Chuyên gia Viện Hàn lâm VN: Thế giới trước nguy cơ chiến tranh lạnh Nga – phương Tây

Thế giớiThứ Hai, 17/03/2014 11:20:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về Nga và châu Âu nói thế giới đang đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây.

(VTC News) - Chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về Nga và châu Âu nói thế giới đang đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây liên quan đến Ukraine và Crưm.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm, khoảng 96% dân Crưm đồng ý sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Đây được xem là thời điểm có tính chất quyết định giữa Nga và phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ.

Nhân sự kiện này, PGS. TS Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam trả lời phỏng vấn VTC News.

- Sau chính biến Ukraine khiến tổng thống Yanukovych bị lật đổ, Nga tập trận quy mô lớn ngay sát biên giới Ukraine, sau đó là tuyên bố có quyền đưa 26.000 quân vào Crưm theo thỏa thuận giữa Matxcơva và Kiev. Theo ông, phải chăng nước Nga đã ‘không còn nhẫn nhịn được nữa’ trước Mỹ và phương Tây?

Vấn đề Ukraine đã đẩy quan hệ giữa Nga và Mỹ lên đỉnh điểm, từ hòa bình nóng có thể dẫn tới nguy cơ khởi động một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhìn lại mối quan hệ này, có thể thấy rằng luôn thăng trầm và tùy thuộc nhiều vào bối cảnh quốc tế và khu vực.
Thủ đô Kiev, Ukraine tan hoang như bãi chiến trường 

Từ sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008, cục diện thế giới biến đổi một cách nhanh chóng. Sự suy giảm sức mạnh của Mỹ, sự hồi sinh của Nga, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia mới nổi dẫn tới sự chuyển dịch tương quan sức mạnh toàn cầu.

Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi trong cách ứng xử quốc tế. Về cơ bản, Nga đang trỗi dậy, khẳng định vị thế cường quốc của mình, khẳng định vai trò thủ lĩnh trong không gian Hậu Xô Viết, ủng hộ cho một trật tự thế giới đa cực.

Trong khi đó, Mỹ, NATO và EU, một mặt cần hợp tác với Nga cho phát triển kinh tế của mình, mặt khác luôn tìm cách kìm chế Nga ngay tại SNG cũng như trên toàn cầu.

Ukraine có vị thế địa chính trị quan trọng giữa Đông - Tây, có ý nghĩa quan trọng đối với Nga và cả với các nước Phương Tây. Đặc biệt, đối với nước Nga, Ukraine có vị trí cực kỳ quan trọng, là thành viên trong không gia hậu Xô Viết, có mối quan hệ truyền thống gắn bó anh em, gắn kết về phát triển kinh tế, nơi có gần 9 triệu người Nga (chiếm hơn 17% dân số Uckaine) sinh sống, là vùng đệm quan trọng đối với an ninh quốc phòng của Nga.

Việc Nga có những phản ứng chớp nhoáng, kiên quyết chính là vì tình hình của Ucraina đã diễn biến quá nhanh, không lường trước, và Nga bằng mọi giá phải bảo vệ lợi ích sống còn của mình chứ không đơn thuần chỉ là sự “nhẫn nhịn” đối với Phương Tây.

- Giới phân tích cho rằng Nga không hề muốn Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu EU bởi nếu điều này xảy ra sẽ là cái cớ để Mỹ và NATO đưa lá chắn phòng thủ tên lửa đến sát nước Nga. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến Matxcơva và Washington đều muốn tranh giành ảnh hưởng ở Kiev?

Như tôi đã nhấn mạnh ở phần trên, việc thể hiện sức mạnh quân sự, việc thúc đẩy Crưm, một vị trí trọng yếu, một căn cứ quân sự quan trọng của Nga đối với Biển Đen và Địa Trung Hải không đơn thuần là phản ứng của Nga với Phương Tây, mà là hành động vì chính an ninh quốc phòng của Nga.

>>>TOÀN CẢNH CHÍNH BIẾN UKRAINE<<<

Nên có thể khẳng định nguyên nhân chính diễn ra sự đối đầu quyết liệt giữa Nga và Phương Tây tại Ucraina là vấn đề an ninh quốc phòng. Trước đây Nga cũng đã có những phản ứng quyết liệt khi mà NATO quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và Cộng hòa Séc, và tiếp đó là những đối đấu căng thẳng tại Grudia.

Tuy nhiên với 
Ukraine, còn hàng loạt nguyên nhân sâu xa hơn, từ truyền thống lịch sử, từ văn hóa, ngôn ngữ gắn kết giữa hai dân tộc, tới đảm bảo cuộc sống cho gần 9 triệu kiều dân Nga chiếm hơn 17% dân số Ukraine, tới lợi ích chính trị và kinh tế trong không gian Hậu Xô Viết dẫn tới mức độ phản ứng của Nga sẽ quyết liệt hơn, đối đầu sẽ căng thẳng hơn nhiều so với các mâu thuẫn trước đây, và hiện nay ở những khu vực khác.

Cảnh sát kéo một người bị thương ra khỏi đám đông đang ẩu đả ở Donetsk. 

Còn với Mỹ và EU, họ vẫn tiếp tục muốn mở rộng NATO, mở rộng Liên minh, sau những nỗ lực từ thời cách mạnh sắc màu ở khu vực SNG, đây là cơ hội rất tốt để lôi kéo 
Ukraine, kìm chế Nga, nên không dễ gì phương Tây có thể để Nga hành động có lợi cho mình.

- Nhiều chuyên gia theo dõi tình hình Đông Âu nói Nga sẽ không thể chặn được xu hướng ngả về EU của Ukraine, có chăng chỉ là làm chậm diễn biến. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Quan điểm của tôi về nhận định này là phải nhìn từ chính lợi ích của dân tộc 
Ukraine, từ chính mong muốn của người dân Ukraine cho sự phát triển đất nước mình. Ngày nay vận mệnh, chủ quyền của mỗi quốc gia gắn liền và chịu tác động qua lại của tình hình thế giới và khu vực.

Ukraine mới chỉ đi được một bước nhỏ trên con đường dân chủ, độc lập và tự cường. Về lâu dài, những giá trị châu Âu về dân chủ, thị trường tự do và quản trị tiên tiến có thể tạo nên nền tảng để Ukraine phát triển, nhưng để đi đến đó là cả một hành trình dài.

Người dân Crưm mang quốc kỳ Nga đi trên đường 

Và những giá trị này cũng là những giá trị mà Nga đang hướng tới, nên trong tương lại cũng không có mâu thuẫn gì trên con đường phát triển giữa Nga và 
Ukraine.

Liệu  Ucraina cứ phải ngả về EU là một kịch bản tốt nhất cho phát triển là một câu hỏi không dễ trả lời.


- Ngày 16/3 đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý của người dân Criema về tương lai của nước cộng hòa tự trị này, theo ông kết quả của cuộc trưng cầu sẽ như thế nào và  ảnh hưởng gì đến tình hình Ucraina hiện nay?

Kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý của chính quyền Crưm về khả năng sáp nhập vào Nga đang là tâm điểm của thế giới. Việc dự đoán chính xác tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong số gần hai dân ở Crưm là khó khăn.

Tuy nhiên cũng không quá khó để có thể dự báo về kết quả này. Căn cứ vào các yếu tố lịch sử, trước đây Crưm đã từng thuộc về Nga, hiện nay có tới hơn 60% người Nga sinh sống ở khu vực này, và Crưm giữ một vị trí địa chiến lược quan trọng đối với Nga.

Căn cứ vào diễn biến của tình hình cho đến thời điểm này không quá căng thẳng, không xảy ra xung đột sắc tộc và xung đột vũ trang, có thể khẳng định rằng đa số người dân, khoảng 80%  ủng hộ việc sáp nhập với Liên bang Nga, và kết quả của cuộc trưng cầu dân ý là Crưm sẽ xin gia nhập Liên bang Nga.

Người dân Crưm đi chuẩn bị bỏ phiếu trưng cầu dân ý 

Rõ ràng là phong trào đòi ly khai, sát nhập với Nga cũng đang lan rộng ở các tỉnh miền Đông Ucraina như Donetsk, Kharkov .., nơi mà có tỷ lệ người Nga nhiều hơn, nơi mà có sự gắn bó về kinh tế sâu hơn, do khu vực này chủ yếu là phát triển công nghiệp nên đã có quan hệ mật thiết từ thời Xô Viết.

Tuy nhiên, diễn biến của tình hình nhiều khả năng sẽ xảy ra như kịch bản của Grudia với Nam Ôxetia và Apkhadia, tức là Crưm tuyên bố ly khai và gia nhập Liên bang Nga, còn các vùng này sẽ không ly khai.  

- Ông dự đoán tương lai Ukraine sẽ diễn biến thế nào sau sự kiện Crưm tiến hành trưng cầu dân ý ngày 16/3 và tác động thế nào tới khu vực và thế giới?

Những bất ổn, khó dự đoán của Ukraine trong những ngày qua đã làm cho tình hình của Ukraine rất khó dự đoán.

Vấn đề chia rẽ đông tây của Ucraina chứa đựng nhiều nguyên nhân từ lịch sử đến hiện tại của bản thân nước này, trong đó có vấn đề sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, chính trị, kinh tế và rất dễ bùng phát thành nội chiến như các cuộc xung đột đẫm máu mà chúng ta chứng kiến từ “mùa xuân Ả rập” tại Trung Đông và Bắc Phi.

Nếu sự đối đầu này của bản thân Ucraina lại cộng hưởng với lợi ích và toan tính của các nước lớn thì tình hình sẽ hết sức nghiêm trọng, sẽ dẫn tới sự đối đấu giữa Nga và Mỹ, giữa Nga với EU, thậm chí dẫn tới xung đột vũ trang giữa Nga và các nước Hiệp ước an ninh tập thể SNG (CSTO) với NATO. Thế giới đang đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Crưm 

Vì thế, sự ổn định và phát triển của Ukraine trong tương lai gần vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiều yếu tố, trong một cuộc chơi địa chính trị phức tạp, khó lường. Một kịch bản chia đôi Ukraine thành hai miền Đông - Tây là điều mà cả châu Âu lẫn Nga đều không mong muốn, bởi nó không khác gì việc khởi động lại một cuộc "Chiến tranh lạnh" của thế kỷ 21.

Quan điểm của cá nhân tôi ủng hộ một đất nước Ucraina hòa bình, phát triển bền vững, hội nhập tốt với khu vực và thế giới.

Muốn vậy, chính người dân Ucraina phải lựa chọn tìm ra được một tầng lớp tinh hoa lãnh đạo đất nước, đoàn kết dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập tự chủ, tự cường, hài hòa lợi ích của các dân tộc Ucraina, hài hòa lợi ích của Ucraina với lợi ích của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.

Phương Mai - Tùng Đinh (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn