Chuyên gia Việt chỉ ra trở ngại gai góc tại cuộc gặp Trump - Putin

Thế giớiThứ Hai, 16/07/2018 11:27:00 +07:00

Theo chuyên gia, nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Hội nghị thượng đỉnh Helsinki khó tạo ra được những bước đột phá cho mối quan hệ Nga - Mỹ vốn tồn tại quá nhiều mâu thuẫn và bất đồng, việc đi đến ký kết một thỏa thuận hay hiệp ước cũng sẽ vấp phải vô số trở ngại.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại thủ đô Helsinki, Phần Lan, nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, chuyên gia về Nga và Liên Xô nhận định cuộc hội đàm đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Trump-Putin rất khó để tạo ra được bước ngoặt đáng kể nào cho quá trình cải thiện quan hệ Nga-Mỹ trong bối cảnh hiện nay. Chưa nói đến trở ngại để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington áp đặt lên Matxcơva - nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng giữa hai bên, mà trong các vấn đề quốc tế hai nước gần như không thể có tiếng nói chung. 

- Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ sẽ diễn ra tại thủ đô Helsinki, Phần Lan và đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau trực tiếp trong một hội đàm song phương. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ xấu đi rất nhiều trong những năm trở lại đây.

Quan hệ Nga - Mỹ hiện đang căng thẳng khi Mỹ và các nước phương Tây cấm vận Nga vì nhiều lý do, điều này có gây khó khăn cho Nga trong thời gian qua. Đương nhiên một trong những vấn đề Matxcơva mong muốn là cấm vận chống Nga cần được nới lỏng và được dỡ bỏ, tùy vào tình hình họ có các tuyên bố khác nhau về vấn đề này – Matxcơva từng tuyên bố cấm vận không ảnh hưởng đến mình cũng như sẽ có động thái đáp trả.

1-1111145-4-1125140

 Nhà báo Nguyễn Đăng Phát tác nghiệp trong cuộc Bầu cử Tổng thống Nga năm 2008. (Ảnh: NVCC)

Thực ra chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề nới lỏng hay dỡ bỏ cấm vận Nga, nhưng có kèm theo điều kiện là Matxcơva nhượng bộ Washington trong một số vấn đề như Ukraine hay Syria, thì Mỹ sẽ hướng tới nới lỏng và dỡ bỏ cấm vận Nga. Có thể tạm coi đây là điều để mặc cả trên bàn đàm phán, có thể vấn đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki.

Tuy nhiên câu chuyện không chỉ đơn giản là việc mặc cả trên bàn đàm phán, cái thế ở trong nước của 2 nhà lãnh đạo khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki, Phần Lan là khác nhau. Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông có quyền lực rất cao ở Nga và cũng chính ông là người quyết định chính sách đối ngoại của Nga – các quyết định của ông Putin được sự ủng hộ rất cao của giới chức và người dân Nga.

Nhưng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump thì ông không có điều này, dù cho Tổng thống Mỹ có nhiều quyền hạn nhưng từ khi ông Trump đắc cử cho đến nay, những lực lượng đối lập với ông Trump trong Quốc hội Mỹ, đặc biệt là Đảng Dân chủ, cũng như các lực lượng chính trị và truyền thông, báo chí hoạt động rất mạnh. Trong nhiều lĩnh vực, Tổng thống Trump không có được sự ủng hộ của Quốc hội và giới tinh hoa chính trị Mỹ.

Đặc biệt trong quan hệ với Nga, ông Trump từ lúc tranh cử, tới lúc đắc cử Tổng thống Mỹ cho đến nay luôn nhắc lại rằng ông muốn và hy vọng cải thiện được quan hệ với Nga, nhưng để làm được điều này ông Trump sẽ phải đối mặt với vố số thử thách. Đơn cử như gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, nhà lãnh đạo Mỹ không thể đơn phương quyết định vấn đề mà phải thông qua Quốc hội, đây là khó khăn về mặt pháp lý. 

- Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki được dự đoán là bên cạnh vấn đề quan hệ Nga – Mỹ, một số vấn đề khác được cộng đồng thế giới quan tâm cũng sẽ được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, được giới quan sát nhận định rằng chỉ là bước thăm dò, chứ chưa thể giải quyết cụ thể được vấn đề bởi mâu thuẫn, bất đồng giữa Matxcơva và Washington quá lớn.

Vấn đề Ukraine hay Syria là những vấn đề lớn mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bàn tại Helsinki, nhưng có rất ít cơ sở để thấy được hai nước sẽ tìm ra tiếng nói chung, đặc biệt là về vấn đề Syria bởi vị thế và lợi ích chiến lược của Nga, Mỹ tại quốc gia Trung Đông này hoàn toàn đối lập. 

Tại cuộc gặp này, 2 bên có thể đạt được tuyên bố nào đó nhưng đây chỉ là tuyên bố, không phải là văn bản, hiệp ước được 2 bên ký kết vì hiện điều kiện chưa chín muồi để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt bút ký vào những hiệp ước.

Kể cả Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ có ký hiệp ước nào đi chăng nữa thì hiệp ước ấy phải được Quốc hội 2 nước thông qua - ở Mỹ, việc Quốc hội thông qua hiệp ước nào đó để có thể cải hiện quan hệ với Nga theo mong muốn của ông Trump là rất khó.

- Trong khoảng thời gian cuối tháng 6/2018, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và đoàn nghị sỹ Mỹ có chuyến công du tới Nga ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki, Phần Lan...

Ở đây cần nói rõ, cơ cấu của đoàn nghị sỹ Mỹ sang Nga ngày 30/6 chỉ bao gồm một số nghị sỹ của Đảng Cộng hòa -những người ủng hộ ông Trump.

Sau khi đoàn nghị sỹ Mỹ kết thúc chuyến công du Nga, các nhà phân tích của Nga nhận định rằng 2 bên muốn xây dựng kênh tiếp xúc giữa 2 Quốc hội để tạo nền tảng cho cuộc gặp giữa 2 Tổng thống, nếu đạt được kết quả, sẽ có thuận lợi để cải thiện quan hệ Nga – Mỹ.

Nhưng mong muốn này khó có thể trở thành hiện thực bởi các nghị sỹ Mỹ trong phái đoàn sang Nga có vị trí thấp trong Quốc hội Mỹ và không thể vận động Quốc hội Mỹ có các động thái ủng hộ Tổng thống Trump trong việc cải thiện quan hệ với Nga cũng như dỡ bỏ cấm vận.

1059004558-0320286-1502588

  Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017. (Ảnh: Reuters)

Còn Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông John Bolton, là người do Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm. Ông John Bolton sang Nga thực hiện sứ mệnh tiền trạm và có thể sẽ tham gia hội đàm mở rộng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki.

Quan hệ Nga – Mỹ vốn có nhiều phức tạp, nhưng mối quan hệ này lại gắn với sự phức tạp trong chính trường Mỹ và ông Donald Trump không thể thực hiện được các bước đi theo tính toán của mình trong quan hệ với Nga. Giới chính trị ở Mỹ mâu thuẫn với nhau sâu sắc xung quanh quan hệ với Nga, những lực lượng chống Nga với sức mạnh vẫn còn rất lớn đang níu kéo, không cho Washington cải thiện quan hệ với Matxcơva.

- Một số chuyên gia nhận định rằng nếu quan hệ giữa Nga và Mỹ được cải thiện thì không chỉ có Nga có lợi khi các lệnh cấm vận được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, mà cả Mỹ cũng có lợi trong vấn đề này...

Nếu quan hệ giữa Nga và Mỹ được cải thiện, thì rõ ràng 2 nước sẽ có sự hợp tác cũng như nhân nhượng nhau trong một số vấn đề, một số lĩnh vực.

Hiện nay có nhiều vấn đề mà Washington mong muốn có sự hợp tác hay thậm chí là nhượng bộ của Matxcơva, ví dụ như thị trường dầu mỏ mà Nga hiện phối hợp rất tốt với OPEC và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ để có vai trò điều tiết thị trường dầu mỏ, hay mối quan hệ tốt giữa Nga và Iran – quốc gia mà Mỹ coi là kẻ thù, hay vai trò và vị thế của Nga đang tốt ở Syria lẫn khu vực Trung Đông, ảnh hưởng của Nga với thị trường năng lượng châu Âu đang lớn...

Do đó, nếu Mỹ có thể tìm kiếm được sự nhượng bộ nào đấy từ Nga thì điều này sẽ nâng cao vị thế của ông Trump trong nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump hướng tới cuộc gặp tại Helsinki, Phần Lan này với kỳ vọng có được sự nhượng bộ của Nga trong một số vấn đề mà đối với nước Mỹ, đối với chính trường Mỹ và đối với lực lượng của ông Trump, đó là vấn đề quan trọng.

Video: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tranh thủ trò chuyện tại APEC 2017

- Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, tổ chức này tuyên bố sẽ kết nạp thêm 2 thành viên mới là Ukraine và Gruzia, những quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết và nằm ngay sát biên giới nước Nga...

Đây là chương trình mở rộng sang phía đông mà NATO theo đuổi bất chấp những phản đối và những động thái phản ứng của Nga. NATO vẫn coi một số quốc gia từng thuộc Liên Xô là ứng cử viên như Gruzia, Moldova hay Ukraine. Có thể các quốc gia này sẽ trở thành thành viên của NATO và có thể Nga không thể ngăn cản được tiến trình này, nhưng chắc chắn Matxcơva có các biện pháp đối phó với việc này.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Helsinki, có thể Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nêu về vấn đề này và bày tỏ sự phản đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ở đây có thể thấy cả ông Trump và ông Putin chia sẻ cùng quan điểm ở việc không muốn NATO mở rộng về phía đông - nhưng cần hiểu rõ lý do ở đây là ông Trump không muốn chi thêm ngân sách của Mỹ cho việc củng cố năng lực quốc phòng của các quốc gia thành viên NATO. Còn Matxcơva nhận định rằng nếu Washington bớt sự ủng hộ, tài trợ cho NATO thì tổ chức này sẽ gặp khó khăn nhất định, tốc độ mở rộng của tổ chức này sẽ chậm lại.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn