Chuyện lạ ở nơi cả làng “điên cuồng” với âm nhạc

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 21/05/2012 05:31:00 +07:00

(VTC News) - Mùa hè, bọn trẻ tụ tập kín sân nhà thờ để phùng má, trợn mắt thổi kèn, chơi đàn. Khắp làng vang âm thanh phồm phộp, phèn phẹt…

(VTC News) - Báo Đáp (xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định) là một ngôi làng cổ kính, theo đạo Thiên Chúa từ hơn trăm năm nay. Điều lạ là, mặc dù làng quê còn nghèo, cuộc sống phụ thuộc vào đồng ruộng và một vài nghề phụ, song người dân ở đây luôn lạc quan, hồn nhiên bởi vì họ yêu âm nhạc và chơi rất nhiều loại nhạc cụ.

Từ cô bé đang học lớp 1 đã biết kéo violon, gảy đàn tranh, đến ông già ốm yếu cũng vẫn gắng sức vật lộn với chiếc kèn Tây. Dân trong vùng thường nói vui rằng, người dân Báo Đáp “điên cuồng” với âm nhạc.

Đội kèn Tây có một không hai

Người dân xứ đạo Báo Đáp quen gọi ông Nguyễn Văn Điềm là “giáo sư âm nhạc”, bởi vì ông rành âm nhạc chẳng kém gì một nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Ông Điềm kể, từ khi còn bé tí tẹo, linh mục xứ Báo Đáp đã dạy ông biết thổi kèn. Chống cây kèn cao hơn đầu, tốn hơi lắm song ông vẫn kiên trì tập thổi. Ham âm nhạc nên chiều nào ông cũng đạp xe lên tận TP. Nam Định để đọc sách dạy nhạc lý ở thư viện.

Ông Điềm và bộ kèn Tây gồm 20 loại. 

Ông Điềm mở tủ lôi cho tôi xem bộ kèn Tây gồm 20 chiếc, từ cái nhỏ bằng chuôi dao, đến cái to như cột nhà. Ấy vậy mà, loại nào ông Điềm chơi cũng thành thạo.

Ông Điềm là thế hệ thứ 3 biết thổi kèn và hiện tại ông là “thầy đồ” dạy kèn cho cả làng. Tuy nhiên, dù là thầy dạy nhạc tài ba, song ông không có một đồng công, đồng lương nào.

Học trò của ông Điềm gồm đủ lứa tuổi, từ đứa trẻ đến cụ già 70 tuổi trong làng Báo Đáp. Mỗi ngày có 3 lớp học liên tục vào buổi sáng, chiều, tối. Dân làng kéo đến nhà ông ngồi rách cả chiếu để thổi kèn, học nhạc.

Ông Điềm thổi một chiếc kèn Tây khổng lồ. 

Mùa hè, khi bọn trẻ nghỉ học, chúng tụ tập kín sân nhà thờ, hoặc nhà ông Điềm để phùng má, trợn mắt thổi kèn. Suốt từ sáng đến đêm, khắp làng vang lên những âm thanh phồm phộp, phèn phẹt…

Hầu hết đàn ông ở làng Báo Đáp đều biết sử dụng một hoặc vài loại kèn Tây nào đó. Trong đó, có 50 người chơi giỏi như những nghệ sỹ thổi kèn Tây thực thụ. Họ là những thành viên của đội kèn Tây làng Báo Đáp đã nổi tiếng từ mấy chục năm nay.

Bình thường họ là những người nông dân chân lấm, tay bùn, song ở đâu có hội hè, cần họ góp vui là ngay lập tức họ trở thành nghệ sỹ với một bè kèn đồng hoành tráng. Họ nhiệt tình tham gia mà không cần tiền bồi dưỡng.

Thậm chí, có những người mãi Thanh Hóa, Nghệ An ra Nam Định để mời đội kèn Tây của Báo Đáp vào biểu diễn. Nghe các bác nông dân thổi kèn hay quá, người ta cứ giữ lại nhờ dạy cho nông dân xứ họ.

Một lão nông ở Báo Đáp mê kèn Tây nên sắm một bộ hoành tráng. 

Giờ đây, thỉnh thoảng người ta lại mời ông Điềm đi dạy nhạc, nhưng ông đã có tuổi, chẳng đi được xa, mà việc dạy nhạc cho bọn trẻ trong làng cũng đã ngốn hết thời gian.

Ông Điềm tiếc nuối: “Tôi đào tạo đám thanh niên rất bài bản, kỹ lưỡng nhưng rồi chúng toàn bỏ làng đi làm ăn xa, và chẳng có điều kiện để chơi kèn nữa, thành ra thấy công sức mình công cốc”.

Tuy nhiên, có một điều mà ông thấy vui và vẫn tâm huyết với chuyện dạy nhạc, đó là ông đã truyền cho cả một thế hệ trẻ trong làng niềm vui, niềm tin yêu vào cuộc sống qua âm nhạc.

Người Báo Đáp đã đi khắp năm châu bốn biển và nhiều người thành danh. Khi có tiền, có của họ lại nghĩ đến quê hương, lại đầu tư xây dựng trường học, đường sá cho đến cái rãnh thoát nước nơi quê nhà.

Ông Điềm không nhớ nổi đã có bao nhiêu thế hệ người Báo Đáp thành danh ở khắp nơi mà tuổi thơ của họ đã mê mẩn với những loại nhạc cụ này. Chỉ biết rằng, những cây kèn Tây này đã có mặt ở đây gần thế kỷ và họ vẫn giữ gìn như những vật báu của làng để truyền đam mê cho những thế hệ sau.

Ở Báo Đáp có một đội kèn Tây khủng, gồm các lão nông tri điền. 

Ngoài đội kèn Tây, làng Báo Đáp còn có đội bát âm với khoảng 100 lão nông tham gia. Các lão nông đều biết kéo nhị, chơi đàn nguyệt, thổi sáo, gõ trống thành thần. Nhà ai có đám tang, đội bát âm kéo đến, tiếng kèn, tiếng nhị ai oán khiến ai cũng rơi nước mắt.
 
 


Trong làng hiện có một đội trống có lẽ là có một không hai, với khoảng 60 tay trống cự phách, cũng toàn là lão nông tri điền. Đội trống này đã có từ vài chục năm nay. Trước đây, đội trống phục vụ nhà thờ, giờ thì phục vụ cả… bóng đá.

Anh Công, là con em làng Báo Đáp, hiện đang sống ở TP. Nam Định, là đội trưởng đội trống và cũng là cổ động viên cuồng nhiệt của đội tuyển Nam Định.

Mỗi khi có trận nào ở Nam Định, anh Công lại đánh ô tô về chở cả trẻ con lẫn bô lão trong đội trống Báo Đáp lên thành phố cổ vũ bóng đá.

Mỗi khi nghe thấy tiếng còi ô tô bíp bíp, các anh, các bác nông dân lại tạm gác công việc, vác trống kéo đi cả, đến tối mịt, mệt lử mới về. Trận nào có đội trống Báo Đáp cổ vũ thì trận ấy các cầu thủ hưng phấn đấu đá ra trò, khán giả cổ vũ cuồng nhiệt phải biết.

Khát vọng nuôi dưỡng tâm hồn lớp trẻ của cha xứ

Xứ đạo Báo Đáp có từ những năm 80 của thế kỷ 19. Các đời cha xứ đều là những người sành âm nhạc và họ chuyên tâm truyền thụ âm nhạc cho con chiên. Mỗi cha xứ giỏi một loại nhạc cụ cho nên đến bây giờ người Báo Đáp biết chơi đủ các loại nhạc cụ, từ nhạc dân tộc như đàn bầu, nhị, sáo đến các loại kèn Tây, oóc-gan, piano.

Chơi nhạc ở bất kỳ đâu. 

Cha xứ Trân là người được học chuyên ngành âm nhạc và được tu dưỡng nhiều năm ở nước ngoài nên rất giỏi về nhạc lý. Ông đã truyền cho cả một thế hệ nữ thanh niên làng Báo Đáp biết chơi đàn oóc-gan. Trong số đó có rất nhiều người thành đạt ở xa xứ, thậm chí có một cô đang tu nghiệp ở nước ngoài.

Ông Trân đang dang dở sự nghiệp dạy đàn cho con dân Báo Đáp thì phải chuyển vào một xứ đạo mãi trong miền Nam theo sự điều chuyển của giám mục giáo xứ Bùi Chu.

Giờ đây, người cai quản xứ đạo Báo Đáp là ông Phạm Xuân Thi. Từ khi mới sinh ra, ông Thi đã là con chiên ngoan đạo của xứ giáo Bùi Chu. Lớn lên trong cái nôi của những bản thánh ca, ông Thi sớm thấm được cái hồn của âm nhạc.

Ông Thi đang chỉ đạo một dàn nhạc tập luyện. 

