Chuyện người nông dân 18 năm vác tù và hàng tổng

Thời sựThứ Bảy, 01/05/2010 11:05:00 +07:00

18 năm, từ lúc mức trợ cấp trưởng thôn là 50 nghìn đồng, đến nay là 450 nghìn ông vẫn chăm chỉ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

“Mình làm mấy mẫu ruộng rồi nghỉ chơi không cũng vô ích, chi bằng mình làm việc làng, việc thôn. Ai cũng tính toán hơn thiệt thì lấy đâu ra người làm việc của thôn? Mấy cán bộ phụ nữ thôn có được đồng nào đâu mà họ vẫn làm đấy thôi!”…, với suy nghĩ đó, ông Nguyễn Ái đã không ngại vất vả, khó khăn làm Thôn trưởng thôn Hà Thanh, xã Ninh Đa (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) suốt 18 năm nay. Cùng thời gian ấy, gia đình ông đã lần lượt nuôi 17 học sinh có hoàn cảnh khó khăn như những đứa con ruột thịt.

Chuyện 18 năm làm thôn trưởng…

Ông Nguyễn Ái đang giải quyết việc thôn. 

Năm 1992, sau khi thôi làm đội trưởng đội sản xuất, ông Ái được người dân tín nhiệm bầu làm Thôn trưởng thôn Hà Thanh. Địa bàn rộng, dân số đông, lại được ghép từ 4 đội sản xuất nên tình hình thôn lúc đó khá phức tạp. Cho đến bây giờ, ông Ái vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày mới “nhậm chức”: “Năm đầu tiên tôi làm thôn trưởng, lễ cúng đình làng rất ít người tham gia, vì người ta xem đó là việc của những người ở đội 2 (nơi đình tọa lạc)… Điều đó khiến tôi trăn trở mãi: làm sao để tập hợp người dân thành một khối?”. Rồi ông cũng dần đưa được lòng dân về một mối. Lễ cúng đình dần trở thành ngày hội chung của thôn. Mọi việc trong thôn, gia đình ông đều gương mẫu đi đầu. Việc làng việc xóm, ông luôn có mặt. “Từ việc cưới, tang, thăm hỏi lúc ốm đau, giúp đỡ nhà có việc, cho đến vận động đóng góp các khoản tiền nho nhỏ, vận động xây dựng gia đình văn hóa…, ông đều “xắn tay” vào. Vất vả là thế, nhưng tôi chưa một lần nghe ông kêu khổ hay kể công…” - bà Nguyễn Thị Tâm, một người dân thôn Hà Thanh đã nói về trưởng thôn mình như thế. Nhiều người còn kể chuyện ông Ái vận động giúp đỡ bà Hồ Thị Tép. Ông Tư - hàng xóm bà Tép kể: “Cách đây 3 năm, nhà bà Tép bị dột nát, ông Ái đã vận động Doanh nghiệp Tấn Huy xây dựng nhà Đại đoàn kết, vận động bà con trong thôn góp tiền mua giường… Làm trưởng thôn như ông Ái thì làm bao nhiêu năm, bà con vẫn ủng hộ”. Việc vận động người dân trong thôn làm theo chủ trương của cấp trên cũng được ông làm rất khéo léo nên được sự đồng thuận cao. Điển hình như chuyện mua công trái, chuyện ủng hộ người nghèo…

Tấm ảnh kỷ niệm một thời. 

Không chỉ khéo vận động, gia đình ông Ái còn luôn giúp đỡ mọi người. Nhà có máy cày nên ông thường cày ruộng thuê cho bà con, bao giờ có thì trả. Nhiều người khó khăn, thiếu tiền mua phân của hợp tác xã, ông ứng tiền trả trước để người dân được đăng ký mua phân cho sản xuất vụ sau… Nhưng có lẽ, vất vả nhất là khi hòa giải chuyện vợ chồng khúc mắc, làng xóm xích mích. Những lần như thế, ông thường đợi khi cơn nóng giận qua đi mới lựa lời khuyên giải, để người ta tự hòa giải hơn là đem ra xử phạt. Chuyện chị N. (gần 40 tuổi) đòi bỏ chồng là một ví dụ. Một lần, chồng chị N. ham vui nên đánh bạc. Chị N. cằn nhằn thì bị chồng đánh. Tức tối, chị N. làm đơn xin ly dị. Ông Ái đã lựa lời khuyên nhủ: “Bát chén để trong chạn còn va chạm, huống chi là vợ chồng”, rồi bảo để đơn lại, mấy ngày sau giải quyết. Vài ngày sau, qua cơn nóng giận, chị N. xin rút đơn… Ông Ái tâm sự: “Tôi cũng chẳng có bí quyết gì cả. Mình cứ gương mẫu đi đầu và kiên trì thuyết phục, thế nào mọi người cũng theo. Ông bà ta thường bảo “Nói phải củ cải cũng nghe” mà!”.

Bao nhiêu năm làm trưởng thôn là ngần ấy năm ông Ái làm công tác Hội Phụ huynh học sinh Trường Trung học Phổ thông (THPT) Nguyễn Trãi và Trường Trung học Cơ sở (THCS) Chu Văn An. Thầy Ngô Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi nói về ông như về một người cộng sự thân thiết, tâm huyết với giáo dục: “Tôi rất may mắn khi có một “cộng sự” như anh Nguyễn Ái. 15 năm làm công tác Hội Phụ huynh của trường, anh Ái đã giúp trường rất nhiều việc như: Cùng với phụ huynh học sinh bốc hài cốt còn sót lại trong trường ra nghĩa trang, vận động phụ huynh góp tiền mua nước uống cho học sinh và làm tượng đài Nguyễn Trãi…”. Đến bây giờ, thầy Dũng vẫn không quên lần tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường: “Lần ấy, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến ngày kỷ niệm nhưng trường vẫn chưa có đủ kinh phí tổ chức. Nhiều lần bàn bạc mà không giải quyết được; đã có ý kiến “bàn ra” - không tổ chức nữa hoặc làm “rất gọn nhẹ” thôi. Biết chuyện, anh Ái đã nói giản dị: “Các anh cứ làm, nếu thiếu, tôi sẽ bỏ tiền của mình thêm vào”.

Gia đình ông Ái - bà Ngưu bên 2 “con gái nuôi”. 

18 năm làm thôn trưởng và công tác Hội Phụ huynh học sinh - con số chưa hẳn là kỷ lục, nhưng cũng không hề ít. Công việc “vác tù và hàng tổng” như cách mọi người thường nói ấy đã lấy của ông rất nhiều thời gian. Nhưng chưa một lần thấy ông than vãn, và vẫn luôn được bà con tín nhiệm. Chính sự tín nhiệm đó đã giúp ông có động lực vượt qua khó khăn, vất vả. Ông Ái tâm sự: “Mình làm mấy mẫu ruộng rồi nghỉ chơi không cũng vô ích, chi bằng mình làm việc làng, việc thôn… Ai cũng tính toán hơn thiệt thì lấy đâu ra người làm? Mấy cán bộ phụ nữ thôn có được đồng nào đâu mà họ vẫn làm đấy thôi…!”.

 …và cưu mang những “đứa con” hiếu học

Chuyện về ông Nguyễn Ái được nhiều người nhắc đến như “chuyện cổ tích thời hiện đại”. Làm Chủ tịch Hội Phụ huynh, biết được có em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông liền nhận về nuôi, tạo điều kiện cho các em học hành. Khoảng năm 1993, ông Ái bắt đầu nhận 4 bạn học của con trai mình (Chiến, Vũ, Phú, Liên) về nuôi ăn học suốt 3 năm cấp 3. “Hồi đó, nhà tôi chỉ đủ ăn chứ chẳng giàu có gì, nhưng thấy mấy đứa nhỏ nhà xa, đi học khổ quá nên đem về nuôi, vừa giúp đỡ được các cháu, con mình lại có bạn học…” - bà Hà Thị Ngưu (vợ ông Ái) kể. Nhà 6 miệng ăn (2 vợ chồng và 4 người con), nay lại thêm 4 bạn học của con, nhưng vẫn êm thấm, vui vẻ. “Ở với chúng tôi được vài ngày, cả mấy đứa gọi chúng tôi là ba mẹ. Tụi nó thương nhau như anh em. Con bé Liên giỏi tiếng Anh, Chiến lại giỏi Toán…, đứa giỏi môn nào hỗ trợ môn đó nên cả nhóm rất tiến bộ” - ông Ái kể. Bà Ngưu thì nhớ mãi kỷ niệm của “con gái nuôi”: “Lần ấy, tôi nấu canh chua, ai cũng thích nên ăn nhiều hơn thường lệ. Liên ngồi bên nồi cơm cứ liên tục xúc cơm cho mọi người, ăn không đủ no. Cơm xong, cháu nói: “Lần sau, má đừng nấu canh chua nữa nghe”. Tôi cười mà ứa nước mắt”.

Hôm tôi đến, tình cờ chị Đỗ Thị Liên cũng ghé thăm gia đình ông Ái. Đã gần 15 năm trôi qua nhưng cô giáo của Trường THCS Chu Văn An vẫn nhớ như in kỷ niệm về những ngày tháng sống ở nhà “ba” Ái - “mẹ” Ngưu. Chị kể: “Hè năm 1996, chúng tôi chuẩn bị thi đại học thì mẹ Ngưu bị ốm, phải nhập viện. Ngày chúng tôi đi, tuy chưa được xuất viện nhưng mẹ Ngưu cứ nhất quyết xin về để nấu bữa cơm tiễn các con lên đường đi TP. Hồ Chí Minh dự thi…”. Và không phụ lòng “bố mẹ”, mùa thi năm ấy, Liên và Chiến đỗ 3 trường đại học; Phú, Tuyên và Vũ đậu cao đẳng nhưng chỉ mình Phú đi học. Năm sau ôn luyện lại, Tuyên và Vũ đều đậu đại học, riêng Tuyên (con trai ông Ái) đậu cả 3 trường (Kinh tế, Hàng hải và Bách khoa).

Rồi ông bà Ái lại nhận nuôi 2 học sinh nữ (Thảo, Hòa) là bạn học của con gái ông bà trong suốt 3 năm… Cứ thế, trong hơn 15 năm, 2 vợ chồng nhận nuôi cả thảy 17 học sinh nghèo. Người ở ít cũng 1 - 2 năm, người ở nhiều đến 5 năm. Người ở lâu nhất với gia đình ông Ái là “con út” Phạm Nhật Uyên (hiện là sinh viên Trường Đại học Thái Bình Dương). “Các con tôi đều đã đi học ở xa, thầy Trần Lạt - Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương gợi ý đem cháu Uyên (Ninh Sim, Ninh Hòa) về nuôi. Tôi vui vẻ nhận lời, bởi tôi biết, gia đình cháu Uyên có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có 2 mẹ con sống với nhau…” - ông Ái kể. Ở được vài tháng, thấy Uyên ở một mình có vẻ buồn, gia đình ông Ái bèn gợi ý Uyên kiếm thêm bạn về ở cho vui. 5 năm ở nhà ông Ái qua nhanh lúc nào không biết. Bà Ngưu kể lại trong nỗi xúc động: “Từ nhỏ đến giờ, Uyên không có cha, nên nhiều lần nó cũng muốn gọi “ba” Ái nhưng lại ngượng ngùng… Cho đến ngày mẹ ruột đến đón Uyên về đi thi đại học, quá xúc động, tự dưng Uyên cất tiếng gọi “ba” rất ngọt làm cả nhà rơi nước mắt…”. “Bây giờ, sống xa nhà, em nhớ nhất mỗi khi mùa mưa lũ, ba Ái phải dùng thuyền đưa tụi em đi học… Mỗi lần đi xa về, bao giờ ba cũng mua quà cho em, thường đó là những cuốn sách tham khảo. Cuối năm học lớp 9, vì ham chơi nên lực học em bị sa sút. Xem sổ liên lạc, ba Ái rất giận và đã mắng em. Đó là lần duy nhất em thấy ba nặng lời với em…” - Uyên kể.  

Ghi nhận công nuôi dưỡng các học sinh nghèo suốt 15 năm, năm 2002, ông Ái đã được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất với ông bà Ái, chính là sự thành đạt của các con. Giờ đây, “các con” của gia đình ông Ái đều có việc làm ổn định, thi thoảng có dịp, lại về thăm “ba” Ái - “mẹ” Ngưu… Hôm tôi đến, gia đình ông Ái vui vẻ hẳn lên khi có 2 “con gái” Liên, Uyên cùng về chơi. Chia tay tôi, bà Ngưu khoe: “Lễ 30-4 này, chúng nó sẽ về…”. Tôi biết, ông bà đang hạnh phúc vì sự thành đạt của các con.

 Ông Nguyễn Giờ - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Đa:  Thôn Hà Thanh có địa bàn rộng, gần 600 hộ gia đình, 3.000 nhân khẩu. Chú Ái đã hoàn thành rất tốt vai trò của mình, được bà con yêu mến, tin tưởng… Gia đình chú Ái còn có tinh thần xã hội cao, nhiều lần nhận các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dưỡng

Thầy Ngô Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Hòa): Trong cuộc đời làm thầy giáo, tôi rất may mắn khi có một “cộng sự” như anh Nguyễn Ái. Tôi đặc biệt khâm phục anh trong việc nuôi các học sinh khó khăn. Việc đó, hiếm người làm được, có tiền cũng chưa chắc đã làm được; bởi như chúng ta, chỉ cần có một khách ở nhà vài ngày đã khó, đằng này, ông lại nuôi một lúc 2 - 3 cháu hàng năm trời. Gia đình anh Ái không giàu có gì, nhưng anh có tấm lòng. “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” - câu nói này thật đúng với trường hợp của anh Ái nhưng theo nghĩa tích cực nhất.

Theo Báo Khánh Hòa

Bình luận
vtcnews.vn