng mà ngon hơn và phong phú mùi vị hơn. Chị nghĩ thế nào?” Chị cười: “Ôi trời ! giá mà được thế.” Ừ, giá mà được thế, bởi chị đã mất bao nhiêu công sức, bao nhiêu thời gian cho bữa ăn mà cũng chẳng được hài lòng. Trong khi chị thèm nghe nhạc, chị thích xem phim, chị mê đọc sách nhưng vì việc làm thêm và vì những bữa ăn mà những thứ giải trí đó đã trở thành xa xỉ.

Hội An
Bình luận
vtcnews.vn