Chuyện lạ về người đàn ông nuôi… voi đẻ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 22/06/2012 01:51:00 +07:00

30 năm kể từ năm 1980 đến nay voi nhà không đẻ, thì tại vùng đất Bù Đăng này, voi của gia đình, họ hàng ông Điểu Cước đã đẻ đến 4 voi con!

Nhiều người gọi ông là "bà đỡ" cho voi "mẹ tròn con vuông", bởi trong khi người ta đang lo lắng loài voi ở Việt Nam sẽ tuyệt chủng chỉ trong vòng 10 năm nữa, thì chính ông lại là người nuôi voi và biết giúp voi nhà thụ thai, sinh đẻ dễ dàng…

Người luôn hết lòng với voi

Ông tên là Điểu Cước, nhà ở ấp Sơn Lang, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Từ thị xã Đồng Xoài, theo quốc lộ 14 đi hơn 70 cây số nữa về hướng tỉnh Đắk Lắk, nhà ông ngay mặt trục lộ. Dòng họ nhà Điểu Cước có nghề nuôi và thuần dưỡng voi gia truyền. Dòng họ Điểu Cước ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk, sau chuyển xuống buôn Đăng Long, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông. Còn chỗ ở hiện nay là ông theo phong tục người Ê Đê, con trai theo quê vợ.

Điểu Cước năm nay 55 tuổi, kể rằng ngày xưa khi núi rừng còn dày, người dân Ê Đê ở Đắk Lắk nuôi voi như nuôi trâu. Ngày đó nhiều nhà có 5-10 con voi là chuyện bình thường. Voi và người là bạn, quấn quýt yêu mến nhau. Điểu Cước nói, loài voi rất thông minh và chung thủy, biết ai là chủ nó.
Ông Điểu Cước  

"Đi thồ hàng xa chủ lâu ngày, gặp lại là nó vươn vòi, hú lên những tiếng nghe rất thân thiện, mắt nó long lanh như có nước mắt", ông kể. Gặp người chủ tốt bụng, voi phục vụ tận tình, gặp người chủ hà khắc, voi vẫn nhẫn nại. Kể cả voi hoang dã cũng rất hiền với người. Khi đang đi trong rừng, biết có hơi người là cả đàn tránh xa. Voi chỉ tấn công người khi nó có linh cảm là sẽ bị người đó tấn công.

Tình yêu thương voi của Điểu Cước, theo nhận định của ông, là được ảnh hưởng từ ông nội và cha. Từ nhỏ, ông đã cùng cha và ông cưỡi voi, tắm voi, cho voi ăn hàng ngày. Nên giờ trong ông, con voi là người bạn thân thiết như một thành viên trong gia đình, chứ không chỉ là con vật làm công việc kéo gỗ, thồ hàng.

Những món mà voi thích nhà ông luôn luôn có. Ngoài việc cho ăn đủ vài tạ cỏ một ngày, những con voi làm tốt công việc đều được ông thưởng chuối cây, chuối trái chín, mía, và một món mà voi rất thích đó là bã hèm rượu.

Nhiều năm nuôi voi, quan sát từng miếng ăn, từng động thái, cử chỉ, ông biết được con vật khi nào buồn vui, khi nào phật ý, luôn luôn cận kề, vỗ về chăm sóc. Khi voi bị tiêu chảy, ông vào rừng tìm cây vàng đắng và chỉ những loài cây mà người dân tộc Ê Đê biết, cho voi ăn là khỏi. Voi xích trong rừng bị rắn cắn, bài thuốc của ông là dùng trái đu đủ xanh cho ăn. Nếu cho ăn kịp thời thì dù nọc rắn độc đến cỡ nào cũng không đánh ngã được voi.

Voi đẻ như… trâu đẻ!

Trong khi báo cáo của các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã cho rằng hơn 30 năm kể từ năm 1980 đến nay voi nhà không đẻ, thì tại vùng đất Bù Đăng này, voi của gia đình, họ hàng ông Điểu Cước đã đẻ đến 4 voi con! Người đàn ông nuôi voi này cho rằng, việc cho voi sinh sản không có gì khó khăn đối với ông.

Ông còn nhớ rất rõ, hồi đó là năm 1980, con voi cái của nhà Điểu Mruch, là cậu của Điểu Cước, sinh ra một voi con. Đó là một chú voi đực. Đến năm 1990, con voi cái đó của Điểu Mruch lại đẻ tiếp một voi con nữa, lần này là voi cái. Hiện giờ, hai con voi đã trưởng thành, góp thêm cho sự đông đúc đàn voi nhà của họ hàng Điểu Cước.

