Chuyện hi hữu: Làm đơn xin 'được' khởi tố

Pháp luậtThứ Ba, 12/06/2012 11:07:00 +07:00

Mặc dù được đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự nhưng đương sự lại khiếu nại và cương quyết yêu cầu viện kiểm sát phục hồi điều tra để được đưa ra xét xử.

Mặc dù được đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự nhưng đương sự lại khiếu nại và cương quyết yêu cầu viện kiểm sát phục hồi điều tra để được đưa ra xét xử trước tòa.


Khoảng 16g ngày 29-7-2010, anh Nguyễn Văn Tương (trú tại thôn 4 Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) điều khiển môtô chở vợ là Đ.T.Q. và cháu Đinh Thị Ngọc Linh đi trên đường Hồ Chí Minh; khi đến địa phận thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa thì tông vào ôtô do anh Trương Văn Lương điều khiển chạy cùng chiều gây tai nạn làm chị Q. tử vong.

Ngày 27-9-2010, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Minh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Nguyễn Văn Tương về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Báo cáo về vụ việc 

Trong thời gian hồ sơ vụ án đã được chuyển lên Viện KSND huyện Minh Hóa thì anh Tương kêu oan, cho rằng vụ tai nạn xảy ra là do anh Lương lái ôtô rẽ phải không phát tín hiệu và không bảo đảm điều kiện an toàn cho phương tiện khác.

Theo chỉ đạo của Viện KSND tỉnh Quảng Bình, Viện KSND huyện Minh Hóa đã trả hồ sơ vụ án cho CQĐT yêu cầu khởi tố, điều tra đối với anh Trương Văn Lương về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Sau khi điều tra bổ sung, CQĐT vẫn xác định anh Lương không phạm tội nên chỉ đề nghị truy tố anh Tương.

Không thống nhất quan điểm dẫn đến “hòa cả làng”


Viện KSND huyện Minh Hóa tiếp tục gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo của Viện KSND tỉnh Quảng Bình. Ngày 17-3-2011, Viện KSND tỉnh Quảng Bình có công văn chỉ đạo Viện KSND huyện Minh Hóa khởi tố bị can đối với Trương Văn Lương và trả hồ sơ cho CQĐT Công an huyện Minh Hóa điều tra bổ sung.

Sau khi kết thúc điều tra bổ sung, CQĐT vẫn kết luận Trương Văn Lương không phạm tội.

Ngày 1-7-2011, Viện KSND huyện Minh Hóa chủ trì họp liên ngành gồm CQĐT, Viện KSND và TAND huyện thống nhất kết luận Trương Văn Lương không phạm tội.

Sau cuộc họp liên ngành, Viện KSND huyện Minh Hóa ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Tương với lý do anh Tương đang nuôi cháu Đinh Thị Ngọc Linh (con riêng của chị Q.) và thờ cúng chị Q., đồng thời đình chỉ vụ án đối với cả bị can Trương Văn Lương.

Không đồng ý với quyết định miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ vụ án của Viện KSND huyện Minh Hóa, anh Nguyễn Văn Tương đã gửi đơn khiếu nại đến Viện KSND huyện Minh Hóa và nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình đề nghị phục hồi vụ án và truy tố các bị can ra trước tòa án để tòa phán xử.

Ban pháp chế HĐND tỉnh Quảng Bình vừa giám sát việc giải quyết vụ án và đã kiến nghị Viện KSND tỉnh Quảng Bình hủy quyết định đình chỉ điều tra và rút hồ sơ vụ án lên cấp tỉnh giải quyết.

Ngày 23-4-2012, văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình đã có thông báo số 76-TB/VPTU thông báo kết luận của thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Viện KSND tỉnh Quảng Bình giải quyết đơn khiếu nại của anh Nguyễn Văn Tương.

Viện kiểm sát bị “bó tay”?

Viện KSND huyện Minh Hóa căn cứ vào khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự để ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Tương là không đúng quy định của pháp luật.

Bởi lẽ việc anh Tương đang nuôi cháu Linh và thờ cúng chị Q. không phải là sự “chuyển biến của tình hình làm cho hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Và việc họp liên ngành thống nhất kết luận bị can Trương Văn Lương không phạm tội là không đúng nguyên tắc của tố tụng hình sự là chỉ có tòa án mới có thẩm quyền xét xử, phán quyết một người có phạm tội hay không.

Việc đình chỉ vụ án thể hiện rõ sự bế tắc của Viện KSND huyện Minh Hóa trong việc không thể truy tố Trương Văn Lương nên đã chọn phương án “hòa cả làng” không truy tố cả hai bị can. Sự bế tắc này xuất phát từ bất cập của pháp luật tố tụng hiện hành.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, viện KSND có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau: phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định; hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của CQĐT; khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu CQĐT khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. CQĐT có trách nhiệm thực hiện các quyết định của viện KSND.

Việc thực hiện quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn, hủy bỏ các quyết định của CQĐT thì dễ nhưng đối với việc yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can và yêu cầu CQĐT thực hiện điều tra quả là điều không dễ.

Theo Thúy Cài/Báo Tuổi trẻ

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây



Bình luận
vtcnews.vn