Ngay từ nhỏ, cậu bé Thi đã ham mê âm nhạc. Lớn lên lại được chuyên tâm học hành nên ông khá giỏi về nhạc lý và có thể sử dụng thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ như đàn piano, oóc-gan, violin, đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn nguyệt…

Biết loại nhạc cụ nào, ông đều truyền dạy miễn phí cho bọn trẻ. Hiện tại, mỗi ngày ông dạy 4 lớp, một lớp oóc-gan, một lớp violon, một lớp đàn tranh, tam thập lục, đàn nguyệt và một lớp piano. Ngày chủ nhật, khi các em nghỉ học thì tập trung tất cả để học phối âm, phối khí. Một mình ông chỉ đạo cả giàn nhạc đồ sộ đến trăm người, từ học sinh lớp một đến các ông già, bà lão ở trong làng.

Cha xứ Phạm Xuân Thi rất chú ý và đầu tư dạy trọng tâm vào lớp trẻ, từ 6 đến 17 tuổi. Ông uốn nắn cẩn thận, tỉ mỉ từng nốt nhạc để tránh thói quen, tật xấu của các em khi sử dụng nhạc cụ.

 
Em bé Báo Đáp chơi đàn như nghệ sĩ thực thụ. 

Cha xứ Phạm Xuân Thi cho biết: “Việc học đàn violon rất khó và người thầy phải thật kiên trì. Nếu các cháu chịu khó và có năng khiếu thì sau này sẽ thành tài. Có một điều khiến tôi ngạc nhiên là các cháu nhỏ ở Báo Đáp học nhạc rất nhanh, dạy đến đâu các cháu thấm đến đấy”.

Hiện tại, ông Thi đang dạy gần 40 em chơi đàn violon và có 16 em đã chơi khá giỏi, mặc dù mới theo học được 3 năm. Ông Thi hy vọng sẽ đào tạo được một thế hệ nữ thanh niên sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này và ông cũng không giấu tham vọng là sẽ đào tạo được nhân tài chơi đàn violon cho đất nước từ những cô bé, cậu bé nơi miền quê thôn dã.

Chơi nhạc từ nhỏ, nên các thiếu nữ Báo Đáp có tâm hồn rất nghệ sĩ. 

Ngoài số em đã chơi được đàn violon còn có 25 em chơi được đàn tam thập lục, 12 em sử dụng thành thạo đàn tranh, 18 em chơi đàn piano, 15 em chơi đàn măng-đô-lin. Đặc biệt, hầu hết thiếu nữ xứ đạo Báo Đáp đều chơi được đàn oóc-gan.

Người dân Báo Đáp từ bé đã mê âm nhạc nên không tiếc công, tiếc của cho con mình đi học rồi bán thóc, bán gạo, thậm chí có người xẻ đất, dỡ nhà bán lấy tiền mua những chiếc oóc-gan có giá vài chục triệu cho con gái cưng của mình tập luyện.

Ngay như “giáo sư Điềm”, dù nghèo lắm song cũng sắm cho cô con gái út tên Thương, mới học lớp 8 một chiếc măng-đô-lin mấy triệu bạc. Giờ đây, vợ chồng ông đang nuôi tham vọng sắm tiếp cho cô con gái một chiếc oóc-gan. Ông bảo, đã dành được 5 triệu, bán tấn thóc nữa là đủ. Thế mới biết, người Báo Đáp mê âm nhạc đến mức nào.

Vậy là, hiện tại ở xứ giáo Báo Đáp, ngoài đội kèn Tây, đội bát âm, đội trống còn có cả một dàn giao hưởng khá hoành tráng mà cha xứ Phạm Xuân Thi là nhạc trưởng.

Hầu hết các thiếu nữ ở Báo Đáp đều biết chơi violon và oóc-gan. 

Trưởng giáp Nguyễn Tri Phương, cũng là người ham mê các loại kèn Tây cho hay: “Vì ham mê âm nhạc nên người Báo Đáp lúc nào cũng lạc quan, hồn nhiên, sống chan hòa với xóm giềng. Từ xưa đến nay ở làng không xảy ra kiện tụng, tranh chấp và cũng chưa phát hiện ra trường hợp nghiện hút, cờ bạc, vi phạm pháp luật nào. Trẻ con Báo Đáp ngoài lúc học văn hóa ở trường thì đều tham gia học nhạc nên chẳng biết chát chít là gì”.

Cha xứ Phạm Xuân Thi thì bảo: “Qua âm nhạc, tôi hy vọng sẽ mang lại cho các cháu một tâm hồn đầy chất nhân văn, lòng nhân hậu”.

Xứ đạo Báo Đáp ngập chìm trong ráng chiều đỏ thắm. Tiếng chuông từ nhà xứ vang vọng ngân nga. Chiều thánh ca chuẩn bị bắt đầu, mấy chục thiếu nữ giáo xứ Báo Đáp đeo đàn trên lưng kéo nhau đến nhà thờ. Âm nhạc lại rộn ràng cả xứ đạo.


Phong Diễm

Bình luận
vtcnews.vn