Chuyện lạ ở nơi có nghị quyết nuôi mèo

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 17/12/2011 06:25:00 +07:00

Từ ngày có cái nghị quyết nuôi mèo, Chiềng Sung được mùa, no ấm nhưng cũng thấy nhớ thịt chuột như vắng một cái gì đó thân thuộc...

Mùa A Sềnh bảo: Tết này chẳng còn thịt chuột ăn nữa. Từ ngày có cái nghị quyết nuôi mèo, Chiềng Sung được mùa, no ấm nhưng cũng thấy nhớ thịt chuột như vắng một cái gì đó thân thuộc...

Chuột nhiều như châu chấu

Ông Nguyễn Duy Đức - Bí thư Chi bộ bản Cao Sơn, xã Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La), trợn mắt: Chuột à. Cứ gọi là nhiều như châu chấu. Chúng chạy thành đàn đông nhung nhúc. Cái nương ngô của tôi rộng hơn 1ha, mới tra hạt xong buổi chiều, sang hôm sau ra xem đã bị chuột bới tan tành, ăn hết cả hạt giống.

Người dân Chiềng Sung nuôi mèo để diệt chuột phá ruộng đồng.

Sau đợt trồng giặm ấy, tôi phải vác gậy ra rình chuột mất tới gần nửa tháng trời, đến khi hạt ngô giống đã tiêu thụ hết, trở thành cây mới tạm yên lòng với lũ chuột. Hết phá phách ngoài nương, chúng lại kéo nhau về nhà. Thôi thì hạt thóc, hạt ngô bị chúng moi móc đánh chén đã đành; quần áo mặc vừa cởi ra, chỉ loáng sau đã thấy mấy vết rách. Khổ không chịu nổi…

Cái khổ về nạn chuột phá hại ở xã Chiềng Sung mấy năm trước đúng là hết chỗ nói. Nơi đây vốn là vựa ngô của huyện Mai Sơn. Những năm gần đây do đời sống của bà con được cải thiện nên thu ngô về là cứ tích lại đợi sau tết đạt giá cao mới bán.

Bởi thế nguồn ngô trở thành lực hút với đám chuột rừng đói khát lâu ngày. Chúng kêu con, gọi cháu, kéo nhau từ những xã lân cận như Chiềng Chăn, Tà Hộc, Mường Trùm… về Chiềng Sung hội tụ. Chuột mặc sức tàn phá ruộng nương, lương thực của người dân đến đau lòng. Ức lũ chuột lắm nhưng bà con cũng chỉ biết kêu than với nhau thôi.

Người lớn thì khó chịu vậy nhưng với cánh trai trẻ ở bản Ta Đứng, bản Cang, Púc… trong xã thì việc phát triển vô tội vạ của đàn chuột lại làm chúng thích thú. Bởi lẽ việc vác nỏ đi săn của chúng xưa nay vốn bị phản đối là nghịch ngợm, tàn sát chim thú nay lại được mọi người cổ vũ. Thêm vào đó, việc đi săn chuột luôn mang lại chiến lợi phẩm lớn.

Mùa A Sềnh, chàng thanh niên bản Ta Lứng, kể: Giống chuột núi này được ăn ngô nên con nào con nấy béo nung núc. Có đêm cháu bắn được tới 40kg chuột, về chế biến hết cả buổi sang mới xong.

Những hôm bắn được nhiều thì chặt đầu, bỏ ruột, ướp gia vị rồi hấp chín, đem phơi khô hoặc treo gác bếp để ăn dần. Thịt chuột khô vùi tro nóng ăn ngon như thịt dúi…

Nghe Sềnh kể về món thịt chuột mà muốn nuốt nước bọt nhưng bà Nguyễn Thị Quyền - Chi hội trưởng nông dân bản thì lại nhăn mặt: Ai mà ưa được cái lũ chuột ấy. Chúng hại của dân nhiều lắm. Chúng tôi làm bẫy, đánh bả khắp nơi, chuột chết thối khắp bản, ngày nào cũng nhặt đem chôn mà chẳng thấy đàn chuột giảm đi. Hình như cứ chết một con thì chúng lại kéo thêm về cả chục con khác. Đến khiếp…

Nghị quyết nuôi mèo

Bà Cà Thị Hoan - Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung khẳng định: Chuột đã từng là vấn nạn trong sản xuất và đời sống của người dân Chiềng Sung. Chả cần ra tới ruộng, nương; cứ ngồi trong nhà cũng nhìn thấy chuột kéo đàn, kéo đống. Chúng nhiều quá nên sinh ra bạo dạn, chẳng sợ người. Có khi đang ngồi uống nước chúng vẫn tới gặm chân. Xã nghĩ mãi, cuối cùng phải ra hẳn một nghị quyết về việc nuôi mèo để diệt chuột.

Cũng theo bà Hoan thì nguyên do cái nghị quyết nuôi mèo trong nhiệm kỳ 2006-2010 vừa qua của xã là bởi ngày ấy mèo ở Sơn La nói chung và Chiềng Sung nói riêng rất hiếm vì dân đánh bả chuột nhiều, mèo ăn phải, lăn quay ra chết. Giá con mèo giống lên tới cả vài trăm ngàn đồng.

Khi xã ra nghị quyết nuôi mèo diệt chuột phải đi kèm điều kiện cấm không cho dân đánh bả chuột để vừa không chết mèo, vừa không để xác chuột thối khắp nơi, ảnh hưởng tới môi trường trong xã.

"Nghị quyết ra đời và được triển khai tới từng hộ dân. Bà con hưởng ứng rất cao, tìm mua mèo ở khắp nơi về. Chỉ một thời gian ngắn cả xã đã có mấy ngàn con mèo. Nhà nào ít cũng có 2-3 con mèo, nhà tôi thì nuôi tới cả chục con. Đến nay chuột đã hết nhưng tôi vẫn còn tới 6 con mèo. Nuôi lâu cũng thành gắn bó nên không muốn bán"-bà Hoan kể vậy.

Khi xã ra nghị quyết nuôi mèo diệt chuột phải đi kèm điều kiện cấm không cho dân đánh bả chuột để vừa không chết mèo, vừa không để xác chuột thối khắp nơi, ảnh hưởng tới môi trường trong xã.

Anh Quàng Văn Tiến, nông dân bản Pó Lý, vừa vuốt ve con mèo cái lông vàng trong tay, vừa kể: Đây là con mèo lớn nhất trong số 5 con mèo tôi mua về từ 4 năm trước. Khi ấy chuột quá nhiều nên người ta bảo phải nuôi mèo thành đàn thì chúng mới dám tấn công chuột. Tôi buộc dây nhốt cả đàn trong kho ngô.

Ngay sau đêm đầu tiên đã thu được tới gần 70 xác chuột. Sướng quá, tôi ra ao đánh một con cá to về nướng cho mèo ăn nhưng chả thấy con mèo dòm ngó đến cá. Cứ tưởng mèo ốm, hoá ra chúng no thịt chuột, lại mệt nhoài nên chả hám ăn nữa.

Nghe người Chiềng Sung hào hứng kể về nghị quyết nuôi mèo và những thành công trong hành trình tận diệt đàn chuột núi trong xã để bảo vệ mùa màng, lại nhớ đến vẻ mặt tiếc rẻ của chàng trai trẻ Mùa A Sềnh với thú vui bắn nỏ và những món ngon từ thịt chuột.

Nhưng có một hiện thực đáng trân trọng là ở Chiềng Sung hôm nay đã không còn nạn chuột phá hại mùa màng và đời sống của người dân. Nghị quyết nuôi mèo của xã giờ đây cũng không còn được triển khai, đôn đốc, kiểm tra gắt gao như mấy năm trước nhưng bà con ở Chiềng Sung vẫn bảo vệ đàn mèo dù những chủ quán tiểu hổ quanh vùng luôn thăm hỏi, dò tìm mua nguồn thực phẩm sống đắt khách này.

"Người Chiềng Sung có thể tự hào về số lượng mèo hiện nay lớn nhất so với những xã khác trong tỉnh" - ông Đức tự hào, nói vậy.


Bình luận
vtcnews.vn