Chuyện ly kỳ về tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bị đánh cắp

Thời sựThứ Năm, 06/10/2016 07:46:00 +07:00

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) đã một lần bị trộm vào năm 1988 và được tìm thấy sau đó chỉ sau một tuần.

Chúng tôi tìm về làng Mễ Sở (Văn Giang - Hưng Yên) cuối tháng 8 âm lịch, một ngày sau khi bức tượng Quán Thế Âm bị đánh cắp. Không khí trầm lắng, buồn bã bao trùm lấy ngôi làng nhỏ bé ven bờ sông Hồng đang cuồn cuộn chảy.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn – cán bộ văn hóa xã Mễ Sở dẫn nhóm phóng viên vào thăm chùa, vừa đi vừa than thở: “Chiều 29/9 tôi còn dẫn mấy bác nhà văn, nhà thơ về thăm chùa, đến sáng hôm sau đã nghe tin tượng Phật bị mất, người làm văn hóa như tôi không khỏi xót xa khi cổ vật bị "chảy máu" như vậy”.

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, bức tượng Phật bà chính là "điểm đỏ" để Bộ Văn hóa công nhận chùa làng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 6/11/1988.

14585604_1187936087939283_487344123_o

Toàn cảnh chùa Mễ Sở sau sự việc mất trộm tượng Phật 

Từng tốp dân làng lầm lũi kéo nhau đến chùa, một vài người ngân ngấn nước mắt, nét mặt rầu rĩ chẳng nói lên lời. Góc sân, mấy bà vãi ngồi tựa đầu vào nhau rấm rứt nói không thành tiếng: “Phật ơi, Ngài đi đâu không về với chúng con…”

Chắc hẳn trong tâm trí tất cả mọi người đều đang hồi tưởng lại quá khứ cách đây 28 năm, “bảo vật” của dân làng cũng đã từng bị đánh cắp trong đêm và tìm lại được chỉ sau một tuần.

Trong hồi ức của mọi người, ông Nguyễn Chanh được nhớ đến như một nhân chứng trực tiếp của câu chuyện đầy ly kỳ xảy ra năm 1988. Mễ Sở khi ấy còn nằm trong tỉnh Hải Hưng (nay tách ra thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên).

Hành trình tìm lại tượng Phật năm xưa

Một ngày thứ 7 trung tuần tháng 10/1988, khi ấy ông Chanh đang công tác tại phòng Điều vận – Kế hoạch thuộc đoàn Địa chất 203 - Liên đoàn Bản đồ Địa chất, có trụ sở tại huyện Cẩm Giàng - Hải Dương (cách làng Mễ Sở quê ông khoảng 30km).

Khoảng 16h chiều hôm đó, ông vừa đi công tác về thì một người đàn ông tên Bính (Cẩm Giàng – Hải Dương) tiến vào cơ quan và đặt vấn đề thuê xe để chở hàng bách hóa tổng hợp từ Cẩm Giàng về Gia Lâm (Hà Nội).

Mặc dù ông đã từ chối vì hết giờ làm và tài xế cũng vừa đi công tác về mệt nhưng ông Bính vẫn năn nỉ vì có chuyện gấp. Do người này đã từng vài lần thuê xe và khoảng cách di chuyển cũng không quá xa nên ông đồng ý và ký lệnh (hợp đồng). Ông điều tài xế Nguyễn Văn Tạo (quê Ninh Bình) đi cùng Bính trong khoảng 4 giờ (17h đến 21h). 

14513753_1187936054605953_312932668_o

Ông Nguyễn Chanh, nhân chứng trực tiếp vụ mất trộm tượng Phật năm 1988

“Hôm đó là cuối tuần, anh em trong cơ quan về hết, chỉ còn mỗi mình tôi trực chờ tài xế về rồi đi ngủ cả. Mãi đến 22h tôi vẫn chưa thấy anh này về nên rất nóng ruột. Sáng hôm sau tôi thức dậy thì thấy anh Tạo về từ lúc nào và đang ngủ. Tôi có hỏi thì anh ấy bảo chúng nó (người thuê xe) đổi lịch trình, bắt đón hàng tại làng Mễ Sở và chở về Quán Gỏi (Bình Giang, Hải Dương)”, ông Chanh hồi tưởng.

Ông Chanh thông tin thêm một chi tiết khá thú vị: Trên xe ô tô lúc đó có anh Tạo, Bính và 2 đối tượng khác. Bính ở lại giữ chân tài xế và 2 tên kia đi đánh cắp. Tượng Phật bị bọn trộm cắp đóng trong 2 bao tải (trong đó 1 bao có thể là đồ thờ).

Lúc bê đồ lên xe anh Tạo hỏi: “Chở gì đấy?” thì bọn trộm trả lời: “Chở Bụt đấy, anh có sợ không?” Nghĩ những người chở hàng này chỉ đùa nên tài xế cười lớn: “Tao chở bao nhiêu đồng đội hy sinh trong chiến trường còn chẳng sợ nữa là Bụt”.

Sau này khi mọi chuyện vỡ lẽ, ông Chanh mới biết trong đêm ngày thứ 7 hôm đó, dân làng Mễ Sở tiến hành họp tại chùa, kẻ gian không thể đột nhập vào ngay. Chúng chờ đến khi tan cuộc họp (hơn 22h) mới tiến hành trộm cắp nên xe mới về muộn như vậy.

14536699_1185939224805636_1202919073_o

 Pho tượng trước và sau khi bị đánh cắp ngày 29/09/2016

Nhấp ngụm trà nóng, ông Chanh tiếp tục nhớ lại câu chuyện ly kỳ: “Hai hôm sau, tên Bính trở lại cơ quan tôi để thuê xe tiếp tục chở hàng lên Hà Nội. Nhưng tôi không đồng ý, rồi không biết chúng thuê xe ở đâu”.

Sau đó, ông về thăm gia đình ở làng Mễ Sở và được biết chùa làng mất tượng Phật. Liên hệ với những sự việc đã xảy ra tại cơ quan, Ông Chanh nhận thấy sự trùng hợp kỳ lạ. Ngay lập tức sự việc được báo lên cơ quan chức năng để xử lý.

Kẻ gian khi đó còn táo tợn cắt cả đường dây điện thoại hòng gây khó khăn cho công tác liên lạc với các cấp có thẩm quyền. Công an các tỉnh Hải Hưng, Hải Phòng và Hà Nội, phong tỏa toàn bộ các tuyến cảng biển.

Đúng vào tối thứ 7, một tuần sau vụ mất trộm, bức tượng Phật bà đã được tìm thấy tại nhà một nghệ nhân ở phố Vân Hồ, Hà Nội trong tình trạng hư hỏng khá nặng. Người này khai không biết về vụ trộm cắp, chỉ được thuê phục chế.

Sau này để bày tỏ sự ngưỡng mộ bức tượng tuyệt đẹp, vị nghệ nhân đó đã về tận chùa Mễ Sở, phục chế lại tượng mà không lấy một đồng tiền công.

Dân mong mỏi từng ngày

Bà Trần Thị Tám sinh ra và lớn lên ở làng Mễ Sở đã 70 năm. Với bà, bức tượng Phật và ngôi chùa như một nơi chở che, an ủi tinh thần mỗi khi trắc trở.

“Năm 1988, tôi đã từng được chứng kiến cảnh mất tượng Phật, đến khi đón được Ngài về cả làng từ già trẻ sung sướng vui mừng, ai cũng chảy cả nước mắt và cả làng đổ ra đường để đón Ngài”. Bà Tám tâm sự trong nước mắt: “Chúng tôi đau xót, tiếc nuối lắm, như là mất cái gì quý giá nhất trong gia đình”.  

Còn bà Lê Thị Phú (83 tuổi ở Giảng Võ - Hà Nội) ôm lấy sư trụ trì chùa Mễ Sở Thích Đàm Lan khóc rưng rức. Cả gia đình bà khi hay tin Phật bà bị kẻ gian đánh cắp đã đi từ Hà Nội xuống Hưng Yên từ sáng sớm để động viên nhà chùa. “Xao xuyến lắm chú ạ, một trăm chùa mới có tượng Phật quý giá như chùa Mễ Sở. Tôi buồn lắm …”.

14585743_1187936024605956_662991535_o

Nét mặt  thất thần của trưởng thôn Mễ Sở Lê Ngọc Anh

Vất vả nhất có lẽ là ông trưởng thôn Mễ Sở Lê Ngọc Anh. Ông là người đầu tiên được nhà chùa báo sự việc mất tượng Phật. Quần quật từ sáng để bảo vệ hiện trường, phối hợp với cơ quan chức năng. Đến quá trưa ông vẫn tất bật đi quanh làng để động viên tinh thần, trấn an người dân.

Chia sẻ với PV trong nét mặt bơ phờ, thất thần, trưởng thôn cho biết: “Về giá trị văn hóa, lịch sử thì pho tượng này là vô giá. Về mặt tâm linh, tượng Phật Quan âm Bồ tát che chở độ phúc cho toàn dân trong làng xã cũng như cả nước nói chung”.

Ông Ngọc Anh coi đây là nỗi đau rất lớn của cán bộ và nhân dân xã Mễ Sở: “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc và tìm lại tượng Phật nhanh chóng để ổn định lại đời sống văn hóa tinh thần cho cư dân nơi đây”.

Chúng tôi rời làng Mễ Sở khi trời đã xế chiều, câu chuyện mất tượng năm xưa vẫn văng vẳng bên tai. Trong đầu tôi mãi quanh quẩn một phép so sánh, nếu lần mất trộm này giống như lần mất năm 1988 thì chỉ vài ngày nữa thôi, Phật bà sẽ lại về với người dân làng Mễ Sở!

Video: Camera chùa Mễ Sở ghi lại hiện trường vụ trộm

Tiến Quân
Bình luận
vtcnews.vn