Chuyện người đầy tớ của dân trên đỉnh Mù Cang Chải

Thời sựThứ Ba, 12/02/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Hơn 20 năm làm cán bộ xã, chính ông là người đi đầu trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện, mang lại cuộc sống mới cho người dân xã miền núi.

(VTC News) -  Hơn 20 năm làm cán bộ xã, chính ông là người đi đầu trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện, mang lại cuộc sống mới cho người dân xã miền núi.

Những ngày giáp Tết, nhóm phóng viên có dịp trở lại xã miền núi La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) – nơi từng xảy ra vụ sạt lở mỏ quặng khiến gần 20 người dân thiệt mạng trong năm 2012.

Vượt qua 180km đường đèo, chúng tôi đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã La Pán Tẩn khi trời đã xế chiều.

Cuộc ‘cách mạng’ xóa bỏ thuốc phiện ở xã nghèo

Đón chúng tôi tại trụ sở, người đàn ông trạc 50 tuổi, mắt sáng, mặc quần vải, áo khoác vải, đi dép lê, nói bằng tiếng kinh rất sõi, giới thiệu mình là Giàng Chứ Ly - Chủ tịch xã và vui vẻ mời chúng tôi vào trụ sở.

“La Pán Tẩn năm vừa rồi gặp nạn nhưng giờ không là thủ phủ của ma túy nữa đâu, cái đó giờ thay bằng ruộng bậc thang rồi nhà báo ạ” – Vị Chủ tịch xã mở lời.

Hai năm làm cán bộ xã lần lượt qua các chức vụ, ông Giàng Chư Ly là người gắn bó và có ảnh hưởng lớn đối với sự thay đổi nơi đây.

Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn - Giàng Chứ Ly. Ảnh: Nguyễn Dũng. 

Sinh ra và lớn lên ở miền sơn cước, khi người dân La Pán Tẩn sống dựa chủ yếu vào cây thuốc phiện, từ trẻ đến già, ai cũng từng hút thuốc phiện, vì thế ở đây từng được mệnh danh là “thủ phủ” ma túy.

Những năm 1986-1988, chàng trai trẻ Giàng Chứ Ly được của đi học lớp sơ cấp, về làm dân quân xã rồi được tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội dân quân.

Đúng thời điểm đó, Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện ở các tỉnh miền núi, La Pán Tẩn nơi Giàng Chứ Ly làm Đội trượng đội dân quân dẫn đầu về diện tích cây thuốc phiện và người nghiện thuốc.

“Thời gian đó, cuộc sống của người dân chỉ biết trông vào cây thuốc phiện. Từ trẻ con tới người già, thuốc phiện được coi như thứ quen thuộc nên việc thực hiện việc xóa bỏ theo chủ trương gặp rất nhiều khó khăn” – ông Ly nhớ lại.

Vốn là người Mông bản địa, Giàng Chứ Ly nhận thức được rằng, để thực hiện tốt chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện với người Mông, phương pháp chủ yếu là vận động người dân hiểu và dần dần thay đổi chứ không thể áp dụng biện pháp cứng rắn, áp đặt.

Ông Ly cho hay, ban đầu họ phản đối quyết liệt, chính quyền làm quyết liệt dần dần rồi họ hiểu ra.
Thủ phủ ma túy La Pán Tẩn ngày xưa nay yên bình với cánh đồng lúa bậc thang đẹp diệu kỳ. Ảnh: TN. 

Tuy nhiên, việc từ bỏ không diễn ra trong ngày một ngày hai mà phải mất gần 20 năm, từ việc xóa bỏ việc trồng, mua bán và xóa bỏ tập tục nghiện thuốc, năm 2012 La Pán Tẩn mới sạch bóng thuốc phiện.

Năm 1998, Giàng Chứ Ly được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn, từ đây ông bắt tay vào xây dựng kinh tế nông nghiệp địa phương.

Năm 2004 đến nay, Giàng Chứ Ly được bầu làm Chủ tịch UBND xã. Suốt quá trình này, ông là được coi là người đi đầu trong cuộc chiến xóa bỏ cây thuốc phiện, xây dựng đời sống mới ở miền sơn cước này.

“Đó thực sự là một cuộc cách mạng” – Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn nói.

Lo xóa thuốc phiện, Giàng Chứ Ly lại lo lắng đến cái ăn, cái mặc cho bà con khi cái đói, cái nghèo vẫn hiện hữu.

Sau khi phá cây thuốc phiện, ông chủ trương trồng lúa trên ruộng bậc thang, mùa nào thuận lợi thì thì trồng ngô, thảo quả và táo mèo để tăng thêm nguồn dự trữ.

Cánh đồng ruộng bậc thang hình thành và phát triển từ đây và trở thành một hình ảnh mới của La Pán Tẩn.

Thắt lòng vì thảm họa

Dù tự túc được lúa gạo, song đời sống của người dân vẫn thấp, người dân La Pán Tẩn vẫn tranh thủ làm thêm để kiếm tiền mua mắm muối, tương cà… từ miền xuôi vào lúc rảnh rỗi, trong đó có công việc đi mót quặng.

“Mót chưa được bao nhiêu thì thảm họa ập xuống…” – Giàng Chứ Ly lắng giọng.

Nhấp chén trà nóng trên môi, mắt hướng về ngọn núi sạt lở, vị chủ tịch kể lại vụ sạt lở đau thương của xã trong năm qua.

“Ngay từ đầu năm 2012, thời tiết đã có diễn biến bất thường khi trời mưa nhiều hơn so với các năm. Đến mùa mưa, tôi đã linh cảm đến chuyển sạt lở đất đá và đã có khuyến cáo với người dân không nên đi lại ở những vùng dễ sạt lở, đặc biệt là khu vực mỏ quặng” – Ông Ly kể.
Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 18 người tử vong và mất tích ở La Pán Tẩn. Ảnh: Nguyễn Dũng 

Đầu tháng 9/2012, trời mưa như trút nước xuống La Pán Tẩn, “lòng tôi như lửa đốt trong khi người đi mót quặng coi đó là cơ hội để mót được nhiều quặng bởi mưa càng xói đất thì quặng càng lộ ra.

Chưa biết ngăn người dân bằng cách nào, sáng 7/9 tôi đứng tim khi nhận tin sạt lở ở mỏ quặng vùi lấp gần 20 người. Nhanh chóng vượt đèo đến hiện trường, tôi chết lặng khi bùn đất đổ sụp, ngọn núi trở nên bằng phẳng trong khi người dân của chúng tôi nằm ở dưới” – vị chủ tịch nghẹn ngào.

Theo lởi kể ông Ly, phải mất một lúc lâu ông mới lấy lại được bình tĩnh và nhanh chóng triển khai công tác cứu hộ, cấp báo lên cơ quan cấp trên để giải quyết sự cố.

Trực tiếp ông dùng cuốc, xẻng… bới từng khối đất để tìm người, “từ khi xảy ra cho đến khi kết thúc công tác tìm kiếm, tôi không rời khỏi hiện trường mà túc trực để theo dõi, hỗ trợ để cứu người dù chỉ còn một chút hy vọng” – Chủ tịch xã La Pán Tẩn kể.
Chủ tịch xã Giàng Chư Ly (phải) hướng dẫn người dân sử dụng máy cày. Ảnh: Nguyễn Dũng 

Cuộc tìm kiếm kéo dài trong nhiều ngày với bộ đội địa phương, công an, dân phòng, người dân trong bản cùng tham gia nhưng do khối lượng sạt lở quá lớn, lực lượng chỉ tìm được 16 thi thể không nguyên vẹn, 2 thi thể khác vĩnh viễn bị núi vùi lấp.

“Đến bây giờ, tôi vẫn đau đáu nỗi đau nhưng chính mình mất đi những người thân thiết nhất” – vị chủ tịch gạt nước mắt…

Từ sau khi xảy vụ việc, ông chủ tịch thường xuyên qua lại động viên thân nhân các gia đình bị nạn, ông vận động nhiều đoàn tình nguyện khắp cả nước hỗ trợ lương thực, tiền cho bà con sớm ổn định cuộc sống và kiên quyết không để ai đến mót quặng.

Không mót quặng, người dân vẫn đói dù “cánh đồng vàng” mỗi năm mang lại hiệu quả cao, vị “thủ lĩnh” người Mông trăn trở về cách thức làm ăn để bà con thoát nghèo bởi hiện tại, 90% người dân nơi đây vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Thay vì làm nông nghiệp truyền thống, vị chủ tịch mạnh dạn đưa máy móc vào sản xuất. Ông huy động kinh phí mua thêm máy cày, giao cho từng bản, chỉ cách vận hành cho thanh niên trong bản để tạo thêm việc làm.
Phiên chợ ngày Tết ở La Pán Tẩn. 

“Nếu có nhiều ruộng bậc thang, bà con sẽ không bị đói, hơn nữa ruộng bậc thang ở đây tiềm ẩn lợi thế về du lịch, đây là cơ hội tốt để La Pán Tẩn thay đổi” – ông Ly nói.

Theo ông Ly, những năm gần đây, Mù Cang Chải trong đó có La Pán Tẩn ngày càng đón nhiều khách du lịch tìm về tham quan ruộng bậc thang, “việc này khiến chính quyền phải ráo riết hơn đẩy làm đường bê tông, kéo điện và phát triển các dịch vụ để thu hút khách”.

Năm 2012, La Pán Tẩn đã có kế hoạch tổ chức lễ hội Ruộng bậc thang lần thứ 2, “nhưng vì vụ sạt lở, kế hoạch tạm phải dừng lại nhưng năm sau, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chưc” – Chủ tịch xã La Pán Tẩn khẳng định.

Một mùa xuân mới mang khí thế mới, xóa đi những nỗi đau của quá khứ ở La Pán Tẩn. Chia tay người thủ lĩnh trên đỉnh Mù Cang Chải, chúng tôi ấm áp niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng với những con người nơi đây.

Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn