Chuyện “lão nông” hiến xác cho khoa học ở Quảng Nam

Thời sựThứ Bảy, 05/02/2011 07:05:00 +07:00

(VTC News) – “Hy vọng, tui đã được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc học của các cháu. Nó sẽ có ý nghĩa và cần thiết cho cuộc đời này”...

(VTC News) – “Dù rằng việc học bị dang dở, nhưng tui biết, hiểu được những khó khăn của sinh viên, nhất là sinh viên ngành Y. Hy vọng, tui đã được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc học của các cháu, nó sẽ có ý nghĩa và cần thiết cho cuộc đời này”, ông Nguyễn Tấn Được tâm sự.

Gia đình... đồng thuận
Trở lại thôn An Đông (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) trong một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của “lão nông” Nguyễn Tấn Được (SN 1956) để chia sẻ cùng tâm nguyện hiến xác cho khoa học của ông đã được bệnh viện chấp thuận. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, gọn gàng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn của thôn An Đông, ông Được chia sẻ với chúng tôi những cảm xúc của mình. 
Bất ngờ trước tâm nguyện của lão nông Nguyễn Tấn Được, nhưng cả gia đình đều đồng thuận và động viên ông... 

Ông Được chia sẻ: “Chuyện cũng không có gì to tát quá đâu chú. Ý nguyện hiến xác cho y học của tôi nung nấu cách đây gần 10 năm và từ khi lá đơn tự nguyện của tôi được Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Huế chấp thuận, cuộc sống của tôi càng có ý nghĩa hơn. Cầm tờ giấy chấp thuận của trường Đại học Y dược Huế trên tay mà lòng tôi không cầm được nước mắt. Hạnh phúc khi làm được việc “nhỏ” có ý nghĩa cho xã hội”.
Ban đầu ai cũng ngỡ đây là chuyện không có thật, kể cả vợ con của ông. Bà Huỳnh Thị Phước (51 tuổi), vợ ông Được nửa tin nửa ngờ, cho rằng chồng mình bị “tưng tưng”.

“Lúc đầu, tôi nghe ba của sắp nhỏ lẩm bẩm trong miệng là “tôi nhất định sẽ hiến xác cho khoa học, đây là tâm nguyện cả cuộc đời của tôi. Không ai cấm tôi được hết. Sau đó, chồng tôi “âm thầm” viết đơn, rồi gửi thẳng ra trường Đại học Y dược Huế và chuyện như thật lại xảy ra làm cho gia đình ai cũng bàng hoàng, bất ngờ, nhưng khi được ông nhà giải thích cặn kẽ ý nghĩa của việc làm nhân văn này và trình tấm thẻ ai cũng hiểu và ủng hộ hết”, bà Phước cho biết. 
Còn anh Nguyễn Tấn Nhân (28 tuổi) con trai đầu của ông Được khi được hỏi chuyện, anh bảo: “Khi nghe ba báo thông tin hiến xác cho y học, lúc đầu hơi bất ngờ có khuyên ba đây không phải là chuyện đùa, nhưng đây là tâm nguyện của ba nên cả nhà ai cũng đồng ý và động viên”. 
“Tâm nguyện” thời sinh viên…!
Sau khi tham gia chiến trường, rời quân ngũ, năm 1979 ông Được thi vào Khoa Sư phạm sinh trường Đại học Quy Nhơn, học được một năm thì ông phải đành dang dở việc học vì mắc bệnh viêm hoàn điểm. Con ngươi mắt sưng tấy khiến thị lực của ông suy giảm. Kinh tế khó khăn, ông về quê chữa bệnh và lập gia đình.
Và cứ vậy, 4 người con lần lượt ra đời. Hiểu được sự quan trọng của việc học, một mặt ông động viên, khuyến khích các con theo đuổi việc học. Một mặt ông tìm hiểu và âm thầm thực hiện tâm nguyện của mình với mong muốn các con đừng bỏ dở việc học như ông, hay chí ít ông sẽ là tấm gương để các con theo đuổi việc học.
Và mãi cho đến năm 2003, khi ông Được vô tình đọc được cuốn Tạp chí Y học Việt Nam trong đó có đề cập việc con người hiến xác sau khi chết, tạo điều kiện cho các sinh viên ngành y dược có tiêu bản người thật để học tập, nghiên cứu. Điều đó càng thôi thúc ông Được thực hiện tâm nguyện của mình.
"Hy vọng, tui đã góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc học của các cháu. Nó sẽ có ý nghĩa và cần thiết cho cuộc đời này”, ông Được tâm sự 

Nói là làm, ông Được tìm hiểu thủ tục, viết đơn hiến xác. Năm 2005, sau khi nhận được bức thư bày tỏ ý nguyện xin được hiến xác cho y học sau khi chết, trường Đại học Y dược Huế đã có hướng dẫn cho ông Được làm các thủ tục hiến xác theo quy định như: địa chỉ cụ thể về nhân thân, sự xác nhận của địa phương về ý nguyện hiến xác là có thật; kèm theo đó là ý kiến đồng ý của gia đình...
“Dù rằng việc học bị dang dở, nhưng tui biết, hiểu được những khó khăn của sinh viên, nhất là sinh viên ngành Y. Hy vọng, tui đã góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc học của các cháu. Nó sẽ có ý nghĩa và cần thiết cho cuộc đời này”, ông Được tâm sự. 
Ngay sau khi nhận được lá đơn của ông Nguyễn Tấn Được, trường Đại học Y dược Huế đã làm các bước thủ tục cần thiết theo quy định và vào ngày 6/12/2007 đã cấp thẻ hiến xác cho ông Được. Theo đó, sau khi qua đời, Bộ môn giải phẫu của trường Đại học Y dược Huế sẽ tiếp nhận thân xác của ông Nguyễn Tấn Được để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.
“Đây là tâm nguyện của tôi. Tôi tâm nguyện một điều là phải làm được một việc gì đó thật có ý nghĩa cho xã hội ngay sau khi mình chết đi. Cuối cùng tôi cũng đi đến được quyết định hệ trọng này”, ông Được giãi bày. 
Thôn An Đông còn nghèo khó, ăn chưa ngon, mặc chưa đủ ấm nhưng chuyện lão nông Nguyễn Tấn Được hiến xác cho y học đã làm ấm thêm lòng người của làng quê nghèo này. Và “kỳ tích” hiến xác của ông Được đã ghi vào sổ “vàng” của làng để con cháu noi theo. Nhìn ông Được, tôi thấy rõ niềm hạnh phúc của ông khi đã làm được việc có ý nghĩa cho cuộc đời.
Thùy Dương
Bình luận
vtcnews.vn