Chuyện góp nhặt từ một đêm đông buốt lòng

Thời sựThứ Hai, 31/01/2011 08:00:00 +07:00

VTC News)- Ánh đèn đường hắt xuống một màu vàng nhạt, in bóng bà cụ bước đi chậm rãi về một hướng như vô định, tôi nhìn theo mà lòng chợt lạnh đến tê người...

(VTC News) – Hà Nội những ngày qua trời rét đậm, ngay giữa ban ngày trên nhiều con đường của Thủ đô, vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh người ta đốt lửa để sửa ấm. Ấy vậy mà trong đêm giá lạnh đến thấu xương, với nhiều người, dòng mưu sinh vẫn miệt mài chảy trong sự buốt lòng của những người ngang qua.

1. Chỉ là bất chợt tôi bắt gặp hai bà cụ trên cùng một cung đường giữa đêm đông Hà Nội. Một người ở phố Hàng Đường, một người bên bờ Hồ Gươm, một người chưa hỏi chuyện đã muốn giãi bày, một người hỏi mãi cũng không chịu cất lời.

Cho đến khi đặt bút viết bài viết này, tôi vẫn cứ trách mình không hỏi tên cụ. Thực ra ban đầu, tôi không có ý định viết về cụ, nhưng tiếng cười và những câu chuyện của cụ kể cho một người thanh niên cứ chờn vờn bên tôi mãi.

Bà cụ bán nước ở ngã tư Hàng Đường - Hàng Cá (Ảnh: Hà Thành) 

Cụ cười sảng khoái lắm, dẫu miệng luôn kêu mình khổ. Mà cụ khổ cả đời thật nên 82 tuổi vẫn ngồi giữa đêm đông giá rét ở cái góc ngã tư Hàng Cá với Hàng Đường bán từng điếu thuốc, chén nước.

Hà Nội đêm nền nhiệt 7 độ C, khách qua đường thưa rất nhanh, cái quán cóc của cụ chỉ có hai người khách là tôi và một thanh niên. Tôi vào quán của cụ uống nước chỉ là cái cớ để cốt chụp cho được một tấm hình về cụ. Khi biết tôi chụp hình, cụ không cản mà còn khoe thản nhiên: “Nhiều người chụp ảnh về tôi lắm, mấy ông Tây cũng toàn chụp tôi. Hôm nọ, có người bảo nhìn thấy tôi trên báo. Mà bà già có gì đẹp đâu sao cứ chụp nhỉ? Buồn cười thật!” - Và cụ cười, tiếng cười giòn giã vang cả một góc đường đêm vắng lặng.

Bỏ tôi sang một bên, cụ rót nước cho người thanh niên rồi bắt đầu câu chuyện của mình với người thanh niên đó khi anh ta hỏi cụ bao nhiêu tuổi.

“Tôi 82 rồi, cũng nhờ cái quán nước này mà nuôi được hai đứa cháu trưởng thành, giờ thì nuôi được cả chắt. Bố mẹ nó bỏ nhau từ khi đứa con gái 9 tuổi, thằng con trai 11 tháng, tôi phải nuôi cả hai đứa. Mẹ chúng trước kia làm nghề hầu đồng rồi đi theo một người hát, bỏ lại chúng. Bố chúng nó là đứa con trai lớn của tôi, sau ngày vợ bỏ thì đâm đầu vào rượu. Mà cái thứ rượu khi say có bao giờ kiểm soát được đâu. Nó đánh một người nước ngoài bị thương nên phải ngồi tù”

Câu chuyện của cụ bị cắt ngang khi có người hỏi mua thuốc. Cụ đưa cả bao lẻ bảo người mua, mua bao nhiêu thì lấy giùm cụ. “Tôi già rồi ngại đếm, có đếm nhiều khi không chuẩn” – cụ cười đôn hậu nói.

“Trả lại tiền à?” - Cụ hỏi lúc tôi đưa cái chén xin cụ một chén nước nữa. Tôi nói “không! cháu chưa có trả tiền sao cụ trả lại được” khiến cụ bật cười một cách hóm hỉnh: “Chết thật, mới 82 tuổi đầu mà đã lẫn”.

Cụ không lẫn, trái lại, cụ còn rất minh mẫn. Thế nên khi cụ đưa bàn tay lên, bấm những mốc thời gian trên đầu ngón cứ mồn một, thoăn thoắt những biến cố với đứa con trai cụ và của cụ khi gặp trận ốm thập tử nhất sinh...

Một mình cụ nuôi hai cháu khôn lớn khi con trai đi tù 

Thoắt cái đã mười mấy năm, và cũng chừng ấy mùa đông giá rét, từ 1 mét vuông mẹt hàng và dăm cái ghế nhựa, hai đứa cháu cụ lớn lên. Đứa cháu gái bây giờ 26 tuổi, đã có gia đình và sinh cho cụ 3 đứa chắt. Đứa cháu trai 18 tuổi, lấy vợ năm 17 tuổi cũng đã sinh cho cụ một chắt trai.

Rồi cụ đưa tay chỉ về bên trái mình, tiếp tục cười hở hàm răng đen chưa một cái rụng. “Thằng cháu tôi đấy, hai vợ chồng nó bán quần áo trên vỉa hè kia kìa. Nó trẻ người non dạ, nhưng được cái ngoan và nghe lời. "Nó bản hàng ở vỉa hè nhưng không ai dẹp đâu, phường... ưu tiên vì hoàn cảnh gia đình", bà cụ thật thà kể.

Người thanh niên không quay sang nhìn theo cánh tay cụ chỉ, đứng dậy rời quán, bỏ lại tôi và cụ, bỏ lại câu chuyện cụ vừa một hồi dốc bầu tâm sự. Người thanh niên ấy cũng chừng tuổi cháu cụ, mái tóc nhuộm đỏ hoe. Cụ nhìn theo người thanh niên, thêm một lần cười lớn “chết thật, đi nhanh thế lạnh lắm”, rồi cụ quay sang nhìn tôi mà nụ cười chưa tắt. “Tết này, không biết bố của mấy đứa trẻ đã được về chưa?”.

2. Không ghế, không bàn, chỉ là một mẹt nhỏ với vài thứ bánh kẹo, bà cụ ngồi thu mình đằng sau chiếc ghế đá trên vỉa hè cạnh Hồ Gươm, run lên từng trận theo cái lạnh buốt giá về đêm. Một thanh niên ngang đường, ghé vào cái mẹt hàng của cụ suýt xoa vì rét. Một câu hỏi như bao người khác nếu nhìn thấy bà cụ già lúc 23h đêm giữa mùa đông rét mướt: “Sao cụ chưa về?”. Bà cụ không trả lời chỉ ngồi lặng một chỗ, ôm chặt cái mẹt trong nét mặt đăm chiêu vô thức.

Tôi tiến lại và mua một bao thuốc, nhân tiện cũng hỏi chuyện cụ. Nhưng rồi, những câu hỏi “Sao cụ chưa về?”; “Lạnh lắm cụ về đi?”; “Cụ ở đâu để cháu đưa về?” chỉ được đáp lại bằng sự im lặng đến buốt lòng.


 Bà cụ bán nước mắt luôn buồn bã. (Ảnh: Hà Thành)

Người thanh niên biếu cụ 50.000 đồng nói là để cụ đi xe ôm. Cụ run run hai bàn tay nhận lấy và nói “cảm ơn ông” khiến anh giật mình "trách" nhẹ: “Đừng gọi cháu bằng “ông”, cháu chỉ đáng tuổi cháu cụ thôi!”

Phố càng đêm càng lạnh. Ánh đèn xe trên đường thi thoảng vượt qua, rọi vào mắt cụ. Đôi mắt ngấn lệ, đôi mắt nói thay cho sự lặng im của cụ. Cụ không có nhà? Hay vì điều gì đó mà giờ này vẫn còn ôm cái mẹt hàng mưu sinh giữa phố phường đã bình yên vùi trong giấc ngủ?.

Người thanh niên vẫn bền bỉ tìm những câu trả lời từ cụ. Tôi cũng kiên nhẫn xen ngang bằng những câu hỏi và rồi cả hai người xa lạ chúng tôi vẫn chỉ nhận được sự lặng im khó hiểu từ phía cụ.

Người thanh niên đứng dậy rồi bỏ đi, anh đi rất nhanh vào một con ngõ bên kia đường, vừa đi vừa tìm kiếm một cái gì đó. Tôi không nỡ bỏ đi, chỉ cố gắng tìm mọi cách để giúp cụ không bị lạnh. Rồi trong đầu chợt nảy ra một ý, tôi nhặt những cành khô vương vãi gần đó gom lại. Một lát sau, người thanh niên cũng quay trở lại mang theo một ít cành khô.

Chúng tôi nhen lửa, khi đốm lửa sang lên bập bùng cũng là lúc giọt lệ trong mắt cụ tràn qua khóe, từ từ rớt xuống. Gần 0h, một người đàn ông đứng tuổi tiến lại và nói lớn: "Bà có về không tôi thu hết đồ bây giờ!".

Ánh đèn đường hắt xuống một màu vàng nhạt, in bóng bà cụ lặng lẽ bước đi chậm rãi về một hướng như vô định. Đêm Hà Nội về khuya như càng đông đặc lại vì giá rét.

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn