Chuyên gia Việt Nam: 5 lý do Nga tấn công IS như trời giáng

Thế giớiThứ Hai, 19/10/2015 10:34:00 +07:00

Ông Nguyễn Đăng Phát, chuyên gia kỳ cựu về Nga nêu ra những lý do chính khiến chính quyền Matxcơva quyết định tổ chức không kích IS ở Syria.

(VTC News) – Ông Nguyễn Đăng Phát, chuyên gia kỳ cựu về Nga nêu ra những lý do chính khiến chính quyền Matxcơva quyết định tổ chức không kích IS ở Syria.

Liên tục các trụ sở, căn cứ của tổ chức khủng bố IS bị các vũ khí tối tân Nga hủy diệt. Cũng từ đó, quân đội chính phủ Assad thực hiện những cuộc phản công, chiếm lại các khu vực quan trọng từng bị IS nắm giữ.

Liên quan cuộc chiến và những bước đi tiếp theo của Nga tại Syria, VTC News phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, chuyên gia kỳ cựu từng có nhiều năm làm việc ở Nga.
Một chiếc Su-24 cất cánh từ căn cứ ở Latakia, Syria
Một chiếc Su-24 cất cánh từ căn cứ ở Latakia, Syria 
Ông Phát nói: “Nga hiểu được thực tế chiến trường, biết rằng cuộc chiến có lẽ còn lâu dài và bài học Afghanistan vẫn còn đó. Vì vậy, Nga sẽ không dùng bộ binh tham chiến ở Syria.

Việc nắm được vấn đề, có kinh nghiệm sẽ giúp họ đưa ra được các phương án giúp Nga không bị sa lầy ở Syria”.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc Nga không kích IS? Phải chăng Matxcơva thấy rằng chế độ của Tổng thống Assad – được cho là thân Nga, đang dần không chống đỡ nổi trước sức tấn công của IS?

Nga không kích IS ở Syria là động thái can dự mạnh mẽ, quyết đoán và đã được chuẩn bị kỹ. Về lý do của cuộc không kích, có thể kể đến một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, IS thực sự là một tổ chức nguy hiểm, là nguy cơ thực sự với nước Nga. Trong đó có hàng ngàn công dân Nga tham gia, nếu IS giành được thế chủ động ở Syria và lan rộng ra các quốc gia lân cận sẽ trở thành một mối đe dọa không hề nhỏ.
Phi công Nga làm nhiệm vụ không kích IS ở Syria
Phi công Nga làm nhiệm vụ không kích IS ở Syria 
Tổng thống Putin và một số nhà lãnh đạo Nga đã tuyên bố thà rằng ra tay đánh IS trước chứ không để cho các công dân Nga tham gia IS có cơ hội trở về.

Thứ hai, Nga phải tham chiến ở Syria vì nếu lúc này không hành động thì vai trò của Nga trong những giải pháp tiếp theo ở Trung Đông sẽ bị mờ nhạt.

Trung Đông đang rối loạn, khó khăn và sẽ có nhiều diễn biến mới trong tương lai và nếu Nga không ra tay thì Matxcơva sẽ khó lấy lại vai trò của mình trong các hồ sơ ở Trung Đông.

Bên cạnh đó, câu chuyện Ukraine cũng là vấn đề thúc đẩy Nga không kích IS ở Syria. Mặc dù đã tạm yên về chiến sự nhưng giải pháp chính trị cho khu vực miền Đông Ukraine vẫn còn đòi hỏi thời gian lâu dài.

Khi can thiệp vào Trung Đông, chủ đề Ukraine sẽ được đưa xuống thứ yếu và đó là điều Nga cần lúc này.

Ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương - Ảnh: Tùng Đinh
Ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương - Ảnh: Tùng Đinh 
Thêm nữa, Nga là một trong những quốc gia nói nhiều về việc chống IS và chủ nghĩa khủng bố, tuy nhiên, chưa có hành động cụ thể nào được thực hiện, trong khi Mỹ và các đồng minh đã tham chiến. Nếu không hành động, thì Matxcơva sẽ bị cho là lời nói không đi đôi với việc làm và mất uy tín.

Cuối cùng, một lý do nữa nhưng ít được nói đến đó là quân đội Nga hiện nay được củng cố, chấn chỉnh và thường xuyên được thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu bởi Tổng thống Putin, dù cho có những lúc đang công du nước ngoài.

Việc không kích IS ở Syria hiện nay sẽ đem lại những bài học thực tế nhất định cho quân đội Nga sau nhiều năm chỉ tác chiến qua các cuộc tập trận.

 
Việc không kích IS ở Syria hiện nay sẽ đem lại những bài học thực tế nhất định cho quân đội Nga sau nhiều năm chỉ tác chiến qua các cuộc tập trận.
Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát
 
Máy bay chiến đấu Nga được đưa vào thực chiến, kèm theo đó là các hệ thống bom, tên lửa thông minh. Điều đó giúp Nga có thể kiểm tra khả năng tác chiến và chỉ huy của các lực lượng trên thực tế.

- Mặc dù ra tay trước nhưng Mỹ và các đồng minh không đạt được nhiều kết quả như Nga khi tấn công IS, theo ông liệu Matxcơva có sớm thay thế hoàn toàn lực lượng chống IS ở Syria và đưa chính quyền Assad mạnh mẽ trở lại?

Mỹ và các đồng minh bắt đầu can thiệp vào Syria từ tháng 8/2014, chính Washington cũng thừa nhận chưa đạt được nhiều kết quả.


Video Nga hủy diệt căn cứ IS

Ngày 17/10 vừa qua, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng Andrei Kartapolov phân tích rằng liên quân do Mỹ dẫn đầu 1 năm qua có thực hiện các vụ bắn phá và cho rằng đó là mục tiêu IS, nhưng thực chất lại gây bất lợi cho chính quyền và quân đội của Tổng thống Assad.

Ví dụ như, các cuộc ném bom thường nhằm vào các công trình thiết yếu như cầu cống, đường sá hay trạm điện, trạm bơm. Những yếu tố vô cùng cần thiết cho cuộc sống người dân chứ ít khi hủy diệt các căn cứ của IS.
Máy bay ném bom Su-24 tác chiến
Máy bay ném bom Su-24 tác chiến 
Về chính quyền Assad, chính quyền duy nhất được Nga công nhận hiện nay ở Syria, sau khi Matxcơva thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả như vừa qua, chắc chắn họ sẽ mạnh mẽ trở lại.

Những ngày gần đây, quân đội chính phủ Syria, cùng với sự hỗ trợ từ trên không của Nga đã tổ chức nhiều cuộc tấn công mặt đất nhằm vào lực lượng IS. Điều đó cho thấy sự vững mạnh của chính quyền Assad đang được củng cố.

Tuy nhiên, khả năng Nga thay thế hoàn toàn lực lượng chống IS ở Syria thì không thể.
Ngay từ đầu, Nga đã kêu gọi các nước chung tay với mình để chống IS, Tổng thống Putin kêu gọi thành lập liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố nói chung và chống IS nói riêng.

Trên thực tế, Nga đã có sự phối hợp nhất định với Syria, Iraq và Iran khi thành lập trung tâm tình báo, chia sẻ thông tin trinh sát về IS. Nga không nói sẽ đánh IS một mình, dù ở Syria hay ở quốc gia khác mà kêu gọi sự phối hợp quốc tế.

 

Nga sẽ không sử dụng bộ binh tham chiến ở Syria.
Ông Nguyễn Đăng Phát
 
Lãnh đạo Nga, cho đến nay luôn khẳng định giải pháp quân sự chỉ là một bước trong vấn đề Syria. Sau khi đánh vào các vị trí IS, làm cho lực lượng này suy yếu nhưng muốn giải quết triệt để các vấn đề này bắt buộc phải có giải pháp chính trị.

Đi sâu hơn nữa, để loại bỏ hẳn các lực lượng khủng bố, cộng đồng quốc tế cần tạo ra sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội ở Trung Đông để không sinh ra những tổ chức cực đoan như IS.

- Mỹ đã ngừng công tác đào tạo các chiến binh đối lập ở Syria, liệu Washington và các đồng minh có quyết định rút khỏi quốc gia này khi mà Nga đang làm rất tốt công tác hỗ trợ chính quyền Assad cũng như tấn công hiệu quả các hang ổ của IS, thưa ông?

Theo tôi, khi Mỹ và các đồng minh đã can dự vào vấn đề Syria, chắc chắn họ sẽ không thể rút lui.

Như đã nói bên trên, sau giải pháp quân sự sẽ là những giải pháp chính trị cho Syria và các hồ sơ khác ở Trung Đông, Mỹ và đồng minh sẽ không rút lui mà có thể tiếp quản một khu vực nào đó để có lợi thế đàm phán.

Trong những động thái sau này, khi thành lập chính quyền do người dân Syria bầu ra, các bên sẽ muốn tham dự chứ không tự nguyện rút khỏi quốc gia này.

- Ông nghĩ gì về khả năng Nga đưa bộ binh vào tham chiến ở Syria?

Lãnh đạo Nga hoàn toàn loại trừ khả năng này và theo tôi, tuyên bố của họ có thể tin cậy được. Nga sẽ không sử dụng bộ binh tham chiến ở Syria.

 - Nguyên nhân của quyết định đó là gì, thưa ông?


Thứ nhất, Nga hỗ trợ Syria bằng không quân để quân đội chính phủ Assad có thể phản công, giành lại quyền kiểm soát ở các khu vực bị IS chiếm giữ. Ngoài ra, Nga cũng hiểu được thực tế chiến trường và biết cuộc chiến có lẽ còn lâu dài và bài học Afghanistan vẫn còn đó.

Chính vì vậy, Nga sẽ không dùng bộ binh tham chiến, tránh sa lầy thêm một lần nữa ở Syria.

 

Việc nắm được vấn đề, có kinh nghiệm sẽ giúp họ đưa ra được các phương án giúp Nga không bị sa lầy ở Syria

Ông Nguyễn Đăng Phát
 
Bên cạnh đó, Chính phủ Matxcơva dù làm gì cũng phải cân nhắc sự ủng hộ từ trong nước. Việc sử dụng không quân tấn công IS đang được người dân ủng hộ nhưng có thể huy động bộ binh sẽ làm giảm sự tin tưởng với chính phủ, vì vậy Nga sẽ không mạo hiểm.

Điều này là dễ hiểu vì ngoài vấn đề Syria, Nga đang phải đối phó với nhiều vấn đề, từ Ukraine cho đến lệnh trừng phạt của phương Tây hay các vấn đề kinh tế trong nước.

- Theo ông liệu Nga có sa lầy ở Syria như nhiều thông tin mà truyền thông phương Tây đưa ra thời gian qua hay không? Dự đoán của ông về thời gian tham chiến của Nga ở Syria?

Nga nắm được vấn đề, có kinh nghiệm và sẽ không để mình bị sa lầy ở Syria. Thời gian dùng không quân tấn công IS ở Syria có thể kéo dài khoảng 4 tháng, chủ yếu để đánh phá các mục tiêu của khủng bố.

Trong đó, các mục tiêu chính là trụ sở chỉ huy, kho vũ khí, kho hậu cần hay trung tâm đào tạo của lực lượng này. Cùng với thông tin trinh sát, tình báo từ phía Syria, Iraq và Iran, Nga sẽ tiếp tục không kích giúp chính phủ Assad chiếm lại một số khu vực nhất định.

Sau đó, các lực lượng Nga có mặt ở Syria sẽ tiếp tục duy trì, phòng ngừa các tình huống xấu khi hỗ trợ chính phủ Syria và chuẩn bị cho các giải pháp chính trị tiếp theo.


Khả năng sa lầy của Nga ở Syria là không có và mục tiêu lớn nhất là hướng đến giải pháp chính trị. Ngoài ra, Nga không muốn dừng lại ở các mối quan hệ với Syria hay Iran, Matxcơva muốn thiết lập kênh ngoại giao với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước phương Tây khác.
Một chiếc Su-34 của Nga tham gia không kích IS tại Syria
Một chiếc Su-34 của Nga tham gia không kích IS tại Syria 
Nga không thể ‘đơn thương độc mã’ tác chiến ở Syria, từ đó có thể loại trừ khả năng sa lầy ở quốc gia Trung Đông này.

Ngoài ra, Nga vẫn luôn khẳng định, can thiệp quân sự ở Syria là ủng hộ chính phủ hợp pháp của quốc gia này chứ không phải nhằm duy trì quyền lực cho cá nhân ông Assad.

Những bước đi tiếp theo về tình hình chính trị của Syria sẽ do chính người dân nước này lựa chọn.

- Từng có thông tin Iran – quốc gia cũng được cho là có mối liên hệ mật thiết với Nga đưa 10.000 binh sỹ sang Syria giúp chính quyền Assad đẩy lui lực lượng nổi dậy nhưng rồi bị phủ nhận, ông đánh giá thế nào về khả năng trở thành hiện thực của thông tin này?

Trên thực tế chưa bên nào lên tiếng xác nhận nhưng việc quốc gia đồng minh của Chính phủ Assad là Iran cử lực lượng đến giúp đỡ không có gì khó hiểu.

Có thể nói thêm, dù đều theo Hồi giáo nhưng lãnh đạo Syria và Iran đều theo dòng shiite trong khi đó, các thành phần của IS lại theo dòng sunni là chính và hai dòng Hồi giáo này có những mâu thuẫn với nhau.

Iran phối hợp chặt chẽ với chính quyền Assad và Nga trong việc chống IS, vì vậy việc Iran có thể đưa một lực lượng nào đó tham chiến, vừa giúp đỡ đồng minh vừa bảo vệ an ninh cho mình là điều dễ hiểu.

- Dù sử dụng 26 tên lửa bắn từ biển Caspian rất hiệu quả nhưng kể từ đó đến nay, các chiến hạm Nga không tham gia chiến dịch diệt IS thêm lần nào nữa, phải chăng đó chỉ là một đòn tâm lý nhằm vào phương Tây của Matxcơva, thưa ông?

Việc sử dụng các tên lửa hành trình từ biển Caspian của Nga khá hiệu quả. Đây là động thái mang nhiều mục đích, vừa là đòn tâm lý vừa theo đuổi những mục đích nhất định của Nga đối với các mục tiêu IS bên trong lãnh thổ Syria.

Video chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình tiêu diệt IS

Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội thực nghiệm vũ khí, chỉ huy và vận hành các loại vũ khí hiện đại mà Hải quân Nga chỉ mới sử dụng trong các cuộc tập trận.

Ngày 17/10, Thượng tướng Andrei Kartapolov tuyên bố lực lượng Hải quân Nga làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Syria đang có mặt ở biển Địa Trung Hải có thể tấn công các mục tiêu IS bất cứ lúc nào.

Mặc dù không có cách trở nhiều quốc gia như biển Caspian nhưng điều đó cũng cho thấy lực lượng Hải quân Nga luôn sẵn sàng nhận lệnh để chống IS, dù cho đó có thể là những tên lửa và pháo thông thường.

Còn việc sử dụng các tên lửa hành trình từ biển Caspian thì không thể dự đoán được, vì điều đó còn phụ thuộc vào tình hình chiến trường. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đều công nhận khả năng trinh sát và nghi binh của Nga rất tốt.

Vì vậy, rất khó dự đoán động thái tiếp theo của Matxcơva do tính bất ngờ trong các hành động của Nga luôn được phát huy tối đa.

Xin cảm ơn ông!

Tùng Đinh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn