Chuyện lạ một gia tộc có trên 40 người đăng ký hiến xác

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 30/05/2012 06:00:00 +07:00

Hiện nay, số người đăng ký hiến xác cho y học trong đại gia đình cụ Dương Tự Tín đã vượt qua con số 40 thành viên…

Hiện nay, số người đăng ký hiến xác cho y học trong đại gia đình cụ Dương Tự Tín đã vượt qua con số 40 thành viên…

"Chết không có nghĩa là hết", bỏ qua quan niệm "mồ yên mả đẹp" khi về cõi vĩnh hằng. Khi qua đời, thi hài người quá cố lần nữa được "sống lại", cống hiến cho việc nghiên cứu khoa học, giúp cho các sinh viên trường y có điều kiện nghiên cứu và học tập. Cụ Dương Tự Tín (SN 1926, ngụ xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là người khởi đầu cho phong trào hiến xác, phục vụ nghiên cứu khoa học ở xã Hòa An, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Nghĩa cử cao đẹp ấy của cụ Tín, suốt 6 năm qua đã được con cháu trong dòng họ, người thân, hàng xóm… kính trọng và học tập làm theo. Lần lượt những thành viên trong gia đình cụ Tín đều tình nguyện noi theo gương cha, ông mình. Và hiện nay, số người đăng ký hiến xác cho y học trong gia đình này đã vượt qua con số 40 thành viên…

Ông lão nhân hậu


Vào một ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà cụ Dương Tự Tín ở Hòa An, người đã qua đời cách đây 6 năm. Dù đã rời xa cõi trần nhưng những việc ông làm và để lại hiện đang có sức lan tỏa đến con cháu trong gia đình và những người hàng xóm xung quanh. Một nghĩa cử cao đẹp, hiến xác phục vụ cho y học.

Ban đầu, khi nghe chúng tôi giới thiệu là phóng viên, và muốn viết bài về trường hợp ông cụ Dương Tự Tín, thì chị Dương Thị Gián (con gái lớn của cụ - PV) từ chối thẳng thừng. Theo chị, việc cha mình (cụ Tín) và những thành viên trong gia đình đăng ký hiến xác là cũng chỉ có ý tốt muốn giúp đời, giúp xã hội chứ chả có gì phải lên báo cả!

Các nhân viên, bác sĩ Trường ĐH Y Dược TP HCM thắp nén nhang thành kính trước bàn vong của cụ Mận trong ngày tang lễ. 

Nhưng một hồi tỉ tê, nghe chúng tôi tâm sự và nói ý nghĩa về việc hiến xác cho y học và việc làm của ông cụ Tín là một nghĩa cử rất đáng trân trọng để mọi người noi theo. Khi đó, chị Gián mới đồng ý để chúng tôi vào nhà và thắp cho ông cụ một nén nhang để tỏ lòng thành kính với người quá cố.

Trong căn nhà cổ xưa, lót gạch tàu còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật của cụ Tín. Từ chiếc võng nằm, chiếc giường, bộ máy vi tính… của cụ Tín sử dụng khi sinh thời vẫn còn được giữ nguyên.
 
 


Theo lời chị Gián thì, sở dĩ căn nhà còn giữ nguyên như thế này là do khi cụ Tín còn sống mấy anh em trong gia đình đã nhiều lần gợi ý cất nhà cao để cho tiện sinh hoạt nhưng ông cụ nhất quyết không đồng ý, mà muốn giữ lại ngôi nhà như vẻ ban sơ, giản dị đậm chất lối kiến trúc Nam Bộ.

Chị Gián kể rằng, lúc còn sống cụ Tín là người rất nghiêm khắc và lễ giáo. Việc đối nhân xử thế, lễ nghĩa với những người xung quanh được ông cụ rất xem trọng. Nhưng đồng thời, ông cũng là người nhân nghĩa, giàu lòng nhân ái từ việc chẩn bệnh, bốc thuốc cho người nghèo, hay giúp các em nhỏ hiếu học có điều kiện đến trường.

"Ngày trước ông cụ là thầy thuốc. Ông thường bốc thuốc miễn phí cho người nghèo. Tuy tuổi cao nhưng ông cụ rất thích đi xe đạp và lên mạng xem báo. Ở xóm thấy đứa nào ham học thì ông lại cho tiền mua sách vở, thậm chí cả xe đạp để tụi nhỏ có điều kiện đến trường", ông Năm Đức một người hàng xóm kể lại.

Dẫn chúng tôi tham quan căn nhà, chị Gián chỉ vào những kỷ vật mà cụ Tín sử dụng khi còn sống, trong đó có dàn máy vi tính. Chị Gián nhớ lại: "Có lẽ nhờ những thứ này (dàn máy vi tính - PV), ngày nào cha tôi cũng lên mạng đọc báo và xem tin tức.

Những thông tin trên các báo và Internet có lẽ đã làm cho cha tôi thấy rõ việc hiến xác là cần thiết. Thế rồi trong những lần cả gia đình trò chuyện, ông đã bày tỏ ý nguyện muốn hiến xác cho Trường đại học Y dược TP HCM nghiên cứu khoa học, phục vụ cho xã hội sau khi qua đời".

Việc làm xưa nay hiếm

Chuyện đăng ký hiến xác cho y học thì không mới. Nhưng ở Hòa An, một xã vùng ven của TP Cao Lãnh thì việc làm của cụ Tín là xưa nay chưa có. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết gia đình cụ Tín là gia đình có truyền thống cách mạng, nuôi giấu cán bộ ở địa phương và nhận được nhiều Huân chương khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Bốn người con của cụ gồm: Dương Thị Gián, Dương Thị Hối, Dương Văn Tài, Dương Văn Khuyến nay đều đã thành đạt và có vị trí trong xã hội.

Anh Dương Văn Tài - con trai thứ của cụ Tín và cũng là người đi tìm mẫu đơn cho ông cụ đăng ký hiến xác bộc bạch: "Cái ngày ông cụ nói muốn đăng ký hiến xác cho y học, con cháu trong gia đình ai cũng muốn té ngửa vì điều này. Trong thâm tâm chúng tôi không ai muốn cả vì theo tập quán muôn đời, người chết cần có được mồ yên mả đẹp để con cháu đến viếng. Tuy nhiên, sau nhiều lần nghe ông cụ thuyết phục, mấy anh em trong gia đình đều đồng ý vì ý nghĩa nhân văn của việc hiến xác".

Chị Dương Thị Gián, con gái lớn cụ Tín, bên tấm bảng vinh danh của cha mình do Trường ĐH Y Dược TP HCM kính tặng. 
Có đơn, cụ Tín tự tay điền đầy đủ thông tin cần thiết và mang xuống xã xác nhận. Nhưng việc làm khi đó của ông cụ đã khiến các cán bộ địa phương bỡ ngỡ không xác nhận vì nó quá "lạ lẫm" và xưa nay ở Hòa An chưa có ai làm như thế cả.

Cái lạ lẫm của cụ Tín là bỏ qua quan niệm mồ yên mả đẹp có từ ngàn xưa mà thay vào đó là thi thể người quá cố sẽ được chuyển cho Trường đại học Y Dược TP HCM nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên sau nhiều lần nghe cụ Tín giải thích, người cán bộ địa phương cũng bị thuyết phục bởi nghĩa cử cao đẹp của cụ và ý nghĩa của việc hiến xác nên đã giúp cho ý nguyện của cụ Tín được thành hiện thực.

Năm 2007, sau một cơn bạo bệnh cụ Tín đã qua đời. Trước khi mất, biết mình không qua khỏi nên cụ Tín đã nhắc con cháu gọi ngay cho Trường đại học Y Dược TP HCM xuống nhận xác. Anh Dương Văn Tài kể lại: "Cha tôi luôn tâm niệm sống là giúp ích cho đời, cả khi chết cũng vậy. Chính vì thế khi bị bệnh nặng, biết mình không qua khỏi, ông nhắc chúng tôi phải báo cho Trường đại học Y Dược TP HCM đến nhận xác".

Đám tang của ông cụ diễn ra một cách giản dị. Thi hài người quá cố được quàn một tấm khăn trắng không qua tẩm liệm, đặt phía sau bàn vong nghi ngút khói hương. Khách đến viếng, đốt nén hương tỏ lòng thành kính với ông cụ và đứng dạt thành hàng qua hai bên.

Khi đó, chiếc xe của cơ sở mai táng cũng đỗ xịch trước hiên nhà. Những người trên xe mặc áo blouse trắng của Trường đại học Y Dược TP HCM bước xuống. Trước bàn vong, cả nhóm đốt nén nhang khấn vái tỏ lòng thành kính với người quá cố.

Và sau đó, tiến đến bên thi hài làm những thủ tục cần thiết rồi đưa thi thể vào túi nylon có dây kéo khóa lại. Sau đó, 4 người nâng xác lên cao đưa vào chiếc hòm sắt để gần đó và đậy nắp. Một tấm vải màu đỏ viền tua chung quanh và dòng chữ : "Đại học Y Dược TP HCM, quà tặng cho sự sống" phủ lên trên. Và chiếc xe đưa thi thể cụ Tín chạy về trường theo di nguyện của cụ.

Đưa tiễn ông cụ đến Trường đại học Y Dược TP HCM và được tận mắt chứng kiến nhà trường tiếp nhận bảo quản thi hài người cha thân yêu của mình. Lúc ra về, cảm giác bịn rịn lưu luyến của những người thân trong gia đình của chị Gián chưa hết, thì điều bất ngờ đã đến. Cụ Phan Thị Mận (vợ cụ Tín) nói với các con rằng bà cũng sẽ hiến xác cho khoa học như chồng mình...

Bên mái hiên căn nhà cổ là một khoảng sân rất rộng, trồng nhiều hoa lan. Những lẵng hoa rất đẹp, treo lủng lẳng trên thân cây bưởi sai trĩu quả giữa sân. Thi thoảng có cơn gió thoảng qua, lại tỏa hương thơm ngào ngạt khiến những người khách lạ như chúng tôi có cảm giác rất thoải mái, như về chính căn nhà của mình.

Chỉ vào những giỏ lan, chị Gián cười nói rằng: "Khi còn sống, mẹ tôi rất thích ngắm hoa. Bà bảo khi nào mình mất đi, hãy cắm thật nhiều hoa trên mộ. Nhưng khi nghe mẹ nói muốn hiến xác cho Trường đại học Y Dược TP HCM nên từ đó anh chị em chúng tôi mua hoa lan trồng để hàng ngày bà có thể ngắm thỏa thích".

Cũng như cụ Tín, vào cuối tháng 3/2012, cụ Phan Thị Mận qua đời ở tuổi 86. Thi hài của bà Mận cũng được chuyển cho Trường đại học Y Dược TP HCM để giúp ích cho các công trình nghiên cứu. Bà Gián ngậm ngùi: "Ngày mẹ mất, rất nhiều vòng hoa của khắp nơi kính viếng, vì mọi người biết bà rất thích hoa. Khi đưa mẹ về trường, mấy anh chị em chúng tôi vô cùng thương tiếc nhưng ai cũng thấy tự hào vì việc làm cao cả này".

Phong trào hiến xác lan tỏa

Sau khi thấy cha mẹ hiến xác, mấy anh chị em của bà Gián cũng tình nguyện đăng ký hiến xác và vận động người thân trong dòng họ cùng làm công việc ý nghĩa này. Trực tiếp là anh Dương Văn Tài - con trai thứ cụ Tín đã photo nhiều mẫu đơn đăng ký hiến xác để ở nhà và cơ quan cho mọi người biết để hưởng ứng.

Anh Tài cho biết, trong gia đình mình hầu hết anh, chị em của anh đã hiến xác cho khoa học, vợ anh, ba mẹ vợ, anh vợ, chú và những người thân khác… cũng đã đăng ký hiến xác. Cho đến nay, trong gia đình này đã có hơn 40 người tình nguyện đăng ký hiến xác cho khoa học.

Bà Nguyễn Thị Lan (phường 6, TP Cao Lãnh) xúc động: "Chứng kiến người thân mất đi đã là một điều vô cùng đau đớn. Nhưng việc nén nỗi đau để đưa thân xác người thân phục vụ cho y khoa, có thể nói đó là những con người rất cao cả vì thực hiện theo di ngôn người đã chết. Gia đình cụ Tín đã góp phần tạo ra phong trào hiến xác cho cả địa phương".

Cũng vì thế mà sau đám tang của cụ Mận, đã có thêm 3 trường hợp ở địa phương tìm anh Tài xin mẫu đơn đăng ký hiến xác. Hay như trường hợp của một cô giáo sống ở thị xã Sa Đéc cũng nhờ anh Tài chuyển mẫu đơn để đăng ký hiến xác…

Một cán bộ xã Hòa An cho biết, việc gia đình cụ Tín tình nguyện hiến xác đã khiến cho quan niệm chết toàn thây với ngôi mộ chỉn chu từ bao đời nay của người dân nơi đây bị lung lay. Bà con cũng đã nhận thức được nghĩa cử cao đẹp này và đang dần biến thành phong trào lan tỏa đi nhiều nơi.

Càng ngày, họ càng hiểu ra rằng chết không có nghĩa là hết. Chết nhưng cái chết còn giúp được nhiều người sống mới là một việc làm vô cùng ý nghĩa... Trước khi ra về, chúng tôi được phép thắp nén nhang cho vợ chồng cụ Tín. Trên bàn thờ có một thứ rất quý giá đó là tấm bảng vinh danh cụ Dương Tự Tín của Trường đại học Y Dược TP HCM. Chị Gián xúc động: "Chắc dưới suối vàng cha tôi sẽ mỉm cười vì việc làm của mình".


Văn Vĩnh - CAND

Bình luận
vtcnews.vn