Chuyện “người quản gia” của ngôi nhà Nguyễn Đình Chiểu

Tổng hợpThứ Ba, 17/08/2010 12:01:00 +07:00

(VTC News) - Tôi không khóc nhưng cổ họng nghẹn lại. Ngồi đối diện với tôi, thầy giáo mù quẹt vội dòng lệ nơi khóe mắt...

(VTC News) - Tôi không khóc nhưng cổ họng nghẹn lại. Ngồi đối diện với tôi, thầy giáo mù quẹt vội dòng lệ nơi khóe mắt...

Thầy Phạm Đình Thắng.
Tôi biết đến thầy, cũng tình cờ thôi. Đó là người mà nhân vật trong bài viết của tôi - thủ khoa khiếm thị Đào Thu Hương (ĐH Sư Phạm Hà Nội) thường nhắc tới với sự kính yêu vô bờ: “Thầy hiền và thương học sinh lắm. Thầy chưa dạy chị bao giờ mà phụ trách ở khu nội trú. Với chị, thầy như một người bạn lớn để giãi bày, tâm sự. Thầy định hướng cho chị nhiều lắm về cuộc sống này”.

Đến trường Nguyễn Đình Chiểu, thấy ai cũng nhắc hai tiếng “thầy Thắng” hết sức yêu thương, khiến tôi càng ấn tượng. Ý định viết chân dung người quản lý ký túc xá trường Nguyễn Đình Chiểu  - thầy Phạm Minh Thắng đã xuất hiện từ đó.

Tôi xin gặp thầy vào một chiều muộn. Căn phòng nhỏ nơi thầy đang sống nằm cuối khu nhà cấp 4 ký túc xá của trường. Ở tuổi 73, thầy Thắng vẫn có vẻ khỏe bởi dáng người đậm, mái tóc phơ bạc. Người ta bảo, thầy phải kiêng khem và luyện tập sức khỏe điều độ mới duy trì sự sống được đến giờ. “Thầy bị tiểu đường, lại còn bị thận nữa nên người trông béo như vậy”, một cô giáo trường Nguyễn Đình Chiểu đã giải thích cho tôi như thế.

Trai Hà thành – 27 năm làm anh giáo vùng cao

“Tôi là người Hà Nội chính gốc cô ạ, nhưng ở trường ai cũng nghĩ tôi quê Lạng Sơn vì nhiều người trên đó hay xuống thăm tôi lắm, mà tôi cũng suốt ngày kể chuyện về mảnh đất này”, thầy Thắng cười tâm sự. Và câu chuyện về sự nhầm quê bắt đầu sáng rõ qua sự trở về miền ký ức của người thầy.

Năm ấy, chàng sinh viên tên Thắng vừa tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Hà Nội, cái trường mà bao kẻ “đang năm 3 ĐH vẫn xin về học” vì ra trường, chắc chắn dạy ở thủ đô. Không theo lẽ thường ấy mà giữ trọn câu thề khi kết nạp đoàn “đâu cần thanh niên có, việc gì khó, có thanh niên”, người trai đất Hà thành rời thủ đô lên vùng cao dạy chữ. Hăm hở ra đi, mang theo lời hứa của sở Giáo dục “sau 3 năm sẽ được trở về”; thế nhưng suốt 27 năm anh bị “kẹt” nơi đất Lạng. Người trai Hà thành ấy giờ chính là thầy giáo khiếm thị Phạm Đình Thắng – phụ trách ký túc xá trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

 
27 năm làm anh giáo vùng cao, thầy Thắng đã dạy không biết bao nhiêu học trò ở khắp vùng Thái Nguyên, xứ Lạng. Những ngày đầu, thầy mang cái chữ đến với lớp bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ nòng cốt các địa phương. Từ những chủ tịch, bí thư... huyện đều trở thành học trò của người thầy ấy. Đến năm 1970, thầy được cử về nhận chức hiệu trưởng THCS Đồng Văn – thị trấn Đồng Đăng – Lạng Sơn. Và suốt thời gian còn lại của 27 năm xa xứ, thầy gắn bó với ngôi trường này.

