Chuyện người ở Tây Nguyên 35 năm không dám về quê

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 01/08/2010 06:00:00 +07:00

Chuyện khó tin là ở làng Kuk (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) vẫn có người lính thời chống Mỹ chưa một lần về quê, chưa một lần tìm tin tức gia đình.

Chuyện khó tin là ở làng Kuk (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) vẫn có người lính thời chống Mỹ chưa một lần về quê, chưa một lần tìm tin tức gia đình, tự coi mình như “người cửu nguyên” ở ngôi làng Jrai này.


Trước khi vào làng Kuk tìm ông, tôi đã nghe không ít lời đồn đại chuyện thuốc thư, bùa ngải khá ly kỳ ở ngôi làng này. Người mách tin cho tôi thậm chí còn quả quyết: “Cứ cho là trước đây rừng núi mịt mù, điều kiện liên lạc không có thì cũng đành. Bây giờ ở làng Kuk, đến đứa trẻ con cũng biết điện thoại di động mà vẫn không nghĩ đến chuyện về quê hay tìm cách liên lạc với gia đình thì tôi tin chắc là ông ấy đã bị bỏ bùa(!)”.

Bây giờ thì Đinh Xuân Vi đang ngồi trước mặt tôi. Quần cộc, chiếc áo khép hờ lộ tấm thân gầy. Rất tự nhiên, ông cứ ngồi bệt giữa nhà mà tiếp khách. Tôi hiểu là nếp làng đã bắt vào ông. Giá vô tình gặp ở ngoài đường, tôi cũng sẽ đinh ninh ông là một già làng như bao nhiêu già làng khác.

- Quê tôi ở tận thị xã Yên Bái- ông Vi chậm rãi bắt đầu câu chuyện. Tôi nhập ngũ năm 1965, phiên hiệu đơn vị bây giờ chỉ còn nhớ là Tiểu đoàn 1, Quân khu Việt Bắc. Được một năm thì đi B, về Binh trạm Trung, Mặt trận B3. Suốt 14 năm lăn lộn với chiến trường Tây Nguyên ác liệt, khi là trinh sát, thông tin; lúc coi kho, lúc vệ binh… Cấp bậc cũng đã Trung úy, Đại đội trưởng. Với trình độ học vấn lớp 10 nữa, lẽ ra không vì cái sự cố ấy thì sau này chí ít cũng được cái lon Thượng tá mà về hưu, đâu phải mỏi mòn ở cái làng này cho đến bây giờ.

Ông Vi và cháu nội. 

Ông Vi dừng lại, giọng bỗng trở nên xa xăm: Số là cuối năm 1972 tôi được giao phụ trách kho gạo ở đồi Ba Không. Một đêm nghe tiếng mưa đổ bất thường, tôi tỉnh giấc nhìn ra thì đã thấy bốn bề nước láng băng. Ở xứ này những cơn mưa lở trời lở đất như thế cũng chẳng phải hiếm gặp. Đang định khoác áo mưa ra kho xem thế nào thì đã nghe ngoài vách tiếng rào rào nổi lên như có bầy voi rừng đang đạp cây tiến đến. Một cơn lũ quét bất chợt ập về. Chúng tôi ngoi ngóp trong làn nước, may mà không ai bị cuốn trôi. Định thần lại nhìn ra bờ suối thì kho gạo đã bay biến mất tự lúc nào. Sự cố bất khả kháng nhưng tất cả lính kho đều bị kỷ luật, và đương nhiên tôi là người nặng nhất. Cũng cứ nghĩ đấy chỉ là cái án nhất thời, nào ngờ cho đến tận ngày giải phóng, mọi cuộc bình bầu khen thưởng tôi đều bị gạt ra.

Nghĩ mình vào chết ra sống bao nhiêu trận, cũng huân- huy chương đủ cả, thế mà chẳng ai nghĩ đến chuyện giải oan. Không nén nổi sự bất bình, tôi viết một bức thư cho chỉ huy, đại ý: Bao nhiêu năm bom đạn ác liệt cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ ngũ hay thoái lui. Bây giờ đất nước hòa bình, phận sự đã tròn, tôi muốn được ra ngoài tạo lập cuộc sống. Xin hứa dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không làm điều gì ảnh hưởng đến thanh danh đơn vị…

Mỗi bộ quần áo trên người, tôi lội bộ tìm về làng Kuk. Mới chạy nạn ở Campuchia về, làng Kuk bấy giờ xác xơ đói rét lắm, song cũng chẳng biết đi đâu bởi đây là nơi duy nhất tôi có người quen. Nghe tôi kể đầu đuôi, ông Chơn- Chủ tịch UBND xã bảo: Cứ ở chơi rồi từ từ hãy tính… Và rồi trong những ngày vô vị ấy, tôi đã tình cờ gặp Rmah Thận. Cô vốn là thanh niên xung phong của Mặt trận B3. Cũng đã gặp mặt một đôi lần gì đó ở binh trạm nhưng tôi đâu có hay cô ở làng này. Như là duyên tiền định, chỉ con gà với ghè rượu, chúng tôi nên vợ nên chồng…

Nhà Rmah Thận chẳng giúp được gì, chúng tôi bắt đầu tạo dựng cuộc sống từ con số “không”. Sáng tinh mơ đã chui ra khỏi lều, chiều nhọ mặt người mới chui về, vậy mà ba năm đầu cũng đói vàng cả mắt, có khi phải đi đào củ mài. Nguyên do là sốt rét hoành hành. Mỗi gùi lúa ba chục cân chỉ đổi được liều thuốc sốt. Bệnh tật rình rập, song với tôi đáng sợ hơn là sự mê tín. Chỉ thấy đau, bất kỳ nặng nhẹ là bà con đi bói thầy cúng. Mà chuyện này chỉ mới nghe cũng đã thấy nực cười: Hễ có người đau bệnh đến bói, ông thầy cúng lại ra suối chặt đại một cây gì đó. Nếu sải tay người ốm mà không vừa cây ông ta chặt, như thế hẳn là bị con ma ăn, phải cúng heo, gà. Võ đoán vậy mà bà con cũng tin. Ngay cả nhà tôi cũng vậy. Vợ chồng bất bình luôn vì chuyện này. Rồi thì bùa ngải, thuốc thư…

Trong môi trường ấy, dù tôi có cố thì sự lấm láp của gia đình cũng là điều không thể. Buồn nhất là các con tôi. Có đe nẹt hết cách, một đứa cũng tới được lớp 6, một đứa men tới lớp 9 thì bỏ. Chúng thích lên rẫy hơn là đến trường. Đau nhất là đứa con đầu. Nó cao to, trắng trẻo, đẹp trai nhất làng. Với đồng bào, điều khác thường như vậy chỉ là do ma lai ám. Giá là con ai khác thì bị giết công khai rồi, song có lẽ vì ngại tôi, người ta chỉ xầm xì bàn tán. Thế rồi bỗng dưng nó bị bệnh, chết một cách bí hiểm. Vợ tôi quả quyết là cháu bị bỏ thuốc thư. Tôi chẳng tin nhưng nỗi đau này cứ ám ảnh tôi không thể nào nguôi…

Nhưng dù có lấm láp, nhọc nhằn đến mức nào thì cuộc sống cũng phải đến lúc sáng lên. Làng Kuk như bây giờ các anh thấy: Điện, đường ô tô đã đến tận làng. Cuộc sống của tôi giờ cũng không đến nỗi. Nhà tôi có 1 ha lúa nước, 2 ha điều, 2 ha mì. Thu nhập mỗi năm cũng được năm, sáu chục triệu đồng. Tội đào nhiệm của tôi kể như cũng được xóa với việc đã được Nhà nước cho hưởng trợ cấp một lần. Vậy thì hà cớ gì tôi vẫn không liên lạc với gia đình, vẫn tự coi mình như là người đã chết?

Khuôn mặt ông như chìm sau lớp khói sương:

- Cha tôi mất trước lúc tôi vào bộ đội. Ông có hai vợ. Mẹ tôi, Hoàng Thị Điệp là bà cả. Anh đầu của tôi tên là Thắng, ở nhà làm ruộng. Anh kế tên là Chế đi bộ đội biên phòng. Em gái sau tôi chết vì lũ cuốn cùng hai cô em con bà hai lúc đi xem phim về. Hồi còn chiến tranh, tôi gửi thư hai lần mà chẳng thấy hồi âm. Từ đó cho đến nay- có lẽ cũng hơn bốn chục năm rồi, tôi cũng chẳng biết hai mẹ tôi còn sống không, các anh tôi ai còn ai mất!

Từ lúc rời đơn vị về làng Kuk, thú thật là cũng đã không ít lần tôi nghĩ đến việc về thăm nhà. Thì chính vợ tôi cũng khuyên, các con tôi cũng đòi bố đưa về quê. Con chim, con thú còn biết nhớ cây nhớ cội, con người sao có thể đành đoạn với ruột thịt, quê hương? Thế nhưng đã có lần khoác túi bước xuống cầu thang, cứ nghĩ đến điều tất yếu là mẹ và các anh tôi thế nào cũng hỏi: Cùng đi B với nhau, cũng bấy nhiêu năm vào chết ra sống, sao người ta lên úy, lên tá. Mày trơ cái thân không trở về, nếu không đi đầu hàng địch thì cũng đào ngũ. Chắc là xấu hổ quá nên bây giờ mới dám ló mặt ra chứ gì? Hẳn rằng tôi có thanh minh thế nào thì mẹ và các anh tôi cũng không chấp nhận. Thế là tôi lại khoác túi trở lên nhà. Cứ trượt theo dòng suy nghĩ ấy, thư tôi cũng chẳng viết, điện cũng không… Bây giờ thì dễ chừng tôi đã có bằng “Tổ quốc ghi công” treo ở nhà, nỗi đau của người thân cũng đã lắng. Vậy thì hãy để niềm tin ngủ yên, còn xáo động lên làm gì sự hoài nghi dằn vặt bởi sự “sống lại” muộn màng này nữa?

Tôi không thể không bật cười bởi dòng suy nghĩ cực đoan của ông. “Đã đành là bác có lỗi, nhưng cái nhìn xã hội bây giờ đã thoáng lắm rồi. Mà như bác nói thì Nhà nước đã cho hưởng trợ cấp một lần, thế có nghĩa là xem như mình được xóa lỗi. Bưu điện xã ngay kia, chỉ cần một cú gọi dịch vụ là có ngay số điện thoại ủy ban chỗ bác. Rồi cứ nhắn tin như thế như thế… việc gặp lại người thân chỉ gang tấc mà thôi”. Mặc cho tôi nói, ông vẫn cứ ngồi lặng, lúc lâu mới buông một câu gọn lỏn “ Có lẽ rồi cũng thử xem?”.

Chắc là nói để yên lòng khách chứ tôi tin ông chẳng chịu làm đâu. Những người thân trên đây nếu còn, xin hãy tìm đến làng Kuk để giải thoát cho ông nỗi mặc cảm… Ở Tây Nguyên, những người có cảnh ngộ như ông cũng không phải hiếm, nhưng tôi biết họ đã lần lượt bước qua mặc cảm tìm về quê quán gặp lại người thân. Chẳng lẽ chỉ còn mỗi Đinh Xuân Vi vẫn giữ cho riêng mình câu chuyện cổ tích thời chiến tranh còn sót lại?








Theo Ngọc Tấn (Báo Gia lai)


Bình luận
vtcnews.vn