Chuyện lạ ở Đường Lâm: Hiếm gặp, nhưng không ngạc nhiên

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 10/05/2013 07:56:00 +07:00

(VTC News) - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói, trong đời làm bảo tồn của mình, ông chưa từng gặp việc xin trả lại danh hiệu như ở Đường Lâm ồn ào vừa qua.

(VTC News) - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói, trong đời làm bảo tồn của mình, ông chưa từng gặp việc xin trả lại danh hiệu như ở di tích quốc gia Đường Lâm ồn ào mấy ngày qua; tuy nhiên nguyên nhân của việc này thì không làm ông ngạc nhiên.

Gần một trăm người dân Đường Lâm ký đơn xin trả danh hiệu di tích quốc gia cho Nhà nước vì cảm thấy danh hiệu không cho họ gì ngoài sự bất tiện và mất tự do trong cuộc sống.

Xung quanh câu chuyện “có một không hai” này, phóng viên VTC News phỏng vấn KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, người nhiều năm nghiên cứu và quan tâm tới số phận của Đường Lâm .


KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích - BVHTTDL. 
- Chuyện như ở Đường Lâm vừa qua, ông từng gặp bao giờ chưa?

Việc này quả là hiếm gặp, song tôi không hề thấy ngạc nhiên.

Câu chuyện này cho thấy giữa những nhà quản lý và cộng đồng cư dân ở đây chưa tìm được sự đồng thuận, mà không đồng thuận thì xung đột xảy ra là tất yếu. Xung đột có thể biểu hiện bằng nhiều cách và đây là một cách biểu hiện của nó.


- Nhiều người coi hành động này chỉ là sự dằn dỗi của một bộ phận người dân. Nhưng trong trường hợp họ muốn trả di tích thật sự thì có thể không, thưa ông?


Động thái “xin trả lại di tích” có lẽ chỉ là những thông điệp bày tỏ những khó khăn, bức xúc của những người đang cảm thấy bất ổn trong việc mong muốn thực hiện những nhu cầu chính đáng của mình.

Mọi hoạt động liên quan đến di tích, di sản được điều chỉnh bằng luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp lý liên quan, trong đó không có khái niệm “trả lại di tích”. Có thể hiểu rằng đây là sự bày tỏ ý kiến về những vấn đề còn chưa hợp tình, hợp lý trong quản lý di tích này.

-Nhiều người có thể trách lẽ ra dân Đường Lâm nên có “tinh thần di tích” nhiều hơn để đặt lên tất cả là niềm tự hào với việc quê hương mình được thành di tích quốc gia. Nhưng được biết, trừ khoảng mấy chục hộ có nhà cổ, những hộ làm dịch vụ phục vụ du lịch và bộ phận quản lý di tích, còn thì đa phần người dân không được hưởng lợi gì từ di tích. Theo ông, có vấn đề gì bất hợp lý trong sự phân chia lợi ích này?

Tôi cho rằng “tinh thần di tích” của người dân không hề nhỏ, nó là một phần của lòng yêu quê hương, thành kính với tổ tiên, cội nguồn mà người mình ai cũng có thậm chí rất sâu nặng. Nhưng có lẽ bao trùm tất cả phải là “tinh thần sống”, cuộc sống bất ổn thì chẳng có tinh thần nào không bị lung lay.

Theo tôi có lẽ đây chưa phải là vấn đề phân chia lợi ích, tiền thu được từ bán vé vào tham quan di tích cũng không phải để và không thể chia cho người dân. Vấn đề quan trọng là các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di tích không được ảnh hưởng, cản trở cuộc sống thường nhật của họ. Những nhu cầu chính đáng và hợp lý của mọi người dân sống trong di tích phải được quan tâm giải quyết thỏa đáng.
làng cổ Đường Lâm
Cưỡng chế phá dỡ nhà ở Đường Lâm vì xây dựng trong khu vực 1 của di tích. (Ảnh: Lãng Quân)
- Để vừa đảm bảo đời sống của người dân vừa bảo tồn di tích, Hội An có thể cho Đường Lâm bài học như thế nào?

Bài học của Hội An là sự cân bằng lợi ích. Khi Hội An được vinh danh, được biết đến nhiều hơn, phát triển theo chiều hướng đi lên với tư cách là một di sản thì cuộc sống của người dân nơi này cũng tốt lên. Chính quyền và người dân đã có được sự đồng thuận, cùng chung sức bảo tồn và phát triển.

Tất nhiên, để có được điều này không hề dễ dàng, không phải bỗng dưng ông Nguyễn Sự, bí thư thành ủy Hội An được trao giải thưởng vì sự nghiệp văn hóa, giáo dục: Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2010.

- Với tư cách là cơ quan tư vấn cho B VHTTDL, Viện Bảo tồn Di tíchcó thể đề xuất một giải pháp cụ thể cho Đường Lâm: Giãn dân hay nên có một mô hình cụ thể về kiểu nhà mà họ được phép xây dựng, để vừa đảm bảo điều kiện sống vừa không xâm phạm cảnh quan di tích?

Giải pháp đối với Đường Lâm có lẽ cũng không phải cái gì khác là sự đồng thuận, nghe thì có vẻ không cụ thể nhưng điều đó nếu có được sẽ là cơ sở để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Giãn dân hay hỗ trợ người dân cải tạo, xây dựng mới một cách phù hợp với không gian di tích đều là những việc cụ thể cần làm.

Trên thực tế rất cần những đối thoại, chia sẻ giữa chính quyền, người dân, chuyên gia để thực sự cùng nhau tìm lối đi trên con đường không mấy dễ dàng trong việc tạo ra sự cân đối giữa bảo tồn và phát triển.
làng cổ Đường Lâm
Tuy nhiên, bên cạnh nhà bị phá dỡ, vẫn tồn tại ngang nhiên những nhà cao tầng. Đó là điều khó hiểu tại Đường Lâm. 
- Xin ông cho biết cụ thể quy định trong Luật Di sản Văn hóa về xây dựng trong khu di tích quốc gia, nhất là trong khu vực 1? Hiện việc xây dựng ở Đường Lâm bị quy định một cách cứng nhắc, bất kì một xây dựng nào dù chỉ là cái nhà vệ sinh ở trong nhà, cũng phải có giấy tờ xây dựng…

Luật Di sản văn hóa đưa ra những nguyên tắc, quy định cơ bản nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích một cách hữu hiệu nhất. Giải quyết các vấn đề cụ thể đối với di tích hay các vấn đề liên quan đến di tích là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực này.

Không có một “công thức” cố định nào áp dụng cho tất cả các di tích vốn dĩ vô cùng phong phú, đa dạng; đặc biệt là đối với các di tích là khu vực cư trú có quy mô lớn như khu phố cổ, làng cổ thì lại càng phức tạp và đặc thù.


Làng cổ Đường Lâm là di tích nhưng đồng thời vẫn là một “cơ thể sống” như bất cứ ngôi làng nào trên đất nước này. Trong khu vực 1 của di tích, bên cạnh những yếu tố quan trọng cấu thành đặc điểm và giá trị của di tích còn có vô vàn những thành phần khác cần thiết cho cuộc sống của cộng đồng mà không phải là yếu tố gốc cấu thành di tích.

Vì vậy không nên đưa ra những quy định cứng nhắc gây phiền hà cho mọi người trong những nhu cầu thông thường của cuộc sống.