“Dạo ấy, nước mình nghèo lắm, trên vùng núi lại càng khó khăn. Đời sống giáo viên thiếu thốn vô cùng, lương thấp, phải leo đèo, leo núi mới có nước sinh hoạt... Nhưng chúng tôi được an ủi nhiều bởi bà con nơi đây tình nghĩa lắm. Đến bây giờ, khi tôi đã rời xa Lạng Sơn hơn 20 năm, họ vẫn nhớ, vẫn xuống thăm thường xuyên”, thầy Thắng bùi ngùi nhớ lại.

Rồi thầy kể tôi nghe kỷ niệm về bao lần vượt núi đến vận động học sinh đi học, về cậu học trò xưa giận thầy nên ném gạch vào lớp, cậu Nghĩa nào trốn học chui trong bụi lau để thầy đi tìm “như gián điệp”... . Tất cả, tất cả cứ ùa về trong ký ức người thầy mái tóc bạc phơ và đọng lại thành nụ cười tươi trên gương mặt sáng ngời.

“Ấn tượng về thầy trong tôi sâu đậm lắm. Là hiệu trưởng mà bất kỳ tiết học ở môn nào trống giáo viên, thầy đều xuống dạy. Thầy nghiêm khắc nhưng rất thương học sinh. Mắt kém, phải đeo kính mấy đi-ốp mà có trò thôi học, thầy bỏ cả nghỉ trưa, lặn lội vượt hàng chục km đường rừng, đến động viên trò tới lớp. Với tôi, thầy Thắng như người cha mẫu mực, là người thầy giàu đức hi sinh”, chú Hiếu – học trò cũ của thầy giáo Phạm Đình Thắng, nay đã là Trưởng ban dân vận tỉnh Lạng Sơn tâm sự.

Trở về với đôi mắt mờ lòa

Việc về lại thủ đô của “anh giáo vùng cao 27 năm” cũng là chuyện may mắn. Năm ấy, thầy Thắng là đại diện của Lạng Sơn đi dự đại hội giáo viên 6 tỉnh biên giới. Khi vinh dự báo cáo thành tích của ngành giáo dục xứ Lạng, thầy không quên nhắc lại lời hứa “sau 3 năm sẽ được trở về” của sở  Giáo dục trước đây. Và cơ may ấy đã giúp thầy được về lại đất Hà thành với vai trò giáo viên của trường mù Nguyễn Đình Chiểu.

Khi tôi hỏi thầy có buồn vì sở Giáo dục không giữ lời, thầy lặng im rồi khẽ cất tiếng: “Buồn chứ. Nhưng cái buồn lớn hơn là sức khỏe tôi không tốt. Mắt càng ngày mờ mà bệnh tiểu đường đã đến tự lúc nào. Khi tôi về Hà Nội, mắt phải đã bong giác mạc và hỏng hoàn toàn”.

Năm 13 tuổi, cậu bé Thắng đã phải đeo cặp kính cận 10 đi -ốp. Năm 22 tuổi lên đất Lạng Sơn, độ kính ấy đã phải cộng thêm số 8. Bác sỹ nói mắt có thể mù. Và sau quãng thời gian dài sống thiếu thốn đủ bề nơi đất Lạng, lời tiên đoán năm xưa đã thành sự thật. Mắt phải hỏng hoàn toàn, mắt trái thị lực chỉ 1/10, và có nguy cơ hỏng nốt, thầy Thắng khủng hoảng lắm: “Tôi không dám hình dung sẽ sống ra sao với đôi mắt mù lòa. Làm thế nào sinh hoạt, để đọc, viết? Tôi yêu sách nhưng lúc ấy đã đem kho sách sưu tầm suốt bao năm đi cho hết. ”

Mặc cảm với bệnh tật, từ trẻ, thầy Thắng đã không nghĩ chuyện lập gia đình. Cho đến giờ, thầy vẫn sống đơn côi. Chàng trai Hà thành ấy cũng đôi lần rung động trước “dáng kiều thơm”. Nhưng, càng yêu thương, thầy càng quyết không làm khổ đời người con gái ấy chỉ vì sự mù lòa và bệnh tật của mình. Tôi không khóc nhưng cổ họng nghẹn lại. Ngồi đối diện tôi, thầy giáo mái tóc bạc phơ quẹt vội giọt lệ nơi khóe mắt mờ lòa. Có lẽ, bao đớn đau, trăn trở khi dằn lòng không thể cưới người yêu bỗng lại trở về nguyên vẹn.

Người cha của học sinh khiếm thị

Về trường từ ngày mới thành lập, cho tới nay thầy giáo Thắng đã thành người kỳ cựu nhất. 23 năm quản lý khu nội trú, thầy đã gắn bó với không biết bao học sinh. Công việc quản lý nghe đơn giản, nhưng chẳng lúc nào thầy có thời gian riêng. Hết lo ăn, ngủ, liên tục giải quyết “kiện cáo” của đám học trò “nhất quỷ, nhì ma”, thầy lại phụ trách hướng nghiệp dạy nghề, dạy phụ đạo cho học sinh khiếm thị lớp 5 để bắt kịp kiến thức cùng bạn sáng mắt.

Không gia đình riêng, thầy Thắng dành hết tình thương cho đám học trò khiếm thị. Tuổi nghỉ hưu đã qua 13 năm nhưng người giáo viên ấy vẫn ở đây đảm nhiệm công việc của người thầy. Suốt 23 năm thầy luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. 23 năm thầy lắng nghe mọi tâm sự và chỉ dẫn cho lớp lớp học trò. Cũng từ kinh nghiệm bản thân và qua những lời tâm sự ấy, người quản lý - Phạm Minh Thắng hiểu rằng, trẻ khiếm thị còn nhiều mặc cảm bệnh tật nhiều. “Mù rồi, học thì làm gì?”, “mù sao có hạnh phúc, có hôn nhân?”, “làm sao để kiếm sống”... những câu hỏi ấy của học sinh, luôn day dứt trong người thầy.

Mong muốn giúp các em thay đổi suy nghĩ, sống lạc quan và ý chí hơn thôi thúc trong thầy. Nói lý thuyết thôi về điều nhạy cảm ấy chẳng ăn thua tẹo nào, thế là, người thầy khiếm thị lại tất bật ngược xuôi, tìm nhân chứng về nghị lực sống đến chuyện trò cùng đám trẻ.  Nào bác Đồng – trưởng ban kiểm soát HTX Hồ Gươm, hội người mù Hoàn Kiếm, dù bị mù nhưng vẫn làm việc, vẫn hạnh phúc cùng người vợ khiếm thị và những đứa con; nào cô Lô, chủ tịch hội người mù Ba Đình giỏi giang và lúc nào cũng cười lạc quan  lắm.... họ đã đến, theo lời mời của thầy, để chung tay giúp trẻ khiếm thị xóa bỏ mặc cảm mù lòa.

23 năm, biết bao thế hệ học sinh đã thành danh từ ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu ấy, nào chàng hiệp sỹ mù Khúc Hải Vân, nào nữ thủ khoa khiếm thị ĐHSP Đào Thu Hương... Tất cả họ đều chẳng thể quên người bạn tâm tình sống ở nơi căn nhà cấp 4 cuối khu nội trú nhà trường. Với họ, thầy Thắng chính là người bạn, người cha kính yêu của cuộc đời.

50 năm với bao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhưng tôi chỉ thấy duy nhất tấm bằng khen do Thủ tướng Phan Văn Khải ký tên. Thầy bảo, đó là kỷ vật thầy yêu quý nhất.  “Cô ạ, tôi không thích bằng khen nọ, chứng nhận kia làm gì. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng cho sự ra đi mà có con cháu đâu để lưu giữ lại. Lúc nào tôi  cũng mong sao sống thật khỏe để người ta vẫn sử dụng ông lão 73 tuổi cho sự nghiệp giáo dục đến giây phút cuối cùng”, thầy tâm sự.

“Oanh ơi, có thiếu nước uống thì xuống phòng thầy lấy nhé!”, người “quản gia” già lại trở về với công việc vui vầy cùng đám học trò khiếm thị trong ngôi nhà Nguyễn Đình Chiểu thân thương.

Trà Sữa

 

Bình luận
vtcnews.vn