Ngay khi con voi của ông Điểu Mruch đẻ con voi thứ hai, Điểu Cước nghĩ đến chuyện cho voi nhà mình sinh đẻ. Nghĩ là làm. Thấy con voi cái nhà có dấu hiệu muốn tìm bạn tình, ông lên huyện Đắk Min, mượn con voi đực của người cô. Đây cũng là con voi mà ông nội của ông giao thừa kế lại. Ông đưa hai con voi vào rừng. Chọn nơi có nhiều trảng cỏ xanh làm thức ăn đủ trong nhiều ngày, phía trên là tán cây rộng, kế bên có suối nước mát, thả voi ở đó. Hồi đó, chưa đến nỗi có nạn săn bắn giết voi ráo riết như bây giờ. Không gian rộng thoải mái, và cảm nhận được sự bình yên không có sự đe dọa, voi đực voi cái nhanh chóng kết bạn ngay.

Một tháng sau trở vào, thấy voi nhận ra chủ và tinh thần thoải mái, Điểu Cước biết ngay là chúng đã là bạn tình của nhau. Quả thực là thần diệu! Điểu Cước nói rằng không phải chờ đợi lâu, chỉ tháng sau đó là ông thấy voi cái đã có sự thay đổi, 3 tháng đã thấy bụng to lên. Ông và cả nhà hồi hộp chờ đợi. Từ đó ông chăm sóc, bồi bổ voi cái còn kỹ hơn nữa, cưng chiều hơn nữa. Mỗi ngày sau khi voi làm việc xong là ông đưa xuống suối tắm, rồi lại cho ăn thêm cỏ non, mía, chuối. Chuối thì khi là cây, khi là cả buồng trái chín. Khi bụng voi đã lớn, ông để cho voi cái nghỉ ngơi, không bắt voi làm việc nữa.

Voi mẹ và voi con của Điểu Cước, hiện đã bán về khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương. 
Và theo tính toán ngày tháng của Điểu Cước, đúng 2 năm kể từ ngày lùa voi vào rừng, con voi cái nhà ông đã hạ sinh một chú voi con. Đến nay đã 20 năm, con voi này đã trưởng thành, và hiện đang có mặt trong đàn voi nhà, làm việc cho ông. Khi chúng tôi đến, con voi này đang được người ta thuê đi kéo gỗ ở tận Campuchia.

Rồi chỉ 10 năm sau đó, niềm vui lại đến với Điểu Cước, khi ông tiếp tục cho voi sinh đẻ thành công lần thứ hai. Năm 2002, khi thấy con voi cái muốn tìm bạn, Điểu Cước đã đưa nó về gặp bạn là một con voi đực của người quen ở xã Đắk Nhau cùng huyện Bù Đăng. Vẫn đưa voi vô rừng, tìm không gian thoải mái, yên tĩnh. Và cũng chỉ một tháng sau vào gặp lại, thấy cả hai "cô cậu" có vẻ "thỏa mãn", ông đưa voi của mình về.

Nhưng lần này lạ quá! Đã hai năm trôi qua, nhẩm tính đến ngày sinh nở, nhưng tịnh chẳng thấy động tĩnh gì. Cái bụng voi chửa vẫn chình ình ra đấy! Cả nhà ông lo lắng không hiểu vì sao. Có người bày ông đi tìm thầy cúng cho voi, nhưng ông gạt phắt đi. "Không cúng bói gì cả. Con voi nhà mình nó ngoan ngoãn thế, nó sẽ bình yên thôi". Nhưng lạ nhất là sau hôm đó, rồi tháng sau, rồi vài tháng sau, nó vẫn như vậy, không chịu đẻ! Ông nhớ rõ ràng, lần trước con voi có bầu 2 năm là đẻ thôi mà?

Rồi cái ngày chờ đợi mòn mỏi đó cũng tới. Phải mất cả nửa năm sau. Đến năm 2005, con voi mới đẻ. Lần này là một con voi đực. Cả nhà mừng vui khôn tả. "Té ra, voi chửa con cái thì 2 năm, mà chửa con đực tới 30 tháng", Điểu Cước nói.

Voi đực mọc ngà rất nhanh, 5 năm sau cái ngà của nó đã to như bắp chân của Điểu Cước. Ông bắt đầu luyện nó, biểu đi, đứng, quỳ, vươn vòi vác đồ đặt lên lưng, nhất nhất làm theo ý ông. Đến khi voi biết nghe lời và làm theo một cách thuần thục, thì cũng là lúc ông Huỳnh Uy Dũng, chủ Công ty Du lịch Đại Nam ở Bình Dương nghe tiếng và tìm đến. Ban đầu ông Điểu Cước cho thuê, nhưng ông Dũng cứ đặt vấn đề mãi, nên đồng ý bán cả hai mẹ con voi. Hiện tại, ông chủ Đại Nam đã gửi con voi đực này sang Thái Lan để người ta dạy nó làm xiếc và sau đó đưa về phục vụ khu du lịch.

Lòng tham của con người đã tận diệt loài voi!

Voi Việt Nam được xếp vào nhóm 1B, động vật cần bảo vệ nghiêm ngặt. Số lượng voi hoang dã ngày càng ít đi cộng thêm việc không có voi mới sinh đã khiến cho số lượng đàn voi tại Đắk Lắk ngày càng sụt giảm. Mới năm 2010 người ta lo âu chỉ trong vòng 20 năm nữa Đắk Lắk sẽ sạch bóng đàn voi nhà, thì nay nguy cơ đó rút xuống còn 10 năm. Biết vậy nhưng người ta không thể nào phát triển lại được đàn voi. Một dự án đồ sộ với 61 tỉ đồng bảo tồn voi Đắk Lắk đã được duyệt nhưng 6 năm qua, không những không có con voi nào được sinh ra thêm, mà voi rừng, voi nhà Tây Nguyên vẫn tiếp tục suy giảm.

Chính lòng tham vô đáy của con người đã đẩy loài voi vào nguy cơ tuyệt diệt. Nếu để voi đẻ, thời gian voi mang thai và nuôi con mất đến vài năm, và đó là thời gian thất thu của chủ voi. Điểu Cước giải thích rằng, khi mang thai, do cái bụng quá to, con voi không thể quỳ xuống cho người ta chất hàng được. Ở khu du lịch Buôn Đôn, thủ phủ voi Tây Nguyên, mỗi giờ cưỡi voi đi dạo chơi, khách du lịch trả 500.000 đồng.

Nếu cho voi đẻ thì phải mất 3-5 năm voi không làm việc được. Còn trong quá trình đó, người ta khai thác con voi đến kiệt sức. Mỗi ngày con voi đi rừng từ năm, bảy đến cả chục giờ đồng hồ, sau mỗi chuyến đi phần thưởng cho voi chỉ là nải chuối, vài cây mía. Trong khi đó, khẩu phần của một con voi là 3 tạ cỏ và vài trăm lít nước mỗi ngày. Khai thác đến thế thì đến… khỏe như voi cũng phải đổ. Nên voi không còn sức lực để mà động dục, để mà giao phối, để mà sinh con đẻ cái nữa cũng chẳng phải là điều lạ.

Một thực tế nữa cũng khiến voi "không thể đẻ nổi" chính là môi trường, khiến voi mất đi khả năng tự nhiên. Chẳng hạn rừng mất đi, voi không còn không gian để kết bạn, để giao phối nữa. Vua voi Đàn Năng Long ở hồ Lắk (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) sở hữu 4 voi đực và 5 voi cái, nói rằng từ năm 1992 đến nay ông đã làm nhiều cách mà đàn voi nhà ông vẫn không đẻ thêm được con voi nào nữa. Các chuyên gia động vật học, sinh học cũng đã nghĩ đến chuyện thụ tinh nhân tạo cho voi, nhưng hiện vẫn chưa thử nghiệm được.

Nhưng Điểu Cước lại cho rằng không hề khó khăn đến mức như vậy. Ông cho rằng, ngoài một vài "kỹ thuật" cũng không quá khó, thì việc cho voi đẻ phụ thuộc vào ý muốn, tính toán của con người. "Người ta muốn lấy được tiền trước mắt thôi, chớ để cho voi đẻ và bán được thì lâu quá". Điểu Cước nói, trước đây chính ông cũng đã từng có suy nghĩ đó, và nay ông đã nghĩ lại, sẽ tính đến chuyện cho voi sinh đẻ nhiều hơn.

Ngoài 4 con voi đã bán cho Khu du lịch Suối Tiên, 2 con cho Khu du lịch Đầm Sen, hai mẹ con voi bán cho Đại Nam, hiện nhà ông còn 3 con voi cái. Hiện ông đang tính mua lại con voi đực của người cô ở Đắk Min đưa về làm voi giống cho đàn voi nhà sinh sản. Điểu Cước dự định trong năm này hoặc năm tới, sẽ cho voi giao phối và hy vọng sau 3 năm, đến 2015, đàn voi nhà ông sẽ có ít nhất 2 cá thể voi con ra đời.

Từ câu chuyện của Điểu Cước chúng tôi tin với tấm lòng và kinh nghiệm nhiều năm là "bà đỡ" cho voi luôn "mẹ tròn con vuông" dự tính của Điểu Cước sẽ trở thành hiện thực


Đặng Vỹ - CAND

Bình luận
vtcnews.vn