Để có thể quản lý, điều chỉnh các hoạt động xây dựng trong làng cổ Đường Lâm vừa đúng luật vừa tạo điều kiện cho sự tồn tại và phát triển tự nhiên của khu vực này đòi hỏi sự thấu hiểu và năng lực chuyên môn của các nhà quản lý và tư vấn.
làng cổ Đường Lâm
Việc giãn dân tiến hành chậm, gây nên nhiều cảnh khổ. Như trong ảnh, khoảng 90 em nhỏ học trong một lớp mẫu giáo ở làng Mông Phụ - khu vực 1 của di tích quốc gia Đường Lâm (Ảnh: Lãng Quân). 
Đường Lâm
Mùa đông còn đỡ, mùa hè, các cháu nhỏ thật đáng thương. Phòng không có điều hòa (Ảnh: VNN). 
-
Được phong di tích quốc gia từ 2006 nhưng đến nay làng cổ Đường Lâm vẫn chưa có quy hoạch chính thức cũng chưa có quy chế chính thức nào về việc xây dựng trong khu di tích. Theo ông như thế có quá chậm trễ?

Việc xem xét phê duyệt bộ hồ sơ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm là rất phức tạp vì nó liên quan đến quá nhiều vấn đề kinh tế xã hội.

 

Làng cổ Đường Lâm là di tích nhưng đồng thời vẫn là một “cơ thể sống” như bất cứ ngôi làng nào trên đất nước này... Vì vậy không nên đưa ra những quy định cứng nhắc gây phiền hà cho mọi người trong những nhu cầu thông thường của cuộc sống.


 
Riêng việc điều chỉnh để đưa một con đường lớn đã được Chính phủ phê duyệt trong một quy hoạch xây dựng khác trước đây ra khỏi khu vực bảo vệ của làng cổ theo đề xuất của quy hoạch bảo tồn, đã đòi hỏi một thời gian khá dài.


Dẫu biết vậy nhưng việc xem xét phê duyệt quy hoạch bảo tồn này vẫn là quá chậm trễ.

Tuy nhiên cũng không nên coi quy hoạch này là “cây đũa thần” có thể giải quyết mọi việc. Trong hồ sơ quy hoạch sẽ không có nội dung giải quyết các vấn đề cụ thể như xây nhà vệ sinh đã nêu ở trên. Do đó, nếu có cách tiếp cận đúng thì có rất nhiều việc không cần phải chờ quy hoạch mới làm được.

- Về Đường Lâm, ông cảm nhận ra sao về thực trạng bảo tồn di tích và cảnh quan di tích nơi đây?

Ngoài một số ngôi nhà ở đã được xây dựng với quy mô và kiểu cách mới không phù hợp với khung cảnh chung của làng cổ và hình ảnh quen thuộc của làng quê truyền thống, nói chung không gian cảnh quan tại các khu vực quan trọng trong tổng thể các làng cổ ở Đường Lâm hiện được bảo tồn khá tốt. Những yếu tố dịch vụ chưa phù hợp thường là các lều quán tạm nên hoàn toàn có thể điều chỉnh được.

Tôi cho rằng nếu thực sự quan tâm và tập trung giải quyết, vẫn có khả năng bảo tồn tốt di tích làng cổ hiếm hoi và có giá trị đặc biệt này đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống ở làng quê này phát triển một cách bình thường.

-UNESCO đang xem xét làng cổ Đường Lâm thành di sản văn hóa thế giới. Câu chuyện đau lòng mà báo chí Việt Nam nêu mấy ngày nay cho thấy vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và cuộc sống của người dân đã không được giải quyết tốt. Nếu UNESCO biết câu chuyện này, nó có thể ảnh hưởng tới lộ trình Di sản thế giới của Đường Lâm?

Việc UNESCO đánh giá để đưa một di tích nào đó vào danh sách Di sản thế giới bao gồm cả việc xem xét các phương hướng, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như quản lý di sản hợp lý và hiệu quả trong cuộc sống đương đại. Có nghĩa là câu chuyện này có thể là những yếu tố không tích cực cho việc xem xét làng cổ Đường Lâm.


Nhưng theo tôi điều đó có lẽ không quá quan trọng, vấn đề làm sao để bảo tồn di tích, phát huy giá trị của nó nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cộng đồng mới là điều đáng quan tâm và cần phải làm.

- Xin cảm ơn ông.

Lâm Đường(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn