Chuyện lạ kể từ bệnh viện: Lãnh án kỷ luật oan vì… ngáp

Sức khỏeThứ Tư, 01/09/2010 06:27:00 +07:00

(VTC News) – Đêm tỉnh táo làm việc, ngày liên tục ngáp. Đêm muốn ngủ nhưng mắt cứ chong chong. Ngày dự cuộc họp quan trọng mà vẫn cứ gà gật.

(VTC News) – Đêm tỉnh táo làm việc, ngày liên tục ngáp. Đêm muốn ngủ nhưng mắt cứ chong chong. Ngày dự cuộc họp quan trọng mà vẫn cứ gà gật. Không ít người mắc phải căn bệnh đảo nhịp thức ngủ do tính chất công việc cũng như sự chủ quan của chính mình.

Kỷ luật oan vì… ngáp

Một nhóm các chiến sĩ, được phong anh hùng, được thăng cấp tướng tá, được đưa ra Bắc làm việc vì đạt được những chiến công hiển hách, đã bị kỷ luật vì… ngáp.

Chuyện xảy ra từ thời chiến tranh, và căn bệnh của họ là hệ quả của một thời gian dài làm việc trong một môi trường đặc biệt.

 Sắp xếp để giấc ngủ không bị ám ảnh bởi công việc là điều bạn phải làm để đảm bảo sức khỏe của chính mình. Ảnh minh họa nguồn Internet

Đó là đội tài xế đường Trường Sơn năm nào, chạy dọc chiều dài đất nước trong một hoàn cảnh chiến tranh hết sức đặc biệt. Cứ đêm đến, họ bật đèn gầm, chạy rong ruổi suốt đêm để tránh máy bay oanh tạc. Ngày về, họ lại cho xe vào hang, mắc võng ngủ. Cứ thế, sống trong chiến trường suốt 9 năm liền, lấy ngày làm đêm, đêm làm ngày, họ đã thay đổi cả nhịp sinh học của cơ thể để thích nghi với công việc.

Tuy nhiên, sau khi được phong chức, phong anh hùng, ra ngoài bắc làm việc, họ lại bị kỷ luật vì chính đặc thù công việc năm xưa.

“Buổi sáng, cứ đến giờ họp họ lại ngồi ngủ gật, ngáp liên tục mặc dù đó là những người nhiều thành tích, tính kỷ luật cao. Vậy mà khi bị nhắc nhở, phê bình, họ vẫn không thể từ bỏ được thói quen… ngáp khi họp, gà gật cả ngày, thiếu linh hoạt, không đáp ứng được với công việc. Và cuối cùng họ bị kỷ luật rồi sau đó chuyển vào bệnh viện chữa trị. Tôi là một trong những bác sĩ tham gia chữa bệnh cho những chiến sĩ này. Cũng mất khá nhiều thời gian vì họ mất những 9 năm thay đổi nhịp sinh học bình thường của con người” – BS Ngô Thanh Hồi cho biết.

Bệnh tái xuất trong cuộc sống hiện đại

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong thời gian gần đây, nhiều người đã phải tìm đến các bệnh viện sức khỏe tâm thần để chữa trị chứng đảo nhịp thức ngủ, do không làm chủ được công việc của mình.

Một trong những thành phần hay phải đến tham vấn bác sĩ sức khỏe tâm thần chính là các y tá, bác sĩ phẫu thuật, bảo vệ và thậm chí là các phóng viên.

Khi giấc ngủ khó đến với bạn, là lúc cơ thể sắp biểu tình vì mệt mỏi. Ảnh minh họa nguồn Internet 

“Đợt World Cup vừa qua, đã có một trưởng phòng biên tập của đài truyền hình lớn đến tìm tôi để năn nỉ giúp cho anh ấy… ngủ được vào buổi đêm! Anh ấy kể, trước đây, cứ đêm đến lại thấy tỉnh táo, xử lý công việc nhanh, và ngày thì có thể ngủ lúc nào tùy thích. Nhưng bây giờ, đến ngày cũng không ngủ được. Đêm lại càng tỉnh táo. Thậm chí, xin nghỉ phép hẳn 1 tuần, đi du lịch, nhưng vẫn thức chong chong hằng đêm. Thế nên, dần dần, anh ta cảm thấy suy yếu, mệt mỏi, bồn chồn, bất an, lo âu, nhịp tim nhanh” - BS Hồi kể về một trường hợp đã bị đẩy đi quá xa, không làm chủ được công việc, tham việc dẫn tới sức khỏe bị ảnh hưởng. Trường hợp này, BS Hồi đã buộc phải bắt bệnh nhân của mình rời xa công việc một thời gian ngắn, đi nghỉ dưỡng thực sự với liệu pháp điều trị nghiêm túc.

Các doanh nghiệp, vào mùa làm ăn, cũng không ít người bị cuốn vào guồng quay công việc, làm việc ngày đêm. Có doanh nghiệp còn có hẳn “văn hóa” họp từ 10h đêm đến 4h sáng hôm sau, tổ chức ăn tối, ăn khuya tại công ty và có nơi ngủ lại để sáng mai làm việc như bình thường. Điều này khiến không ít các nhân viên rơi vào cảm giác mệt mỏi sau mỗi đợt tăng tốc như thế.

Một số người, là y tá, bác sĩ hẳn hoi nhưng do lượng công việc quá lớn, phải thường xuyên trực đêm, phải căng mình ra để thích nghi với các ca mổ gấp xuyên đêm, dẫn tới quá tải, thần kinh căng thẳng, xâm phạm giấc ngủ dẫn tới rối loạn, rạc cả người.

“Vấn đề là chế độ, vệ sinh giấc ngủ họ không hề quan tâm. Đây không còn là việc đảm bảo sự sống còn như các anh bộ đội ngày xưa, mà là tầm lao động trí óc nên hao tổn tâm trí hơn nhiều. Có thể ban đầu, do hào hứng công việc, nhiệt tình, động cơ cống hiến là tốt đẹp nên họ không thấy mệt mỏi. Nhưng đến một lúc nào đó, cơ thể phải ốm, vì quá sức chịu đựng. Mọi người không hiểu rằng, giấc ngủ quý giá cho sức khỏe nhường nào. Một giấc ngủ ngon, đủ, sâu, nó tái tạo tới mọi tế bào trong cơ thể, giúp cơ thể tràn đầy năng lượng để sống tiếp một cuộc sống khỏe mạnh” – BS Hồi cho biết.

Do đó, ngay khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thì đó là dấu hiệu để bạn phải điều chỉnh ngay nhịp công việc của mình, tránh tình trạng đến lúc muốn ngủ lại không ngủ được là lúc cơ thể đã quá mệt mỏi, là mắc bệnh rối loạn nhịp thức ngủ. Bệnh này có khi buộc bạn phải nằm viện, an dưỡng, điều trị vài hôm mới lại được sức khỏe.


HL

Bình luận
vtcnews.vn