Chuyện kỳ quái quanh chiếc ghế lãnh đạo VFF

Thể thaoThứ Ba, 20/10/2015 07:39:00 +07:00

VFF đang sở hữu bộ máy điều hành dựa trên những chiếc được bầu bán rất...kỳ quái.

Nói không quá, thất bại của thầy trò HLV Miura trước Thái Lan chẳng phải là một thảm họa gì ghê gớm. Bởi thực tế, điều này đã luôn xảy ra trong suốt chiều dài trở lại với sân chơi khu vực của bóng đá Việt Nam. Và nó càng bình thường hơn, khi mà chúng ta đang sở hữu bộ máy điều hành dựa trên những chiếc được bầu bán rất...kỳ quái.

Từ cuộc đua vào ghế chủ tịch


Không nói câu chuyện kinh doanh, nếu như ở lĩnh vực bóng đá đương kim chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã có chiến thắng rất lớn vào chiếc ghế này ở nhiệm kỳ 7 cách đây hai năm.

Đó thực sự là một chiến thắng khá vĩ đại của doanh nhân khá nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng. Không hoành tráng sao được khi chỉ gần như một mình ông Dũng tiến thẳng vào ghế chủ tịch VFF.
Lê Hùng Dũng
 Lê Hùng Dũng giành ghế chủ tịch VFF
Và không biết bằng cách nào, cựu chủ tịch HFF đã khiến tất cả các đối thủ (nói thì nghe nhiều, nhưng thực tế chỉ là 2,3 cái tên mà thôi) tự động rút lui, hoặc cho thấy cả sự uể oải trên cuộc đua và nhìn ông Lê Hùng Dũng về đích với 96,7% số phiếu bầu.

Ở một cuộc đua vào ghế nóng cũng rất béo bở như chiếc ghế chủ tịch VFF tưởng hào hứng lắm, tưởng đông ứng viên lắm. Rốt cuộc chỉ có vài cái tên tham gia, và chuyện ông Lê Hùng Dũng chiến thắng cũng rất dễ hiểu.

Quay lại với vòng kiểm tra tư cách nhân sự ứng cử, luật sư Trần Vũ Hải một người ngoại đạo đã ứng thí. Nhưng rốt cuộc bị loại ngay ở "vòng gửi xe", thành thử cuộc đua vào ghế nóng chỉ toàn là người nhà.

Nên nhớ, đây cũng không phải lần đầu tiên VFF so bó đũa chọn cột cờ và người chiến thắng chức chủ tịch cũng rất quen thuộc như thế. Nhưng, vẫn kỳ vọng vào một sự tử tế nào đó trước khi đại hội diễn ra.

Tuy nhiên tất cả đã lầm. Và chiếc chủ tịch VFF chỉ thay người ngồi, còn bản chất vẫn là như thế thì đừng hỏi vì sao tổ chức xã hội nghề nghiệp này ngày càng mất uy tín...

Ắt hẳn giờ không còn nhiều người nhớ đến nghi án đội U23 Việt Nam bán độ ở BTV cup 2013 tại Bình Dương để rồi khiến HLV trưởng Hoàng Văn Phúc bị VFF "tuýt còi" cho tới trước khi SEA Games 27 diễn ra.
Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
Lãnh đạo VFF liên tiếp đối mặt với sóng gió (Ảnh: VSI)
Ở nghi án ấy, trưởng đoàn Trương Hải Tùng không thể tránh khỏi trách nhiệm khi U23 Việt Nam dù dẫn 3-1 với thế trận trên cơ trước Bangu Atletic nhưng để gỡ hòa vào cuối trận.

Và thực tế, ông Hải Tùng đã phải nhường vị trí trưởng đoàn cho cựu TTK Ngô Lê Bằng ở SEA Games diễn ra tại Myanmar. Nhưng, điều đáng nói ông Tùng vẫn ở lại VFF, và đảm nhận chức vụ GĐTT đào tạo trẻ của tổ chức này.

Nên nhớ, ông Tùng là người yêu cầu đội U23 chơi chùn chân để giữ sức chọn đối thủ ở bán kết của một giải giao hữu lại na ná như chuyện Quốc Vượng cùng đồng đội ở Bacolod năm nào, tức có dàn xếp một tỉ số chứ không đơn giản là tính toán về chuyên môn...

Một câu chuyện không biết có liên quan hay không khi SEA Games diễn ra ở VFF đã "có biến" với lá đơn tố cáo chủ tịch lẫn người phó của mình ăn hối lộ để giữ lại chiếc ghế GĐ trung tâm đào tạo trẻ của liên đoàn.

Bây giờ, mọi kết luận của cơ quan điều tra đã có khi khẳng định cả chủ tịch Lê Hùng Dũng lẫn PCT Trần Quốc Tuấn không nhận hối lộ như tố cáo. Tuy nhiên, chẳng phải vô cớ mà có khói nếu như chẳng có lửa.

Chỉ những chuyện nho nhỏ về một vài chiếc ghế ở VFF thế thôi để tự người ngoài hiểu rằng cứ thế này bóng đá Việt còn rất lâu nữa mới bằng người Thái, chứ đừng mơ là vượt qua. Thế đấy!

Nguồn: VNN
Bình luận
vtcnews.vn