Chuyên gia văn hóa: 'Quan niệm chi nhiều tiền giải được nhiều hạn là sai lầm'

Thời sựThứ Bảy, 24/02/2018 17:38:00 +07:00

Chuyên gia văn hóa, tín ngưỡng khẳng định tục dâng sao giải hạn không nằm trong giáo lý nhà Phật, nghi lễ này đang bị biến tướng, thương mại hóa và gây nhiều hệ lụy về tâm linh.

Mỗi dịp đầu năm, người dân lại kéo đến các chùa chiền, miếu phủ... để dâng sao giải hạn. Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục với các mức giá cả khác nhau. Có người chi vài trăm nghìn đồng, có người bỏ ra tiền triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng cho một khóa lễ.

Ngay tại Hà Nội, người dân Thủ đô còn tràn cả lên cầu, ra đường bất chấp vi phạm luật lệ giao thông để vái vọng vào chùa Phúc Khánh mỗi dịp diễn ra lễ dâng sao giải hạn. Những hình ảnh này năm nào cũng bị lên án nhưng chưa bao giờ giảm bớt.

Liệu việc dâng sao giải hạn tốn nhiều tiền của, bất chấp cả vi phạm luật giao thông... có hóa giải được những điều xấu, tai ương của con người vào mỗi dịp đầu xuân năm mới?

Người dân ngồi tràn cả ra đường dự lễ dâng sao giải hạn

Người dân tràn ra đường dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh. (Ảnh: Zing.vn)

Quan niệm chi nhiều tiền giải được nhiều hạn là sai lầm

Trả lời PV VTC News về nguồn gốc của tục dâng sao giải hạn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Trần Lâm Biền cho biết, tín ngưỡng này xuất phát từ vùng Trung Cận Đông.

tran-lam-bien-2-giaoduc.net.vn 3

 

Dâng sao giải hạn không phải là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, đây chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên.

GS. TS Trần Lâm Biền

Họ quan niệm rằng, từ trật tự của sao trời sẽ nhìn nhận được số phận của con người. Mỗi con người được sinh ra vào các giờ khác nhau và khi người ta nhìn lên trời thấy trật tự sao trời cũng khác với những giờ trước và sau đó.

Thế nên, người ta mới liên tưởng rằng trật tự sao trời liên quan đến số phận của con người và từ đó sinh ra tử vi.

Khi có tử vi soi chiếu, trong số phận của mỗi con người sẽ có lúc tốt, lúc xấu và qua sự phát triển, người ta nhìn nhận có sao tốt, sao xấu ứng vào từng thân phận. Bằng chiêm nghiệm, nhiều người nghĩ đến việc làm thế nào để “tránh xấu, hưởng tốt”.

Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tục dâng sao giải hạn hiện nay. Nhưng trên thực tế, con người làm sao thay đổi được trật tự của sao trời?

GS Trần Lâm Biền phân tích: "Dâng sao giải hạn không phải là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, đây chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên.

Bởi vậy, không có gì tốt hơn là tự tu thân, dùng trí tuệ để nhìn nhận mọi sự, mọi việc, tránh những hành động sai trái, rồi đi “hối lộ” thần linh, “đặt cược” với thần linh, như vậy thì tội lỗi về mặt tâm linh sẽ lớn hơn rất nhiều".

dang sao giai han1 4

 Người dân tới chùa đăng kí dâng sao giải hạn. (Ảnh: Hương Lan)

Nhiều người quan niệm, càng chi nhiều tiền càng giải được nhiều hạn nên mới "ném tiền qua cửa sổ" phó mặc số phận cho những thầy bói toán, tướng số.

Bác bỏ quan niệm trên, GS Trần Lâm Biền cho rằng, dâng sao giải hạn khởi đầu chỉ mang nghĩa là một sự an ủi chứ không phải là giải thoát được những cái xấu, chỉ hưởng cái tốt. Tục dâng sao giải hạn là do con người nghĩ ra chứ không nằm trong hệ thống trời đất.

"Giữa trời đất và con người không có chuyện ảnh hưởng đến nhau mà vượt ra ngoài đạo đức, nhân tính cũng như văn hóa. Không thể có chuyện, một người làm các điều xấu để rồi dâng sao giải hạn sẽ tránh thoát được nhân quả đã làm.

Nếu người nào quan niệm càng chi nhiều tiền càng giải được nhiều hạn là sai lầm. Nếu như vậy, người giàu sống lâu, có nhiều sức khỏe, còn người nghèo thì ngược lại chăng?", GS Biền đặt ra câu hỏi.

Đánh giá về nghi lễ dâng sao giải hạn, GS Trần Lâm Biền khẳng định việc làm này đang bị biến tướng và thương mại hóa. Việc nơi này nơi khác nâng giá dâng sao giải hạn chính là kinh doanh tín ngưỡng, dần dần nó sẽ biến tướng thành tệ nạn.

"Đạo Phật là một hệ triết học vô thần, từ bi và thoát tục. Khi  nghi thức dâng sao giải hạn được du nhập vào Việt Nam cho thấy có sự suy lạc của nhận thức, lòng tin đối với đạo.

Những người tu hành Phật giáo nên hiểu để gạn những tục lệ biến tướng này ra khỏi cảnh chùa, để giữ được sự thanh tịnh, tinh khiết, đề cao được đạo lý của đức Phật", GS Trần Lâm Biền cho hay.

Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý Nhà Phật

Trước đó, trả lời PV VTC News về tục dâng sao giải hạn của người Việt, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 13, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội từng khẳng định: "Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật".

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là Lão Tử. Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam.

Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.

Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu, năm nào sao xấu chiếu mệnh con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật gọi là vận hạn.

1hthao3

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm. (Ảnh: Giác Ngộ Online) 

Khẳng định việc dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, nhưng Hòa Thượng cho rằng giữa tín ngưỡng dân gian và nghi lễ của Phật giáo thì đều gặp nhau ở một điểm là cầu mong cho con người được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống.

"Cho nên, ở trong chùa từ lâu rồi cũng có làm nhưng tùy từng chùa thực hiện với các nghi thức khác nhau. Cũng có chùa, đền, phủ... cúng theo tín ngưỡng cổ truyền là dâng sao, cũng có nơi như Phật giáo chỉ tụng kinh lễ Phật.

Hiện nay, người dân dâng sao giải hạn là đang quan niệm theo tín ngưỡng, cầu mong một cuộc sống được an bình trong một năm", Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ.

Khi được hỏi về việc rất nhiều người dân đổ tiền bạc vào việc dâng sao giải hạn đầu năm mới, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đưa ra lời khuyên: "Đừng vì khó khăn mà thấy người khác làm cũng chạy đua theo để ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình. Đừng nên làm thái quá, đừng làm những điều phung phí ảnh hưởng đến tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh".

Thay bằng việc mất tiền của để dâng sao giải hạn, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng: "Tôi cũng như tất cả các bạn, ai cũng mong nói với nhau những lời đẹp đẽ nhất. Mong muốn cho mình và tất cả mọi người đều được bình an, mọi công việc được hanh thông, thuận lợi và thành đạt.

Dù là người giàu hay người nghèo cũng chỉ cần một cái tâm trong sáng, bởi vậy mong mọi người đi lễ với tâm thành kính chứ đừng để tư lợi chi phối".

Video: Những hiểu lầm về dâng sai giải hạn

Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phước Long (Vĩnh Bảo, Hải Phòng):

"Dâng sao giải hạn không phải là một nghi lễ của Phật giáo, không nằm trong đạo Phật. Kinh sách của Phật giáo không đề cập đến việc ngôi sao chiếu mạng vào con người mà nhờ đó được hưởng phúc lợi hay mang tai họa.

Trong kinh sách Phật giáo cũng không nói đến nghi lễ cúng sao giải hạn cho Phật tử. Bởi vì, đối với Phật giáo, không có ngày xấu, không có ngày tốt, mà cũng không có sao hạn xấu tốt.

Theo kinh điển Phật giáo, tất cả phúc lộc hay tai hoạ, thành công hay thất bại mà con người có được hay gặp phải đều do nhân quả của chính người ấy làm nên chứ không phải do ai ban phát cho. Nếu làm nhiều việc tốt sẽ gặp điều lành, làm việc ác gặp quả báo.

Làm lễ giải hạn chỉ là nhu cầu tâm linh để lòng được bình an. Dù người ta có dâng sao giải hạn, có đi chùa cầu cúng mà khi tham gia giao thông không tuân thủ luật, rồi làm những điều xấu thì cũng không có thần thánh nào cứu được.

Nghi lễ dâng sao giải hạn không có nguồn gốc từ Phật giáo nhưng đáng tiếc, nghi lễ này đang bị biến tướng ở nhiều nơi và trở thành tệ nạn. Theo tôi, cần phê phán sự lạm dụng đến mức đi quá xa như một số chùa đang làm.

Để phong tục không trở thành hủ tục, mỗi người nên cẩn trọng tìm hiểu. Dâng sao giải hạn không nhất thiết đền chùa, thay vì đồ lễ đắt tiền, mâm cao cỗ đầy, người dân chỉ cần dâng hương hoa tại nhà để tỏ lòng thành".

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn