Chuyện nhà phát hành đem game ra nước ngoài

Thế giới gameThứ Hai, 31/05/2010 06:54:00 +07:00

(VTC News) - Thị trường hơn 20 triệu người với dân số trẻ đang là đích ngắm của VTC Game và nhiều NPH trong nước, liệu đây có phải là bước đi đúng đắn?

(VTC News) -Thị trường hơn 20 triệu người với dân số trẻ đang là đích ngắm của VTC Game và nhiều NPH trong nước, liệu đây có phải là bước đi đúng đắn?

Ngày 21/5 vừa qua, VTC Game đã chính thức giành quyền phát hành Audition tại Campuchia với phiên bản tiếng Khmer. Đây tuy chỉ là sự kiện kinh doanh bình thường nếu so sánh với ngành xuất khẩu hàng hóa đơn thuần nhưng lại là bước tiến lớn của nền công nghiệp game online Việt Nam.
 

Bước đi mới của VTC Game sẽ khiến nhiều NPH khác "học tập" theo. 

Dẫu vậy, ai cũng biết NPH lớn nhất miền Bắc không chỉ nhắm tới vùng "Cao Miên" mà ngay cả thị trường Lào cũng đang nằm trong đích ngắm tiếp theo. Động thái này chắc chắn sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến nước nhà nhập cuộc "chinh Tây".
 
Thị trường non trẻ, màu mỡ
 
Sau hơn 6 năm phát triển, thị trường trò chơi trực tuyến Việt Nam đã sở hữu bộ mặt hoàn toàn mới. Từ chỗ chỉ xuất hiện vài ba sản phẩm mang tính chất dò dẫm, ngày nay nhiều game thủ còn khó thống kê được đang có bao nhiêu trò chơi đã, đang và sẽ cập bến dải đất hình chữ S. Điều này đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh giữa thị trường nội địa đang ngày một căng thẳng hơn bao giờ hết.
 
Dân số trẻ, Lào và Campuchia là đích đến lý tưởng của trò chơi trực tuyến?

Chính vì thế, tìm tới một vùng đất mới để "khai hoang" là lựa chọn rất sáng suốt ở thời điểm hiện tại. Chúng ta đều biết tuy nước bạn Lào và Campuchia sở hữu dân số thấp (Lào có khoảng 7 triệu dân còn Campuchia là 13 triệu), tuy nhiên cả hai quốc gia này đều có dân số quá trẻ (50% số người ở độ tuổi dưởi 25), đây quả là thị trường màu mỡ cho game online "sinh sống".
 
Hơn nữa, đa phần giới trẻ tại Lào, Campuchia vẫn chưa hề quen với khái niệm trò chơi trực tuyến, tình hình này có thể so sánh với Việt Nam những năm 2000, 2001 nên bất cứ NPH nào nhanh tay ra mắt sản phẩm mới cũng sẽ gặt hái thành công. Dĩ nhiên nền tảng CNTT là một vấn đề cần xét tới, nhưng cứ với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại thì internet chẳng mấy chốc sẽ trở nên đại trà tại hai quốc gia này.
 
Trong kinh doanh, việc đặt dấu mốc đầu tiên luôn đóng vai trò quan trọng sống còn, không chỉ vì yếu tố "né" cạnh tranh mà còn giúp các doanh nghiệp tự thu thập kinh nghiệm quý báu khi chinh phục thị trường nước ngoài, nơi thị hiếu khách hàng còn chưa rõ ràng. "Người đến sớm" và "kẻ tới muộn" hơn kém nhau là ở chỗ đó.
 
Thị trường Việt Nam tuy đông dân nhưng đã tới lúc bão hòa game online?! 

Vì thế, bước đi của VTC Game và có thể sắp tới còn nhiều NPH khác là hoàn toàn dễ hiểu, nó thể hiện tầm nhìn chiến lược tương lai chứ không gói gọn trong hiện tại. Tuy vậy, để biến "tầm nhìn" thành "thực tế" là điều không hề dễ dàng.
 
Không phải không có khó khăn
 
Thị trường game online tại Lào, Campuchia màu mỡ vì còn non trẻ nhưng kéo theo đó cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt là internet lại rất non kém, nếu không muốn nói là sơ khai. Đối với ngành công nghiệp giải trí trực tuyến thì đây chính là "gót chân asin" nguy hiểm nhất.
 
Theo lời kể lại của một số du học sinh hoặc du khách Việt Nam tại Lào, Campuchia thì ngay tại thành phố lớn như thủ đô Viên Chăn hay Phnom Penh, để tìm thấy được một quán internet cũng không phải là chuyện dễ dàng. Ngay cả các sinh viên Lào tại Việt Nam cũng xác nhận khâu đường truyền nước họ còn chưa thực sự vững vàng và đòi hỏi thêm thời gian phát triển.
 
 
Liệu người dân Lào, Campuchia có thích thể loại game kiếm hiệp như ở Việt Nam? 

Hơn thế nữa, văn hóa tại hai nước bạn phía Tây cũng khác xa so với Việt Nam, khía cạnh ấy rất có thể sẽ khiến thị hiếu giới trẻ đối với trò chơi trực tuyến có nhiều thay đổi. Gamer nước ta ưa thích các sản phẩm kiếm hiệp do chịu ảnh hưởng từ phương Bắc, nhưng biết đâu tại Lào, Campuchia người chơi lại "kết" trò chơi đề cao yếu tố gameplay kiểu Tây Phương?
 
Chính vì thế, đặt nền móng phát hành game tại đây đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam phải có tiềm lực lớn, đủ sức "chịu lỗ" trong thời kỳ đầu. Chưa kể tới việc xin giấy phép và thuê, đào tạo đội ngũ nhân viên bản địa cũng đòi hỏi khoản tiền không hề nhẹ nhàng, có lẽ hiện tại chỉ VTC Game với nền tảng viễn thông mạnh mẽ mới thỏa mãn được yêu cầu ấy.
 
Tựu trung, việc "đem chuông đi đánh xứ người" bao giờ cũng khó khăn, tuy nhiên xu thế "dám nghĩ, dám làm" luôn xứng đáng được đề cao.

Hi vọng trong tương lai ngành công nghiệp game Việt sẽ không còn gói gọn tại dải đất hình chữ S mà vươn xa ra năm châu bốn bể, đạt nhiều thành tựu lớn để đem lại tự hào cho đất nước.

H.V

Bình luận
vtcnews.vn