Chuyển người khám BHYT hộ gia đình khỏi BV Thống Nhất: BHXH TP.HCM nói gì?

Tin tứcThứ Năm, 18/03/2021 10:00:30 +07:00
(VTC News) -

Phó Giám đốc BHXH TP.HCM vừa trả lời về việc hơn 31.000 người tham gia BHYT hộ gia đình (HGĐ) đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất phải chuyển đi.

Như VTC News đưa tin, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM gửi công văn yêu cầu đối tượng BHYT HGĐ đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu tại Bệnh viện Thống Nhất phải đổi sang cơ sở khác theo Thông tư 40/2015/TT-BYT.

Theo đó, 31.337 người khám chữa bệnh BHYT HGĐ ở Bệnh viện Thống Nhất phải đổi sang nơi đăng ký KCB BHYT khác trước 25/3. Sau 25/3, những trường hợp chưa đổi cơ sở khác, BHXH sẽ đổi về cơ sở KCB BHYT tuyến quận, huyện - nơi cư trú của người tham gia.

Thông tin trên khiến nhiều người tham gia BHYT HGĐ đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất ngỡ ngàng, lo lắng, có người bày tỏ bức xúc khi thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh vẫn còn hạn nhưng bị cắt ngang.

Chuyển người khám BHYT hộ gia đình khỏi BV Thống Nhất: BHXH TP.HCM nói gì? - 1

Khoa Khám bệnh Bệnh viện Thống Nhất.

Trả lời VTC News về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, hiện nay BHXH TP đang thực hiện đổi nơi KCB ban đầu đối tượng BHYT HGĐ tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Quân y 175.

Theo bà Hằng, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Quân y 175 là tuyến Trung ương, theo quy định của Thông tư 40 thì chỉ có một số đối tượng BHYT được đăng ký khám, chữa bệnh ở hai bệnh viện này. Vì vậy BHXH TP đang điều chỉnh, chuyển các đối tượng BHYT HGĐ về các bệnh viện tuyến quận, huyện, các phòng khám đa khoa khác trên địa bàn TP.HCM theo đúng quy định của Thông tư 40.

“Việc chuyển đổi nơi đăng ký ban đầu là để giảm tải cho tuyến trên, đưa bệnh nhân về tuyến cơ sở để bệnh viện tuyến Trung ương tập trung chuyên môn sâu, chứ không phải đăng ký ban đầu tràn lan. Những bệnh thông thường đâu cần tuyến Trung ương, trong khi đó một số nơi tuyến cơ sở như trạm y tế phường, xã, phòng khám đa khoa hoặc các bệnh viện huyện lại không có bệnh nhân. Những nơi này có bác sĩ, có máy móc đầy đủ hết mà thiếu bệnh nhân, thiếu người khám, trong khi bệnh nhân cứ tập trung các bệnh viện tuyến trên”, bà Hằng nói.

Chuyển người khám BHYT hộ gia đình khỏi BV Thống Nhất: BHXH TP.HCM nói gì? - 2

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM

Theo Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất cũng có văn bản gửi BHXH TP đề nghị cho người tham gia BHYT HGĐ tiếp tục được KCB tại Bệnh viện. Tuy nhiên, theo bà Hằng, việc này nằm ngoài thẩm quyền của BHXH TP vì Thông tư 40 do Bộ Y tế ban hành. Cho hay không là do Bộ Y tế quyết định, BHXH TP.HCM căn cứ vào Thông tư 40 để thực hiện điều tiết, chuyển đổi đối tượng BHYT.

Việc chuyển thẻ BHYT HGĐ đăng ký ban đầu tại Bệnh viện Thống Nhất về các đơn vị khác, BHXH TP.HCM đã thông báo đến các doanh nghiệp, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đại lý thu BHXH, BHYT để các đơn vị này thông báo cho người tham gia biết.

Bà Hằng cho biết, tự người tham gia BHYT liên hệ các đại lý thu BHYT, các BHXH quận, huyện để tự đổi nơi KCB theo danh sách BHXH TP thông báo. Trường hợp người tham gia không đổi, BHXH TP sẽ chuyển họ về các cơ sở KCB gần nơi cư trú.

“Việc thay đổi nơi KCB không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của bệnh nhân. Vì hiện nay dữ liệu khám chữa bệnh của bệnh nhân có trên hệ thống thông tin giám định của ngành BHXH, cơ sở khám bệnh có thể tra cứu dễ dàng trên hệ thống này (ngày khám, nơi khám, kê thuốc gì, điều trị gì,… ). Cho nên khi chuyển qua đơn vị mới, người bệnh không phải khám lại từ đầu. Người bệnh khi chuyển về tuyến cơ sở, nếu tuyến cơ sở thấy quá khả năng chuyên môn, có thể chuyển tuyến lại Bệnh viện Thống Nhất, khi đó đến Bệnh viện Thống Nhất KCB bình thường”, bà Hằng cho biết thêm.

Cũng theo Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, hiện nay BHXH TP chưa cụ thể cắt bao nhiêu thẻ BHYT HGĐ của Bệnh viện tuyến trên cho các tuyến dưới mà mới là thông báo rộng rãi để người dân lựa chọn, cuối tháng 3 các đối tượng tham gia BHYT không lựa chọn thì lúc đó mới điều chuyển.

Khi điều chuyển, BHXH TP sẽ xem xét năng lực của cơ sở KCB như thế nào mới chuyển để không ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT, các cơ sở tiếp nhận thẻ BHYT HGĐ cũng như tránh quá tải cho các đơn vị tiếp nhận. Mục tiêu cũng vì người bệnh, làm sao đảm bảo thông tuyến để tất cả người dân đều được KCB.

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn